Thứ năm, 28/03/2024 20:31 (GMT+7)

Làng giấy Phong Khê-Bắc Ninh: Lựa chọn kinh tế hay môi trường?(Kỳ 1)

Trang Triệu - Khánh An -  Thứ năm, 19/04/2018 13:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cả trăm ống khói trọc trời đang nhả khói, nước thải chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường, rác, giấy vụn, củi chất đống, mùi khét, mùi hôi bao phủ là những gì PV ghi nhận được tại làng giấy Phong Khê.

Trên trời dưới đất đều... ô nhiễm

Những ngày cuối tháng 4/2018, nhận được thông tin phản ánh của người dân tại phường Phong Kê- Bắc Ninh về tình trạng ô nhiễm tại làng nghề, nhóm PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã về thực tế. 

Mới bước chân vào làng nghề tái chế và sản xuất giấy tại phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh có lẽ nhiều người sẽ choáng ngợp bởi nhịp độ sản xuất. Hai bên đường dẫn vào làng đập vào mắt chúng tôi là những khối bìa, giấy vụn đang chờ được tái chế chất cao ngất. Xe ô tô chở hàng ra vào tấp nập, tiếng ồn ào của hàng trăm xưởng tái chế và sản xuất giấy tại đây. 

Hai bên đường dẫn vào làng những khối bìa, giấy vụn, rác chất cao ngất.

 Càng bất ngờ hơn khi đi sâu vào bên trong, đập vào mắt PV là hàng trăm ống khói đang thi nhau nhả khói đen sì lên trời như bóp nghẹt bầu không khí của cả một vùng. Nếu hít phải sẽ cảm thấy ngột ngạt bởi những làn khói khét lẹt, cay nồng đang phả ra. 

Bầu trời bị bao phủ bởi khói đen từ ống khói của các cơ sở sản xuất và tái chế giấy Phong Khê

 Trao đổi với PV ông N.V.T (phường Phong Khê, TP. Bắc Ninh) chia sẻ: “Khói đen như thế khả năng độc hại là rất cao, cả trăm ống khói như vậy thì ngày nào mà chả hít phải, khó tránh khỏi lắm. Nói chung là nếu hít phải sẽ cảm thấy ngột ngạt, khó thở”.

Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng kéo dài nhiều năm khiến cuộc sống của người dân đảo lộn. Bà L.T.N (phường Phong Khê, TP. Bắc Ninh) người dân sống ngay cạnh xưởng sản xuất giấy bức xúc cho biết: “Tìm đủ mọi cách rồi, đóng cửa kính mà mùi vẫn len lỏi vào được. Nhà có trẻ con nên cũng lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của các cháu. Mình là người lớn hít vào còn thấy khó chịu huống chi trẻ con”.

Hầu hết các hộ gia đình tại đây phát triển kinh tế được như ngày hôm nay cũng là nhờ nghề làm giấy này. Thế nhưng, họ cũng đang phải trả giá bằng chính sức khỏe của mình.  Ô nhiễm môi trường đang không chỉ tác động đến các hộ trực tiếp làm nghề, mà còn ảnh hưởng đến các hộ không làm nghề tại phường Phong Khê.

Hệ lụy là từ trẻ con cho đến người lớn trong làng thường xuyên bị mắc các bệnh về đường hô hấp như ho, viêm phổi,...

Theo thống kê tỉ lệ các ca bệnh bị mắc ung thư và tử vong vì ung thư ở địa phương đang có chiều hướng tăng trong một vài năm trở lại đây.

Người dân sống tại phường Phong Khê, không chỉ bị ảnh hưởng bởi khói bụi, rác thải mà còn đang phải “oằn mình” chống chọi với ô nhiễm nguồn nước. Tất cả các chất thải của các cơ sở sản xuất giấy đều được xả thải thẳng ra cống, chảy trực tiếp ra con sông Ngũ Huyện Khê, kèm theo là các loại rác thải chất đống thành từng gò cao, trải dài khắp bờ sông.

Được biết, sông Ngũ Huyện Khê, trước đây là nơi cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp của người dân trong khu vực, nhưng hiện nay nó đã trở thành con sông "chết”, màu đen đặc quánh và bốc mùi hôi thối nồng nặc. 

Các chất thải của các cơ sở sản xuất giấy đều được xả thải thẳng ra cống
Thậm chỉ xả thẳng ra con sông Ngũ Huyện Khê, khiến con sông này trở thành con sông chết

 Sông Ngũ Huyện Khê hàng ngày phải gánh chịu một lượng lớn nước thải từ hơn 200 nhà máy tái chế giấy của phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, lưu lượng nước thải khoảng 5.000m3/ngày với nhiều loại hóa chất đôc hại như axit, Javen, dầu nhớt, phẩm màu, xỉ than, giấy vụn… không được xử lý mà xả thẳng xuống lòng sông, đổ tràn hai bên bờ.

Nguồn nước ô nhiễm này đã xâm nhập và ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân phường Phong Khê. Chính vì vậy mà hầu hết người dân ở đây chỉ dám dùng nguồn nước sinh hoạt tại nhà để tưới rau. 

Sông Ngũ Huyện Khê hàng ngày phải gánh chịu một lượng lớn nước thải từ hơn 200 nhà máy tái chế giấy của phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, lưu lượng nước thải khoảng 5.000m3/ngày

 Lựa chọn kinh tế hay môi trường?

Bước đầu nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường gây bức xúc dư luận nhiều năm nay ở khu vực này, tỉnh Bắc Ninh đã đầu tư một dự án thoát nước và xử lý môi trường với công suất 10.000m3/ngày, kinh phí gần 390 tỷ đồng.

Dự án được chia làm hai giai đoạn, hiện nay giai đoạn một đã hoàn thành và đang vận hành thử nghiệm. Đồng thời, tỉnh Bắc Ninh cũng đầu tư thêm dự án cải tạo, nâng cấp sông Ngũ Huyện Khê thuộc hệ thống thủy nông Bắc Đuống. Dự án này có tổng mức đầu tư 679,30 tỷ đồng, hiện dự án đang trong quá trình triển khai, nạo vét lòng sông.

Tỉnh Bắc Ninh đã đầu tư một dự án thoát nước và xử lý môi trường với công suất 10.000m3/ngày, kinh phí gần 390 tỷ đồng.

Ngoài ra, tỉnh cho phép công ty CP Đống Cao triển khai dự án xử lý cấp bách ô nhiễm môi trường khí thải làng nghề giấy Phong Khê với công nghệ đốt rác có tận dụng nhiệt để sinh hơi.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại theo quan sát của PV dù có nhà máy xử lý nước thải, nhưng hiện nay nhiều cơ sở sản xuất giấy vẫn xả trực tiếp ra môi trường. Điều này đặt ra một câu hỏi, nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn khi các dự án xử lý xả thải có thể đi vào hoạt động thì việc đầu tư 2 nhà máy với số tiền khổng lồ có quá lãng phí hay không?

Ô nhiễm và hậu quả của ô nhiễm tại Phong Khê đã quá rõ ràng. Nhưng một điều đáng chú ý, nguyên nhân khiến ô nhiễm khó khắc phục ngoài quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, lạc hậu không đáp ứng kỹ thuật, thì chính ý thức của người dân là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm. Chỉ tính riêng năm 2014, cơ quan chức năng đã phát hiện và tiêu hủy 383 tấn rác thải dùng để đốt lò hơi sản xuất giấy ở Phong Khê.

Một lần nữa bài toán lựa chọn kinh tế hay môi trường vẫn chưa có lời giải đáp. Khi hiện tại Phong Khê là đầu tàu kinh tế của địa phương, với 204 cơ sở sản xuất và tái chế giấy đang hoạt động, mỗi năm sản xuất ra khoảng 200.000 tấn giấy, tạo ra sinh kế cho hàng ngàn lao động và đem lại nguồn thu lớn cho địa phương thế nhưng sự trả giá về môi trường và sức khỏe của người dân thì đã thấy trước mắt.

Từ thực tế, có nhà máy xử lý nước thải nhưng doanh nghiệp vẫn không chịu hợp tác, điều này đang khiến nhiều người đặt câu hỏi cơ quan chức năng có ngó lơ khi hàng nghìn hộ dân đang phải “oằn mình” sống chung với ô nhiễm? Có hay không sự “nương tay” của các cơ quan chức năng với doanh nghiệp?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin!

Được biết, làng nghề giấy Phong Khê là một trong năm cơ sở trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh thuộc danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần phải xử lý theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/ 2003 của Thủ tướng Chính phủ.

Giai đoạn 2015-2016 Sở TN&MT đã phối hợp với UBND TP Bắc Ninh thành lập 3 đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất tại làng nghề Phong Khê và lập biên bản xử phạt hành chính đối với 6 cơ sở sản xuất giấy, đình chỉ hoạt động có thời hạn, tổng số tiền xử phạt hơn 1,3 tỷ đồng.

Bạn đang đọc bài viết Làng giấy Phong Khê-Bắc Ninh: Lựa chọn kinh tế hay môi trường?(Kỳ 1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.