Thứ sáu, 29/03/2024 03:04 (GMT+7)

TP.HCM: Cụm công nghiệp 17 năm không có hạ tầng

Nhóm PV điều tra -  Thứ hai, 04/12/2017 08:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chuyện tưởng như đùa nhưng đó là một thực tế đã và đang xảy ra ở Cụm công nghiệp Quang Trung trên địa bàn phường Hiệp Thành, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh.

Vì sao nên nỗi?

Ngày 1/12/2017, Pháp luật Môi trường điện tử có đăng bài viết: TP.HCM – Công ty Lâm Gia xả thải trực tiếp, nước rạch Cầu Sa đen kịt – phản ánh về một đơn vị kinh doanh ngành Wash (giặt – tẩy – nhuộm) xả thải trực tiếp ra kênh rạch, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Sau đó, PV của tòa soạn tiếp tục đi tìm hiểu thì biết rằng, năm 2000 UBND Tp.HCM thuận chủ trương cho UBND quận 12 thành lập Cụm công nghiệp Quang Trung trên diện tích 20ha để di dời 1 số doanh nghiệp từ khu công viên phần mềm Quang Trung về đây.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp này phải tự bỏ tiền ra để thỏa thuận đền bù đất cho dân, tự làm hạ tầng để kinh doanh nên mạnh ai nấy làm, không có thiết kế chung và trở nên nham nhở.

Nhìn một cách tổng thể thì Cụm công nghiệp này không hề có hạ tầng như không có quy hoạch, đường nội bộ nhếch nhác, không có khu xử lý nước thải tập trung… Đến nay gần bước qua năm thứ 18 mà ngay cả cổng vào khu Cụm công nghiệp cũng không có, các doanh nghiệp phải thuê đất của dân để các phương tiện và công nhân ra vào.

Điều oái ăm là, do phát sinh mâu thuẫn về việc góp tiền mua đất nên năm 2002 các doanh nghiệp ở đây kéo nhau ra tòa. Tuy nhiên, vào năm 2005 TAND Tp.HCM đã hủy bản án sơ thẩm và giao lại cho cho TAND quận 12 điều tra, xét xử lại từ đầu.

Cũng theo tìm hiểu của PV, hiện nay trong Cụm công nghiệp Quang Trung có khoảng 40 doanh nghiệp với nhiều loại hình kinh doanh đang hoạt động, trong đó có chừng 11 doanh nghiệp kinh doanh Wash. Hàng tháng các doanh nghiệp này sử dụng một lượng nước và hóa chất rất lớn, vậy thì nước thải sẽ chảy đi đâu khi không có khu xử lý tập trung?

Ai phải chịu trách nhiệm?

Theo chúng tôi được biết, trước đây Cụm công nghiệp Quang Trung cũng có ban quản lý nhưng do không thống nhất về cách làm, cách điều hành nên đã giải thể và giờ thì mạnh ai nấy làm, hầu hết các doanh nghiệp xả thải trực tiếp ra kênh rạch, không hề qua xử lý, hủy hoại môi trường một cách nghiêm trọng.

Như PV đã phản ảnh trong bài viết trước, Công ty TNHH thời trang Lâm Gia chỉ là 1 trong những tác nhân góp phần gây ô nhiễm rạch Cầu Sa, còn rất nhiều công ty khác trong Cụm công nghiệp này sẽ được PV tiếp tục làm rõ.

Điều quan ngại là, bắt đầu từ con kênh Trần Quang Cơ ở thượng nguồn (thuộc huyện Hóc Môn) thì Rạch Cầu Sa nép mình bên cạnh Cụm CN và rạch Cầu Dừa tiếp giáp nhau đều chảy ra nhánh sông Sài Gòn, và không bao lâu nữa môi trường sông cũng sẽ bị hủy hoại.

Điều này ai sẽ chịu trách nhiệm? Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục phản ánh trong các bài viết tiếp theo.

Hình ảnh phóng viên ghi lại tại Cụm Công nghiệp Quang Trung:

Đường vào CCN nhưng giờ là bãi xe

Đường vào CCN hiện nay (cách cổng khoảng 30m)

Đường phía sau vào CCN - 2 trụ gạch màu đỏ để dành dựng bảng (!)

Kênh Trần Quang Cơ nước bốc mùi khó chịu

Con rạch kế bên đường vào CCN gần như đặc quánh và sẫm màu

Cầu Sa nhìn từ phía xa, dưới cầu đầy rác bẩn

Cầu Sa hướng lên cầu Trần Quang Cơ

Kênh thoát nước bên cạnh CCN như đang bị nhuộm phẩm màu

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Cụm công nghiệp 17 năm không có hạ tầng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.