Thứ năm, 28/03/2024 22:59 (GMT+7)

Hy vọng mới cho người dân sống bên kênh nước đen

MTĐT -  Thứ năm, 17/05/2018 16:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đã hơn 22 năm, dự án di dời nhà ở trên và ven kênh, rạch tại TP. HCM đã giậm chân tại chỗ.

Người dân thì mong chờ từng ngày, còn chính quyền loay hoay tìm nguồn kinh phí đầu tư, tìm phương án giải quyết thấu tình, đạt lý nhằm giúp người dân sống tại những khu ổ chuột, xóm nước đen thoát khỏi môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề.

Dự án... 22 năm

Số liệu thống kê từ Sở Xây dựng TP. HCM cho thấy: hiện toàn thành phố có khoảng 57 tuyến sông, kênh, rạch với môi trường nước bị ô nhiễm nặng nề cần cải tạo, thay đổi về mọi phương diện.

Trong chương trình chỉnh trang đô thị TP giai đoạn 2016 - 2020, muốn cải tạo 57 tuyến trên, TP phải bố trí tái định cư, di dời trên 20.000 căn nhà dân đang đeo bám dọc hai bờ và trên kênh rạch nước đen. Đó là các kênh, rạch như: Kênh Tẻ, rạch Hàng Bàng, Văn Thánh, Bàu Trâu, rạch Tàu Hủ-Ruột Ngựa, Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên, Xuyên Tâm, Ông Búp, kênh Liên Xã, Thanh Đa, hai bờ Nam - Bắc Kênh Đôi, Xóm Củi...

Ước tính việc đền bù, giải tỏa, giải phóng mặt bằng cho hơn 20.000 căn nhà để cải tạo, di dời phải mất trên 50.000 tỷ đồng. Đây mới là con số tính toán ban đầu của dự án cách nay đã nhiều năm, chưa bàn đến những phát sinh, trượt giá khi dự án triển khai thực hiện.

Việc di dời, giải tỏa nhà trên và ven kênh rạch nước đen của TP từ nhiều năm qua luôn được người dân mơ ước, chờ đợi. Nhưng thực tế, đến nay các dự án vẫn còn khá nhiều vấn đề nan giải như: vốn ngân sách hạn chế, thiếu quỹ đất dành cho tái định cư... Nếu bố trí tái định cư, chắc chắn trong quy hoạch và tình hình hiện nay phải bố trí ở xa trung tâm TP, rồi tiền hỗ trợ đền bù cho người dân kiểu sống tạm bợ, sống nhà không số, không hộ khẩu... sẽ ít ỏi, không đủ để tìm chỗ ở mới và rất khó ổn định, đảm bảo cuộc sống lâu dài.

Nói như ông Nguyễn Văn Xuân - phường 2, quận 8 sống ở bờ kênh Tẻ hơn 40 năm qua thì: “Kể cả khi được Nhà nước bố trí tái định cư nhưng nằm ở khu vực ngoại thành thì cũng khó cho dân. Chúng tôi ở đây không nhiều chữ nghĩa, không nghề nghiệp ổn định, con cái rách rưới lang thang thì sống làm sao?”.

Thực tế cho thấy, trước đây đã từng có nhiều hộ dân trong diện giả tỏa kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được bố trí nhà tái định cư gần nơi giải tỏa, nhưng không mấy người ở. Họ đã bán để kiếm chút vốn liếng rồi tìm chỗ nào đó sống dạt, miễn sao có việc làm, tạo sinh kế kiếm cơm hằng ngày. Thực tế này đã và đang diễn ra với hàng trăm ngàn hộ dân giải tỏa khu vực Cầu Muối, quận 1, 6, 8, 4, Bình Thạnh... những năm trước đây.

Trong khi đó, chính quyền TP cũng có những nỗi lo hiện tại chưa thể đủ ngân sách đầu tư cho chương trình này và quỹ đất dành cho xây dựng nhà tái định cư cũng đang hẹp dần nên vô cùng khó khăn.

Nhà ở trên, ven kênh rạch quận 8, quận 4 và rạch Xuyên Tâm.

Xã hội hóa - chìa khóa giải mã khó khăn về ngân sách

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm thừa nhận, việc triển khai các dự án cải tạo, di dời nhà ở ven kênh rạch tuy đã triển khai nhiều năm qua nhưng rất chậm. Sau khi tiến hành nghiên cứu nhiều phương án, UBND TP quyết định kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào 6 dự án chỉnh trang đô thị từ nay đến năm 2020 theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Theo đó, giai đoạn 2016-2020, TP sẽ tập trung giải tỏa, di dời 9.805 căn nhà trên, ven kênh rạch và giai đoạn còn lại đến 2020 sẽ hoàn thành mục tiêu di dời 19.524 căn nhà còn lại, đồng thời với việc tổ chức lại cuộc sống cho người dân sau di dời đến chỗ ở mới. Chương trình này đã được HĐND TP thông qua từ tháng 11/2016. Trong số các quận, huyện thuộc diện di dời thì quận 8 là nơi có đông số nhà dân phải giải tỏa, di dời nhất.

Theo ước tính, chỉ riêng bờ nam của kênh Đôi kéo dài từ phường 1 đến phường 14, đã có hơn 6.000 nhà ở tạm trên và ven kênh rạch, với khoảng 27.000 nhân khẩu. Muốn di dời, giải tỏa ngần ấy nhà ở, phải bố trí tái định cư, chính quyền quận 8 ước tính sơ bộ cần khoản kinh phí 13.763 tỷ đồng.

Hiện tại, địa bàn quận 8, đang được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản sẵn sàng ứng vốn triển khai các dự án tái định cư. Trước mắt, trong năm 2018, TP sẽ dùng vốn ngân sách di dời, tổ chức lại đời sống cho khoảng 1.482 hộ dân, với tổng kinh phí bồi thường hơn 4.494 tỷ đồng.

TP tổ chức đấu thầu, lựa chọn chủ đầu tư 3 dự án trọng điểm trong chương trình chỉnh trang đô thị theo hình thức PPP gồm: bờ nam Kênh Đôi, rạch Xóm Củi, sông Ông Nhỏ (quận 8), cải tạo rạch Xuyên Tâm, Văn Thánh (quận Gò Vấp, Bình Thạnh) có tổng số dân di dời trên 6.600 hộ, tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ di dời khoảng trên 15.000 tỷ đồng.

Trong tình hình ngân sách hạn chế như hiện nay, dự án chỉnh trang đô thị của TP sẽ vấp phải những khó khăn như: Vốn đầu tư lớn nhưng chậm thu hồi, kéo dài thời gian xây dựng, di dời, giải phóng mặt bằng... khiến các doanh nghiệp, nhà đầu tư cân nhắc. Đặc biệt, vấn đề kinh phí cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng đã chiếm tỉ trọng lớn.

Theo tính toán, ước khoảng 1,5 tỷ/căn nhà (rạch Xuyên Tâm, Văn thánh) và 2,6 tỷ/căn nhà (kênh Đôi, bờ nam quận 8). Với đa số dân sống ven kênh rạch, diện tích nhà chiếm trên kênh rạch thường rất lớn, nhưng diện tích sử dụng trên bờ quá nhỏ hẹp, công tác đền bù, hỗ trợ và bố trí tái định cư cũng sẽ gặp khá nhiều rắc rối, phát sinh. Trong nỗi vui mừng, hi vọng của người dân hiện nay, vẫn còn ngổn ngang bao nỗi lo về chỗ ở tái định cư, chất lượng chung cư, an toàn cháy nổ...

Đặc biệt là sau vụ cháy chung cư cao cấp Carina (quận 8) khiến 13 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Ông Nguyễn Văn Sáu, sống ở xóm Củi bày tỏ lo lắng: Nghe nói di dời có chỗ ở mới thoát kiếp sống dơ dáy, nước đen, bệnh tật ai cũng mừng... Nhưng nghe mấy vụ cháy cũng lo quá. Chung cư càng nghèo thì nỗi lo không an toàn càng nhiều...

Di dời, giải tỏa nhà ở trên và ven kênh rạch của TP. HCM không còn là chuyện “dự án treo” như thời gian qua mà đã và đang khởi động. Đến nay, toàn TP đã di dời 36.000 căn nhà trên, ven kênh rạch trong các dự án cải tạo tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Lò Gốm, Tân Hóa, đại lộ Võ Văn Kiệt...

Hiện TP vẫn còn khoảng 21.850 căn nhà tiếp tục phải di dời, thực hiện chương trình chỉnh trang đô thị theo nghị quyết của Thành ủy TP. HCM.

Theo CAND

Bạn đang đọc bài viết Hy vọng mới cho người dân sống bên kênh nước đen. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.