Thứ sáu, 29/03/2024 06:39 (GMT+7)

Đất nhiễm dioxin sau xử lý sạch đến mức nào?

MTĐT -  Thứ năm, 27/03/2014 09:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng 25/3, Cơ quan Phát triển Quốc Tế Hoa Kỳ (USAID) và Quân chủng Phòng không-không quân (BQP) đã tổ chức cung cấp thông tin cho người dân về Dự án xử lý môi trường ô nhiễm Dioxin ở sân bay Đà Nẵng.

Hệ thống 1254 giếng truyền nhiệt để đun nóng đất nhiễm dioxin trong khu vực sân bay - Ảnh: USAID cung cấp.

Vấn đề sức khỏe của hơn 500 người lao động trực tiếp của Dự án xử lý môi trường ô nhiễm Dioxin tại sân bay Đà Nẵng được nhiều người quan tâm (trong ảnh: công nhân hoàn thiện những công đoạn cuối cùng trước khi dự án triển khai gia đoạn đốt nóng đất) - Ảnh: USAID cung cấp

Người dân và chính quyền vẫn còn băn khoăn nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe và môi trường trong quá trình triển khai thực hiện.

Ngăn phát tán ô nhiễm ra ngoài công trường

Theo ban quản lý dự án, đến thời điểm này các đơn vị đã tiến hành rà phá bom mìn trên 31,8ha đất và ao hồ, đồng thời xây dựng trong trạm biến áp 12.800kVA, trạm xử lý hơi chất lỏng và 1.254 giếng truyền nhiệt.

Hiện mố chứa và xử lý cũng đã được đổ đầy với hơn 45.000m3 đất và bùn nhiễm dioxin, giai đoạn đốt nóng dự kiến được bắt đầu trong 4-2014 và liên tục kéo dài đến năm 2016.

Khoảng 95% dioxin sẽ phân hủy trong mố, số còn lại sẽ được thu gom để đảm bảo không bị phát tán ra không khí và môi trường xung quanh.

Sau khi nghe đại diện các bên thông tin tiến độ thực hiện dự án và thông số quan trắc môi trường, ông Nguyễn Điểu, giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP Đà Nẵng lo lắng: “Khi chúng ta đốt đất nhiễm dioxin, ngoài dioxin trong đất còn nhiều thuốc diệt cỏ và hóa chất, vậy khi tan ra liệu có tạo phản ứng khoa học khác hay không?”.

Ông Điểu đề nghị dự án đồng ý để các đơn vị môi trường địa phương cùng tham gia vào quá trình tập huấn, quan trắc để vừa giám sát, vừa có thông tin trả lời người dân.

Nhiều câu hỏi khác liên tục được đặt ra xung xung quanh nhiệt độ đốt dioxin có đủ nóng, vấn đề nguồn nước phơi nhiễm trong khu vực, sức khỏe của hơn 500 lao động trong công trường, trang thiết bị phục vụ dự án sẽ được xử lý như thế nào sau khi hoàn thành?

Đại diện nhà thầu của USAID cho biết có nhiều công nghệ xử lý làm sạch đất nhiễm dioxin, tuy nhiên với khối lượng đất nhiễm quá lớn như ở Sân bay Đà Nẵng thì việc sử dụng công nghệ đốt đất hợp lý và hiệu quả nhất.

Ông này cho biết có thể hoàn toàn yên tâm về công nghệ vì nhiều mẫu đất nhiễm dioxin ở Đà Nẵng cũng đã được đem về Hoa Kỳ phân tích và xử lý và đạt kết quả tốt. Nhiệt độ đốt đất là 335 độ C tuy không cao nhưng thời gian đun nóng đất kéo dài nên đảm bảo 99,9% liên kết phân tử của hợp chất dioxin bị phá hủy.

Trong quá trình đốt, toàn bộ lượng hơi nước được thu gom riêng và được xử lý trước khi cho ra ngoài. Sau khi được xử lý, đất ở khu vực này hoàn toàn đáp ứng được tiêu chuẩn nồng độ dioxin trong đất phục vụ mục đích sinh sống. Tất cả các trang thiết bị, bảo hộ lao động sẽ được quản lý chặt chẽ, rác trong khu vực cũng sẽ được thu lại để khi kết thúc dự án sẽ xử lý một lần. Đối với mố chứa, sau khi kết thúc dự án sẽ tháo dỡ và tiến hành làm sạch.

Tăng cường quan trắc

Ông Nguyễn Trần Quân, trưởng trạm Quan trắc và phân tích môi trường thuộc Trung tâm kỹ thuật môi trường TP Đà Nẵng cho rằng việc lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường hiện nay mới chủ yếu tập trung bên trong khu vực triển khai dự án, trong khi đó các khu vực dân cư bên ngoài lắp đặt thưa thớt. Ngoài ra việc quan trắc thực hiện một tháng một lần vào mùa khô chưa hợp lý trong khi mùa mưa lại là lúc dễ phát tán dioxin ra ngoài.

Theo ông Quân, việc người dân quan tâm nhất hiện nay chính là việc xử lý bụi bay nhiễm dioxin.

Tiến sĩ Trịnh Khắc Sáu, đại diện Trung tâm nhiệt đới Việt-Nga cho biết tất cả các phương pháp phân tích môi trường trong dự án này đều đạt tiêu chuẩn quốc tế đảm bảo độ chính xác cao. Việc quan trắc vào mùa khô là do các hoạt động thi công tập trung triển khai vào thời gian này.

Đại tá Đỗ Duy Kiên, trưởng phòng Khoa học quân sự, Quân chủng Phòng không – không quân cho biết hằng tháng các bên đều tổ chức họp giao ban để xử lý các vấn đề liên quan. Trong thời gian tới sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị địa phương thông qua các cuộc hợp giao ban hàng quý để giải quyết những thắc mắc của người dân. Bên cạnh đó sẽ triển khai thêm nhiều trạm quan trắc để đảm bảo đánh giá được mức độ ô nhiễm không khí.

Ông Lê Kế Sơn, phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, kiêm chánh văn phòng Ban chỉ đạo 33, đề nghị phải có phương pháp chăm sóc sức khỏe đặc biệt với những người tham gia trực tiếp tại khu vực dự án, đồng thời nên có chương trình giám sát sức khỏe cho người dân chung quanh khu vực.

 
Theo Trường Trung

Báo Tuổi trẻ

Bạn đang đọc bài viết Đất nhiễm dioxin sau xử lý sạch đến mức nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.