Thứ năm, 28/03/2024 18:21 (GMT+7)

Những bến đò 3 không

Xuân Hiệp -  Thứ sáu, 22/09/2017 15:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều bến đò 3 không: "Không phép; không đăng ký đăng kiểm và không áo phao, thiết bị an toàn cho người đi đò" trên địa bàn tỉnh Bình Phước vẫn lén lút hoạt động.

Mặc dù đã được các lực lưỡng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý, thế nhưng nhiều bến đò 3 không: "Không phép; không đăng ký đăng kiểm và không áo phao, thiết bị an toàn cho người đi đò" trên địa bàn tỉnh Bình Phước vẫn lén lút hoạt động. Thậm chí còn chở người và hàng quá tải, tiềm ẩn những nguy cơ tai nạn khó lường đối với hành khách mỗi khi đi trên chuyến đò.

Rợn người trong vai hành khách qua đò

Những con sông ở Bình Phước, mùa mưa nước đỏ ngầu, dâng cao, lại chảy xiết cuồn cuộn rất nguy hiểm. Thời gian qua, lực lượng chức năng đã tập trung giải quyết, xử lý những sai phạm liên quan đến đò hoạt động không phép, không đảm bảo an toàn. Tuy nhiên hiện trên các tuyến sông, đập của tỉnh vẫn có nhiều bến đò không phép hàng ngày chở người quá tái và phương tiện qua lại, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn khó lường. Trên địa bàn huyện Lộc Ninh vẫn còn một số bến đò “3 không” - không giấy phép, không đăng ký đăng kiểm và không áo phao, thiết bị an toàn cho người đi đò.

Có mặt tại bến đò trên đập thủy điện Srok Phu Miêng, đoạn thuộc địa bàn 2 xã Lộc Phú, Lộc Quang (Lộc Ninh) tiếp giáp với xã Bình Thắng (Bù Gia Mập). Sau lối đi ngoằn ngoèo nối từ đường liên ấp xuống bến đò, xuất hiện trước mắt là con đò gỗ rộng chừng 2m, dài 5m, nhiều chỗ gỗ đã mục nát. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới đưa được chiếc xe máy lên đò, ổn định chỗ ngồi rồi con đò từ từ quay đầu rời bến. Chúng tôi “nổi gai ốc” mỗi khi có thuyền đánh cá của người dân chạy qua, từng đợt sóng đánh vào mạn đò khiến con đò lắc lư, chòng chành giữa dòng nước. Anh Nguyễn Văn Long, ngụ ấp Tân Hai, xã Lộc Phú, chủ con đò cho biết tâm sự: "Gia đình làm nghề đưa đò trên đập thủy điện đã gần 10 năm. Mỗi ngày gia đình anh kiếm được trên dưới 1 triệu đồng từ con đò này, tương đương khoảng 100 lượt người và phương tiện qua lại. Mặc dù đã nhiều lần bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt nhưng vì lợi nhuận và cũng vì nhu cầu của người dân, bến đò này vẫn tiếp tục hoạt động".

Chủ lái và khách sang đò không mặc áo phao

Bến đò ấp Tân Hai, xã Lộc Phú chỉ là một trong rất nhiều bến đò không an toàn đang hoạt động trên đập thủy điện Srok Phu Miêng. Ông Trần Văn Quyền, chủ con đò tại xã Lộc Quang cho biết, trên đập thủy điện trước đây có 4 đò hoạt động, nhưng giờ chỉ còn 3 vì một đò đã hư hỏng nặng không thể sử dụng.
Sở dĩ các bến đò này nhiều lần thoát khỏi những đợt kiểm tra đột xuất của lực lượng chức năng là do chủ các con đò đã tự đặt ra những quy định riêng, rất tinh vi như: Khách bên bến nào thì đò bến đó đưa. Nếu có lực lượng kiểm tra thì ngầm thông báo cho nhau để kịp thời di chuyển đò cất giấu.
Những vụ tai nạn dẫn đến cái chết thương tâm
Biết các con đò quá thô sơ, thực sự nguy hiểm khi lưu thông nhưng hằng ngày vẫn có hàng trăm lượt người dân ở địa bàn 2 huyện Lộc Ninh và Bù Gia Mập qua lại. Theo họ, nếu đi từ Lộc Ninh qua huyện Bù Gia Mập theo đường bộ phải chạy vòng qua huyện Bù Đốp hoặc huyện Hớn Quản với chiều dài khoảng 40-50km. Trong khi đi đò từ Lộc Ninh qua huyện Bù Gia Mập và ngược lại chỉ khoảng 500m đường thủy là tới. Biết nguy hiểm nhưng khoảng cách được rút ngắn gần và đỡ tốn chi phí đi lại.

Con đường gập ghềnh qua sông hiểm nguy

Thật bất an khi tận mắt chứng kiến cảnh những chuyến đò trái phép này đang hàng ngày dập dềnh đưa khách qua sông. Những chủ đò vẫn bất chấp nguy hiểm đe dọa tính mạng của những người ngồi trên con đò và chính mạng sống, tài sản của gia đình mình. Không thể lường trước tai nạn sẽ xảy ra bất cứ lúc nào. Ông Phạm Quốc Chiến, Trưởng công an xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh cho biết: "Sở Giao thông - Vận tải và Công an huyện đã nhiều lần xử phạt, đình chỉ hoạt động các bến đò này. Qua thời gian theo dõi, chúng tôi phát hiện các bến đò này vẫn hoạt động. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, báo cáo về Công an huyện để có hướng xử lý".
Điển hình như buổi trưa nắng một vụ tai nạn thương tâm do lật thuyền đã xảy ra trên sông Lấp (thuộc địa bàn thôn 6, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng, Bình Phước) khiến bốn người tử vong.
Theo đó, vào thời điểm trên, tám người (đều ngụ thôn 6, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng, Bình Phước) đi trên một con thuyền sang bên kia sông thăm người thân về. Do chở quá nhiều người, chiếc thuyền có dấu hiệu chao đảo và bị lật đẫn đến 8 người trên thuyền đều bị rơi xuống nước. Bốn người may mắn sống sót bơi được vào bờ là chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (sinh năm 1970), anh Nguyễn Thanh Phong (sinh năm 1974), chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (sinh năm 1976) và cháu Nguyễn Quỳnh Minh Anh (sinh năm 2012). Các nạn nhân xấu số còn lại được lực lượng cứu hộ của tỉnh và huyện Bù Đăng tiếp tục tìm kiếm, trục vớt. Cơ quan chức năng đã tìm thấy 4 thi thể của anh Nguyễn Tấn Cường (sinh năm 1979, giáo viên Trường cấp II-III Lương Thế Vinh) và vợ là chị Huỳnh Thị Thu (sinh năm 1980), ông Lưu Văn Hạnh (sinh năm 1969) và con trai Lưu Hoàng Phúc (sinh năm 2009). Vụ chìm đò 7 người mất tích tìm được 6 thi thể tai nạn thương tâm xảy ra trên sông Măng (thuộc xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước).
Người dân ngại đi đường vòng
Bến đò trên sông Mã Đà (một nhánh của sông Bé) hoạt động từ trước năm 2000. Đây là bến đò dân sinh nối liền địa bàn 2 xã Tân Hòa (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) và xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Người dân muốn đi qua địa bàn 2 tỉnh với quãng đường ngắn nhất chỉ có một lựa chọn là vượt sông Mã Đà thông qua bến đò này.
Anh Võ Thành Thật, chủ đò cho biết: “Vào mùa nước xuống, người dân 2 tỉnh có thể đi qua sông bằng cầu phao. Nhưng mùa nước lên, cầu phao bị ngập phải đi đường vòng mất nhiều thời gian. Vì vậy, gia đình tôi đã làm một chiếc đò gỗ nhỏ để qua lại sông Mã Đà. Thấy người dân có nhu cầu đi lại bằng đò cho tiện, gia đình đã đóng chiếc thuyền lớn để chở khách. Đến nay, gia đình đã gắn bó với nghề chở khách qua đò hơn 10 năm. Trung bình mỗi ngày có hơn 100 lượt khách đi đò”.
Việc mở bến đò giúp người dân 2 xã có nhu cầu qua lại là rất hữu ích. Tuy nhiên, bến đò qua sông Mã Đà hoạt động không đảm bảo an toàn, không có giấy phép, chủ đò chưa có bằng lái. Con đò do gia đình anh Thật đóng rất thô sơ, không có máy đẩy, chỉ dùng sức người. Anh Thật phải căng hai sợi dây thừng lớn, dài khoảng 30m kéo ngang qua sông. Hai đầu dây được cột chặt vào hai gốc cây hai bên bờ sông, rồi người chèo đò bám vào hai dây đó kéo đò qua sông. Giữa con đò và sợi dây được liên kết với nhau bằng sức người nên không đảm bảo an toàn khi nước chảy mạnh. Mặc dù chủ đò chưa trang bị áo phao nên rất nguy hiểm luôn rình rập hành khách.
Anh Nguyễn Văn Ba ở xã Mã Đà, người thường xuyên đi qua đò chia sẻ: “Ngày nào tôi cũng qua đò chở cá ra chợ Đồng Xoài bán. Trước đây khi chưa có bến đò, tôi phải đi đường vòng mất cả trăm cây số. Từ ngày có đò, việc qua lại thuận lợi hơn rất nhiều. Tuy không an toàn nhưng tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí”. Đi chiều ngược lại, chị Phạm Thị Oanh có nhà ở xã Tân Hòa (Đồng Phú), nhưng đất sản xuất ở tỉnh Đồng Nai. Dù bến đò không đảm bảo an toàn, nhưng hằng ngày chị vẫn phải đi qua, vì đi đường vòng quá xa".
Bến đò không đảm bảo an toàn nên trước đây Công an tỉnh Đồng Nai đã cấm hoạt động. Nhưng vì nhu cầu của người dân hai bên bờ, sau đó bến đò được hoạt động trở lại. “Vì mưu sinh của gia đình và cũng để đáp ứng nhu cầu của nhiều người dân nên tôi đã xin công an cho hoạt động trở lại. Tới đây, tôi sẽ đi học để được cấp bằng lái và sửa chữa lại đò, nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách”. Anh Thật nói!
Mặc áo phao làm gì cho vướng!
Khác với bến đò của anh Thật, bến đò Hai Sang nối thôn 1 (xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập) với thôn 4, xã Bom Bo (Bù Đăng) do gia đình bà Trần Thị Phẩm trang bị chưa đầy đủ, không đảm bảo an toàn cho hành khách. Bến đò Hai Sang hoạt động tự phát từ những năm 1995, khi Nhà máy thủy điện Cần Đơn tích nước, với chiều dài tuyến đò hoạt động khoảng 1km. Từ năm 2006 bà Phẩm chưa đăng ký giấy phép cho bến đò hoạt động và thực hiện đăng ký, đăng kiểm phương tiện đưa rước khách.
Bà Phẩm, hành khách đi đò cho biết: “Do khoảng cách hai bờ dài hơn 1km nên tôi đã đóng 2 chiếc đò sắt chở khách có trọng tải 8 tấn và một đò chở hàng trọng tải 30 tấn. Hai phương tiện này không đáp ứng các tiêu chuẩn về đảm bảo an toàn cho hành khách. Bên cạnh đó, chủ đò chưa trang bị áo phao, phao cứu sinh theo quy định. Người lái đò chưa được cấp bằng lái, chưa có kinh nghiệm điều khiển phương tiện giao thông đường thủy. Vào những ngày thời tiết xấu, những con đò xuất bến rất nguy hiểm tính mạng, nhằm tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra”.
“Trước đây chưa có đò sắt mà chỉ là đò gỗ (đò đạp), mỗi lần đi qua tôi thấy rất nguy hiểm. Bây giờ đã có đò sắt nhưng nước sông dâng cao, đường gập ghềnh rất nguy hiểm, chủ đò lại chưa trang bị áo phao đầy đủ, nên chúng tôi không yên tâm mỗi khi qua đò”. Ông Hồ Văn Nhàn, nhà ở thôn 1, xã Phú Văn chia sẻ.
Trung bình mỗi ngày bến đò Hai Sang đưa rước trên 100 lượt khách qua lại. Nhất là vào mùa thu hoạch điều, cà phê, lượng khách tăng, có ngày 200-300 lượt. Dù chưa được trang bị áo phao đầy đủ, lực lượng công an xã cũng kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên nhưng người dân vẫn không mặc áo phao mỗi khi qua đò. Khi chúng tôi có mặt tại bến đò, thấy toàn bộ hành khách không mặc áo phao. Chị Nguyễn Thị Hân, một người đi đò cho biết: “Lòng hồ ở đây nước chảy xiết, cuồn cuộn nhưng hành khách, chủ phương tiện không mặc áo phao. Khoảnh cách bờ sông cách qua nhà dân rất xa nên mọi người cảm thấy mặc áo phao làm gì cho vướng”.
Ông Đậu Đình Lương, Trưởng Công an xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập cho hay: “Trên địa bàn huyện Bù Gia Mâp có 19 bến đò tự phát. Từ năm 2006 đến nay, bến đò này thường xảy ra tai nạn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân; tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các chủ đò nghiêm túc thực hiện Luật An toàn giao thông đường thủy; hành khách phải mặc áo phao mỗi khi qua đò nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho nhân dân, nhất là vào mùa mưa bão”. /.

Bạn đang đọc bài viết Những bến đò 3 không. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuyên đêm cùng Công an TP Biên Hòa xử lý "thần men"
Lực lượng CSGT-TT Công an TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ,... nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.