Thứ bảy, 20/04/2024 14:18 (GMT+7)

Tiền Giang nỗ lực chống hạn mặn vùng “ngọt hóa”, cù lao ven biển

MTĐT -  Thứ năm, 07/03/2019 10:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hiện đang cao điểm mùa khô, người dân địa phương các huyện phía Đông của Tiền Giang đang nỗ lực ứng phó với hạn mặn để cứu nguy cho lúa, hoa màu.

Bà Nguyễn Thu Vân cũng như nhiều nông dân khác ở ấp Khương Thọ, xã Bình Phú, huyện Gò Công Tây rất phấn khởi vì lúa đã trổ bông nhưng nguồn nước trên kênh thủy lợi còn khá nhiều. Bà Vân cho biết, lần đầu tiên vụ lúa Đông Xuân năm nay không thiếu nước ngọt, có khả năng đạt năng suất 6 tấn/ha.

Các năm trước vào thời điểm này, nhiều vùng hẻo lánh, ven sông Tra, ven  biển Gò Công của tỉnh Tiền Giang bị thiếu nước cho sản xuất trầm trọng. Năm nay, nhờ công tác chủ động lấy nước ngọt đầu nguồn và nạo vét kênh mương, trục vớt lục bình, khai thông dòng chảy nên lượng nước nội đồng còn  dự trữ khá nhiều. Hiện tại, nước trên kênh trục chính của vùng ngọt hóa Gò Công ở cao trình từ 0.4-0.5  mét. Tại xã Bình Xuân, Thị Xã Gò Công có gần 1400ha lúa Đông Xuân đang ngậm đòng và trổ trong điều kiện nguồn nước dưới kênh mương vẫn còn.

Phần lớn ruộng lúa ở khu vực phía Đông của tỉnh Tiền Giang đã trổ bông.

Ông Huỳnh Hồng Huệ, Chủ tịch UBND xã Bình Xuân cho biết, việc gieo sạ lúa đúng lịch thời vụ và công tác thủy lợi đã giúp cho diện tích lúa không bị thiệt hại do hạn mặn. "Chúng tôi đã chủ động nạo vét thủy lợi nội đồng; đặc biệt là các con sông lớn trong đê đã dự trữ được lượng nước lớn để phục vụ  các tuyến kênh cho bà con bơm, tát. Năm nay 1395 ha lúa Đông Xuân đảm bảo dư nước, năng suất từ 5,5 -6 tấn", ông Huệ cho biết.

Khu vực phía Đông của tỉnh Tiền Giang gồm các huyện: Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông và Thị xã Gò Công. Khu vực này đang sản xuất  hơn 27.000 ha lúa và hơn chục  nghìn ha hoa màu, cây ăn quả. Đây là vùng “ngọt hóa Gò Công” và cù lao Tân Phú Đông, thường chịu ảnh hưởng của hạn mặn.

Rút kinh nghiệm từ mùa khô các năm trước, năm nay, chính quyền và người dân đã chủ động các biện pháp ứng phó rất có hiệu quả. Ngoài việc gieo sạ lúa, hoa màu đúng lịch thời vụ thì công tác làm thủy lợi, gia cố hệ thống cống đập theo hướng ngăn mặn, trữ ngọt rất được chính quyền và người dân quan tâm, thực hiện.  

Tại huyện ven biển Gò Công Đông đã đầu tư 24 công trình thủy lợi nội đồng; gia cố 51 cống đập ngăn mặn ở đầu kinh tại địa bàn 8 xã ven đê biển, đê sông. Tại huyện cù lao Tân Phú Đông đã thi công nạo vét 12 công trình kênh, rạch; duy tu, bảo dưỡng, quản lý và vận hành 16 cống đập để chống hạn. Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đang đầu tư khoảng 50 tỷ đồng để xây dựng 3 cống đập lớn giúp Tiền Giang ngăn mặn. Trong năm qua, địa phương còn đầu tư hơn 8 tỷ đồng để ra quân vớt lục bình trên kênh, rạch đã làm cho thông thoáng kênh mương, tăng khả năng trữ nước ngọt phục vụ đắc lực cho sản xuất lúa, hoa màu và hàng nghìn ha cây thanh long, cây mãng cầu Xiêm thương phẩm.

Kênh thủy lợi khu vực huyện Gò Công Đông.

Theo thống kê của ngành chức năng, hiện nay chỉ còn khoảng 4.000 ha lúa và vài nghìn ha hoa màu, cây mảng cầu Xiêm  ở các huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông, Thị xã Gò Công và Gò Công Tây gieo sạ muộn, xa nguồn nước có nguy cơ thiếu nước ngọt.

Trước tình hình hạn, mặn đang diễn biến phức tạp nên ngành chức năng, đơn vị quản lý khai thác các công trình thủy lợi, chính quyền các địa phương và người dân phía Đông của tỉnh Tiền Giang tiếp tục có những biện pháp khẩn cấp. Trong đó, cống Xuân Hòa tăng cường lấy nước ngọt từ sông Tiền khi có điều kiện, thường xuyên thông báo diễn biến tình hình mặn cho các địa phương, tiếp tục  giải phóng các chướng ngại vật lòng kinh, khai thông dòng chảy trên các tuyến kinh trục, kinh cấp 1 và kinh cấp 2. Đối với 4.000 ha  lúa đông gieo sạ muộn, có khả năng bị thiếu nước, tỉnh  Tiền Giang dự kiến sẽ chi  ngân sách để thực hiện nạo vét các tuyến kinh cấp 2, cấp 3 để trữ nước, bơm chuyền cấp bổ nguồn nước.

Ông  Đỗ Thành Sơn, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Tiền Giang cho biết thêm: "Phía công ty đã tiến hành sửa chữa các cửa cống ngăn mặn, tiến hành khai thông dòng chảy, trục vớt cây lục bình, tập trung lấy nước tại Cống Xuân Hòa. Ở các địa phương đã có kế hoạch, chuẩn bị phương tiện bơm tác để cống Xuân Hòa bước sang giai đoạn lấy gạn thì tổ chức bơm tác không để thiếu nước".

Với những biện pháp chủ động, khẩn trương ứng phó với hạn, mặn của chính quyền, ngành chức năng và người dân tỉnh Tiền Giang, tin rằng sẽ giảm thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Diện tích lúa, hoa màu vụ Đông Xuân và hàng nghìn ha vườn cây ăn quả vùng nhiễm phèn, nhiễm mặn của địa phương này được bảo vệ an toàn./.

Theo VOV.vn

Bạn đang đọc bài viết Tiền Giang nỗ lực chống hạn mặn vùng “ngọt hóa”, cù lao ven biển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ