Thứ tư, 24/04/2024 07:00 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 19/3: Thấp thỏm vì biển xâm thực sau mùa mưa bão

MTĐT -  Thứ hai, 19/03/2018 16:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hàng trăm ngôi nhà ở Lào Cai bị giông lốc làm hỏng, gần 50% công trình cấp nước ở Quảng Trị hoạt động kém hiệu quả… là một số tin môi trường trong ngày.

Quảng Trị: Gần 50% công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có đến 202 công trình cấp nước nông thôn nhưng có đến 99 công trình trong tình trạng hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động. Trong đó, có 48 công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả, 51 công trình cấp nước không hoạt động.

Theo Sở NN&PT NN tỉnh Quảng Trị, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do phần lớn công trình được xây dựng từ năm 2002 trở về trước nên việc khảo sát, thiết kế chưa tính đến những ảnh hưởng làm giảm lưu lượng, trữ lượng nước mặt và nước ngầm, dẫn đến các công trình thiếu nguồn nước.

Các công trình cấp nước tự chảy ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông thường xuyên bị thiếu nước vào mùa khô, vào mùa mưa chất lượng sau xử lý cũng không đảm bảo do bị đục.

Sơn La: Nhiều khả năng xảy ra mưa đá, gió lốc

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc, từ đêm nay 19/3, ở tỉnh Sơn La có mưa rào và dông, trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh. Thời tiết chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 16 tới 19 độ C, vùng núi cao như Bắc Yên, Vân Hồ, Mộc Châu dưới 12 độ C. Cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá cấp độ 1.

Thống kê ngày hôm qua 18/3, riêng tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, gió lốc và mưa đá khiến hơn 20 nhà bị tốc mái; 1 nhà bị sập đổ và 1 nhà phải di chuyển khẩn cấp; mưa đá cũng làm 150 ha mận hậu, bơ và gần 10 ha rau ở thị trấn Nông trường Mộc Châu và xã Đông Sang bị rụng hoa, quả non, cây rau màu bị dập nát, với mức độ thiệt hại từ 30 đến 50%.

Nhiều khả năng Sơn La sẽ xảy ra mưa đá. Ảnh minh họa: Internet.

Bình Thuận: Xúc tiến đầu tư Dự án Khu liên hợp xử lý, chế biến rác thải các loại

Hiện nay, Khu liên hợp tái chế và xử lý rác thải sinh hoạt, rác công nghiệp, nguy hại trên diện tích 6,63 ha tại xã Nam Chính, huyện Đức Linh (Bình Thuận) đang được Công ty TNHH Thương mại xây dựng xử lý môi trường Đồng Thuận Phát (TP. HCM) xúc tiến đầu tư dự án, để sớm đi vào hoạt động.

Theo MT&CS đưa tin, dự án này có tổng vốn đầu tư 85 tỷ đồng để xây dựng nhà máy trong khu liên hợp công suất thiết kế từ 50 - 300 tấn rác thải/ngày. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ  tiến hành thu gom, xử lý toàn bộ rác thải 13 xã - thị trấn huyện Đức Linh và khu vực lân cận. Hoạt động này sẽ góp phần cùng địa phương hoàn chỉnh tiêu chí số 7 về môi trường để đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2020.

Được biết, để sớm hoàn thành dự án hiện nay huyện Đức Linh đang xúc tiến đầu tư bổ sung lắp đặt đường điện, trang bị hai xe ủi, xe múc, hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải tại bãi rác tập trung của huyện, xử lý rác thải thủ công, trước khi nhà máy chế biến rác đi vào hoạt động.

Phù Cát (Bình Định): Thấp thỏm lo sợ vì biển xâm thực sau mùa mưa bão

Theo báo Bình Định thông tin, ở Bình Định, vào mỗi mùa mưa bão, triều cường đi qua, bờ biển Ðề Gi ở thôn An Quang Ðông, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) lại bị xâm thực. Hiện nay, nhiều hộ dân tại đây đang đứng trước nguy cơ mất nhà, tài sản và luôn phải sống trong cảm giác thấp thỏm lo sợ.

Theo UBND xã Cát Khánh, thời gian gần đây, mưa lũ, triều cường có chiều hướng gia tăng đã làm bờ biển ở phía Nam cảng cá Đề Gi ở thôn An Quang Đông tiếp tục bị xâm thực mạnh. “Triều cường kết hợp sóng biển đã làm chừng 500 m bờ biển bị ăn sâu vào đất liền khoảng 70 m, quật ngã nhiều hàng cây phi lao, cuốn trôi hàng ngàn mét khối đất dọc bờ biển, uy hiếp đến nhà cửa, tài sản của nhiều hộ dân sống trong vùng”, ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, bày tỏ.

Điển hình là sau đợt mưa bão cuối năm 2017, biển ăn sâu vào đất liền. Hiện trường để lại là những hàng cây ven bờ chỉ còn trơ gốc. Nhiều hàng quán và nhà dân dọc bãi biển An Quang Đông chỉ còn cách biển chừng 30 – 50 m.

Chị Trần Thị Hường, ở thôn An Quang Đông, cho biết: “Trước đây, hiện tượng xâm thực thường diễn ra vào khoảng tháng 11 đến tháng 12 và tự bồi lấp vào tháng 3 đến tháng 4 năm sau. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, biển ăn sâu vào đất liền 50 – 70 m thay vì 20 – 30 m rồi tự bồi lấp lại như mọi khi. Nhiều hàng phi lao chắn sóng, phòng hộ ven biển đã bị sóng cuốn trôi. Nhà cửa vì thế cũng ở gần mép sóng hơn”.

Nhiều hộ dân tại đây đang đứng trước nguy cơ mất nhà vì biển xâm thực. Ảnh: Báo Bình Định.

Ông Nguyễn Hữu Vui, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, sau khi biển xâm thực rừng phi lao phòng hộ ven biển Đề Gi ở thôn An Quang Đông, Sở NN&PTNT đã phối hợp cùng các đơn vị có liên quan đi kiểm tra thực tế. Qua kiểm tra, đơn vị nhận thấy: Hằng năm, từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc kết hợp triều cường lớn, bờ biển tại đây thường bị xói lở, xâm thực vào đất liền khoảng 30 – 70 m, kéo dài từ gốc mỏ hàn Đề Gi về phía Nam khoảng 500 m; sau đó, từ tháng 2 đến tháng 4 bồi lấp trở lại.

Siêu bão đổ bộ Madagascar, 17 người thiệt mạng

Ít nhất 17 người đã thiệt mạng sau khi cơn bão nhiệt đới Eliakim đổ bộ vào Madagascar cuối tuần qua.

Theo cơ quan xử lý thảm họa quốc gia, khoảng 15.000 người dân đã bị ảnh hưởng cơn bão nhiệt đới Eliakim, trong đó hơn 2.500 người dân phải sơ tán khẩn cấp.

Số lượng người thiệt mạng được dự báo có thể còn tiếp tục tăng lên do chưa thể tiếp cận được thông tin ở các khu vực vùng sâu, vùng xa bị nước lũ chia cắt.

Cơn bão Eliakim có sức gió lên tới 105 km/h kèm theo mưa lớn gây ngập úng trên diện rộng. 650 ngôi nhà bị ngập trong nước lũ và hơn 250 ngôi nhà khác bị phá hủy hoàn toàn.

Bão Eliakim đổ bộ Madagascar.

Lào Cai: Gần 200 nhà dân bị đánh hỏng vì giông lốc

Theo báo cáo nhanh tổng hợp từ UBND tỉnh Lào Cai đến 13h ngày 18/3, mưa lớn kèm theo gió lốc đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản của nhà nước và nhân dân 3 xã Nàn Sán, Sán Chải, Si Ma Cai của huyện Si Ma Cai, ước tính gần 2 tỷ đồng.

Thống kê có 178 nhà dân bị thiệt hại (25 căn nhà bị tốc mái hoàn toàn, 153 căn nhà tốc mái một phần), 2 nhà văn hóa bị hư hại, 5 phòng ở nhà công vụ giáo viên trường THCS xã Sán Chải tốc mái hoàn toàn, 3 gian nhà bán trú học sinh trường THCS xã Nàn Sán tốc mái...

Hàng trăm ngôi nhà ở Lào Cai bị hư hỏng nặng. 

2 đường điện 35KW bị đứt, nhiều đường điện của các hộ dân bị đứt, hư hỏng; nhiều diện tích rừng, cây hoa màu bị gãy đổ sau trận giông lốc. Tổng thiệt hại ước tính khoảng trên 1,865 tỷ đồng.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, UBND huyện Si Ma Cai đã thành lập đoàn công tác xuống hiện trường kiểm tra và động viên bà con nhân dân sớm khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 19/3: Thấp thỏm vì biển xâm thực sau mùa mưa bão. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới