Thứ sáu, 29/03/2024 02:43 (GMT+7)

Giải pháp nào cho ô nhiễm tiếng ồn tại các thành phố lớn?

MTĐT -  Thứ tư, 13/06/2018 11:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cùng với tốc độ đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh chóng thì vấn đề ô nhiễm tiếng ồn tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM đang trở thành vấn đề đáng báo động.

10-15 triệu người phải tiếp xúc với tiếng ồn vượt mức cho phép

Tiếng ồn được phát ra chủ yếu là từ tiếng còi của các phương tiện giao thông, tiếng ồn từ các công trình đang thi công, những tiếng động lớn quá mức được phát ra từ loa của hàng karaoke dạo, các cửa hàng điện thoại, siêu thị điện máy khi vào mùa khuyến mãi…

Chị Hoàng Thị Thu trú tại đường Lê Đức Thọ chia sẻ với báo TN&MT: “Hàng ngày, tôi thường xuyên phải sử dụng xe máy đi làm và đón con. Tuy nhiên, đầu óc lúc nào cũng căng thẳng vì đủ thứ âm thanh, bụi đường và cả sự tắc nghẽn”.

Ông Nguyễn Văn Vũ, trú tại Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy cho biết, gần nhà ông có công trình nhà cao tầng được xây dựng. Hàng ngày, nhất là ban đêm, người dân xung quanh phải “đau đầu nhức óc” chịu đựng tiếng máy ủi, máy xúc, máy khoan hay máy trộn bê tông và búa hơi nện sàn. "Vợ chồng tôi mất ăn mất ngủ vì tiếng ồn" - ông Vũ chia sẻ.

Theo thông tin trên trang Lao động thủ đô thì hiện người dân Hà Nội đang phải chịu ô nhiễm tiếng ồn nặng nề nhất là ở các trục đường giao thông. Cụ thể, kết quả nghiên cứu và đánh giá của Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường tại 12 đường và nút giao thông chính tại Hà Nội cho thấy, tiếng ồn trung bình vào ban ngày thường là 77,8 đến 78,1 dBA (mức âm quy định của tiếng ồn), vượt tiêu chuẩn cho phép từ 7,8 đến 8,1 dBA. Tiếng ồn tương đương trung bình vào ban đêm là 65,3-75,7 dBA (vượt tiêu chuẩn từ 10-20 dBA). Đáng chú ý, trong tổng số khoảng 52 triệu người lao động, có khoảng 10-15 triệu người phải tiếp xúc với tiếng ồn cao hơn mức quy định.

Ô nhiễm tiếng ồn đang trở thành mối lo ngại tại các thành phố lớn. Ảnh minh họa: Internet.

Minh chứng dễ thấy của ô nhiễm tiếng ồn xuất phát từ giao thông có thể thấy ở các trục đường chính dẫn vào trung tâm Thành phố như: Phạm Văn Đồng, Vành đai 3; QL 6; QL 21B… Ví dụ, tại tuyến đường Phạm Văn Đồng. Đây là tuyến đường vành đai, lưu lượng xe cộ qua lại đông, trọng tải lớn… khiến cho những tiếng ồn từ các phương tiện giao thông liên tục kéo dài từ sáng đến đêm.

Nhà ở gần trục giao thông, nhiều hộ dân sinh sống trong khu vực đã phải lắp cửa cách âm nhưng vẫn khó tránh khỏi ảnh hưởng từ tiếng còi hơi xe tải, xe máy. Hệ lụy nhãn tiền là, ô nhiễm tiếng ồn đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của họ.

Tại TP. HCM, các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo, ô nhiễm tiếng ồn đao ở mức báo động đỏ, nhất là tại một số trục đường chính.

Theo ông Đoàn Văn Tấn - phó giám đốc Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn, đơn vị quản lý bảng thông tin giao thông điện tử, TP. HCM có nhiều điểm có độ ồn ở mức đỏ vượt chuẩn cho phép.

Tại vòng xoay Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh), vòng xoay Điện Biên Phủ (Q.1) hay như nút giao ngã tư An Sương... do lượng phương tiện tham gia giao thông đông nghẹt đổ về từ nhiều hướng, tiếng động cơ xe máy, tiếng còi đinh tai nhức óc tra tấn người dân sống quanh những khu vực này.

Mối hiểm họa từ ô nhiễm tiếng ồn

Tiếng ồn là nguyên nhân gây ảnh hưởng sức khỏe lớn thứ 2 sau bụi. Tiếng ồn không tích luỹ trong môi trường như ô nhiễm các chất độc nhưng nó tác động vào con người và có thể để lại hậu quả lâu dài, ảnh hưởng đến cơ quan thính giác như: ù tai, giảm sức nghe.

Bên cạnh đó, ô nhiễm tiếng ồn còn gây rối loạn giấc ngủ, tăng huyết áp, bệnh lý mạch vành, suy giảm nhận thức ở trẻ em…

“Khi tiếp xúc tiếng ồn có cường độ cao trong thời gian dài sẽ khiến thay đổi tâm lý, từ một người bình tĩnh trở nên dễ cáu gắt, hay gây sự sau đó là giai đoạn trầm cảm, lo âu. Tiếng ồn còn tác động hệ thần kinh, làm co thắt một số mạch máu nhỏ gây ra các bệnh như tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim và nhồi máu cơ tim” – Dẫn lời Giáo sư, bác sĩ Phạm Kiên Hữu, Bệnh viện Đại học Y Dược VTV đưa tin.

Các công trình xây dựng đang thi công cũng là nguyên nhân gây ra ô nhiễm tiếng ồn tại đô thị. Ảnh minh họa: Internet.

Đề xuất cần kết hợp nhiều biện pháp để giảm tải tiếng ồn, PGS.TS Phùng Chí Sỹ - phó tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam - cho rằng đối với xe cộ, cần kiểm tra định kỳ chất lượng máy móc, những xe nào có tiếng ồn cao quá thì yêu cầu phải có biện pháp để giải quyết (như lắp hệ thống giảm âm).

Ngoài ra, có thể trồng cây xanh để hút tiếng ồn và bụi, kết hợp với các phương án phân luồng giao thông hợp lý để điều tiết lượng xe, hạn chế tốc độ để giảm tiếng ồn.

Tuy nhiên, để hạn chế ô nhiễm tiếng ồn trước hết cần sự chung tay của cả cộng đồng và ý thức tự giác của mỗi người.

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp nào cho ô nhiễm tiếng ồn tại các thành phố lớn?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.