Thứ năm, 28/03/2024 17:13 (GMT+7)

Biển đã sạch sau sự cố Formosa, ngư dân vẫn còn lo

MTĐT -  Thứ sáu, 18/05/2018 15:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hai năm sau ngày xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh xả thải, biển đã sạch, ngư dân dọc các vùng biển từ Hà Tĩnh trở vào Thừa Thiên-Huế đã trở lại nghề biển.

“Giải pháp chuyển đổi sinh kế cho ngư dân nói cho cùng cũng chỉ là cách giải quyết những khó khăn tạm thời và trước mắt. Còn về lâu dài thì ngư dân vẫn phải thuộc về biển”

Ông TRẦN HỮU HÙNG (chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị)

Ngư dân Bùi Văn Hoành - ở thôn 4, xã Gio Hải, huyện Gio Linh, Quảng Trị - vừa trở về sau chuyến biển gần bờ nhưng lượng cá tôm đánh bắt được vẫn còn chưa nhiều như trước khi xảy ra sự cố - Ảnh: QUỐC NAM.

Tại vùng ven biển Gio Hải (Gio Linh, Quảng Trị) chiều 16/5, hàng trăm tàu thuyền công suất nhỏ của ngư dân nằm sát bãi cát sau chuyến biển từ buổi sáng trở về.

Khoảng 16h, ngư dân Bùi Văn Hoành (ở thôn 4, xã Gio Hải) cùng một thuyền khác vừa tấp vào bờ. Hai phụ nữ là thương lái vội chạy từ trong bờ ra sát mép biển.

Vừa cập mạn thuyền, nhìn lên thùng để cá trên khoang, hai phụ nữ lắc đầu rồi trở lui. Trong thùng đựng cá chỉ có được vài con cá bơn, vài con ghẹ nhỏ và một con mực.

Ông Hoành nói đi từ sáng tới giờ chỉ được chừng đó.

Cá tôm vẫn chưa nhiều

Ngư dân Võ Văn Hào, đang sửa thuyền gần đó, cho biết đã trở lại nghề biển từ gần một năm nay. Theo ông, cá tôm ở vùng biển này đã trở lại và khá hơn nhiều so với lúc vừa xảy ra sự cố môi trường biển năm 2016.

Tuy nhiên, số lượng cá hiện vẫn chỉ mới bằng khoảng 70% so với thời điểm trước khi sự cố ô nhiễm xảy ra. Nhất là cá ở tầng đáy vẫn còn thưa thớt.

“Trước đây mỗi ngày ra biển tui kiếm được khoảng 1 triệu, nay chỉ kiếm được vài ba trăm ngàn đủ lo mắm muối sinh hoạt trong ngày” - ông Hào nói.

Tại Thừa Thiên - Huế, hoạt động đánh bắt, thu mua và tiêu thụ cá biển đến nay đã trở lại bình thường, nhưng biển ở vùng này cũng chung cảnh ngộ với tỉnh Quảng Trị.

Với tay đưa rổ ghẹ tươi đang còn ngọ nguậy cho thương lái, ngư dân Trần Văn Nguyên (thôn Tân Lập, thị trấn Thuận An) nói tôm cá dưới biển cũng không còn được nhiều như trước nữa. Nhưng như vậy cũng đã khá hơn rất nhiều so với thời điểm này cách đây 2 năm.

Hoạt động đánh bắt, thu mua hải sản ở tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện đã trở lại bình thường - Ảnh: NHẬT LINH.

Điều khiến ngư dân ngoài 40 tuổi này trăn trở đó là giá dầu hiện tại quá cao so với thu nhập nghề biển khiến chi phí mỗi chuyến ra khơi tăng lên.

“Biển đã ít cá tôm, giá bán cũng không được như trước, mà giá dầu cứ tăng vùn vụt thì thu nhập của tụi tui còn được bao nhiêu đâu” - ông Nguyên trải lòng.

Sau 2 năm, ngư dân Hà Tĩnh vẫn đang còn dư âm. Ngư dân Nguyễn Văn Đức (ở thôn Trung Tân, xã Kỳ Khang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nói ông nghỉ đi biển từ khi xảy ra sự cố, thuyền phải kéo lên bờ, lưới chài tập đống hư hỏng hết.

Đợt hỗ trợ vừa rồi, ông nhận 64 triệu đồng tiền đền bù. Ông đã dùng mua sắm lưới chai nhưng vẫn không đủ.

“Hiện tại nghề đi biển của người dân đã trở lại nhưng không mấy ăn thua, có ngày về không” - ông Đức tâm sự.

Thay đổi sinh kế chỉ mang tính tạm thời

Đi dọc dải cát ven biển của tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị những ngày này có thể thấy một hình ảnh khá lạ mắt so với tập quán của dân vùng biển.

Thay vì để những bãi cát hoang như những năm trước đây, hiện tại gần như những bãi cát này được phủ xanh bằng các cây nông nghiệp ngắn ngày.

Xã Trung Giang (Gio Linh, Quảng Trị) vốn là một xã chủ yếu làm nghề biển gần bờ, nhưng sau khi biển bị ô nhiễm, chính quyền hướng người dân chuyển qua trồng các loại cây nông nghiệp phù hợp với đất cát như đậu lạc, đậu xanh, đậu đỏ...

Xa hơn một chút, tại thôn Cang Gián, 4ha cát trắng đã được chuyển đổi để trồng dứa. 12 hộ dân đi tiên phong trồng dứa từ tháng 6-2017. Đến nay số dứa này đã sắp cho quả.

Mấy chục hộ dân khác ở vùng biển huyện Triệu Phong đã được thử nghiệm với mô hình trồng cây sả trên cát. Ngư dân ở đây cho biết dù không đem lại nguồn thu nhập cao như khi làm biển, nhưng những sản phẩm này cũng giúp giải quyết vấn đề tạm thời trước mắt là cơm áo qua ngày.

Tại xã biển Gio Việt, cũng thuộc huyện Gio Linh, ông Trần Thanh Hải - phó chủ tịch UBND xã - cho biết từ sau sự cố môi trường biển đã có trên 30 mô hình chuyển đổi sinh kế được triển khai cho các hộ ngư dân trong xã.

Một số hộ nuôi gà, nuôi bò, một số hộ trồng nấm, một số hộ khác bắt đầu tập nuôi yến.

Ông Trần Hữu Hùng, chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh - nơi có bốn xã làm ngư nghiệp, cho hay huyện cũng đã triển khai cho ngư dân như chuyển qua chăn nuôi và trồng trọt.

Cũng như những nơi khác, ngay từ khi mới xảy ra sự cố, để giải quyết tức thời những khó khăn trước mắt của đời sống ngư dân, mỗi xã đã được phân bổ khẩn cấp 300 triệu đồng (gồm 200 triệu của UBND tỉnh và 100 triệu từ Mặt trận Tổ quốc) để cấp cho ngư dân chuyển đổi sinh kế, nhưng thực tế đây đều là những “sở đoản” của ngư dân, nên nhìn chung hiệu quả không thể cao như bình thường được.

Xuất khẩu lao động tăng, nhân lực đi biển giảm

Ngay sau khi sự cố môi trường biển xảy ra, Quảng Bình, Quảng Trị đã tạo điều kiện cho ngư dân chuyển nghề, đi xuất khẩu lao động nhằm cải thiện sinh kế.

Ông Hà Sĩ Đồng, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết thanh niên các xã vùng biển trong độ tuổi dưới 40 đều đăng ký đi xuất khẩu lao động. Thị trường chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản.

Khi đi học để xuất khẩu lao động họ được tỉnh hỗ trợ nơi ở, đồng thời giảm 50% học phí trước khi hoàn tất các thủ tục đi xuất khẩu lao động. 6 tháng đầu năm 2017, Quảng Trị đã tạo điều kiện cho hơn 200 lao động là con em của ngư dân vùng biển được đi lao động và du học nước ngoài.

Tuy nhiên, việc ngư dân đi xuất khẩu lao động nhiều lại tạo ra một hệ lụy không mong muốn. Sau khi nhiều ngư dân đi ra nước ngoài làm việc, môi trường biển trở lại bình thường thì xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động đi biển.

Như tại xã biển Gio Việt, huyện Gio Linh, sau khi có khoảng 80 ngư dân đi xuất khẩu lao động, nhiều tàu cá tìm không ra bạn thuyền để trở lại khai thác hải sản xa bờ. Thậm chí có tàu phải nằm bờ hoặc buộc phải thay đổi phương thức đánh bắt để phù hợp với số lao động hiện có.

Theo Tuổi trẻ

Bạn đang đọc bài viết Biển đã sạch sau sự cố Formosa, ngư dân vẫn còn lo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.