Thứ sáu, 29/03/2024 06:30 (GMT+7)

Môi trường làng nghề: Phát triển kèm theo ô nhiễm?

MTĐT -  Thứ ba, 05/03/2019 15:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các làng nghề đã đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân địa phương. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm làng nghề đang ở mức báo động

Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học công nghệ của Quốc hội, hiện nay, chỉ có 26,7% cơ sở làng nghề là có thu gom nước thải công nghiệp và có 20,9% số làng nghề là có thu gom chất thải rắn công nghiệp. Đây đang là một vấn đề lớn trong xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường ở nông thôn, nhất là các làng nghề truyền thống.

Theo thống kê, hiện cả nước có trên 5.400 làng nghề, trong đó trên 1.800 làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận. Có đến 60% làng nghề tập trung khu vực phía Bắc như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Ðịnh... Miền Trung chiếm khoảng 23,6%, tập trung chủ yếu ở các tỉnh như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và miền Nam chiếm khoảng 16,6%, tập trung chủ yếu ở TP. Cần Thơ, tỉnh Ðồng Nai, Bình Dương.

Các làng nghề đã đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân địa phương. Dễ thấy nhất là khâu giải quyết việc làm. Hiện làng nghề đã thu hút hơn 11 triệu lao động, khoảng 30% lực lượng lao động nông thôn... Tuy nhiên, một vấn đề nan giải là có đến 46% số làng nghề có môi trường bị ô nhiễm nặng.

Hầu hết nước thải sản xuất từ các làng nghề đều được xả thẳng ra môi trường.

Hiện nay, hầu hết nước thải sản xuất tại các làng nghề đều được xả thẳng ra môi trường với mức độ ô nhiễm rất cao mà không qua hệ thống xử lý. Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, hàm lượng các chất ô nhiễm theo các chỉ số COD, BOD5 hay tổng số vi khuẩn coliform trong nước thải làng nghề đều vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần, cá biệt có nơi lên tới hàng nghìn lần. Ngoài ra, hầu hết các làng nghề đều có hàm lượng bụi vượt tiêu chuẩn cho phép, nồng độ khí SO2 tại các làng nghề mây - tre - giang và chế biến nông sản, thực phẩm cao hơn nhiều lần.

Nhiều làng nghề xử lý rác thải công nghiệp bằng cách đốt, tạo lượng khói độc và tro bụi, ảnh hưởng xấu đến môi trường. 

Là một xã có nghề may phát triển, mỗi ngày, xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ) phát sinh khoảng 4-5 tấn rác thải công nghiệp thông thường (chủ yếu là vải vụn). Theo quy định, hộ sản xuất phải ký hợp đồng thu gom rác thải công nghiệp riêng, không để lẫn vào rác thải sinh hoạt nhưng nhiều hộ tự xử lý bằng cách đốt, tạo lượng khói độc và tro bụi, ảnh hưởng xấu đến môi trường. 

Gần chục năm qua, bà con xóm Vườn Hoa, thôn Long Châu Miếu, xã Phụng Châu (Chương Mỹ - Hà Nội) phải sống trong tình cảnh ô nhiễm không khí, tiếng ồn do những xưởng đá tại địa phương gây ra. Trái ngược với sự phát triển nhộn nhịp của làng nghề là sự bức xúc của các hộ dân xóm Vườn Hoa khi từ năm 2005 đến nay. Hàng ngày họ bị “tra tấn” bởi tiếng máy xẻ đá, bụi và tiếng ồn từ xưởng chế tác đồ đá mỹ nghệ. Xưởng đá này hoạt động ngay giữa khu dân cư, trực tiếp xả thải bụi đá ra môi trường khiến cho không khí, nguồn nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.

Tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cũng diễn ra tại xã Tân Triều (Thanh Trì). Tân Triều có làng Triều Khúc và làng Yên Xá, trong đó làng Triều Khúc từ lâu đã nổi tiếng với nghề thu gom phế thải, tái chế nhựa. Tại làng Triều Khúc, các rãnh thoát nước trong làng dù đã được bê tông hóa, song vẫn bốc lên mùi hôi thối do nước thải từ hoạt động sản xuất của các hộ làm nghề trong làng xả thẳng xuống cống chung không qua bất cứ hệ thống xử lý nước thải nào. Hầu hết các ao, hồ trong làng đều không thể nuôi cá.

Tình trạng ô nhiễm không khí, tiếng ồn từ các xưởng chế tác đá ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh.

Để giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề, Sở Công Thương Hà Nội đã đưa ra kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề trên địa bàn thành phố với khoản kinh phí 1.350 tỷ đồng. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, thành phố cần 750 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm… Giai đoạn 2020-2030, cần 600 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác. 

Theo ông Đỗ Đức Thành - Trưởng phòng Kiểm soát ô nhiễm (Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội), việc xử lý nước thải tại khu vực làng nghề rất khó khăn do các hộ sản xuất làm nghề phân tán trong khu dân cư, tận dụng diện tích đất ở để làm cơ sở sản xuất, quy mô nhỏ, tự phát. Trong khi đó, do khó khăn về vốn nên rất ít hộ đủ điều kiện đầu tư xây dựng hệ thống bảo vệ môi trường...

Các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề còn thiếu; chưa có chính sách hỗ trợ tài chính để khuyến khích di dời các cơ sở đến nơi sản xuất tập trung, gây khó khăn trong xử lý đồng bộ ô nhiễm môi trường. Các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường thường đòi hỏi nguồn vốn lớn, khó bảo đảm tiến độ do phải cân đối nguồn lực, nhất là các chương trình, nhiệm vụ dự án sử dụng nguồn ngân sách…

Thực hiện “Đề án bảo vệ môi trường làng nghề Hà Nội đến 2020 và định hướng đến 2030”, năm 2018, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, đánh giá, phân loại làng nghề; quy hoạch lập danh mục các cụm công nghiệp có tính chất làng nghề nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất trong làng nghề mở rộng mặt bằng sản xuất và xử lý ô nhiễm môi trường. Về tài chính, thành phố triển khai chính sách vay vốn ưu đãi để thay đổi công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường, xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn…

Nhằm đạt hiệu quả trong thực hiện đề án của thành phố, ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, căn cứ kết quả rà soát, đánh giá, phân loại ô nhiễm môi trường tại các làng nghề và tình hình triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề, UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường làng nghề; tăng cường truyền thông về bảo vệ môi trường làng nghề; nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật và tăng cường hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện quy hoạch, di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất phù hợp để hạn chế ô nhiễm…

Rõ ràng công tác cải thiện vấn đề môi trường làng nghề đòi hỏi một loạt biện pháp có tính chất tổng hợp, từ vấn đề chính sách pháp luật, vấn đề cơ chế, tài chính, kỹ thuật... trong đó quan trọng nhất là người dân làng nghề phải tự ý thức và có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường nhằm thúc đẩy sản xuất tại các làng nghề truyền thống. Ngoài ra, chính quyền các cấp cũng cần tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và có những chế tài mạnh, đủ sức răn đe.

An Yên

Bạn đang đọc bài viết Môi trường làng nghề: Phát triển kèm theo ô nhiễm?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.