Thứ tư, 17/04/2024 02:44 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 6/2: Lò mổ gia xúc “đầu độc” sông Đáy

MTĐT -  Thứ ba, 06/02/2018 17:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều năm qua, nhiều lò mổ gia súc tại Chương Mỹ (Hà Nội) hoạt động sát bờ sông Đáy đã xả thải vô tội vạ xuống bờ sông khiến dòng sông Đáy ô nhiễm ngày càng nặng nề.

Lò mổ gia xúc xả thải trực tiếp xuống sông Đáy

Theo báo Đại đoàn kết đưa tin, nhiều năm nay, tại thôn Phượng Bãi, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội tồn tại nhiều lò giết mổ gia súc gây ô nhiễm môi trường khiến nhân dân địa phương bức xúc.

Các lò mổ này hoạt động sát bờ sông Đáy, vừa là nơi giết mổ, vừa là nơi tập kết gia súc tập trung nên số lượng chất thải, phế thải thải ra môi trường rất lớn.

Theo đó, tại khu vực sông Đáy cạnh các lò mổ này, hàng loạt ống nước thải được đấu nối ra sát bờ sông. Trong quá trình giết mổ, toàn bộ chất thải gồm phân lợn, máu lợn và các phế phẩm sau giết mổ gia súc không được thu gom mà bị các cơ sở này xả thẳng xuống bờ sông, rồi chảy xuống sông Đáy.

Dòng sông Đáy ngày càng ô nhiễm trầm trọng.

Tại khu vực này, cả đoạn sông Đáy dài cả cây số bị ô nhiễm nghiêm trọng và bốc mùi tanh tưởi, hôi thối nồng nặc. Theo người dân địa phương cho biết, mỗi ngày các lò giết mổ này hoạt động vào 2 ca là vào lúc 2h sáng và 14h chiều, hàng ngày cung cấp ra thị trường khoảng 600 con lợn thịt.

Lào Cai chịu thiệt hại nặng từ các đợt rét đậm

Theo thông tin trên TTXVN, thống kê của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, trong 4 ngày. từ ngày 2-5/2, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 145 con gia súc chết rét; trong đó, huyện Văn Bàn thiệt hại 16 con, huyện Si Ma Cai thiệt hại 1 con. Ước tính thiệt hại trên 2,4 tỷ đồng, nâng tổng số thiệt hại từ đầu vụ Đông đến nay lên gần 10 tỷ đồng.

Từ ngày 2/2 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai tiếp tục chịu ảnh hưởng của đợt không khí lạnh tăng cường gây mưa nhỏ rải rác, trời rét đậm rét hại. Đặc biệt, từ 3/2 đến 5/2, một số nơi vùng núi cao rét hại nặng đến rất nặng.

Nhiều trâu, bò chết rét ở Lào Cai.

Thị trấn Sa Pa nhiệt độ dao động từ -1 độ C đến 1 độ C, Bắc Hà từ 4- 6,5 độ C, một số nơi khác từ 6-8 độ C. Một số nơi ở khu vực độ cao trên 2.000m trở lên như Ô Quý Hồ (Sa Pa) và Ý Tý (Bát Xát) xuất hiện mưa tuyết băng giá sương muối nặng.

Số gia súc bị chết rét trên địa bàn tỉnh Lào Cai từ đầu năm 2018 đến nay (tức 1/1/2018 đến 6/2/2018) là 544 con với tổng giá trị thiệt hại trên 8,4 tỷ đồng.

Chỉ  tính từ đầu vụ Đông (19/11/2017) đến nay Lào Cai có 641 con với tổng giá trị thiệt hại trên 9,8 tỷ đồng; trong đó, Sa Pa bị thiệt hại nặng nề nhất với 418 con gia súc chết rét, tiếp đó là Văn Bàn (94), Si Ma Cai (97), thành phố Lào Cai (32)...

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai, trong dịp tết Nguyên đán 2018, Lào Cai có khả năng xảy ra các đợt rét đậm rét hại kéo dài, các huyện vùng cao nhiệt độ có thể xuống thấp kỷ lục -2 độ C kèm băng giá sương muối và mưa tuyết trên diện rộng.

Lũ lụt ở Indonesia, hàng ngàn người phải sơ tán

Theo cảnh sát, mưa lớn gây ra lở đất ở các thành phố vệ tinh xung quanh Jakarta, với 8 người mất tích sau hai vụ lở đất quanh thành phố Bogor.

Ngày 6/2, hình ảnh trên truyền hình cho thấy người dân lội qua dòng nước đục màu nâu đậm trong một số khu phố của thủ đô Jakarta.

Thống đốc bang Jakarta, Anies Baswedan cho biết khoảng 6.500 người buộc phải sơ tán do lũ lụt ở các khu vực phía Nam và phía Đông Jakarta.

"Chúng tôi cam kết những người sơ tán sẽ nhận được viện trợ", Baswedan tuyên bố, và nói thêm rằng nước lụt đã rút tại các cửa tháo nước Manggarai trong thành phố.

Học sinh bị sơ tán vì lũ lụt.

Một ngày trước đó, đoạn phim truyền hình kịch tính cho thấy những dòng sông bùn lầy chảy tràn nhanh trên đường, làm đổ cây cối và cả một số biệt thự ở những vùng đồi xung quanh Jakarta.

Các nhà chức trách buộc phải xả nước từ hồ chứa thượng lưu trong thành phố Bogor khi mực nước dâng cao khiến giới chức ban bố cảnh báo cao nhất.

Lực lượng cảnh sát và quân sự phối hợp với các tình nguyện viên để ứng phó với tác động của lũ lụt.

Đức Trọng (Lâm Đồng) người dân hoang mang vì nguồn nước bị ô nhiễm

Theo báo Lâm Đồng đưa tin, thời gian gần đây, người dân thôn Phú Bình, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ vì tình trạng ô nhiễm nguồn nước do Doanh nghiệp tư nhân Yên Tâm chảy rỉ xuống cống 7 (thuộc khu vực suối ranh giới 364 giữa xã Tân Thành và xã Phú Hội).

Theo Báo cáo số 06/BC-UBND ngày 23/1/2018 của UBND xã Tân Thành thì qua kiểm tra xác minh hiện trạng tại khu vực đất của Doanh nghiệp tư nhân Yên Tâm có một khu chứa vỏ cà phê và phơi phân ủ với khối lượng ước khoảng 1.000 m³, xung quanh bãi chứa vỏ cà phê và phơi phân ủ có rãnh nước màu đen và chảy rỉ xuống suối. Tại khu vực cống 7, với chiều dài khoảng 500 m đến 600 m có những vị trí hố nước thuộc lòng suối có màu đục đen, có mảng bọt trắng trên mặt, có mùi chua thối.

Sự việc trên được các cơ quan chức năng vào cuộc khi có đơn kiến nghị của người dân phản ảnh về tình trạng ô nhiễm ở cống 7 – là nơi một số hộ dân lấy nước tưới cà phê, hồ tiêu. Qua kiểm tra của UBND xã Tân Thành thì hiện trạng vườn cà phê của ông Phạm Văn Chiến có tổng diện tích 1,5 ha, đất trồng cà phê robusta ghép năm thứ 10 và có xen hồ tiêu với tổng số cây khoảng 1.000 gốc. Số lượng cây cà phê có hiện tượng vàng lá và chết khoảng từ 80% đến 85%, số hồ tiêu bị chết khô khoảng từ 60% đến 70%, số tiêu và cà phê còn lại có màu vàng và kém phát triển.

Trước tình hình trên, ông Lê Văn Bình – Trưởng thôn Phú Bình đã phải khuyến cáo bà con trong vùng sản xuất nông nghiệp tại khu vực cống 7 không sử dụng nguồn nước này để tưới cà phê, hồ tiêu.

Ông Bình cũng đã nhiều lần nêu vấn đề ô nhiễm ở cống 7 trước các cuộc họp của địa phương nhưng đến nay tình trạng trên vẫn tiếp diễn và chưa được giải quyết dứt điểm.

Ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất trong khu dân cư

Giáp Tết là thời điểm mà nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp bất chấp các quy định, xả thải trực tiếp ra môi trường, đặc biệt là các cơ sở sản xuất gần khu dân cư.

Các chuyên gia đánh giá, ô nhiễm do sản xuất công nghiệp ở TP. HCM đã đến mức báo động. Sở Tài Nguyên và Môi Trường thành phố cho biết: TP. HCM có hơn 32.000 nhà máy, cơ sở sản xuất. Mỗi ngày thải ra từ 350 - 400 tấn chất thải nguy hại ra môi trường. Còn theo Chi cục Môi trường thành phố Hồ Chí Minh: Đo đạc tại 170 nhà máy, cơ sở sản xuất có phát sinh khí thải ra môi trường thì có đến 81 đơn vị chưa trang bị hệ thống xử lí. 89% mẫu không khí ở các cơ sở này không đạt tiêu chuẩn, luôn ở mức nguy hại cao.

Tình trạng này buộc TP. HCM, Bộ Công an và các đơn vị liên quan phải vào cuộc. Cũng từ đó, trong dịp cuối năm vừa qua, nhiều trường hợp xả thải với khối lượng lớn, nguy hại đến môi trường đã được phát hiện, xử lí.

Quảng Ninh: Bắt giữ 32 vụ vi phạm pháp luật về môi trường

Thực hiện đợt cao điểm đấu tranh trấn áp tội phạm đảm bảo ANTT dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 và lễ hội đầu năm, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quân xử lý các vụ vi phạm pháp luật về môi trường.

Từ ngày 16/12/2017 đến nay, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện và xử lý 32 vụ vi phạm pháp luật môi trường đối với 3 tổ chức, 29 cá nhân. Trong đó, phát hiện, xử phạt 18 vụ, 1 tổ chức, 17 cá nhân vi phạm pháp luật môi trường và thương mại; 01 tổ chức, 02 cá nhân vi phạm trong lĩnh vực xăng dầu; 8 vụ/8 cá nhân vi phạm pháp luật về VSATTP, thu giữ 5.000 con chim bồ câu, hơn 6.260 kg đường, 1.500 bao thuốc lá ngoại và gần 3 tấn thực phẩm các loại…

Nhằm kiểm soát tình hình, lực lượng chức năng đã thực hiện phòng ngừa, đấu tranh, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời trao đổi thông tin tuyên truyền, phổ biến cho người dân nâng cao tinh thần, trách nhiệm bảo vệ môi trường, nhân dân vui Xuân đón Tết an toàn.

Iran tiếp tục đóng cửa trường học tại thủ đô do ô nhiễm không khí

Tất cả các trường học tại thủ đô Tehran của Iran sẽ tiếp tục đóng cửa trong ngày 6/2 do mức độ ô nhiễm không khí cao.

Truyền hình Nhà nước Iran cho biết, quyết định đóng cửa các trường tiểu học ngày 5/2 sẽ được áp dụng mở rộng đối với các trường phổ thông và đại học tại Tehran, ngoại trừ 4 vùng ghi nhận mức độ ô nhiễm thấp hơn.

Chính quyền địa phương còn áp đặt nhiều biện pháp hạn chế các phương tiện cá nhân lưu thông trên đường, đồng thời đình chỉ các hoạt động công nghiệp gây ô nhiễm và việc thi công tại các công trường xây dựng.

Theo số liệu mới nhất, mật độ bụi trung bình trong không khí tại thành phố Tehran với 8,5 triệu dân trong ngày 5/2 ở mức 173 microgrammes/m3, thậm chí lên tới 231 microgrammes/m3 ở khu vực phía Đông thành phố.

Con số này vượt xa mức an toàn mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra, tối đa chỉ là 25 microgrammes/m3 trong chu kỳ 24 giờ.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 6/2: Lò mổ gia xúc “đầu độc” sông Đáy. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.