Thứ tư, 24/04/2024 01:53 (GMT+7)

Cù Lao Chàm:Nói không với túi ni lông, hướng đến không rác thải nhựa

Xuân Cảm -  Thứ tư, 26/12/2018 08:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Không phải ngẫu nhiên mà Ngày môi trường thế giới năm nay có chủ đề “Chống lại ô nhiễm rác thải nhựa”.

Ô nhiễm rác thải nhựa và cuộc chiến chống lại rác thải nhựa toàn cầu

Theo thông tin mới được công bố, các nhà khoa học thuộc Đại học Y khoa Vienna (Áo) phát hiện 9 loại vi hạt nhựa khác nhau được tìm thấy trong mẫu phân của các tình nguyện viên. Cụ thể, trung bình có khoảng 20 vi hạt nhựa trong mỗi 10 gram phân người. Điều này cho thấy con người đang nuốt phải chúng cùng với thức ăn mỗi ngày. Tin tức này thực sự không gây ngạc nhiên cho những người vốn quan tâm đến các vấn đề về môi trường nhưng nó đã chứng minh cho chúng ta thấy rõ hạt vi nhựa đã thực sự tác động đến sức khỏe con người.

Không phải ngẫu nhiên mà Ngày môi trường thế giới năm nay có chủ đề “Chống lại ô nhiễm rác thải nhựa”.  Chỉ mới xuất hiện 60-70 năm nay, với đặc tính tiện lợi, gọn nhẹ, nhựa đã trở thành vật dụng mật thiết trong đời sống con người và chính điều này cũng khiến nó trở thành đại nạn toàn cầu, là sát thủ tận diệt môi trường, đặc biệt là khiến các đại dương bị đe dọa chưa từng thấy.

Nhựa là một dạng chất thải có tốc độ phân hủy trong môi trường rất chậm,  phải mất hàng trăm năm, hàng nghìn, thậm chí hàng triệu năm để một mảnh rác thải nhựa có thể phân hủy trong điều kiện tự nhiên.  Có thể dẫn ra một vài số liệu mà các nhà khoa học đã thống kê gần đây cho thấy tác hại “kinh khủng” của rác thải nhựa đến môi trường. Cho đến nay thế giới đã sản xuất 8,3 tỉ tấn nhựa nhưng có đến 6,3 tỉ tấn hiện là rác thải.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm lượng rác nhựa thải ra đủ để bao quanh Trái đất 4 lần. Mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, nhưng chỉ có 27% trong số chúng được xử lý và tái chế. Rác thải nhựa nằm lại dưới đáy đại dương rất nhiều và sẽ tồn tại nhiều thế kỷ ở đó, trở thành một phần thức ăn đầu độc các loài sinh vật biển. Theo dự báo của các nhà khoa học, khối lượng rác nhựa đến năm 2050 ở các đại dương, sẽ nặng hơn khối lượng của cá.

Cũng theo báo cáo của Liên hiệp quốc, Việt Nam xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường thải ra hơn 01 túi ni lông một ngày. Mỗi ngày hàng triệu túi ni lông được sử dụng và thải ra môi trường.

Thời gian phân hủy của một số loại rác thải nhựa trong đại dương


Nhận thức được mối đe dọa của ô nhiễm rác thải nhựa, những năm gần đây thế giới đã tổ chức các chiến dịch nhằm giảm thiểu rác thải nhựa và nâng cao nhận thức của con người về bảo vệ môi trường.  Bắt đầu từ túi ni lông, nhiều nước trên thế giới đã và đang tiến tới ban hành lệnh cấm sử dụng túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần như Kenya, một số bang tại Ấn Độ, Úc, Chile và mới đây nhất với số phiếu thuận áp đảo, Nghị viện châu Âu vừa thông qua dự luật cấm các đồ nhựa dùng một lần trên toàn lãnh thổ Liên minh châu Âu. Nếu được Ủy ban châu Âu phê chuẩn và tiếp tục được thông qua tại từng quốc gia thành viên EU, luật cấm dùng đồ nhựa một lần sẽ chính thức trở thành luật vào năm 2021.... Gần đây, ống hút nhựa và các sản phẩm từ nhựa dùng một lần được khuyến khích thay thế bằng các sản phẩm khác. Hàng loạt bộ phim tài liệu truyền thông về tác hại của rác thải nhựa, các chiến dịch  đồng loạt diễn ra trên toàn thế giới như The last straw (chiếc ống hút cuối cùng); Refill not landfill (Đổ đầy chứ không chôn lấp); A Plastic Ocean (Đại dương rác nhựa), phong trào Zero waste (Không rác thải)...

Nói không với túi ni lông và hướng đến không rác thải nhựa - Vai trò của Khu sinh quyển thế giới và của cộng đồng

Tại Việt Nam, những năm gần đây các hoạt động bảo vệ môi trường mà nổi bật là các chiến dịch chống lại rác thải nhựa cũng được lan tỏa rộng khắp. Các khu dự trữ sinh quyển, khu bảo tồn biển là những khu vực tiên phong thực hiện phong trào sống xanh, nói không với rác thải nhựa. Ngay sau khi Cù Lao Chàm-Hội An được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2009, Cù Lao Chàm cũng trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước nói không với túi ni lông. Sau 9 năm, có thể nói nơi đây vẫn là địa phương duy nhất thực hiện thành công chương trình. Tại thành phố Hội An, ngày 9/9 hằng năm được chọn là ngày “Không túi ni lông”. Trong ngày này, trên toàn thành phố sẽ diễn ra các hoạt động ra quân dọn vệ sinh đường phố, các không gian công cộng; các hoạt động làm túi giấy, túi sinh thái từ vải thừa cũng được phát động để tặng cho tiểu thương. Ngày 26/5/2018, Cù Lao Chàm cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước cam kết nói không với ống hút nhựa.

Cù Lao Chàm- Nói không với ống hút nhựa


Hoạt động truyền thông về tác  hại của túi ni lông luôn thường xuyên được đẩy mạnh trong cộng đồng dân cư khu sinh quyển với những buổi tuyên truyền, khẩu hiệu và trang trí trực quan. Tại Hội An và Cù Lao Chàm, người dân thuộc nằm lòng những câu khẩu hiệu: “Xách giỏ đi chợ, phong cách người nội trợ”; “Nói không với túi ni lông để bảo vệ môi trường biển”...Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cũng như khu sinh quyển Cù Lao Chàm-Hội An đóng vai trò tích cực trong việc nâng cao nhận thức người dân, đồng thời tìm kiếm hỗ trợ các sản phẩm thay thế. Tại khu vực vùng lõi, người dân được tặng các loại giỏ, túi xách thay thế cho túi ni lông khi đi chợ. Các tiểu thương thay túi ni lông bằng túi giấy làm từ các loại giấy báo cũ. Ban quản lý Khu sinh quyển cùng Khu bảo tồn biển cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường các hoạt động giám sát việc sử dụng túi của người dân và du khách trong thời gian đầu.

Giỏ đi chợ được gửi tặng bà con Cù Lao Chàm trong ngày đầu phát động phong trào nói không túi nylon 26/5/2009


Ban quản lý Khu sinh quyển Cù Lao Chàm cũng là nơi tiên phong trong hoạt động Không rác thải công sở. Từ đầu năm 2018, chai nước nhựa đã được cấm hoàn toàn tại văn phòng. Mỗi nhân viên đều chuyển sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường như bình nước tre, bút tre...Đến nay, zero waste office đã lan tỏa đến các văn phòng khác tại Hội An như UBND thành phố, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên...

Bên cạnh giảm thiểu rác thải nhựa bằng các sản phẩm thay thế, các hoạt động khác cũng được tiến hành nhằm tận dụng rác như một loại tài nguyên, hạn chế tối đa rác thải ra môi trường. Khu sinh quyển Cù Lao Chàm-Hội An cũng là nơi đầu tiên thực hiện chương trình phân loại rác tại nguồn.

Trong cộng đồng, cùng với sự phối hợp tích cực của người dân địa phương có thể thấy qua các tổ thu mua rác tái chế, tổ thu gom rác hoạt động trên tinh thần tự nguyện với sự hỗ trợ của Hội phụ nữ và Hội nông dân, các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu tham gia vào cuộc chiến chống lại rác thải nhựa. Nhiều khách sạn, nhà hàng đã tham gia vào chiến dịch Refill station (đặt các máy lọc nước miễn phí để người dùng lấy nước trong bình tự mang theo, giảm thiểu việc mua nước đóng chai), ống hút nhựa được thay bằng ống hút tre, ống hút làm từ sả, cỏ bàng...Một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố như Emic hospitality, quán chay Đạm đã nói không với sử dụng túi ni lông.

Mô hình túi xách kí gửi tại chợ Tân Hiệp

Quán chay Đạm nói không với túi ni lông từ ngày 10/10 


Nói không với túi ni lông và hướng đến không rác thải nhựa đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều người dân, đặc biệt là các bạn trẻ. Những thành công ban đầu hứa hẹn là tiền đề cho công cuộc xây dựng Hội An thành thành phố sinh thái - văn hóa – du lịch như chủ trương đề ra, góp phần bảo tồn và phát triển các giá trị trong khu sinh quyển thế giới./.

Bạn đang đọc bài viết Cù Lao Chàm:Nói không với túi ni lông, hướng đến không rác thải nhựa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới