Thứ sáu, 29/03/2024 18:00 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 8/2: Gải quyết các nguồn gây ô nhiễm tại suối Đó

MTĐT -  Thứ năm, 08/02/2018 16:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Giải quyết các nguồn gây ô nhiễm tại suối Đó hay đề xuất xây dựng Nhà máy điện mặt trời tại Bình Phước… là một số tin môi trường trong ngày.

Mường Tè - Lai Châu: Thiếu nguồn nhân lực ngành TN&MT

Theo báo TNMT đưa tin, những năm qua, nguồn nhân lực phòng TN&MT huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đang rất thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Năm 2017, sau khi lao động hợp đồng của phòng bị cắt giảm, nguồn nhân lực mới vẫn chưa được bổ sung, dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường.

Được biết, huyện Mường Tè có diện tích lớn trên 2.679 km2, địa bàn rộng cùng với 14 xã, thị trấn, giao thông đi lại khó khăn, tiềm năng về khoáng sản, đặc biệt là vật liệu xây dựng thông thường lớn nên công tác quản lý ngành tài nguyên và môi trường trên địa bàn huyện cũng xác định rất nhiều khó khăn, vướng mắc sẽ gặp phải.

Ảnh: Báo TNMT.

Tháng 8/2017, toàn bộ lao động hợp đồng tại phòng bị cắt hợp đồng, một số cán bộ chuyển công tác. Đến nay, phòng TN&MT huyện Mường Tè chỉ có 3 cán bộ, trong đó, 2 cán bộ làm công tác quản lý và 1 cán bộ phụ trách chuyên môn. Trong khi đó, chỉ tiêu giao cho phòng TN&MT huyện Mường Tè là 8 biên chế.

Ông Quách Văn Thành, Phó phòng TN&MT huyện Mường Tè, chia sẻ: Việc thiếu đội ngũ cán bộ phụ trách chuyên môn dẫn đến công tác quản lý tài nguyên và môi trường trên địa bàn huyện tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém. Khó khăn lớn nhất của phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Tè là trong công tác quản lý đất đai: Cơ sở dữ liệu địa chính chưa được xây dựng; nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế; tình trạng lấn chiếm đất đã được giải phóng mặt bằng vẫn thường xuyên xảy ra.

Tuyết rơi dày thủ đô Paris gần như tê liệt

Thủ đô Paris và các tỉnh miền Bắc nước Pháp đang chứng kiến đợt tuyết rơi dày nhất trong nhiều năm qua.

Tuyết bắt đầu rơi từ rạng sáng 6/2 và kéo dài trong cả ngày, khiến ít nhất 25 tỉnh ở phía Bắc nước Pháp phải công bố tình trạng báo động ở mức 3 trên 4.

Trong chiều tối 6/2, ở một số nơi, tuyết đã dày 10 – 15cm. Đến sáng 7/2, một nửa lãnh thổ phía Bắc của Pháp ngập trong mức tuyết dày từ 10-15cm, một số nơi đến 20cm, bao gồm cả thủ đô Paris.

Giao thông tại Thủ đô Paris bị tê liệt vì tuyết.

Theo dự báo của Cơ quan khí tượng Pháp, đợt giá lạnh này sẽ còn tiếp diễn trong vài ngày tới và đỉnh điểm sẽ là đêm 7/2, rạng sáng 8/2, khi nhiệt độ ở miền Bắc Pháp sẽ xuống dưới âm 10 độ C và lượng tuyết ở một số nơi có thể lên tới 25-30cm.

Diễn biến thời tiết này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân Pháp, đặc biệt tại vùng Ile de France của thủ đô Paris.

Giao thông bị đình trệ nghiêm trọng. Từ chiều tối đến nửa đêm 6/2, tuyết rơi dày đã khiến cho khu vực thủ đô Paris tắc đường trầm trọng, với tổng số hơn 730km tắc đường, cao nhất trong lịch sử.

Cửa Đại tiếp tục sạt lở nghiêm trọng uy hiếp tuyến cáp dẫn điện ra Cù Lao Chàm

Theo thông tin trên báo TNMT, trong đợt gió mùa đông bắc tăng cường từ ngày 1- 7/2 vừa qua, tại biển Cửa Đại, Hội An (Quảng Nam) đã có sóng lớn, kết hợp triều cường dâng cao, khiến tuyến kè biển kiên cố có chiều hơn 800m được đầu tư hàng trăm tỷ đồng bị sóng biển đánh sập.

UBND TP.Hội An vừa cấp tốc chỉ đạo Công ty Sơn Thạnh (Đơn vị thi công tuyến kè) khẩn trương đưa phương tiện chuyên dụng tìm cách hạn chế nạn xói lở tuyến kè cứng bờ biển Cửa Đại đang bị sóng lớn khoét sâu vào bờ, đe dọa an toàn trực tiếp tuyến cáp dẫn điện ra đảo Cù Lao Chàm.

Ảnh: Báo TNMT.

TP Hội An cũng đã chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan của địa phương đưa phương tiện, công nhân khẩn cấp dùng bao tải đựng cát ngăn chặn tạm thời để bảo vệ tuyến kè. Tuy nhiên trước những đợt sóng lớn, những túi cát không thể ngăn nổi. Nhiều đoạn kè tạm đã bị sóng cuối trôi ra biển. Hiện tượng xói lở tiếp tục lan rộng ra các khu vực kè bờ yếu. Đặc biệt, đoạn bị sóng phá hủy đang lấn gần sát tuyến cáp điện vượt biển kéo điện ra Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp) gây nguy hiểm.

Chính quyền TP. Hội An cho biết: Để hạn chế tình trạng xói lở nhanh như hiện nay, trước mắt đơn vị thi công dùng vải địa kỹ thuật trải lớp đáy và phủ lên đỉnh kè, dùng bao tải cát có trọng lượng trên 1 tấn trở lên lấp tạm đoạn đang bị sóng cuốn trôi, đồng thời làm giảm lực phá của sóng. Đây chỉ giải pháp tạm thời, vừa chống xói lở kè, vừa bảo vệ tuyến cáp điện ngầm dẫn điện ra đảo. Về giải pháp lâu dài Hội An đang chờ ý kiến từ UBND tỉnh Quảng Nam.

Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng đợt 1/ 2018

Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường đợt 1 năm 2018 nhằm chủ động tiêu diệt mầm bệnh, ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh và lây lan rộng, giảm thiểu nguy cơ lây bệnh cho người, đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi để đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo đó, tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường đợt 1 năm 2018 sẽ thực hiện trên toàn quốc đến hết ngày 31/3/2018. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu chính quyền địa phương chỉ đạo, bố trí hố sát trùng tại khu vực đường mòn, lối mở biên giới trên địa bàn quản lý.

Tại khu vực cửa khẩu biên giới, cơ quan kiểm dịch động vật phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ tại cửa khẩu tham mưu cho Ban quản lý cửa khẩu bố trí hố sát trùng và thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua cửa khẩu.

Đồng thời, chính quyền cấp xã tổ chức các đội phun thuốc sát trùng cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ buôn bán động vật sống ở nông thôn, nơi công cộng, đường làng, ngõ, xóm, khu nhốt giữ động vật… việc phun thuốc khử trùng chỉ được thực hiện sau khi đã được vệ sinh cơ giới như quét dọn, cọ, rửa sạch…

Những trại chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ động vật tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm tự lo vật tư, kinh phí, tổ chức thực hiện theo sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan thú y.

Bình Thuận: Gải quyết các nguồn gây ô nhiễm tại khu vực suối Đó

Phó Chủ tịch UBND Bình Thuận mới có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan giải quyết các nguồn gây ô nhiễm tại khu vực suối Đó, huyện Hàm Tân.

Theo đó, yêu cầu UBND thị xã La Gi và UBND huyện Hàm Tân khẩn trương tổ chức điều tra, thống kê, quan trắc các nguồn thải đổ vào suối Đó và đề xuất các giải pháp quản lý, xử lý phù hợp. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, đặc biệt là xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép đối với các ngành, nghề gây ô nhiễm cao như chăn nuôi heo, sản xuất cá cơm,…

Suối Đó bị ô nhiễm nghiêm trọng - Ảnh minh họa: Internet.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển chăn nuôi heo tập trung trên địa bàn tỉnh; lưu ý đảm bảo yếu tố môi trường, đưa ra khỏi quy hoạch các vị trí chăn nuôi gần đầu nguồn nước, khu dân cư hoặc các vị trí nhạy cảm khác,… làm cơ sở để UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng lộ trình di dời các trang trại chăn nuôi heo không còn phù hợp quy hoạch.

Công an tỉnh tăng cường nhân lực, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát, bắt quả tang hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn về môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm yêu cầu Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Bình Dương chấm dứt việc xả nước thải ra kênh thủy lợi dẫn nước về suối Đó, thực hiện các biện pháp phòng ngừa sự cố môi trường, cải tạo hồ chứa nước thải và xây dựng mới hầm Biogas đảm bảo không để nước thải chảy ra môi trường.

Đề xuất xây dựng Nhà máy điện mặt trời tại Bình Phước

Theo đó, nhà máy điện mặt trời có công suất 200MW và một nhà máy xử lý rác thải theo cơ chế sạch CDM, thu hồi khí biogas để phát điện.

Chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Hoài Nam - Hoài Bắc (TP.HCM) phối hợp với đối tác Cộng hoà Liên bang Đức, tổng vốn 500 triệu USD.

“Nhận thấy Bình Phước có tiềm năng lớn về điện mặt trời, điện từ xử lý rác thải, nên chúng tôi đặt vấn đề với đối tác Cộng hòa liên bang Đức và đã được chấp thuận nguồn vốn đầu tư 500 triệu USD. Toàn bộ công trình được làm bằng công nghệ hiện đại, và mới nhất của Đức. Đây sẽ là cơ hội rất tốt để góp phần đưa Bình Phước phát triển mạnh hơn nữa về Kinh tế - Xã hội”, ông Huỳnh Viết Thanh, TGĐ Tập đoàn Hoài Nam - Hoài Bắc cho biết.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, hoan nghênh các doanh nghiệp đến đầu tư tại Bình Phước, tỉnh cam kết luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất về cơ chế, chính sách cũng như thủ tục hành chính.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 8/2: Gải quyết các nguồn gây ô nhiễm tại suối Đó. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới