Thứ ba, 23/04/2024 18:59 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 16/1: Trang trại chăn nuôi 'bức tử' môi trường

MTĐT -  Thứ ba, 16/01/2018 16:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Người dân Đồng Nai bức xúc vì hậu khai thác than bùn kéo dài, trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm tại Khánh Hòa… là một số tin môi trường đáng chú ý trong ngày.

Người dân Đồng Nai bức xúc vì hậu quả khai thác than bùn kéo dài

Tại xã Núi Tượng, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai có một cánh đồng màu mỡ gọi là cánh đồng Bàu Kẻ. Từ lâu, người nông dân ở đây đã trồng lúa, cung cấp lương thực cho cả vùng nông thôn hẻo lánh này.

Tuy nhiên, từ khi có một đoàn đến thăm dò, khảo sát và cắm mốc khoáng sản trên cánh đồng thì đời sống người dân đảo lộn. Đến nay, hậu quả của những xáo trộn đó vẫn chưa được giải quyết triệt để khiến người dân bức xúc.

Tủa Chùa – Điện Biên: Chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng

Ngay từ đầu mùa khô hanh năm 2018, Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa đã chỉ đạo công chức kiểm lâm địa bàn tổ chức họp dân tuyên truyền sâu rộng về công tác quản lý bảo vệ rừng(QLBVR) và phòng cháy chữa cháy rừng(PCCCR), tổ chức cho người dân dân ký cam kết QLBVR và PCCCR.

Mùa khô năm 2016 – 2017, được xác định là mùa khô hanh kéo dài cộng với thời tiết diễn biến phức tạp tại nhiều vùng trong tỉnh nói chung và huyện Tủa Chùa nói riêng. Để chủ động trong công tác QLBVR và PCCCR, Hạt Kiểm Lâm huyện Tủa Chùa đã tham mưu giúp UBND huyện xác định các điểm có nguy cơ cháy cao, nhất là những vùng có thảm thực vật rừng chết do đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2016.

UBND huyện Tủa Chùa đã tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng phòng cháy chữa cháy rừng giữa 4.394 hộ gia đình với Trưởng các thôn bản và giữa các chủ rừng, trưởng thôn, bản với Chủ tịch UBND các xã, thị trấn.

Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại Điện Biên được siết chặt.

Đồng Tháp: Người dân vùng sạt lở đón Tết trong tâm trạng bất an

Trong năm qua khu vực đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp liên tục chịu ảnh hưởng nặng nề từ sạt lở. Tết Nguyên đán đang đến gần, người dân vẫn đau đáu nỗi lo sạt lở từng ngày.

Năm 2017, tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp xảy ra 13 vụ sạt lở ảnh hưởng đến nhà cửa của hơn 400 hộ dân. Tuy nhiên, hàng trăm hộ dân vẫn chưa được di dời bởi quỹ đất công của địa phương đã hết.

“Năm nay, tôi thấy sạt lở nhiều nên ăn Tết cũng rất lo lắng”! - bà Nguyễn Thị Dùm - xã Long Thuận, Hồng Ngự, Đồng Tháp chia sẻ.

Hiện toàn tỉnh Đồng Tháp có khoảng 2.000 hộ dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở. Không có nơi ở an toàn, người dân phải đón Tết Mậu Tuất trong tâm trạng bất an.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Long Thuận nói: "Để cho các hộ vui Xuân đón Tết, địa phương đang tiếp tục vận động mạnh thường quân hỗ trợ các nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân như: gạo, mỳ tôm...".

Khánh Hòa: Trang trại chăn nuôi xả thải ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng

Trang trại nuôi bò, lợn, dê có quy mô lớn lên đến hàng trăm con của ông Nguyễn Thế Hùng (phường Vĩnh Hải, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Nhiều năm nay, lợi dụng việc nằm trong khu vực nghĩa trang, chủ trang trại đã cho xả nước thải chăn nuôi trực tiếp ra môi trường. Chất thải của hàng trăm con gia súc đổ trực tiếp ra suối gần trang trại gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Trong khi đó, dòng suối này chảy xuống khu vực tổ dân cư số 24, phường Vĩnh Hải, TP Nha Trang, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Khu vực tổ dân cư 24 cách trang trại gây ô nhiễm khoảng 1km, có trên 30 hộ dân bị ảnh hưởng. Nguồn nước giếng khoan không dùng được, chất thải chăn nuôi tích tụ bốc mùi, môi trường sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong nhiều năm qua.

Trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường - Ảnh: VTV. 

Người dân địa phương cũng như đại diện tổ 24 nhiều lần phản ánh vấn đề này lên chính quyền địa phương, tuy nhiên tình trạng ô nhiễm do trang trại chăn nuôi gia súc vẫn chưa được giải quyết.

Cao Bằng có 306 con gia súc bị chết rét

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cao Bằng, từ cuối tháng 12/2017 đến trung tuần tháng 1/2018, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã có 306 con gia súc bị chết do rét. Các địa phương bị thiệt hại nhiều nhất là huyện Nguyên Bình 79 con, Thông Nông 49 con…

Trong số gia súc bị chết, chủ yếu là trâu, bò, dê dưới 12 tháng tuổi. Tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, khi nhiệt độ dưới 12 độ C, một số người dân vẫn thả rông đàn gia súc, khiến cho sức đề kháng của đàn vật nuôi bị suy giảm. Đặc biệt chuồng trại gia súc còn che chắn sơ sài, nền chuồng ẩm thấp, thức ăn dự trữ cho trâu, bò thiếu, tỷ lệ tiêm phòng gia súc đạt thấp dễ phát sinh dịch bệnh.

Cao Bằng có hàng trăm trâu bò bị chết rét.

Trung Quốc xử lý cán bộ môi trường vi phạm

Trong cuộc chiến trả lại bầu trời xanh cho người dân, Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp thanh tra công tác bảo vệ môi trường ở các địa phương trọng điểm.

Hàng loạt cán bộ môi trường đã bị xử lý. Mới đây nhất, nhiều quan chức ở tỉnh Giang Tây và tỉnh Hà Nam đã bị kỷ luật vì cố tình làm hỏng thiết bị kiểm soát ô nhiễm để làm giảm chỉ số đọc khí thải.

Trong đợt thanh tra mới đây, Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc phát hiện những cán bộ môi trường ở thành phố Tân Dư, tỉnh Giang Tây và Tín Dương, tỉnh Hà Nam đã can thiệp vào các thiết bị đo chất lượng không khí nhằm giảm các chỉ số ô nhiễm không khí. Hai thành phố này là nơi chủ yếu thải ra nhiều chất gây ô nhiễm như nhôm, than.

Tùy theo mức độ vi phạm mà chính quyền địa phương đã sa thải và phạt hành chính những cán bộ chịu trách nhiệm trực tiếp. Những vi phạm phổ biến như làm cho dữ liệu đọc bị hỏng, không vận hành thiết bị đọc, hay chỉ vận hành vào ban đêm để đối phó.

Hàng loạt cán bộ môi trường đã bị xử lý.

Vĩnh Phúc: Công tác bảo vệ môi trường ở huyện Tam Dương còn nhiều khó khăn

Theo đánh giá của Phòng TN&MT huyện Tam Dương, hiện nay, các nguồn gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn gồm các bãi tập kết rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, nước thải sinh hoạt…

Với kết quả quan trắc của các cơ quan chuyên môn cho thấy, về môi trường nước, mặt quan trắc 13/13 mẫu tại các ao hồ, kênh mương, sông suối đều có các chỉ tiêu vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước mặt. Trong đó, thông số ô nhiễm vượt quy chuẩn nhiều nhất là vi khuẩn và nitrit. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nước mặt trên địa bàn huyện chủ yếu do chăn nuôi, rác thải, nước thải sinh hoạt…

Các nguồn thải này chủ yếu chưa qua xử lý hoặc chưa được xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường, nhất là đối với các cơ sở chăn nuôi, nước thải sinh hoạt. Mặc dù nhiều cơ sở đã đầu tư xây dựng hầm Biogas, bể tự hoại, nhưng nước thải sau hệ thống này vẫn vượt quy chuẩn cho phép nhiều lần.

Khối lượng nước thải trên địa bàn huyện hàng ngày xả thải rất lớn, trong đó, nước thải chăn nuôi phát thải khoảng 3.000m3/ngày; nước thải sinh hoạt hơn 8.500m3/ngày, chưa kể đến số lượng nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn.

Theo kết quả phân tích từ 26 mẫu nước thải, cho thấy, 26/26 mẫu đều có các chỉ tiêu vượt quy chuẩn cho phép. Nguồn nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư hay nước thải chăn nuôi mới chỉ được xử lý sơ bộ bằng bể tự hoại chưa đạt quy chuẩn hoặc hầm Biogas, sau đó, thải trực tiếp ra môi trường.

Nhật Hạ (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 16/1: Trang trại chăn nuôi 'bức tử' môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới