Thứ sáu, 29/03/2024 00:59 (GMT+7)

Sông Thị Tính… “hấp hối”

MTĐT -  Thứ hai, 23/04/2018 07:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất giấy quy mô lớn ngày đêm xả thải trực tiếp ra sông Thị Tính - một nhánh nhỏ của sông Sài Gòn khiến con sông này ô nhiễm nghiêm trọng.

Trong khi các doanh nghiệp thừa nhận “giết” nguồn nước thì chính quyền địa phương quả quyết: “Không có chuyện đó”.

Ào ạt trút xuống sông

Sông Thị Tính kéo dài từ tỉnh Tây Ninh chảy ngang qua thành phố Thủ Dầu Một đến Thị xã Bến Cát của tỉnh Bình Dương. Vốn được xem là con sông hiền hòa, hai bên sông Thị Tính được các chủ đầu tư bất động sản khai thác xây dựng các đô thị mới. Thế nhưng, nhiều năm trở lại đây, con sông này ô nhiễm trầm trọng bởi các nhà máy giấy hai bên liên tục trút chất thải xuống sông.

Con sông hiền hòa ngày nào giờ nguồn nước đóng váng, bốc mùi nồng nặc. Ông Nguyễn V.T. sống gần sông Thị Tính đoạn qua Thị xã Thủ Dầu Một ngao ngán: “Mùi hôi cứ xông thẳng lên mũi khiến dân chúng tôi không chịu được”. “Những lúc trời mưa, bọt nước trắng xóa trên sông kèm mùi khó chịu khiến chúng tôi khiếp sợ”, bà Trần Thị L., một người dân sống gần sông Thị Tính nói.

Một ống xả thải của nhà máy giấy đổ ra sông Thị Tính.

Lên chiếc ghe nhỏ đi ngược trên sông nhiều ngày, chúng tôi tận thấy cảnh ngang nhiên xả thải của một số doanh nghiệp cạnh sông Thị Tính. Từ lòng sông dễ dàng bắt gặp những ống xả thải đường kính khá lớn nối từ Cty ra sông. Nhiều Cty để ống xả thải lộ thiên, cao hơn mực nước sông khoảng 1m.

Qua quan sát, thời điểm xả thải nhiều nhất vào khung giữa trưa, chiều tối và những lúc trời có mưa. Quanh ống xả thải, mặt nước đóng váng đen thành mảng lớn. Nước chảy từ miệng ống xả ra sông cực mạnh, mặt nước trắng xóa bọt có mùi khó chịu. Tại một ống xả lớn khác trên sông Thị Tính đoạn qua Thị xã Thủ Dầu Một, nước chảy ra sông không nhiều nhưng có màu đen sì, khiến mặt nước sông cũng thành màu đen, tỏa ra mùi hôi tanh.

“Đối diện với các ống xả thải ra sông là rừng cây, không có người ở nên doanh nghiệp cứ ngang nhiên xả thải vì rất ít người biết. Dù vậy, lúc nào tại ống xả thải vẫn có người cảnh giới”, một người dân địa phương cho biết.

Chính quyền nói không có xả thải!

Sau nhiều lần liên lạc, chúng tôi tìm được đến Cty TNHH Thuận An và Cty TNHH giấy Vĩnh Cơ - hai trong hàng chục Cty sản xuất giấy xả thải ra sông. Tại Cty TNHH Thuận An ở 259/12, khu phố 3, phường Tân Định, thị xã Bến Cát, Bình Dương, khi chúng tôi cung cấp hình ảnh, clip hai ống nước lớn đang xả thải ra sông Thị Tính, đại diện doanh nghiệp này khẳng định: “Đúng là ống xả thải của đơn vị tôi”.

Người đàn ông tên Cường nhận là Phó giám đốc Cty TNHH Thuận An thừa nhận: “Hiện tại Cty đang hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải nên anh em thông cảm. Cty sẽ khắc phục tình trạng xả thải sau khi hoàn thành hệ thống xử lý nước thải quy mô lớn”.

Được biết, Cty Thuận An đi vào hoạt động từ năm 1996, đến nay đã hơn 20 năm nhưng theo như người đại diện Cty thì đang cho xây dựng hệ thống xử lý nước thải(?!).

Cách Cty Thuận An 200m là Cty Vĩnh Cơ. Các ống xả nơi đây còn gắn cả thông báo “điểm xả thải”. Khi biết chúng tôi tìm hiểu về việc xả thải không qua xử lý ra môi trường, nhiều người nơi đây lảng tránh và cho biết “không có người phát ngôn nên chưa trả lời báo chí được”.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện chính quyền phường Tân Định, thị xã Bến Cát, khẳng định trên địa bàn không có tình trạng xả thải gây ô nhiễm. “Không có chuyện trên địa bàn có doanh nghiệp xả thải ra sông. Nếu có thì phía công an môi trường đã xử lý hết rồi”, ông Bùi Văn Chiến - Bí thư Đảng ủy phường Tân Định nói.

Khi PV cung cấp bằng chứng vụ việc người dân phản ánh tình trạng doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm sông Thị Tính, ông Chiến nói tiếp: “Không có chuyện đó đâu”.

Liên hệ về trách nhiệm quản lý của Phòng Tài nguyên & Môi trường thị xã Bến Cát thì nhân viên nơi đây cho rằng các “sếp” đều đi họp, cán bộ đơn vị này cho biết không có ai đủ thẩm quyền trả lời báo chí nên hẹn trả lời sau. Chúng tôi nhiều lần liên lạc lại thì đều được nghe điệp khúc “sếp đi họp”.

Một chuyên gia về môi trường, cho rằng quy trình sản xuất giấy gồm nhiều hỗn hợp hóa chất nên khó tránh khỏi việc gây ô nhiễm. Cụ thể, trong các cơ sở công nghiệp giấy và bột giấy, nước thải thường có độ pH trung bình 9-11. BOD, COD cao, có thể lên đến 700mg/l và 2.500mg/l. Hàm lượng chất rắn lơ lửng cao gấp nhiều lần giới hạn cho phép như nước có chứa cả kim loại nặng, phẩm màu, xút, các chất đa vòng thơm Clo hóa… vì vậy, nước thải không được xử lý mà đổ trực tiếp ra ngoài sẽ gây ô nhiễm trầm trọng.

Theo Tiền phong

Bạn đang đọc bài viết Sông Thị Tính… “hấp hối”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.