Thứ năm, 28/03/2024 22:04 (GMT+7)

Hà Nội: Hàng loạt nhà máy xử lý nước thải có cũng như không

MTĐT -  Thứ tư, 09/01/2019 17:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hàng loạt trạm xử lý nước thải được kỳ vọng làm hồi sinh nhiều dòng "sông chết" ở Hà Nội nhưng nhiều năm qua hoạt động không hiệu quả, xây xong không hoạt động... gây bức xúc dư luận.

Trạm xử lý nước thải Tân Triều bỏ hoang gần 10 năm

Làng nghề xã Tân Triều được Hà Nội đầu tư xây dựng trạm thu gom, xử lý nước thải tập trung vào năm 2005, tổng kinh phí khoảng 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ khi xây dựng đến nay trạm chưa từng đưa vào vận hành, toàn bộ nước thải của làng nghề được xả thẳng ra môi trường.

Dự án được UBND Huyện Thanh Trì triển khai thực hiện năm 2007 trên địa bàn xã Tân Triều với diện tích trên 50.000m2 đến năm 2010 dự án hoàn thành.

Dự án được xây dựng với mục đích phục vụ cho các hộ hoạt động sản xuất kinh doanh làng nghề của địa phương. Tuy nhiên, từ khi hoàn thành đến nay, công trình vẫn chưa đi vào hoạt động. Do vậy nước thải trong quá trình sản xuất các doanh nghiệp tự xây dựng công trình xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường.

Trạm xử lý nước thải Tân Triều bỏ hoang trong 10 năm qua. Ảnh: VNE. 

Theo lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì, nguyên nhân trạm xử lý nước thải chưa được khai thác là do doanh nghiệp trước đây làm chủ đầu tư  năng lực tài chính hạn chế; lý do khác là lượng nước xả thải ở cụm công nghiệp, làng nghề còn ít.

Theo báo Tổ Quốc, UBND xã Tân Triều đã có kiến nghị lên UBND Huyện Thanh Trì và đến năm 2016 phía Thành phố đã bàn giao lại dự án khu công nghiệp sản xuất tập trung xã Tân Triều - trạm xử lý nước thải, cho công ty CP đầu tư và Kinh doanh xuất nhập khẩu Vạn Thuận để tiếp tục quản lý và khai thác khu công nghiệp.

Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá “bất động” sau 2 năm khởi công

Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội) có tổng vốn đầu tư hơn 61 triệu yên (tương đương hơn 16.293 tỷ đồng). Dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản, thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), chiếm tới 85% tổng vốn đầu tư; còn lại là vốn đối ứng của TP. Hà Nội.

Dự án được khởi công vào tháng 10/2016. Theo kế hoạch dự kiến, dự án có công suất xử lý là 270.000 m3 nước/ngày đêm, thu gom nước thải trên diện tích 4.874 ha, thuộc các quận Ba Đình, Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông và Thanh Trì. Cùng với đó là kỳ vọng sẽ "hồi sinh" các con sông như Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ, góp phần tạo cảnh quan, sinh thái đô thị, phát triển bền vững Thủ đô.

Sau hai năm khởi công, dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá vẫn chỉ là một bãi đất bỏ hoang. Ảnh: CAND. 

Tại thời điểm khởi công, Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10/2019, tức là trước 2 năm so với thiết kế ban đầu (2021). Việc rút ngắn thời gian này được tính toán sẽ tiết kiệm được 40 triệu USD. 

Tuy nhiên, sau hơn 2 năm khởi công, dự án vẫn đang nằm bất động. Khu đất xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá được quây tôn kín mít các cổng dẫn vào khu đất đều khóa trái, phía trong không có bất kỳ hoạt động nào.

Được biết, dự án gồm có 4 gói thầu xây lắp chính được tổ chức đấu thầu cạnh tranh quốc tế gồm: Gói thầu số 1 xây dựng nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá, công suất 270.000 m3/ngày đêm; Gói thầu số 2 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính; Gói thầu số 3 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Lừ; Gói thầu số 4 xây dựng hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông và các khu đô thị mới.

Tuy nhiên, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội, vừa ra quyết định hủy thầu gói thầu số 3.

Nhật Hạ(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Hàng loạt nhà máy xử lý nước thải có cũng như không. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.