Thứ sáu, 19/04/2024 18:09 (GMT+7)

Khởi động chiến dịch 'Chấm dứt rác thải từ nhựa'

MTĐT -  Thứ bảy, 14/04/2018 16:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khởi động chiến dịch “Chấm dứt rác thải từ nhựa”; Bộ Tài nguyên & Môi trường sẽ dành 30% kinh phí để thanh tra đột xuất các vụ việc; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý.

Khởi động chiến dịch “Chấm dứt rác thải từ nhựa”

Một chiến dịch mang tên “Chấm dứt rác thải từ nhựa” nhằm nâng cao ý thức của mọi người về sự nguy hiểm của rác thải nhựa đã được khởi động tại Hà Nội. Chiến dịch “Chấm dứt rác thải từ nhựa” (EndPlasticPollution) đã được Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink khởi động vào chiều 12/4 nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm Hoa Kỳ và hưởng ứng Ngày Trái Đất 22/4. Chiến dịch nhằm đưa ra các thông tin và truyền cảm hứng cho mọi người thực hiện một số thay đổi hành vi đơn giản như: Ngừng xả rác; sử dụng túi mua sắm có thể tái sử dụng được; ngừng sử dụng chai nhựa, cốc và ống hút dùng một lần…
Khi môi trường biển bị ô nhiễm, sức khoẻ của con người sẽ bị ảnh hưởng. Các chai nhựa và túi ni lông khi xuống biển sẽ thải ra các chất độc và nhiễm vào nguồn hải sản mà con người ăn vào. Vì vậy, môi trường biển trong sạch rất cần thiết đối với nghề đánh bắt thuỷ hải sản, và những bãi biển sạch sẽ cũng rất quan trọng đối với ngành du lịch. Chiến dịch “Chấm dứt rác thải từ nhựa” nhằm kêu gọi mọi người cùng tham gia các nỗ lực trên toàn cầu để ngăn chặn sự ô nhiễm này và bảo vệ môi trường biển - nơi có tác động tới cuộc sống của tất cả chúng ta.

Bộ Tài nguyên & Môi trường sẽ dành 30% kinh phí để thanh tra đột xuất các vụ việc

Tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra chiều 12/4, ông Lê Vũ Tuấn Anh, Phó chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết ngoài kế hoạch thanh tra định kỳ, năm 2018, Bộ sẽ tăng cường thanh tra đột xuất đối với các tổ chức, cá nhân khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm và pháp luật về tài nguyên và môi trường.
Thông tin từ Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, năm 2018, đơn vị sẽ dành 30% kinh phí, lực lượng phục vụ thanh tra đột xuất các vụ việc liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, môi trường khi tiếp nhận thông tin, hoặc báo chí phản ánh. Bộ này sẽ thanh tra đột xuất đối với một số lưu vực sông có vi phạm môi trường lớn như kênh Bắc Hưng Hải, Duy Tiên và thanh tra đột xuất về tài nguyên môi trường ở một số tỉnh như Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định.

Về kế hoạch thanh tra năm 2018, ông Tuấn Anh cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành thanh tra trách nhiệm về quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường của Ủy ban Nhân dân tỉnh tại 4 tỉnh Bắc Kạn, Bắc Ninh, Quảng Nam và Cà Mau. Về lĩnh vực môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung thanh tra cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao như diệt nhuộm, xi mạ, nhiệt điện... Trong lĩnh vực tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung thanh tra việc thực hiện vận hành điều tiết của các hồ chứa quy định tại các quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Thủ tưởng Chính phủ ban hành.

Quá nhiều lỗ hổng trong quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 12 năm áp dụng Nghị định số 32/2006/NĐ-CP và Nghị định số 82/2006/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, đến nay các Nghị định đã bộc lộ một số lỗ hổng, hạn chế cần thiết phải được sửa đổi để phù hợp hơn với thực tiễn. Nghị định số 32 cũng quy định về khai thác thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Tuy nhiên, thực tiễn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa phê duyệt bất kỳ dự án khai thác nào do thiếu nghiên cứu khoa học, do quần thể các loài bị suy giảm nghiêm trọng hoặc do không có đánh giá khoa học phù hợp. Tương tự, một số quy định của Nghị định số 82 cũng chưa từng thực hiện trên thực tiễn do chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể như hoạt động cấp phép cho mẫu vật nhập nội từ biển; hoạt động cấp chứng chỉ mẫu vật tiền công ước; việc trả lại mẫu vật cho nước xuất xứ…

Bên cạnh đó, Danh mục các loài có tên trong Nghị định số 32 còn chậm được đổi mới trong khi xu hướng quần thể một số loài thay đổi liên tục, một số loài gần như tuyệt chủng trong tự nhiên (tê giác, cá sấu), một số loài đã bị tuyệt chủng (trâu rừng), một số loài có khả năng trồng cấy, gây nuôi, bảo tồn. Từ thực tế nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất dự thảo Nghị định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; gây nuôi động vật rừng thông thường và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập của Nghị định số 32 và Nghị định số 82. Dự thảo gồm 4 chương, 53 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã đề xuất những quy định cụ thể Danh mục động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; chế độ quản lý, bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; thực thi Công ướng CITES – theo TTXVN.

Điện Biên triển khai 3 dự án thu gom tái chế xử lý chất thải

Tỉnh Điện Biên đang triển khai 3 dự án thu gom tái chế xử lý chất thải, đó là dự án: đầu tư xây dựng công trình, hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải T.P Điện Biên Phủ; xây dựng Nhà máy xử lý rác thải tỉnh Điện Biên và Thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Dự án đầu tư xây dựng công trình, hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải T.P Điện Biên Phủ, có vốn đầu tư trên 274 tỷ đồng và được hưởng từ nguồn vốn ưu đãi của Phần Lan và vốn đối ứng của Việt Nam. Đối với dự án Nhà máy xử lý rác thải Điện Biên được đầu tư, xây dựng với tổng số vốn gần 70 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng Điện Biên làm chủ đầu tư.

Quá trình xử lý rác thải, nhà máy áp dụng công nghệ tiên tiến, nhiệt lưu đa điểm đốt, cháy khuếch tán kết hợp cưỡng bức khí tự nhiên và phản ứng nhiệt lưu, không sử dụng nhiên liệu (xăng, dầu, điện) hay chất phụ gia để bổ sung quá trình cháy. Công suất thiết kế làm 3 khu xử lý riêng cho từng loại rác thải. Lớn nhất là khu tiêu hủy rác thải sinh hoạt, công suất 120 tấn/ngày đêm, khu xử lý rác thải công nghiệp, công suất 20 tấn/ngày đêm và khu xử lý, tái sử dụng, chế biến bùn bể phốt, bùn thải, công suất 15m3/ngày đêm. Dự kiến cuối năm 2018, giai đoạn 1 dự án sẽ hoàn thành, bước đầu thực hiện tiếp nhận và xử lý rác thải. 8 Cụm xử lý còn lại lại đặt tại Trung tâm Y tế các huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Chà, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Nậm Pồ, Mường Nhé, T.X Mường Lay, áp dụng phương pháp xử lý bằng lò đốt rác thải y tế FE công nghệ Nhật Bản, lò đốt thủ công hoặc chôn lấp dưới bể bê tông.

Trung Quốc từ chối nhập khẩu 469 tấn rác Mỹ

Thanh Niên đưa tin giới chức hải quan Trung Quốc vừa từ chối nhập 469 tấn chất thải rắn và yêu cầu đưa rác ngược trở về Mỹ. Theo Tân Hoa xã, các thanh tra tại Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang phía đông Trung Quốc phát hiện lô hàng trên gồm giấy phế liệu trộn lẫn với các bộ phận kim loại phế thải và chai lọ đã qua sử dụng. Các chuyến hàng chuyển chất thải rắn đã bị Bắc Kinh cấm nhập khẩu. Hải quan Trung Quốc yêu cầu rác thải phải được đưa về Mỹ càng sớm càng tốt. Cuối năm 2017, Trung Quốc cấm nhập khẩu 24 loại chất thải rắn vào nước này theo một phần của cuộc chiến chống ô nhiễm môi trường.

Trước đó, đây là nước nhập khẩu rác thế giới và Mỹ là một trong các nước cung cấp nhiều rác thải nhất. Trung Quốc từ lâu đã là nơi tái chế rác thải toàn cầu, xử lý không dưới 50% xuất khẩu nhựa, giấy và kim loại phế thải trong năm 2016. Năm đó, Mỹ trả Trung Quốc 5,2 tỉ USD để tái chế 16 triệu tấn rác thải. “Có lượng lớn chất thải bẩn hoặc thậm chí độc hại được trộn lẫn trong rác thải rắn có thể được sử dụng làm nguyên liệu thô. Thứ này khiến môi trường Trung Quốc ô nhiễm trầm trọng”, Bắc Kinh giải thích quyết định cấm nhập khẩu rác thải tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Theo MTX
Bạn đang đọc bài viết Khởi động chiến dịch 'Chấm dứt rác thải từ nhựa'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...