Thứ ba, 16/04/2024 17:55 (GMT+7)

Bình Định: Doanh nghiệp khoét núi kiếm lời, dân lãnh đủ ô nhiễm

MTĐT -  Thứ năm, 06/09/2018 14:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hàng loạt doanh nghiệp (DN) đang đục khoét, băm vằm từng mảng núi Sơn Triều (huyện Tuy Phước và TX An Nhơn, tỉnh Bình Định) để khai thác, chế biến đá.

Trong khi đó, người dân sống gần chân núi phải gồng mình hứng chịu hàng trăm thứ ô nhiễm do hoạt động của DN gây ra.

DN thu lợi nhuận, dân gánh hậu quả

Theo nhiều người dân đến định cư ở vùng đồi núi Sơn Triều từ 40 năm trước, nơi đây từng là vùng núi cao có cây rừng xanh ngát, không khí trong lành. Thế nhưng, tình trạng khai thác đá diễn ra rầm rộ với quy mô lớn đã phá nát sự yên tĩnh của vùng quê này.

Ông Phạm Hồng T. (81 tuổi, khu vực Phú Sơn, phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn) cho biết: “Nhiều năm nay, doanh nghiệp từ khắp nơi kéo nhau về bấu víu vào thân núi để kiếm lời nhưng họ không hề quan tâm đến bảo vệ môi trường. Bây giờ DN hoạt động tràn lan, khiến môi trường ô nhiễm, cuộc sống của người dân đảo lộn”.

Cây cối ở khu vực gần mỏ đá đóng chân tại núi Sơn Triều khô héo dần vì ô nhiễm.

Ông T. liệt kê những bức xúc mà dân làng đang “kêu trời” không thấu như: ô nhiễm từ khói bụi, hóa chất, đường sá bị các xe tải, xe ben của DN cày nát, đất đá vùi lấp nên cứ mưa lớn là nước đổ ập vào khu vực dân cư sinh sống. Đặc biệt, DN hoạt động, xay xát cả ngày lẫn đêm gây ra tiếng ồn và tình trạng bom mìn nổ quá lớn làm rung chuyển, khiến nhà cửa của dân bị rạn nứt…

“Khi bom mìn mỏ đá nổ nhà chúng tôi cảm giác giống hệt được nhấc lên hạ xuống, rung chuyển như gặp cơn địa chấn vậy. Trước đó, nhiều lần tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã kiến nghị về vấn nạn ô nhiễm do doanh nghiệp làm ẩu. Tuy vậy, địa phương các cấp cứ hứa suông rồi để mặc cho dân năm này qua năm khác đối phó với ô nhiễm”, bà Lê Thị Làn (80 tuổi) bức xúc nói.

Nhà dân ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định) bị bủa vây bởi khói bụi, tiếng ồn.

Trong khi đó, tại các thôn Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2 (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước), người dân cũng đang phải gồng mình chống chọi với những đợt nổ mìn phá đá “xé trời” của các doanh nghiệp tại núi Sơn Triều. Nhiều năm qua, người dân sống chung với tình trạng ô nhiễm, liên tiếp gánh hậu quả từ những trận “bão” bụi, tiếng ồn… phát ra trong quá trình khai thác, chế biến đá tại khu sản xuất, chế biến đá.

Được biết trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp đã được cấp phép hoạt động, như: Công ty TNHH Xây dựng Thuận Đức, Công ty CP Ðầu tư và kinh doanh vật liệu xây dựng Fico, Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Mỹ Quang, Công ty CP 504 là Công ty TNHH Minh Đạt và Công ty TNHH Nhật Minh…

Theo nhẩm tính của người dân ở thôn Phú Mỹ 2, riêng dãy núi Sơn Triều ở 2 thôn Phú Mỹ 2 và Phú Mỹ 1, cứ bán kính chưa đầy 1 km, có đến 5 doanh nghiệp hoạt động gồm: 3 mỏ đá, 1 nhà máy xay, 2 trạm trộn. Tại khu vực Phú Sơn (phía bắc núi Sơn Triều), chỉ 1 triền núi nhưng có đến trên 10 doanh nghiệp đang hoạt động.

Xe tải của một doanh nghiệp bên núi Sơn Triều chở vật liệu có dấu hiệu quá tải, không che phủ… di chuyển trên Quốc lộ 19.

“Lợi ích vào tay các doanh nghiệp, còn người dân chúng tôi thì phải sống trong khói bụi, ô nhiễm. Có đến hàng trăm hộ dân phải chịu cảnh ô nhiễm triền miên. Thử hỏi, sống trong cảnh ấy dân nào chịu cho nổi. Lo lắng nhất là con cái chúng tôi, chúng phải sinh ra lớn lên trong môi trường đầy ô nhiễm, bệnh tật như thế thì mai sau làm sao phát triển được”, ông Tr.V.T (người dân ở thôn Phú Mỹ 2) cho hay.

Chính quyền “than khó”

Người dân địa phương “kêu cứu” vì môi trường sống bị ô nhiễm, thế nhưng chính quyền địa phương, lẫn cơ quan chức năng lại chậm vào cuộc kiểm tra, xử lý.

Làm việc với báo chí, ông Đặng Vĩnh Sơn, Chủ tịch UBND TX An Nhơn cho biết: “Trước những bức xúc kéo dài của người dân, chúng tôi cũng đã phản ánh các ý kiến lên HĐND và UBND tỉnh để tìm hướng giải quyết. Trước đó, chúng tôi đã có kiến nghị để tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng có liên quan về kiểm tra, xử lý các DN hoạt động vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường. Thú thật, các doanh nghiệp hoạt động tại khu vực Phú Sơn hầu hết đều do tỉnh cấp giấy phép hoạt động, khai thác nên ở đây chúng tôi chỉ biết kiến nghị thôi”.

 Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Bích Phượng, Trưởng Phòng TN&MT huyện Tuy Phước lại cho rằng “chưa nghe, chưa thấy” dân phản ánh về ô nhiễm ở dọc núi Sơn Triều, nhưng sẽ cử bộ phận chuyên môn về kiểm tra thực tế.

Người dân sống gần núi Sơn Triều yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp gây ô nhiễm.

“Cái khó khăn nhất lúc này là huyện không có thiết bị quan trắc để đánh giá cụ thể các chỉ số môi trường. Việc này cần phải có báo cáo để kiến nghị lên Sở TNMT phối hợp cùng kiểm tra, xử lý”, bà Phượng phân trần.

Liên quan đến vấn đề trên, lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Bình Định cho biết, đơn vị sẽ cử tổ công tác về kiểm tra ý kiến phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình khai thác, chế biến đá của các DN tại núi Sơn Triều. Qua kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm, sẽ có biện pháp chấn chỉnh, xử lý theo đúng quy định.

Theo Dân Việt

Bạn đang đọc bài viết Bình Định: Doanh nghiệp khoét núi kiếm lời, dân lãnh đủ ô nhiễm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.