Thứ sáu, 29/03/2024 01:24 (GMT+7)

Ô nhiễm tại KCN Gián Khẩu: Lời kêu cứu trôi theo dòng nước... đen

Thùy Dung -  Thứ ba, 10/07/2018 08:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Khói, bụi, nguồn nước bị ô nhiễm nặng” - đó chính là cụm từ được những người dân quanh Khu công nghiệp Gián Khẩu, thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình thường xuyên phải nhắc đến.

Trước những phản ánh, và tìm hiểu lý do vì sao cụm từ trên trở nên quen thuộc với người dân địa phương, ngày 8/7 PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có mặt tại Khu công nghiệp Gián Khẩu.

Đúng như phản ánh của người dân địa phương, những thông tin mà PV ghi nhận được đều cho thấy thực tế các hộ dân sinh sống quanh Khu công nghiệp Gián Khẩu đang phải sống trong cảnh chịu ô nhiễm nặng nề.

Bản đồ Khu công nghiệp Gián Khẩu

Hàng nghìn hộ dân sống chung với ô nhiễm

“Nhắc đến Khu công nghiệp Gián Khẩu ai cũng chán cả rồi. Bụi lắm, đóng cửa vào rồi nhưng vẫn bụi khủng khiếp. Cây cối trồng thì khó khăn, vì bụi nó bám đầy, có lớn nổi đâu. Cây rõ xanh mà đổi màu chỉ nhìn thấy màu trắng của xi-măng, của bụi. Mấy hôm nay mưa còn đỡ, chứ nắng như mấy hôm trước chẳng ai dám ra đường.

Rồi thì nước ở con kênh ấy dẫn ra ruộng của chúng tôi. Nếu không mưa, nước không tràn lên ruộng thì được ăn, chứ mưa là nước tràn lên, nó không ngậm màu được”. Bà Bùi Trinh, người dân sống ở xã Gia Xuân cho biết.

Nếu như trước kia, các hộ dân có thể nuôi cá, trồng rau gần Khu công nghiệp để kiếm thêm thu nhập. Thì nay, ao người dân chỉ để không, đất cũng chỉ để vậy, bởi Khu công nghiệp đã “vô tình” xả thứ nước màu đen ra con kênh, nhiễm vào ao cá của người dân. Nguồn nước để dân tưới rau cũng không còn, thay vì màu xanh của nước, nay con kênh hay ao cá đều chỉ là một màu đen bốc mùi hôi thối.

Màu nước đen kịt của con kênh bao quanh Khu công nghiệp Gián Khẩu.
Ao cá giờ đây không còn sự sống bởi nhiễm chất thải từ Khu công nghiệp.

Khi được PV đề cập đến vấn đề người dân phải hứng chịu từ Khu công nghiệp, bà Vũ Phương người dân sống tại xã Gia Trấn chia sẻ: “Đâu chỉ khói, bụi, nguồn nước cũng bị ô nhiễm rồi, quanh năm bốc mùi hôi thối. Ngày xưa nhà tôi còn nuôi cá, nhưng nước ô nhiễm quá, cá chết sạch, lỗ hơn chục triệu, đã khổ bây giờ chịu cảnh ô nhiễm vậy còn khổ hơn”.

Đối với những hộ dân nằm sâu trong Khu công nghiệp là vậy, còn các hộ dân ngoài đường Quốc lộ 1A và xã Gia Tân cũng chẳng thoát khỏi cảnh ô nhiễm.

Ông Hành, nhà trên đường Quốc lộ 1A, đối diện nhà máy sản xuất ô tô Huyndai Thành Công cho biết: “Ở đây thì hít phải đủ thứ mùi. Quanh năm phải hứng chịu mùi hôi, thối từ kênh mương. Những ngày trời trở gió thì mùi sơn, khiếp lắm”.

Theo ghi nhận của PV, dường như tất cả các dân cư đều đang mang trong mình nỗi uất ức và "khó ở” khi phải sống chung với mùi hôi, thối từ những chất xả thải của Khu công nghiệp.

Lời kêu “cứu” của dân trôi theo dòng nước đen

Trước tình trạng phải sống dưới cảnh ô nhiễm nặng nề, tưởng chừng như chính quyền địa phương chính là "phao cứu sinh" cho người dân địa phương. Nhưng không, nhiều người quả quyết rằng cơ quan chức năng thực chất chỉ... “làm cho có”.

Bà Phương chia sẻ thêm: “Biết bao lần chúng tôi phản ánh lên rồi, nhưng nào có thấy gì đâu. Đấy, ảnh hưởng trực tiếp đến hoa màu, đến nguồn sống của chúng tôi, mới đầu cũng có nói là hỗ trợ đấy, nhưng rồi bây giờ chẳng thấy gì nữa. Không nhận được hỗ trợ của chính quyền, dân tôi kêu nhiều nhưng cũng như muối bỏ bể thôi.”

Nguồn nước đen đang dần hủy hoại mọi sự sống

Không chỉ bàPhương, khi được hỏi đến sự can thiệp của chính quyền địa phương, người dân quanh Khu công nghiệp đều lộ rõ bức xúc, bà Trinh nói tiếp: “Đợt vừa rồi cách đây đâu mấy tháng, xóm chúng tôi còn góp tiền lại với nhau để thuê xe lên tận huyện, tận tỉnh để khiếu nại đấy. Huyện cũng đưa ra giải pháp rằng sẽ làm lại kênh. Để các hộ dân không phải chịu cảnh ô nhiễm nữa, nhưng một năm nay rồi, chúng tôi có thấy gì đâu.”

Đủ loại chất thải từ Khu công nghiệp ra con mương

Dân nói 1 đằng, chính quyền xã trả lời 1 nẻo

Để làm rõ vấn đề và những phương hướng giảm thiểu ô nhiễm cho người dân. PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Hồng Hạ, Phó chủ tịch UBND xã Gia Trấn.

Ông Hạ cho biết, đã ghi nhận được phản ánh của người dân, các cán bộ cơ sở cũng đã có văn bản kiến nghị.

Trái ngược với những thông mà PV ghi nhận từ người dân, ông Hạ lại cho rằng, trước tình hình nêu trên, xã đã giao cho bộ phận chuyên môn để xác định nguyên nhân. Ngoài ra, các cán bộ xã cùng với Phó chủ tịch huyện Gia Viễn và bộ phận chuyện môn của huyện đã mời đơn vị Khu công nghiệp để xác minh và thẩm định mẫu nước.

Ông Hạ khẳng định: “Xã luôn tiếp thu ý kiến của dân, xuống kiểm tra ngay khi có khiếu nại và sẽ bảo vệ quyền lợi của dân”.

Các cửa xả thải của Khu doanh nghiệp

Nếu đúng như lời vị Phó chủ tịch UBND xã Gia Trấn trả lời báo chí, thì không hiểu vì sao tình trạng bất cập vẫn diễn ra hằng ngày trong cuộc sống của người dân địa phương. 

Để rộng đường dư luận, PV đã liên hệ làm việc với UBND huyện Gia Viễn và câu chuyện về phương hướng giải quyết của chính quyền địa phương trước những lời “kêu cứu” bị thả trôi của các hộ dân sẽ được Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm tại KCN Gián Khẩu: Lời kêu cứu trôi theo dòng nước... đen. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.