Thứ năm, 28/03/2024 19:03 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 1/3: Trang trại chăn nuôi “tra tấn” khu dân cư

MTĐT -  Thứ năm, 01/03/2018 16:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hàng chục hộ dân sinh sống ở thôn Quảng Điền, xã Phước Quang (Tuy Phước, Bình Định) phải sống chung với mùi hôi thối bốc lên từ trang trại chăn nuôi.

Thanh Hóa: Triển khai giải pháp bảo tồn và phát triển 3 loài thực vật quý hiếm tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên

Dự án “Điều tra, bảo tồn và phát triển 3 loài thực vật quý hiếm, có giá trị kinh tế cao bách xanh, sến mật và re hương ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Thanh Hóa” được triển khai.

Ông Đỗ Ngọc Dương, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) cho biết: Đơn vị đã và đang triển khai các giải pháp để bảo tồn và phát triển 3 loài thực vật quý hiếm, gồm: Bách xanh, sến mật và re hương.

Được biết, thời gian qua, trong quá trình nghiên cứu hệ thống động – thực vật tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, các cán bộ của đơn vị phát hiện một số loài thực vật quý hiếm còn tồn tại với số lượng không nhiều, trong đó có 3 loại thực vật nói trên. Xét thấy, nếu không có biện pháp bảo vệ và phát triển, những loài này có nguy cơ suy giảm.

Theo đó, cũng với việc triển khai dự án, đơn vị cũng đã tiến hành trồng 6 ha rừng khoanh nuôi tái sinh, trong đó có trồng xen các cá thể 3 loài thực vật quý hiếm nói trên.

Hà Nội: Tái diễn hành vi tiểu bậy vì nhà vệ sinh không đáp ứng đủ

Nghị định 155/2016/NĐ-CP chính thức có hiệu lực đã hơn một năm, trong đó quy định tăng mức phạt từ 1-3 triệu đồng với hành vi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định.

Tuy nhiên, để Nghị định đi vào thực tế còn nhiều băn khoăn, trở ngại. Đơn cử như Hà Nội hiện nay đang rất thiếu nhà vệ sinh công cộng, cũng như chất lượng vệ sinh môi trường của các nhà vệ sinh này.

Theo thống kê hiện nay dân số Hà Nội có khoảng 9 triệu người, cộng với số lượng lớn học sinh, sinh viên, người lao động ngoại tỉnh và khách du lịch đến thăm quan thành phố. Nên có thể nói nhu cầu hết sức tế nhị là đi vệ sinh cá nhân của người dân, du khách rất cao, nhất là tại các khu vui chơi, giải trí tập trung như hồ Gươm, hồ Tây, công viên Thống Nhất; các bến xe liên tỉnh Mỹ Đình, Giáp Bát...

Thiếu nhà vệ sinh công cộng, hành động đái bậy tiếp tục tái diễn ở Hà Nội - Ảnh: Báo TN&MT.

Những bất cập của việc thiếu hệ thống nhà vệ sinh công cộng được thể hiện rất rõ vào những ngày lễ lớn của đất nước như Ngày 30/4, Quốc khách 2/9, chào năm mới hay những ngày cuối tuần tổ chức phố đi bộ... cảnh từng đoàn người xếp hàng chỉ với một lý do là đi vệ sinh cá nhân. Tại hồ Gươm chính quyền thành phố đã bố trí 3 khu nhà vệ sinh công cộng và thực tế thì ba khu nhà này thường xuyên bị quá tải, cũng như chỉ như muối bỏ bể trong những ngày nhân dân tập trung đông về đây.

Thiếu nhà vệ sinh đã dẫn tới những tình huống dở khóc, dở cười của không ít người dân, khách du lịch. Để xử lý tình huống khó nói này, không ít người đã buộc phải tìm đến những bốt điện, gốc cây hay những nơi khuất nẻo để giải tỏa sự bí bách.

Sóc Trăng: Cần nhiều giải pháp đồng bộ trong việc thu gom, xử lý bao thuốc BVTV

Cũng như nhiều địa khác, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đang được người dân ở tỉnh Sóc Trăng sử dụng ngày càng tăng cả về số lượng, chủng loại. Điều này đã dẫn hệ lụy là một lượng lớn bao gói thuốc bảo vệ thực vật phát sinh sau sử dụng vẫn chưa được thu gom, xử lý triệt để, gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường đất, nước, không khí,...

Theo đó, mỗi năm nông dân tỉnh Sóc Trăng sử dụng thường xuyên trên 2.400 tấn thuốc BVTV. Theo nghiên cứu của Viện Nông nghiệp - Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tỉ lệ phát sinh khối lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng khoảng 14,86% khối lượng thuốc BVTV sử dụng, thì mỗi năm tại các cánh đồng canh tác ở tỉnh Sóc Trăng sẽ phát sinh khoảng 366 tấn bao gói, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng, chưa kể đến đến khối lượng bao gói thuốc BVTV còn tích lũy từ các năm trước.

Lượng lớn bao gói thuốc bảo vệ thực vật phát sinh sau sử dụng vẫn chưa được thu gom, xử lý triệt để.

Với khối lượng bao gói thuốc BVTV phát sinh ngày một lớn như hiện nay thì việc thu gom, lưu chứa, xử lý đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng .

Trong thời gian qua, để giải quyết rác thải trong sản xuất nông nghiệp các cơ quan chức năng đã đưa quản lý chất thải từ hóa chất BVTV vào chương trình xây dựng nông thôn mới, đây là một trong những tiêu chí quan trọng để xem xét công nhận xã nông thôn mới. Vì thế, việc thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc đã được các địa phương quan tâm hơn.

Bình Định: Trang trại chăn nuôi “tra tấn” khu dân cư

Mùi hối thối từ phân gà, phân heo phát tán khiến hàng chục hộ dân sinh sống ở Đội 14, thôn Quảng Điền, xã Phước Quang (huyện Tuy Phước, Bình Định) kêu cứu. Thế nhưng, chính quyền địa phương lại không nắm bắt kịp thời nỗi khổ của dân, khiến bà con bất bình.

Theo phản ánh của ông Hồ Văn Trí ở Đội 14, thôn Quảng Điền trên báo TN&MT, cạnh nhà ông có 2 hộ chăn nuôi theo hình thức trang trại. Một hộ nuôi gà, một hộ nuôi heo với quy mô lớn, nhưng không xây dựng hầm chứa, xử nước thải. Vì thế, nước thải từ trang trại chảy tràn lan ra ngoài đường, gây hối thối cả vùng dân cư đang sinh sống, gây bức xúc cho người dân ở đây. Ông đã làm đơn khiếu nại, gởi tới UBND xã Phước Quang nhưng chưa được chính quyền địa phương đứng ra giải quyết.

Trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm khiến người dân vô cùng bức xúc - Ảnh: TN&MT.

Ông Trí nói trong bức xúc: “Tôi quyết định viết đơn kiến nghị gởi UBND xã, cơ quan báo, đài kêu cứu về tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây cũng vì “lực bất tòng tâm”. Gần chục năm nay, không chỉ gia đình tôi, mà nhiều hộ dân có nhà lân cận trang trại của ông Trần Văn Hải (hộ nuôi gà) và Trần Văn Giáo (hộ nuôi heo) phải gồng mình hít ngửi mùi hôi thối phát sinh trong quá trình chăn nuôi. Vì tình làng nghĩa xóm, bà con đã góp ý rất nhiều lần và yêu cầu 2 hộ này xây dựng hệ thống xử lý nước thải, hạn chế mùi hôi phát tán để đảm bảo môi trường sống cho người dân. Thế nhưng, họ không những không chấp hành, mà họ còn lên tiếng thách thức. Do mùi hôi thối phát tán nồng nặc quá, nên nhà tôi giờ cũng ít ai tới chơi”.

Ông Lê Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Phước Quang (huyện Tuy Phước), tỏ sự bất ngờ và cho biết ông chưa nhận được phản ánh nào của dân từ sự việc này. Vả lại, thôn cũng chưa báo; đồng thời, đề nghị PV xuống cơ sở để nắm bắt (!?).

Tuy nhiên, sau khi PV trao đổi thêm thông tin về mức độ ô nhiễm tại đây, ông Hạnh mới bắt đầu cầu thị. Ông nói: “Tôi biết các hộ này có chăn nuôi, nhưng nhỏ lẻ. Xã cũng không thể cấm họ chăn nuôi. Nhưng, chăn nuôi mà để gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới khu dân cư là không chấp nhận được. Tôi sẽ cử cán bộ xuống kiểm tra, nắm bắt để có hướng chấn chỉnh kịp thời”.

Mưa lốc đi qua, Mường La hư hỏng 788 ngôi nhà

Theo VOV thông tin, hôm nay (1/3) tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La đã xảy ra gió lốc, mưa to, gây thiệt hại nhiều nhà cửa, tài sản, hoa màu của nhân dân.

Gió lốc, mưa to, gây thiệt hại nhiều nhà cửa, tài sản, hoa màu của nhân dân các xã: Tạ Bú, Mường Trai, Chiềng Lao, Pi Toong và Hua Trai.

Mưa lốc đã làm hư hỏng 788 nhà, 104 lồng cá, 50 thuyền máy, trên 4.000 cây ăn quả bị gẫy đổ… Ước tổng thiệt hại khoảng 5,5 tỷ đồng.

Bình Định: Dân phản đối xây dựng Nhà xưởng sản xuất chế biến thủy hải sản

Vì cho rằng Nhà xưởng sản xuất chế biến thủy hải sản xây dựng và đi vào hoạt động sẽ gây ô nhiễm môi trường, không khí, nguồn nước sinh hoạt làm ảnh hưởng đến sức khỏe nên người dân 3 thôn Xuân Thạnh, Xuân Thạnh Nam, Xuân Bình, xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ phản đối, cản trở không cho Công ty TNHH Dịch vụ thủy sản Thảo Loan tiến hành xây dựng.

Để phản đối việc Công ty TNHH Dịch vụ thủy sản Thảo Loan xây dựng Nhà xưởng sản xuất chế biến thủy hải sản tại xã Mỹ An, vào khoảng 13h30 ngày 26/2, hàng chục người dân xã Mỹ An kéo đến trước cổng UBND huyện Phù Mỹ. Sau đó họ chuyển sang phía tuyến tránh quốc lộ 1 làm gián đoạn lưu thông cho đến 16h30 cùng ngày lực lượng chức năng mới vãn hồi trật tự, giải tỏa ách tắc giao thông.

Khu đất dự kiến xây nhà xưởng - Ảnh: TN&MT.

Theo báo TN&MT, sự phản đối này đã xảy ra hơn 3 tháng nay, từ khi người dân 3 thôn Xuân Thạnh, Xuân Thạnh Nam, Xuân Bình, xã Mỹ An biết được Công ty TNHH Dịch vụ thủy sản Thảo Loan xây dựng Nhà xưởng sản xuất chế biến thủy hải sản tại xã Mỹ An.

Người dân thôn Xuân Bình, Xuân Thạnh, xã Mỹ An cho biết, nguyên nhân họ phản đối xây dựng công trình này là vì: “Nếu Nhà xưởng sản xuất chế biến thủy hải sản được xây dựng đi vào hoạt động sẽ gây ô nhiễm môi trường, bốc mùi hôi thối, ô nhiễm không khí, chất thải từ chế biến thủy sản ngấm vào nguồn nước sinh hoạt của người dân, sinh vật biển chết dần, cạn kiệt nguồn tài nguyên, trong khi người dân ở đây sinh sống chủ yếu bằng nghề biển, đánh bắt thủy sản. Chưa kể lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe bởi khu Nhà xưởng gần với khu dân cư.

Cùng với đó các hộ dân đang hoạt động sản xuất sơ chế hải sản trong khu Làng nghề chế biến thủy hải sản Mỹ An và Cơ sở sản xuất đá lạnh xả nước thải ra cống thải của Làng nghề gây hùi hôi thối, người dân hàng ngày phải chịu đựng nhiều năm nay. Nếu chúng tôi không ngăn cản từ đầu để họ xây xong, đi vào hoạt động gây ô nhiễm môi trường lúc ấy ai đứng ra chịu trách nhiệm xử lý hay để người dân chúng tôi tiếp tục sống trong ô nhiễm”.

Liên quan đến vấn đề này, cách đây không lâu còn xảy ra vụ ẩu đả đánh nhau giữa doanh nghiệp và người dân.

Trước sự việc trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ký văn bản số 833, ngày 23/02/2018 yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ chỉ đạo tạm dừng việc thi công xây dựng công trình Nhà xưởng sản xuất chế biến thủy hải sản của Công ty TNHH Dịch vụ thủy sản Thảo Loan tại xã Mỹ An, chờ kết quả kiểm tra, khảo sát đánh giá tác động môi trường của các cơ quan chức năng của tỉnh.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 1/3: Trang trại chăn nuôi “tra tấn” khu dân cư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.