Thứ sáu, 19/04/2024 08:47 (GMT+7)

Con người đang làm gì với đại dương?

MTĐT -  Thứ tư, 14/11/2018 17:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những hoạt động kinh tế, du lịch hay thậm chí là hoạt động sinh hoạt hàng ngày của con người đã và đang “bức tử” đại dương vì ô nhiễm.

Rác thải nhựa “tử thần” với sinh vật biển

Dẫn nguồn tin từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới, báo TN-MT đưa tin, hàng năm có 8 triệu tấn rác nhựa được thải ra đại dương, trong khi đó, khoảng 3 tỷ người có nguồn sinh kế phụ thuộc vào biển.

Rác thải nhựa đang được coi là "tử thần" của các loài sinh vật biển: mỗi năm, 1,5 triệu động vật trên đại dương chết vì ngộ độc chất thải nhựa. Những loài sinh vật nhỏ như rùa biển hay những loài lớn như cá voi, đều đã và đang là nạn nhân trực tiếp của chất thải nhựa, mà nếu tình trạng này tiếp diễn thì tới năm 2050, rác thải nhựa trên đại dương sẽ nhiều hơn cá. Đặc biệt, châu Á là khu vực gây ô nhiễm môi trường biển nhất do rác thải nhựa.

Lượng rác thải nhựa trên biển đang ngày càng gia tăng, gây tác hại cho môi trường biển và các loài động vật biển. Do đặc điểm cấu trúc là các polyme tổng hợp nhân tạo (polystyrene, polyester, polyethylene...), nhựa là một dạng chất thải có tốc độ phân hủy trong môi trường biển rất chậm.

Theo Tạp chí Môi trường, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết, với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa (chai nhựa, túi ni lông, hộp đựng đồ ăn, cốc…) là nguyên nhân gây tử vong cho nhiều loài sinh vật biển như rùa, cá heo, cá voi. Do các dòng hải lưu, các mảnh (hạt) nhựa vụn di chuyển trên khắp đại dương, trở thành mồi cho các loài chim biển, cá, giun và động vật biển. Khi các động vật nuốt phải các mảnh (hạt) nhựa vụn bị mắc trong khí quản gây ngạt thở, hoặc làm tắc hệ tiêu hóa, gây nguy hại cho các loài động vật, thậm chí dẫn đến tử vong.

Sinh vật biển đang bị đe dọa vì rác thải nhựa. Ảnh: Internet. 

Nhưng đáng lo ngại là những hạt nhựa siêu vi (rất nhỏ) đến từ 2 nguồn do rác thải nhựa phân hủy và từ những hạt nhựa siêu nhỏ có trong mỹ phẩm như sữa rửa mặt, kem đánh răng... có thể xâm nhập và phá hủy tế bào trong cơ thể của các loài sinh vật biển.

Ngoài ra, chúng có thể làm tích tụ các loại hóa chất nguy hiểm, bao gồm thuốc trừ sâu DDT và PCB (Polychlorinated biphenyl - trong nhóm các hóa chất hữu cơ khó phân hủy gây ung thư).

Mới đây, một nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học California (Mỹ) và Đại học Inđônêxia đã thu gom những con cá được bán ở các chợ thuộc vịnh Half Moon và Princeton (bang California, Mỹ) và biển Makassar (Inđônêxia) về để phân tích. Họ phát hiện ra rằng, ở Inđônêxia, 28% tổng số cá thể cá và 55% loài động vật biển được lấy mẫu có rác thải nhựa trong dạ dày và đường ruột.

Còn tại Mỹ, rác thải nhựa được tìm thấy trong 25% cá thể cá và 67% các loài động vật biển được lấy mẫu. Các hạt nhựa nhân tạo cũng được tìm thấy trong 33% mẫu cá thể động vật có vỏ (tôm, cua, sò, ốc…).

Nước thải

Không chỉ rác thải nhựa, đại dương chúng ta còn đang bị “chết dần, chết mòn” vì những hoạt động khác của con người.

Trên thực tế, nhiều bờ biển trên thế giới đã và đang hứng chịu không ít hệ lụy từ hành động xả thải vô tội vạ của con người. Đó có thể là chất thải công nghiệp, các hóa chất độc hại từ hoạt động sản xuất,... xả thẳng thải vào đại dương.

Việc giải phóng các chất dinh dưỡng hóa học khác vào hệ sinh thái đại dương khiến nước biển giảm oxy, thực vật bị phân hủy, chất lượng nước biển giảm nghiêm trọng. Kết quả là, môi trường sống đại dương, thực vật và động vật bị chết mòn.

Khai thác đại dương

Khai thác đại dương ở vùng biển sâu là một nguồn ô nhiễm đại dương khác. Các khu vực khai thác mỏ ở biển như khai thác bạc, vàng, đồng, coban và kẽm tạo ra các mỏ trầm tích sulfua lên tới ba nghìn năm trăm mét dưới biển.

Mặc dù chưa có bằng chứng khoa học để giải thích đầy đủ các tác động môi trường khắc nghiệt của khai thác biển sâu, nhưng các nhà khoa học cho rằng việc khai thác biển sâu gây thiệt hại cho đại dương và làm tăng độc tính của khu vực. Thiệt hại này cũng gây trở ngại đáng kể cho hệ sinh thái của khu vực.

Ngoài ra, những tiếng ồn cực lớn tạo ra khi thăm dò khí đốt và dầu mỏ có sức tàn phá ghê gớm nhất, vì chúng gây nhiễu loạn sóng âm của sinh vật biển.

 Hoạt động khai thác khoáng sản cũng gây ô nhiễm môi trường biển. 

Hoạt động tàu, thuyền

Các chuyên gia về môi trường cho rằng, các phương tiện tàu biển là nguồn gây ô nhiễm rất lớn đối với môi trường. Đặc biệt tại các thành phố cảng và ven biển do chúng sử dụng nhiên liệu nhựa đường kém chất lượng, có lượng khí thải như nitơ oxit (NO), dioxit lưu huỳnh (SO2) rất cao.

Bên cạnh đó, những chất thải này cũng đã tạo ra những cơn mưa axit và những hạt bồ hóng nhỏ li ti trong không khí. Hoạt động của tàu biển (bao gồm cả tàu cá và tàu hàng) là một trong những nguồn nhân tạo đóng góp đáng kể vào sự ô nhiễm không khí.

Theo số liệu thống kê của Chính phủ Mỹ, các tàu biển là thủ phạm gây ra 2/3 lượng khí thải SO2 trong ngành GTVT năm 2002, việc thiếu các biện pháp kiểm soát sẽ khiến tỷ lệ này có thể lên tới 98% vào năm 2020. Do đó, Chính phủ Mỹ đã đặt ra những tiêu chuẩn mới về khí thải đối với các tàu biển cỡ lớn. Theo đó, từ năm 2015, các tàu biển mới sẽ phải giảm 96% lượng SO2 so với hiện nay. Tương tự, các tàu biển được đóng sau năm 2016 sẽ phải cắt giảm 80% lượng khí thải NO.

Một nghiên cứu của ĐH Exeter (Anh) cho thấy âm thanh từ động cơ thuyền máy có thể làm ảnh hưởng các đàn cá sống ở những rạn san hô, nhất là làm thay đổi hành vi của các cặp cá cha mẹ khi chăm sóc và nuôi dưỡng đàn con. Điều này làm cho đàn con không được bảo vệ trước động vật săn mồi.

Ngoài ra, hoạt động tràn dầu nguy hiểm cho sinh vật biển theo nhiều cách. Dầu tràn ra đại dương có thể dính vào mang và lông của động vật biển, khiến chúng khó di chuyển hoặc bay đúng cách…. Tác động lâu dài đối với sinh vật biển có thể là ung thư, thay đổi hệ thống sinh sản, thay đổi hành vi và thậm chí bị diệt vong.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Con người đang làm gì với đại dương?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?
Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.