Thứ năm, 18/04/2024 22:42 (GMT+7)

Hà Nội: Nhiều trạm xử lý nước thải khu công nghiệp bỏ hoang

MTĐT -  Thứ năm, 14/09/2017 22:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ban Đô thị - HĐND thành phố Hà Nội kết luận, còn nhiều tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện quy định pháp luật về thu gom và xử lý nước thải khu công nghiệp.

Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 43 cụm công nghiệp (CCN) đã đi vào hoạt động ổn định, trong đó có 21 CCN đã và đang được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải. Có 3 cụm đã có dự án nhưng chưa đầu tư, còn lại 19 cụm chưa có dự án đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung.

Trạm xử lý nước thỉa tập trung tại làng nghề Tân Triều chưa được vận hành sau 10 năm đầu tư

Trong số các cụm đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung, mới chỉ có 13 cụm hoạt động ổn định trạm, 8 cụm đã có trạm nhưng chưa hoạt động hoặc không hoạt động. Một số trạm có công suất thiết kế khá lớn như cụm Bát Tràng (Gia Lâm), Duyên Thái (Thường Tín), Nguyên Khê (Đông Anh)…, không được vận hành hoặc vận hành không đạt chất lượng.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên & Môi trường cho biết, nhiều trạm xử lý nước thải tập trung của các cụm công nghiệp đã được xây dựng cũng không có hệ thống quan trắc nước thải tự động theo đúng quy định.

Cá biệt, có những trạm xử lý nước thải được đầu tư xây dựng từ 10 năm trước nhưng chưa một lần được vận hành. Cụ thể, cụm sản xuất làng nghề tập trung Tân Triều (Thanh Trì) được được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung từ năm 2007, nhưng đến nay, hệ thống chưa một lần được vận hành. Trong khi đó, các doanh nghiệp ở đây chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nhuộm vải, nhựa tái chế, sản xuất giấy, nước uống tinh khiết, lượng nước thải chứa nhiều hóa chất không được xử lý tập trung trước khi thải ra môi trường.

Điểm công nghiệp Hồ Điền, xã Liên Trung (Đan Phượng) chưa được xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, nên toàn bộ nước thải trong quá trình sản xuất và sinh hoạt của các doanh nghiệp đều xả thẳng ra môi trường gây hệ lụy đáng báo động về môi trường.

Giải thích về tình trạng nước thải công nghiệp chưa mang lại hiệu quả, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, công tác quản lý vận hành trạm xử lý nước thải còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp chưa phối hợp với các chủ đầu tư của cụm công nghiệp trong việc đấu nối thoát nước để thu gom nước thải về trạm, dẫn đến một số trạm đã hoạt động nhưng vẫn dưới công suất thiết kế rất nhiều, lãng phí đầu tư.

Ngoài ra, nhận thức của các doanh nghiệp về bảo vệ môi trường còn hạn chế, các cơ sở đã thực hiện cam kết bảo vệ môi trường, đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường. Việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường, trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại chưa đầy đủ theo quy định, vẫn thực hiện mang tính đối phó.

Trưởng ban Đô thị Nguyễn Nguyên Quân nhận định, nếu không sớm có phương án tổng thể để giải quyết thực trạng này thì vấn đề môi trường rất đáng lo ngại. Do đó, cần làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành khi để tồn tại các trạm đã được đầu tư xây dựng nhưng không vận hành hoặc vận hành không hiệu quả.

Để khắc phục ngay những hạn chế, HĐND Thành phố đã thông qua kế hoạch, trong đó, đến hết năm 2017, tỷ lệ cụm công nghiệp đã hoạt động ổn định có trạm và hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung đạt 55,8%. Sở Xây dựng cần phối hợp với Sở Công thương và Sở Tài nguyên & Môi trường rà soát, đánh giá lại cơ chế của thành phố, tham mưu UBND TP trình HĐND điều chỉnh cơ chế cho phù hợp nếu cần thiết.

Đồng thời, các Sở chuyên môn tham mưu cho Thành phố ban hành chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp không chấp hành đầy đủ quy định về xả thải và có phương án tổng thể trong quản lý việc xả thải tại các cụm công nghiệp trên địa bàn.

Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng 2 trạm nước thải tập trung đã được Thành phố phê duyệt dự án đầu tư là trạm Phú Thịnh (Sơn Tây) và Ngọc Sơn (Chương Mỹ, Sở Tài nguyên & Môi trường cần triển khai quyết liệt quy định về thu phí bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp.

Theo Tiền Phong

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Nhiều trạm xử lý nước thải khu công nghiệp bỏ hoang. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc: Bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hệ thống xử lý nước thải tại phần lớn các CCN còn nhiều tồn tại; công tác phối hợp quản lý các CCN ở một số địa phương còn nhiều yếu kém.
Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái
Theo quy hoạch, đến năm 2030, cả nước sẽ có từ 40-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.