Thứ sáu, 29/03/2024 02:36 (GMT+7)

Doanh nghiệp nản lòng vì thủ tục hành chính rườm rà ở KTT Nghi Sơn?

Văn Chương -  Thứ bảy, 20/10/2018 09:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tập đoàn Công Thanh cho rằng thời gian qua rất vất tháo gỡ các thủ tục để triển khai các dự án mà đã được các bộ ngành phê duyệt tại Khu Kinh tế Nghi Sơn.

Cách đây không lâu, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội dẫn lại hình ảnh so sánh “đất lành chim đậu, nhưng chim chưa đậu thì đã nhậu hết chim” để nói về hạn chế của môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Theo vị này, chúng ta đang tích cực kêu gọi đầu tư nhưng vẫn còn tình trạng kêu gọi đầu tư theo kiểu “trên trải thảm, dưới rải đinh”, khiến cho “các nhà đầu tư đi trên thảm nhung nhưng vẫn nhức nhối vì hàng đinh ở dưới”.

Ông Tiến nhấn mạnh, chúng ta tha thiết mời gọi các nhà đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội nhưng những chủ trương chính sách tốt đẹp, thông thoáng, lại bị khâu thực hiện là những rào cản, barie làm vô hiệu hóa. Nhiều nơi làm khó cho các nhà đầu tư như cắt điện, cắt nước, dựng rào, chắn cổng... khiến doanh nghiệp khốn đốn, doanh nhân nản lòng.

Tập đoàn Công Thanh khẳng định Cảng chuyên dụng Công Thanh rất cần thiết.

Lãnh đạo Tập đoàn Công Thanh chia sẻ tình trạng “trên trải thảm, dưới rải đinh” dường như đang xảy ra tại Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa). Thời gian qua, doanh nghiệp này vất vả vì những thủ tục hành chính vướng mặc tại đây mà không được hướng dẫn ‘mở nút thắt’. Nhiều năm trời, các dự án đã được phê duyệt từ trước đó cứ nằm im bất động dù doanh nghiệp đã “chạy đôn, chạy đáo” rất nhiều lần để xin tháo gỡ.

Năm 2008, khi vùng ven biển Tĩnh Gia (Thanh Hóa, nay là Khu kinh tế Nghi Sơn) còn là vùng lầy lội, chưa phát triển, Tập đoàn Công Thanh đã đặt chân vào đây đầu tư. Họ là một trong những doanh nghiệp lớn đầu tiên đến mảnh đất này để tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Nhà máy xi măng được xây dựng, giải quyết rất nhiều việc làm cho người lao động. Lúc đầu, các thủ tục để đầu tư rất nhanh chóng, thuận lời nhưng sau đó, khi có nhiều doanh nghiệp lớn khác đến, Tập đoàn Công Thanh mới 'tá hỏa' nhận ra đang vướng phải cảnh “trên trải thảm, dưới rải đinh”. Đại diện Tập đoàn Công Thanh khẳng định vì thủ tục rườm rà, tập đoàn bị “sa lầy” ở hai dự án Cảng chuyên dụng Công Thanh và Nhà máy nhiệt điện Công Thanh.

Cụ thể, đối với Cảng chuyên dụng Công Thanh, năm 2011, Dự án này được phê duyệt với quy mô ban đầu là 500 m, chiều dài cảng. Sau đó, đến 7/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương mở rộng cảng thêm 400m nữa, nâng tổng diện tích chiều dài cảng lên 900 m. Quy hoạch này đã được cả Bộ GTVT và tỉnh Thanh Hóa chấp thuận và doanh nghiệp đã bỏ ra số tiền hơn 1.000 tỷ đồng để san lấp mặt bằng, xây kè chắn song, đổ bê tông và một phần chi phí tự giải phòng mặt bằng. Nhưng mới đây, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn bất ngờ đề nghị thu hồi 400 m. Lý do họ đưa ra là đây là phần mở rộng thêm của Cảng chuyên dùng Công Thanh để phục vụ hàng hoá cho Nhà máy sản xuất phân đạm Công Thanh.Tuy nhiên, hiện Nhà sản xuất máy phân đạm Công Thanh đã bị đề xuất thu hồi vì thế, cảng chuyên dùng Công Thanh cũng không cần thiết phải mở rộng nữa.

“Họ đề nghị thu hồi mà không hề bàn bạc với chủ đầu tư. Trước đó khi chúng tôi tiến hành san lấp, xây kè, đổ bê tông, giải phòng mặt bằng không có ai đến nói gì. Đến nay công trình đã khang trang, họ lại đề nghị thu hồi”, ông Nguyễn Công Lý, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công Thanh bức xúc.

Mới đây, tại buổi làm việc của Tập đoàn Công Thanh với ông Nguyễn Văn Thi, Giám đốc BQL Khu Kinh tế Nghi Sơn, ông Phùng Văn Phát, Phó Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng Cảng – Đường thủy (Tediport) khẳng định để nhà máy xi măng và nhà máy nhiệt điện Công Thanh hoạt động thì Cảng chuyên dụng Công Thanh phải dài 900 m mới đáp ứng được.

Vị này phân tích, hiện tại công suất của nhà máy xi măng Công Thanh là 12.000 tấn/ngày đêm, nếu làm tăng ca có thể lên đến gần 20.000 tấn/ngày đêm. Với công suất 1 bến cảng chuyên dùng theo thiết kế là 30.000 tấn thì chỉ 2 ngày là phải giải phóng xong 1 con tàu. Nếu bến cảng, cầu cảng không đủ rộng, không có khu dự trữ để chuyển tải sẽ rất khó khăn.

Ông Nguyễn Đăng Mãi, Giám đốc dự án Nhiệt điện Công Thanh cho biết trong thời gian tới, khi Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh tiếp tục triển khai sẽ phải nhập hàng triệu tấn than. Nếu chỉ có cảng 500 m, doanh nghiệp lo sẽ bị “vỡ trận” vì quá tải.

Doanh nghiệp tố bị "mắc cạn" 2 dự án ở Khu Kinh tế Nghi Sơn vì thủ tục rườm rà.

"Hiện nay chúng tôi phải thuê 3 cảng để vận chuyển xi măng với số tiền hơn 200 tỷ đồng/năm. Vì thế nhu cầu xây cảng của doanh nghiệp là có thực. Thế nhưng chúng tôi cảm thấy không được địa phương thấu hiểu và giúp gỡ nút thắt để đầu tư”, vị này nói.

Mặc dù cả đơn vị tư vấn và doanh nghiệp đều đưa ra những con số cụ thể, căn cứ theo khoa học nhưng lãnh đạo Ban quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn vẫn khẳng định nếu xây cảng 900 m là “lãng phí”.

Đối với dự án Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh được khởi công xây dựng từ năm 2011 nhưng đến nay sau 7 năm vẫn “vướng” thủ tục từ địa phương. Ông Nguyễn Đăng Mãi nói rằng ông nhận thấy lãnh đạo Ban quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và Khu công nghiệp chưa có những hướng dẫn rõ ràng để doanh nghiệp thực hiện. Điều này dẫn đến chậm trễ trong quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng.

Về hệ thống băng tải than, khi Công Thanh vào Khu Kinh tế Nghi Sơn chưa có Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Khi nhà máy lọc dầu vào, họ yêu cầu tuyến của hệ thống băng tải than phải thay đổi.

Lúc đó, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã về họp với Công Thanh và nói rằng băng tải của nhà máy nhiệt điện phải vòng lên núi, đào hầm. “Nếu làm như thế thì giá điện phải lên đến 5.000 đồng/kWh. Lúc đó, chúng tôi phải giải thích công văn đi lại, họp bao nhiêu lần thì 7-8 tháng sau lại có công văn là giữ nguyên hiện trạng. Như vậy, chúng tôi mất gần 1 năm mà mọi việc vẫn đứng nguyên một chỗ. Trong khi đó, để hoàn thành thủ tục xây dựng Nhà máy nhiệt điện hay cảng Công Thanh phải trải qua rất nhiều thủ tục khác”, vị này nói.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Thanh Hoá trong năm 2017 đứng thứ 28 trên cả nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh. Nhiều người đặt câu hỏi, với việc bị doanh nghiệp "tố" thủ tục hành chính rườm rà liệu có phải là một điểm trừ trong Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Thanh Hóa nói chung, Khu Kinh tế Nghi Sơn nói riêng?

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp nản lòng vì thủ tục hành chính rườm rà ở KTT Nghi Sơn?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.