Thứ ba, 19/03/2024 09:12 (GMT+7)

Hưng Yên: Nghi vấn Trung tâm y tế Văn Lâm chôn rác y tế trái phép?

Khánh An - Phạm Giang -  Thứ năm, 23/08/2018 09:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Kim tiêm, lọ thuốc thủy tinh đã qua sử dụng tràn lan trên nền đất, nơi mà những người thợ xây đang xây dựng bể chứa nước thải của Trung tâm y tế huyện Văn Lâm (Hưng Yên).

Mới đây, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử nhận được phản ánh về tình trạng rác thải y tế của Trung tâm y tế huyện Văn Lâm tập kết sai quy định, vứt tràn lan trong khuôn viên trung tâm. Để làm rõ thông tin trên, PV đã trực tiếp về Trung tâm y tế huyện Văn Lâm để “mục sở thị”.

Rác thải y tế nguy hại được Trung tâm y tế huyện Văn Lâm bỏ ngay trên bậc thềm đi lại.

Người dân phản ánh, tình trạng rác thải y tế nguy hại tại đây đang trong tình trạng... mất kiểm soát. Theo quan sát, khuôn viên phía trước Trung tâm y tế huyện Văn Lâm vô cùng khang trang và sạch sẽ, thế nhưng khi tận mắt chứng kiến những gì tồn tại phía đằng sau tòa nhà sạch sẽ ấy thì PV không khỏi ngạc nhiên.

Những túi rác y tế nguy hại màu vàng, bóng đèn huỳnh quang vỡ, đầu bơm kim tiêm sắc nhọn nằm rải rác trên đường đi, dưới bậc thềm. Ghê sợ hơn nữa là rác thải sinh hoạt, rác y tế tái chế, rác y tế nguy hại được Trung tâm y tế huyện Văn Lâm “nhét” cùng một kho chứa và bên ngoài biển ghi “nhà chứa rác”. Bên trong nơi gọi là nhà chứa rác này được phân chia làm 3 khu vực: Khu ngoài là nơi lưu giữ rác thải sinh hoạt, ở giữa là nơi lưu giữ rác thải y tế tái chế và nằm trong cùng là khu vực lưu giữ chất thải y tế nguy hại.

Rác thải sinh hoạt, rác y tế tái chế, rác y tế nguy hại được Trung tâm y tế huyện Văn Lâm “nhét” cùng một kho chứa và phân cách với nhau bằng hàng rào sắt.

Những loại rác sinh hoạt thông thường và rác y tế nguy hại, kim tiêm sắc nhọn chỉ được phân cách với nhau bằng một hàng rào sắt cao chưa hết đầu người. Từng thùng chứa rác đầy ứ. Những túi nilon đựng rác thải nguy hại chồng chéo lên nhau, rơi lả tả, vương vãi khắp mặt đất. Mùi xú uế của rác sinh hoạt quyện cùng với mùi tanh của rác thải y tế bốc lên nồng nặc khắp khu vực nhà chứa.

Từng thùng chứa rác đầy ứ, những túi nilon đựng rác y tế nguy hại nằm chồng chéo lên nhau, rơi cả xuống đất.

Không dừng lại ở đó, phía sau nhà chứa rác của Trung tâm y tế huyện Văn Lâm là công trình hệ thống thu gom và xử lý nước thải đang xây dựng dở dang. Từng khoảng đất trống được san bằng phẳng và nằm lẫn trong bãi đất ấy là những ống kim tiêm, kim dây truyền sắc nhọn, những lọ thuốc thủy tinh nằm la liệt, rơi vãi trên cả những viên gạch đang được xây dựng. Có phải những tàn dư từ rác thải y tế nguy hại này đang được Trung tâm y tế huyện Văn Lâm “thủ tiêu” bằng cách san lấp, đổ cát lên phía trên?

Những ống kim tiêm, kim dây truyền sắc nhọn, những lọ thuốc thủy tinh, đầu kim tiêm nằm la liệt, rơi vãi trên cả những viên gạch đang được xây dựng.
Rác thải y tế nguy hại đang được Trung tâm y tế huyện Văn Lâm “thủ tiêu” bằng cách san lấp, đổ cát lên phía trên.

Trong đống rác y tế nguy hại ngổn ngang, những người thợ xây chắc chắn sẽ chẳng thể tránh khỏi các mối hiểm nguy đang rình rập. Họ phải làm việc chung với rác thải y tế sđể nhanh chóng hoàn thành bể chứa nước thải của Trung tâm.

Khi PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã liên hệ làm việc với lãnh đạo Trung tâm y tế huyện Văn Lâm được một người tự giới thiệu là công nhân điện nước và “kiêm” luôn việc thu gom vận chuyển rác thải y tế của Trung tâm y tế này cho biết: Lãnh đạo của cơ quan đi tập huấn.

Người đàn ông này cũng khẳng định rằng: “Việc xử lý rác thải y tế tại Trung tâm không có gì sai và bất cập. Nếu cóvấn đề bất cập ở đây thì là do Sở Y tế Hưng Yên không đầu tư, mà không đầu tư thì lấy đâu ra có vốn để xây dựng cho đảm bảo. Chẳng lẽ chúng tôi bỏ tiền túi ra chúng tôi làm à. Nếu em(PV) muốn hỏi thì em lên Sở Y tế hoặc Bộ Y tế mà hỏi”.

Rác y tế nguy hại nằm lẫn trong diện tích đất được Trung tâm y tế huyện Văn Lâm dùng để xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải.

Sau đó PV đã liên hệ qua điện thoại với bà Lâm - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Văn Lâm và nhận được câu trả lời rằng: “Từ sau khi có Thông tư 58 (Thông tư liên tịch58/2015/TTLT-BYT-BTNMT - PV) Trung tâm y tế của chị thực hiện rất đầy đủ các vấn đề về rác thải y tế, có ký hợp đồng thu gom rác thải với Công ty Urenco 11. Chị không biết các em (PV) lấy hình ảnh ở đâu nhưng mà các em phải đưa thông tin khách quan”.

Thông tin mà bà Lâm chia sẻ có đúng với thực trạng mà PV tận mắt chứng kiến tại cơ sở hay không? Câu trả lời thuyết phục cho thực trạng tại Trung tâm y tế này sẽ là như thế nào? Có phải rác thải y tế nguy hại thu gom không theo đúng quy định về rác thải y tế trong Thông tư liên tịch58/2015/TTLT-BYT-BTNMT là do Sở Y tế Hưng Yên "không quan tâm, không đầu tư" như lời người phụ trách về rác thải y tế tại Trung tâm y tế huyện Văn Lâm trả lời báo chí!?

Môi trường và đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Một số hình ảnh PV ghi nhận được tại Trung tâm y tế huyện Văn Lâm: 

Bạn đang đọc bài viết Hưng Yên: Nghi vấn Trung tâm y tế Văn Lâm chôn rác y tế trái phép?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái chú trọng bảo vệ môi trường y tế
Thực hiện xử lý chất thải, góp phần hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn trong các bệnh viện và tạo môi trường xanh, sạch, đẹp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, ngành y tế tỉnh Yên Bái đã chú trọng quản lý chất thải tại các cơ sở y tế.
Khánh Hòa: Một cái Tết ấm áp bên những người bệnh nghèo
Gần Tết, các bệnh viện ở Khánh Hòa sôi động với các hoạt động thiện nguyện. Các tổ chức và mạnh thường quân không chỉ tặng quà mà còn tổ chức sân chơi, chuyến xe đưa bệnh nhân về quê, mang lại niềm vui và hy vọng cho họ trong cuộc chiến với bệnh tật.

Tin mới

Nghệ An: Quỳ Châu có tân Chủ tịch UBND huyện
Sáng 18/3, Hội đồng Nhân dân huyện Quỳ Châu khóa XX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp chuyên đề). Dự kỳ họp có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lãnh đạo một số Sở, ban ngành.
Đặc sắc rừng dó trầm tại Hương Khê, Hà Tĩnh
Cây dó trầm mọc nhiều ở miền núi Hương Khê, nhưng người dân địa phương chỉ nhận ra giá trị của chúng sau khi nhóm người ngoại tỉnh đến mua. Điều này đã khơi dậy sự quan tâm về bảo vệ và phát triển tài nguyên tự nhiên.