Thứ năm, 28/03/2024 17:06 (GMT+7)

Không có nhà máy xử lý nước thải, DN 'mạnh ai người nấy xả' (Kỳ 2)

Ngọc Anh -  Thứ bảy, 31/03/2018 06:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ông Tạ Công Thanh – Phó Giám đốc Ban QLĐTXD huyện Hoài Đức chỉ rõ cụm công nghiệp Trường An chưa có trạm xử lý nước thải chung, điều này chẳng khác để cho các DN “mạnh ai người nấy xả thải”.

Đường kênh tổng hợp các loại nước thải của 28 doanh nghiệp Cụm CN Trường An xả ra.

 Sau “nhức nhối” của người dân về tình trạng doanh nghiệp trong cụm công nghiệp Trường An, xã An Khánh, Hoài Đức xả chất thải có màu đục, trộn lẫn mùi hóa chất nồng nặc trực tiếp ra cống tiêu chung của toàn khu vực. PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã phản ánh: Bí mật xung quanh Cụm công nghiệp Trường An: Xả thải ngầm “bức tử” môi trường.

Tiếp tục làm rõ những vấn đề đang bức xúc đang tồn tại ở Cụm công nghiệp Trường An, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã liên hệ làm việc với các bên liên quan.

Có tới 28 doanh nghiệp nhưng chỉ có 01 doanh nghiệpcó trạm xử lý nước thải công nghiệp riêng

Dấu hỏi có hay không nhà máy xử lý nước thải tập trung cuối cùng đã tỏ tường. Ông Tạ Công Thanh – Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng huyện Hoài Đức khẳng định: Cụm công nghiệpTrường An chưa có trạm xử lý nước thải chung. Các doanh nghiệp tự xử lý nước thải ở nội bộ doanh nghiệp của mình trước khi đổ ra hệ thống chung của cụm”.

Trong khi có tới 28 doanh nghiệp đang hoạt động trong Cụm công nghiệp Trường An (căn cứ vào sơ đồ hiện tại) chỉ có đúng 01 doanh nghiệp có trạm xử lý nước thải công nghiệp riêng. Còn lại cả cụm chưa có trạm xử lý nước thải chung nào, các doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm và xử lý nguồn nước và các điều kiện môi trường khác tại công ty của mình. 

Hệ thống máng dọc Công ty CPTMDV Cổng Vàng sực mùi hôi thối.

 Dư luận cho rằng để các doanh nghiệp “tự xử” xả nước thải công nghiệp của chính mình ra kênh thoát nước chung của cụm mà không hề qua công tác giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng liên quan, chẳng khác nào tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này lộng hành, mặc sức xả thải.

Giải thích thêm về vấn đề “cha chung không ai khóc” này, ông Thanh chỉ rõ: Công ty nào cũng có một hệ thống xử lý nước thải riêng, ví dụ như là lắng đọng, lọc, khử trùng trước khi xả thải vào hệ thống chung của cụm có hai rãnh hai ven đường và một mương tiêu ngang qua cụm”.

Vị Phó giám đốc này cam đoan: “Nước thải của nhà máy dệt là nước thải sinh hoạt, còn của doanh nghiệp chế biến thực phẩm thì là chất thải rửa thực phẩm, trong đó có công tác lắng đọng, được công nhân vệ sinh môi trường thường xuyên xử lý.

Vấn đề rác thải, nước thải thực hiện trước khi chảy ra ngoài đường thoát nước chung. Tuy nhiên có nguy hại hay không thì thực tế nước phải đo, phải xác minh chứ theo cảm quan thì mình chỉ thấy là cái nước đục từ trong doanh nghiệp chảy ra thôi”.

Nước đặc quánh, sủi bọt đục ngầu, đen ngòm, bốc mùi xú uế ở hai rãnh thoát nước sát Công ty CPTMDV Cổng Vàng.

 Và những hình ảnh thực tế lại trái ngược hoàn toàn so với những gì ông Thanh nêu. Nước thải đã được lắng đọng, lọc và khử trùng vậy thì thứ nước đặc quánh, sủi bọt đục ngầu, đen ngòm, bốc mùi xú uế ở hai rãnh thoát nước này từ đâu mà có?

Thứ nước hai bên đường rãnh mỗi lần đi qua sực lên khiến người đi đường không khỏi choáng váng ấy có phải thứ nước thải mà ông Thanh khẳng định đã được lắng đọng? Dường như đây chỉ là những thứ trên những lý thuyết do các doanh nghiệp báo cáo đưa lên?

Trước câu hỏi “Công ty CPTMDV Cổng Vàng có nhập các loại thực phẩm về sau đó sơ chế, như vậy nguồn chất thải đó có qua xử lý gì không?” Ông Tạ Công Thanh nói: “Bên đấy họ chỉ có hệ thống lắng đọng trong doanh nghiệp”.

Khi phóng viên đề nghị giải thích thêm, vị cán bộ này thông tin một cách thiếu trách nhiệm: “Tiêu thoát nước rãnh thì phải có những hố gas để lắng đọng vậy thôi”.  

Chưa kể đến việc xử lý nước thải thô sơ của hầu hết các doanh nghiệp khác, sau đó xả thải trực tiếp ra hệ thống thoát nước chung của khu vực liệu nguồn nước xả ra có đảm bảo an toàn? 

Ảnh chụp từ vệ tinh: A: Cụm CN Trường An, xã An Khánh, huyện Hoài Đức; B:Khu biệt thự Hoa Phượng; C:Khu đô thị Nam An Khánh. Đường kẻ màu xanh:Kênh thoát của hệ thống xả thải 2 rãnh ven đường khu công nghiệp đổ ra. Đường kẻ màu cam: Hệ thống thoát nước chung của khu vực.

 Và ai dám chắc những bước xử lý của nước thải công nghiệp do 28 doanh nghiệp trong cụm công nghiệp Trường An, xã An Khánh đã đủ đảm bảo? Còn với ông Thanh – vị  Phó Phó Giám đốc Ban QLĐTXD huyện Hoài Đức lại cho rằng: “Còn tùy theo nước thải của từng doanh nghiệp như DN Dệt chỉ có nước thải sinh hoạt thôi chứ không có nước thải gì. Còn nước thải của Công ty thực phẩm chỉ có nước rửa thực phẩm thải ra thôi…".

Việc dòng nước đen, đặc, sực mùi hôi thối hai bên rãnh thoát nước đường nội bộ Cụm công nghiệp Trường An rồi chảy ra con kênh nằm giữa cụm công nghiệp đi thẳng ra khu biệt thự Hoa Phượng, dẫn đến lối thoát nước chung đường Lê Trọng Tấn chảy xuyên qua khu đô thị Nam An Khánh thì việc các chất độc hại ngấm xuống mạch nước ngầm mà hàng nghìn hộ dân đang sử dụng hàng ngày là điều hoàn toàn có thể.

Thiếu sự liên kết giữa Ban quản lý và Sở Tài Nguyên và Môi trường

Trên thực tế, sơ đồ được treo tại cổng vào của Cụm công nghiệp Trường An cho thấy có 28 doanh nghiệp đang hoạt động.

Tuy nhiên, sau khi được hỏi về tổng số doanh nghiệp hiện có, ông Thanh lại tỏ ra lúng túng: “Có 26 doanh nghiệp thuê đất, còn 2 đơn vị kia có lẽ là đơn vị mới tách ra. Tôi chỉ nắm được doanh nghiệp cho thuê đất thôi!”.

Sơ đồ hiện tại của Cụm công nghiệp Trường An, xã An Khánh, huyện Hoài Đức.

Sở Công thương, Sở Xây dựng mấy năm gần đây có khảo sát kết hợp cùng doanh nghiệp để đầu tư nhà máy xử lý nước thải. Tuy nhiên sau khi nhà nước có chủ trương xã hội hóa thì đó vẫn chưa có câu trả lời về đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung hay không? Và cũng chính chủ trương xã hội hóa, không có vốn ngân sách Nhà nước nên việc khảo sát và xây dựng nhà máy xử lý nước thải cũng bỏ ngỏ đến tận bây giờ.

Cụm CN Trường An, xã An Khánh, huyện Hoài Đức được hình thành và đi vào hoạt động năm 2005, nhưng từ bấy đến giờ vẫn chưa có quy hoạch riêng cho xử lý nước thải.

Mới đây nhất tháng 7/2017, theo Quyết định số 4754/QĐ-UBND, về việc thực hiện thành lập lại và đổi tên các cụm công nghiệp, UBND TP Hà Nội quyết định thành lập Cụm công nghiệp Trường An, huyện Hoài Đức.

Giám định nước là phương pháp duy nhất để giải quyết kịp thời bức xúc của người dân.

Các doanh nghiệp khi đầu tư trong cụm đều phải có các cam kết về bảo vệ môi trường, nhiều doanh nghiệp có báo cáo tác động môi trường, quan trắc.

Cả huyện Hoài Đức có một đơn vị là Hợp tác xã Thành Công có trách nhiệm thu gom rác thải trên toàn địa bàn huyện Hoài Đức. Còn rác thải công nghiệp là các doanh nghiệp tự liên hệ với các đơn vị bên ngoài để xử lý.

“Ở Cụm công nghiệp Trường An, các doanh nghiệp cũng cử ra Ban đại diện của các cụm chịu trách nhiệm quản lý về hạ tầng chung của cụm, thực hiện các tiện ích dịch vụ của cụm. Huyện Hoài Đức chưa có đầu tư xây dựng cụm nào mới cả, đây toàn là những cụm cũ, cụm đã hoạt động rồi. Thì chúng tôi chỉ có tiếp quản, từng bước đi vào quản lý sau đầu tư thôi”, ông Thanh thông tin.

Nói thêm về trách nhiệm quản lý trong công tác xả thải của cụm công nghiệp, vị Phó Giám đốc BQLDAĐTXD huyện Hoài Đức “quanh co đổ thừa”: “Chúng tôi chỉ gọi là quản lý chứ còn kiểm tra thì chúng tôi không kiểm tra được đâu. Kiểm tra lại liên quan đến Phòng quản lý Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Công an Môi trường và Xây dựng cũng thế… Còn chúng tôi chỉ là nắm bắt!”.

“Hiện nay chúng tôi vẫn đang tiến hành rà soát, trước đây khi mà đi vào quản lý thì chúng tôi phải chuẩn bị thu thập hồ sơ, kiểm tra những doanh nghiệp đang hoạt động và nắm bắt để có những công tác nhắc nhở thường xuyên doanh nghiệp thôi.

Chứ còn gọi là Ban QLĐTXD vẫn chưa có ai hỏi chúng tôi xuống kiểm tra xem hoạt động xả thải như thế nào!”.

Dòng nước trong con kênh này được "pha trộn" rất nhiều loại nước thải công nghiệp.

Chia sẻ về những khó khăn trong công tác quản lý, ông Thanh cho rằng thiếu sự liên kết giữa Ban QLĐTXD và các ban ngành liên quan đến lĩnh vực môi trường, trong đó có Sở Tài nguyên và Môi trường và Phòng quản lý Tài nguyên và Môi trường: “Gọi là Ban QLĐTXD có trách nhiệm quản lý sau đầu tư nhưng mà thực ra vẫn chưa có cơ chế chung nào cả. Có trường hợp, Sở Tài nguyên và Môi trường về kiểm tra thì Ban quản lý đầu tư và xây dựng cũng phải biết, hoặc khi có kết luận về vấn đề kiểm tra thì Ban cũng phải có thông tin… Nhưng thực ra mà nói thì ngành nào kiểm tra thì mới biết ngành đấy. Chứ chúng tôi có hỏi thì mới biết được”.

Vị này nhắc đi nhắc lại: “Chúng tôi chỉ có chức năng rà soát, nắm bắt, nếu có sai phạm chúng tôi sẽ đôn đốc làm sao đảm bảo các doanh nghiệp sản xuất trong cụm, thực hiện đúng theo quy định của pháp luật”.

Nhiều người tỏ ra nghi ngờ về kết luận từ khi tiếp nhận quản lý (tháng 7/2017) đến nay của Ban quản lý đầu tư và xây dựng huyện Hoài Đức cùng với các ngành liên quan đến lĩnh vực môi trường xuống kiểm tra, rà soát thì vẫn chưa có doanh nghiệp nào xả thải gây ô nhiễm, vi phạm vấn đề liên quan đến môi trường có thực sự khách quan và chính xác?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đang tiếp tục liên hệ với Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Hoài Đức, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội để tiến hành giám định mẫu nước, giải quyết kịp thời bức xúc của người dân.

Bạn đang đọc bài viết Không có nhà máy xử lý nước thải, DN 'mạnh ai người nấy xả' (Kỳ 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.