Thứ sáu, 29/03/2024 03:35 (GMT+7)

Bản tin môi trường mới nhất hôm nay 18/7

MTĐT -  Thứ tư, 18/07/2018 17:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hậu Giang: Tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với BĐKH; Hà Nội: Báo động đỏ suy giảm nguồn lợi thủy sản… là một số tin chính trong bản tin môi trường hôm nay.

Hậu Giang: Tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với BĐKH

Thực hiện Đề án 1000 về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2014 - 2016, định hướng đến năm 2020, đến nay Hậu Giang đã chuyển đổi 1.844ha đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây khác thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn.

Trong đó, tỉnh Hậu Giang đã chuyển đổi 949ha đất vườn tạp, 590ha đất mía, 305ha đất lúa 03 vụ sang trồng rau màu và nuôi thủy sản. Bên cạnh đó, cũng đã chuyển đổi 1.239 hộ chăn nuôi heo, gà nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung và đã mang lại hiệu quả tích cực.

Theo Sở NN&PTNT Hậu Giang, việc triển khai Đề án 1000 là một trong những giải pháp lâu dài, căn cơ để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường trên địa bàn tỉnh.

Cũng theo Sở NN&PTNT Hậu Giang, sau gần 05 năm tổng nguồn vốn triển khai thực hiện Đề án 1000 là 63 tỉ đồng; trong đó, vốn của người dân trên 18,3 tỉ đồng, vốn vay hơn 43 tỉ đồng, tổng kinh phí hỗ trợ lãi suất vay cho 773 hộ dân tham gia đề án hơn 02 tỉ đồng.

Hà Nội: Báo động đỏ suy giảm nguồn lợi thủy sản

Sau khi sáp nhập với Hà Tây, Thủ đô Hà Nội có diện tích mặt nước có khả năng phát triển nuôi trồng thủy sản lên tới 30.840ha. Bên cạnh đó còn có nhiều dòng sông như lớn như sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Tích, sông Bùi… chảy qua có thể tận dụng để nuôi trồng, khai thác thủy sản.

Một điểm cộng nữa là vùng ngoại thành của Hà Nội với trên 9.000ha ruộng trũng và hệ thống kênh, mương thủy lợi khá dày đặc giúp cho việc hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn tại các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Chương Mỹ, Thường Tín, Ba Vì...

Các hộ dân đã phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, bán thâm canh và bước đầu ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất như công nghệ sông trong ao, chăm sóc, cho ăn tự động nên năng suất cũng sản lượng thủy sản đều tăng qua các năm. Năm 2017 tổng sản lượng đạt 105.400 tấn, gần gấp đôi so với cách đó 5 năm.

Phát triển mạnh về nuôi trồng nhưng điều đáng buồn là các loài thủy sản sống trong tự nhiên trên các hệ thống sông, hồ, thủy vực, ruộng trũng của Hà Nội lại đang bị suy giảm nghiêm trọng cả về số lượng, sản lượng cũng như chất lượng do các hoạt động khai thác, đánh bắt thuỷ sản bằng kích điện, sử dụng lưới kích cỡ không đúng quy định...

Bên cạnh đó môi trường nước đang dần bị hủy hoại do các loại nước thải từ thành phố, cụm dân cư, khu công nghiệp, làng nghề, các loại hóa chất dùng trong nông nghiệp đã tác động xấu tới sự sinh sản, phát triển của các loài thủy sản. Bởi thế mà tổng sản lượng thủy sản khai thác trên địa bàn thành phố năm 2017 tụt giảm chỉ còn 1.660 tấn, kém gần 100 lần so với so với tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng.

Nước mặn xâm nhập ngay giữa mùa mưa khiến người dân bất ngờ

Mặc dù đang giữa mùa mưa và những ngày qua trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có mưa lớn liên tục nhưng tại địa bàn vùng trũng thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng lại đang bị mặn xuất hiện gây ảnh hưởng đến cây trái, lúa, màu của địa phương.

Theo cán bộ trạm quản lý thủy nông thị xã Ngã Năm, nguyên nhân độ mặn tăng cao, xâm nhập sâu vào vùng bán đảo Cà Mau là do thủy triều biển Tây dâng cao đợt nước lớn đầu tháng 6 âm lịch.

Số liệu đo độ mặn của Trạm Quản lý Thủy nông thị xã Ngã Năm ngày 16/7 cho thấy, tại Cống Năm Kiệu (thị xã Ngã Năm), độ mặn đo được ở mức 5.5 phần nghìn; tại UBND phường 3 là 5.9 phần nghìn; tại trung tâm thị xã Ngã Năm là 2.2 phần nghìn và cầu Bà Mười, Phường 2 là 3.6 phần nghìn. Độ mặn này có thể gây thiệt hại nặng cho cây trái, lúa màu, diện tích thủy sản nước ngọt nếu tràn vào ruộng rẫy.

Theo ngành chức năng địa phương, nước mặn xâm nhập chủ yếu theo tuyến kênh xáng quản lộ Phụng Hiệp, các nhánh sông, kênh lưu thông với địa bàn tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh lân cận. Nguyên nhân là do triều biển Tây dâng cao. Bên cạnh đó, nước mặn không xâm nhập liên tục mà chủ yếu di chuyển theo từng khối mặn.

Mặc dù nước mặn vẫn chưa ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp tại địa phương nhưng UBND các xã, phường của thị xã Ngã Năm đang chỉ đạo ngành chức năng tiến hành nhiều giải pháp nhằm ứng phó nước mặn xâm nhập.

Kiên Giang hưởng ứng “Ngày chủ nhật xanh”

Tỉnh đoàn Kiên Giang vừa phối hợp với UBND Thị trấn Thứ Mười Một (huyện An Minh) tổ chức lễ ra quân xây dựng “tuyến đường văn minh” gắn với hoạt động hưởng ứng “Ngày chủ nhật xanh”. Hoạt động nhằm nâng cao ý thức tự giác của người dân trong việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông và bảo vệ môi trường.

Ông Lê Trung Hồ – Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, thông qua hoạt động nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trong tham gia các công trình phát triển kinh tế – xã hội, góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc của cộng đồng, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Tại buổi lễ, Đoàn thị trấn thứ 11 và chi bộ khu phố 4, thị trấn thứ 11 (An Minh) ký cam kết xây dựng tuyến đường văn minh từ cầu Ba họ đến đầu kênh Chủ Vàng. Sau lễ ra quân, trên 50 đoàn viên thanh niên tham gia làm vệ sinh môi trường và phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông trên địa bàn thị trấn.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Bản tin môi trường mới nhất hôm nay 18/7. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.