Thứ sáu, 19/04/2024 21:26 (GMT+7)

Hậu ngập lụt ở Hà Nội: Ô nhiễm, bệnh tật

MTĐT -  Thứ hai, 30/07/2018 09:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhìn dòng nước đục, váng vất màu xanh nổi lên tràn vào sân, bà Nguyễn Thị Hậu (thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội) không khỏi lo ngại.

Chưa biết khi nào nước rút

Kể từ trận mưa to hôm 20-21/7, thôn Nam Hài bị ngập sâu trong nước. Chiều 29/7, những con đường dẫn vào thôn vẫn ngập ngang bụng người lớn. Để duy trì liên lạc giữa trong và ngoài làng, một chiếc công nông được huy động chở người và hàng hóa từ trong làng ra ngoài, rồi từ ngoài lại vận chuyển người và phương tiện vào trong làng. Đồ ăn thức uống cũng phải nhờ người bên ngoài mua, sau đó vận chuyển vào bên trong.

Ngay cạnh gốc cây đa đầu làng, lực lượng dân quân tự vệ và ban chỉ huy quân sự xã bố trí một xuồng máy vận chuyển đoàn cán bộ xã làm công tác kiểm tra, khắc phục tình hình ngập lụt, chuyên chở các đoàn đến thăm, tặng quà. Trên cano vào trung tâm xã, PV ghi nhận hàng chục ngôi nhà vẫn ngập tới nóc. Ngay cổng UBND xã Nam Phương Tiến, nước vẫn ngập sâu gần một mét. Một vài con trâu, con bò được buộc cạnh cổng UBND xã. Nhiều cán bộ xã xắn quần, lội nước ngang đùi đi giải quyết công việc.

Bên trong UBND xã Nam Phương Tiến vẫn ngập sâu. Ảnh: Trường Phong.

Nhà nằm ngay cạnh UBND xã, bà Nguyễn Thị Hậu than thở, hôm trước nước rút được một chút nhưng sáng 29/7 lại bắt đầu dâng lên. Những hôm trước, rác thải trôi về ngập đầy trước cổng nhà. Ngày 28/7, lực lượng chức năng của xã tiến hành dọn dẹp, nhưng mới được một ít. Nhiều khu vực vẫn còn rất nhiều rác, hòa với nước thải của khu dân cư dâng cao, khiến cuộc sống người dân đảo lộn, nguy cơ ô nhiễm.

Nhà bà Hậu phải di tản hết, chỉ còn mỗi bà ở nhà. Cháu của bà Hậu mới sinh chắt được chục ngày thì gặp cảnh ngập lụt, phải chạy về nhà ngoại. Ao cá, ruộng lúa của gia đình bị ngập hết. Đàn vịt cả nghìn con mấy hôm nay nhốt lại, phải dùng nước bẩn cũng chết mất 300 - 400 con. “Mọi sinh hoạt hàng ngày như việc tắm rửa đều phải đi lên những nhà không bị ngập nhờ, sau đó lại lội nước về lại nhà. Như vậy cũng bằng nhau. Mấy hôm trước có đám hiếu trong làng, hỏa thiêu rồi phải để nhờ ở nhà tang lễ, chờ nước rút hết mới mang về an táng ở nghĩa trang làng được”, bà Hậu nói.

Bà Hậu cho biết, thôn Nam Hài địa hình trũng, thấp, 10 tháng qua ngập lụt 2 lần. Nước dâng lên, rác thải sinh hoạt hòa với nước lụt khiến nhiều người bị bệnh da liễu. Hiện, chỉ có nước ăn là được phát, còn nước tắm, một là đi nhờ, hai là múc nước giếng lên tắm. Nhà bà Nguyễn Thị Sáu cạnh nhà bà Hậu cũng trong tình trạng nước ngập hết khoảng sân sâu khoảng gần một mét cả tuần nay. Nước tràn cả vào nhà ngang. Con gái và con dâu bà Sáu phải đi ủng, lội nước bì bõm để rửa bát. Giơ chân lên, bà Sáu nói, nước ăn chân rồi, nhưng cứ lội nước thế này, tình hình không biết bao giờ mới khỏi được.

Người dân cần nhu yếu phẩm thiết yếu

Trao đổi với PV, lãnh đạo xã Nam Phương Tiến cho biết, nước đã ngập toàn bộ khu vực thôn Nhân Lý, Hạnh Bồ, Nam Hài và một phần thôn Hạnh Côn. 557 hộ bị ngập phải sơ tán (2.840 nhân khẩu). Ngoài ra, hàng trăm hecta hoa màu, lúa bị ảnh hưởng. Sơ bộ, hơn 4.500 gia súc như gà, vịt bị chết do mưa, ngập.

Lãnh đạo xã cũng cho biết, dự kiến tình hình ngập lụt còn diễn biến phức tạp, nhân dân phải sống chung với ngập trong thời gian tới. “Chúng tôi mong muốn thành phố và huyện tiếp tục quan tâm, hỗ trợ những nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân như nước uống, muối, mỳ tôm, nến thắp sáng, thuốc phòng chữa bệnh”, đại diện lãnh đạo xã Nam Phương Tiến cho biết.

Trao đổi với PV chiều 29/7, ông Bùi Văn Gần, Phó trưởng thôn Bùi Xá (thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ) cho biết, nước ngập không những không rút đi mà đang dâng lên. Người dân đã sơ tán đi gần hết, nhưng những người ở lại đang đối diện với nguy cơ ô nhiễm môi trường vì nước ngập lâu. “Về cơ bản thì đời sống của những người ở lại vẫn đảm bảo được. Tuy nhiên, vấn đề môi trường bị ô nhiễm thì không thể tránh khỏi”, ông Gần nói.

Theo Tiền phong

Bạn đang đọc bài viết Hậu ngập lụt ở Hà Nội: Ô nhiễm, bệnh tật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...