Thứ sáu, 19/04/2024 07:47 (GMT+7)

Tin MT ngày 10/4: Hàng loạt mỏ khai thác đá 'bức tử' môi trường

MTĐT -  Thứ ba, 10/04/2018 17:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Quảng Ninh hàng loạt mỏ khai thác đá bức tử môi trường, Lee & Man lên tiếng việc bị dân “tố” gây ô nhiễm… là một số tin môi trường trong ngày.

Lee & Man lên tiếng việc bị dân “tố” gây ô nhiễm

Theo báo Người lao động đưa tin, những ngày gần đây, một vài hộ dân ở ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành (Hậu Giang) "tố" Nhà máy Giấy Lee & Man tiếp tục gây ra tiếng ồn, để bụi bay vào nhà dân và gây ra mùi hôi khó chịu, ngày 10/4, Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam đã lên tiếng về việc này.

Theo đó, Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam cho rằng đã hoàn tất việc xây dựng các công trình bảo vệ môi trường và đã được Tổng cục Môi trường xác nhận việc hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường tại Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường số 111/GXN-TCMT ngày 26-10-2017.

Hiện công ty đã đi vào hoạt động chính thức. Trong suốt thời gian vừa qua, các công trình bảo vệ môi trường của công ty hoạt động ổn định, bình thường, không có sự bất thường nào được ghi nhận. Các chỉ số môi trường đều được ghi nhận và truyền trực tuyến đến các cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật Việt Nam và được ghi nhận đầy đủ, không có bất thường nào.

"Chúng tôi khẳng định nhà máy đang hoạt động bình thường, các chỉ tiêu môi trường ổn định, không gây hại đến môi trường xung quanh cũng như cư dân địa phương. Trong suốt thời gian chạy thử cũng như thời gian hoạt động chính thức vừa qua, chúng tôi đã luôn luôn có nhân viên túc trực tại thị trấn Mái Dầm để ghi nhận mọi phản ảnh của người dân, kịp thời xác minh và giải thích. Tuy nhiên, rất tiếc là trong khi hầu hết các hộ dân ghi nhận sự nghiêm túc, cầu thị thì công ty vẫn còn nhận được phản ứng tiêu cực từ một số hộ dân khác, gắn với yêu cầu công ty hỗ trợ để chuyển họ đi nơi khác sống" – thông cáo báo chí của Lee & Man nêu.

Ngoài ra, Lee & Man cũng cho rằng là một công ty lớn, đầu tư nghiêm túc và có công nghệ hiện đại, có hệ thống xử lý nước thải, khí thải và giám sát môi trường tốt trong ngành giấy tại Việt Nam, dẫn đầu trong các nhà máy sản xuất công nghiệp hiện nay ở Việt Nam.

Đối với những phàn nàn của một số hộ dân, công ty cho rằng cần được xác định và phối kiểm trên những căn cứ thực tế.

Thanh Hóa: Rác thải 'ngập' đường ở xã nông thôn mới

Theo báo GĐ&PL đưa tin, Thanh Thủy và Thanh Sơn là 2 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nhưng lại không có quy hoạch bãi rác tập trung, dẫn đến việc rác thải vẫn “vô tư” ngập tràn trên đường gây ô nhiễm môi trường...

Trên con đường từ QL1A vào trụ sở UBND xã Thanh Sơn và Thanh Thủy (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) có thể dễ dàng bắt gặp những đống rác lộ thiên hay thậm chí vun thành từng đống ở 2 bên lề trục đường liên thôn, liên xã gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Đây là đoạn đường thường xuyên có người qua lại, nhưng không hiểu vì sao chính quyền sở tại lại vẫn “thờ ơ” để tình trạng này diễn ra mỗi ngày một trầm trọng hơn khiến các hộ dân vô cùng bức xúc.

Đi dọc QL vào xã Thanh Sơn cứ đi một đoạn lại có thể dễ dàng thấy ngay một bãi rác lộ thiên, men theo các cánh đồng cũng không khó để thấy những bãi rác chạy dài bừa bãi, bốc mùi hối thối khắp nơi.

Người dân nơi đây cho biết, tại 2 xã này luôn xảy ra tình trạng “xả” rác thải ra đường, bờ mương ở các trục đường giao thông chính và trên các cánh đồng với khối lượng lớn. Gây mất mỹ quan cũng như ô nhiễm môi trường.

Được biết, tại 2 xã này từ trước đến nay không xây dựng bãi tập kết rác thải tập trung như các xã khác vẫn làm để thu gom lượng rác từ trong dân cư về một chỗ. Thay vào đó xã phát động mô hình xử lý rác tại gia, tức là mỗi hộ gia đình tự gom rác rồi phơi khô mang đốt. Nhưng hầu như các gia đình đều mang rác ra đường các bờ mương, cống rãnh để đổ…

Lãnh đạo xã Thanh Sơn cho biết: Rác thải trên địa bàn xã rất nhiều. Việc thu gom và xử lý rác của địa phương vẫn chưa tiến hành được do cuối năm 2017 xã mới xác định được vị trí quy hoạch bãi rác nhưng chưa đền bù giải phóng xong và chưa thỏa thuận được với người đi thu gom rác về giá nên chỉ phát động nhân dân dọn vệ sinh và xử lý rác trong gia đình”.

Quảng Ninh: Hàng loạt mỏ khai thác đá và trạm trộn bê tông asphalt “ bức tử” môi trường, người dân kêu cứu

Theo báo MT&CS thông tin, hiện nay xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ là một trong những địa phương tập trung nhiều mỏ khai thác đá nhất tỉnh Quảng Ninh, điều đó đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của Tỉnh nhiều năm qua.

Tuy nhiên, đi đôi với việc khai thác và vận chuyển đá của các công ty trên địa bàn đã tác động ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.

Người dân thôn Đồng Cao, xã Thống Nhất cho biết, hơn mười năm nay, họ đã và đang phải sống chung với khói, bụi bẩn và tiếng ồn, nguyên nhân sâu xa người dân cho biết là do các mỏ khai thác đá và 4 trạm bê tông nhựa asphalt gây nên.

Được biết hiện nay trên địa bàn thôn Đồng Cao có 4 mỏ khai thác đá: Công ty xây dựng nhà ở Quảng Ninh, Công ty Dung Huy, Công ty Hữu Nghị, Công ty Việt Hưng và 4 trạm bê tông asphalt: Công ty Quản lý Cầu đường bộ 1 Quảng Ninh, Công ty Hướng Tâm, Công ty 909 và Công ty Hoàn Hảo.

Lãnh đạo xã Thống Nhất cho biết: “Nhiều năm nay bà con trên địa bàn xã nói chung và thôn Đồng Cao nói riêng thường xuyên phải hứng chịu ô nhiễm từ các mỏ đá, trạm trộn bê tông asphal gây nên, Trong 4 trạm trộn bê tông asphalt này chỉ có duy nhất Công ty Quản lý Cầu đường bộ 1 Quảng Ninh là được cấp phép xây dựng trạm, còn 3 trạm kia dựng trạm là không có phép, họ thuê lại đất của công ty Dung Huy và Công ty Cầu đường bộ 1 Quảng Ninh. Các công ty về đây hoạt động không báo cáo với xã và hầu như họ không phối hợp với xã, họ chỉ quan hệ với các lãnh đạo Tỉnh, chính quyền huyện thôi. Chính vì vậy, mỗi khi tiếp xúc cử tri, hay đơn thư bà con gửi lên xã, UBND xã có xuống kiểm tra làm việc nhưng họ bất hợp tác không phối hợp. Cho đến nay, các doanh nghiệp sản xuất bê tông asphalt vẫn chưa hoàn thiện đầy đủ các thủ tục pháp lý về việc cấp phép đặt trạm cũng như đề án bảo vệ môi trường”.

Hải Dương: Báo động những “dòng sông chết” tồn tại nhiều năm

Báo Hải Dương thông tin, mức độ ô nhiễm của các kênh thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hải Dương ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.

Một trong những dòng sông "chết" có thể kể đến là kênh Phủ – Sặt (Bình Giang), kênh Đò Cậy – Tiên Kiều (Cẩm Giàng)...

Theo kết quả phân tích nước mặt của Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thì 17 tuyến kênh thủy lợi chính trên địa bàn tỉnh đang bị ô nhiễm nặng. Nhiều tuyến đang ở mức đáng báo động, khó có thể khắc phục như Thạch Khôi – Đoàn Thượng (qua địa bàn huyện Gia Lộc, TP Hải Dương); Cẩm Đông – Phí Xá, Đò Cậy – Tiên Kiều (cùng huyện Cẩm Giàng); Đông La – Bình Cách (qua các huyện Thanh Miện, Bình Giang)…

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết những dòng kênh đang bị bức tử là mặt trái của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa. Theo ông Chinh, phát triển kinh tế là cần thiết nhưng nếu không kiểm soát được nước thải, rác thải của các nhà máy xả ra môi trường thì hậu quả sẽ rất khôn lường.

Bình Định: Tổ chức Hội thảo tìm giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu

Chiều 9/4, tại TP Quy Nhơn đã diễn ra Hội thảo “Nghiên cứu, cập nhật tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH) tại tỉnh Bình Định và đề xuất các giải pháp ứng phó”. Hội thảo do Văn phòng Điều phối về BĐKH tỉnh phối hợp với Viện Khí tượng Thủy văn Hải văn và Môi trường (KT-TV-MT) tổ chức.

Tham gia Hội thảo có trên 80 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài tỉnh. Tại Hội thảo, các đại biểu đã được giới thiệu một số nội dung chủ yếu về Dự án “Cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Bình Định”.

Theo đó, các nhà nghiên cứu của Viện KT-TV-MT đã giới thiệu 5 báo cáo chuyên đề: Thông tin chung về dự án; Tình hình BĐKH và thiên tai; Cập nhật kịch bản BĐKH tại tỉnh Bình Định theo tiếp cận mới của Ủy ban Liên Chính phủ về BĐKH; Đánh giá tác động và tính dễ bị tổn thương do BĐKH đến tỉnh Bình Định; Đề xuất các giải pháp trọng tâm và các dự án phục vụ ứng phó với BĐKH tại tỉnh.

Quảng Bình: Hàng chục năm người dân sống chung với con đường đầy bụi bặm, bùn lầy

Theo báo MT&CS thông tin, Quảng Kim là xã miền núi khó khăn của huyện Quảng Trạch, tuy nhiên, địa phương này lại thường xuyên bị ngập lụt, cô lập khi có mưa lũ lớn. Đặc biệt là cuộc sống của hàng trăm hộ dân gần 30 năm qua phải đi con đường đất, gồ ghề sỏi đá. Vào mùa nắng con đường bụi bay mù mịt khắp vườn, nhà cửa, còn những lúc trời mưa con đường trở thành vũng lầy, bùn đất gây khó khắn trắc trở cho người dân sinh sống và làm ăn nơi đây.

Ghi nhận thực tế tại con đường này thấy xuất hiện “ổ voi, ổ gà”, nhiều đoạn đá cuội lô nhô rất nguy hiểm cho người dân khi tham gia giao thông. Dù trời nắng nhưng nhiều điểm vẫn còn in lại lồi lõm vệt bánh xe, nhiều đoạn khác bụi mù mịt khi có xe đi qua và hầu hết khu dân cư tại đây từ tường rào cho đến vườn rau, nhà cửa đều bao phủ một lớp màu đỏ, thậm chí trên tường bao của nhiều hộ dân vẫn còn bùn đỏ phủ kín tường.

Trưởng thôn 4, xã Quảng Kim, cho biết: “Đây là con đường người dân đi lại, sinh sống từ trước tối nay, khoảng 4-5 km đường đi lại rất khó khắn. Đường lầy lội vào mùa mưa, còn mùa nắng thì bụi đỏ từ đường bay khắp khu dân cư. Giờ trời nắng bụi mù mịt, vẫn còn một số đoạn đường lầy vệt bánh xe đi lại nguy hiểm lắm, có nhiều đoạn ổ gà, ổ voi. Người dân chúng tôi luôn mong mọi đường được xây dựng bao nhiêu năm nay rồi, mong các cấp ngành tỉnh, huyện và Trung ương hỗ trở làm đường cho người dân đi lại an toàn, thuận lợi trong sinh sống, làm ăn”.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin MT ngày 10/4: Hàng loạt mỏ khai thác đá 'bức tử' môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.