Thứ sáu, 29/03/2024 05:14 (GMT+7)

Không biết di dời cơ sở ô nhiễm đi đâu

MTĐT -  Thứ tư, 18/06/2014 15:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều cơ sở ô nhiễm nằm trong danh sách phải di dời ra khỏi khu dân cư nhưng hết thời gian cho phép vẫn chưa di dời, thậm chí không biết di dời đi đâu.

Theo quy hoạch hệ thống các cơ sở giết mổ trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2011-2015, đến cuối năm 2013, tất cả các cơ sở giết mổ gia súc thủ công hiện hữu phải chấm dứt hoạt động, 24 cơ sở giết mổ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong khu vực nội thành phải di dời về các nhà máy giết mổ tập trung ở ngoại thành, trong đó có nhà máy giết mổ Tân Thạnh Tây (huyện Củ Chi) của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn.

Chờ “đại lò mổ”

Lãnh đạo UBND quận 8 cho biết trên địa bàn quận có Trạm Kinh doanh gia súc số 4 (của Tổng Công ty Vissan) và cửa hàng thực phẩm Bình Đông phải di dời theo kế hoạch của TP.

Hiện nay, cả 2 cơ sở trên xin gia hạn thời gian di dời vì các khu giết mổ tập trung chưa được xây dựng xong. Tương tự, tại quận Gò Vấp, Trung tâm Giết mổ gia cầm An Nhơn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng cũng chưa có nơi để di dời.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, ngoài Trung tâm Giết mổ gia cầm An Nhơn, quận này còn 24 cơ sở giết mổ trái phép hoạt động trong khu dân cư, gây bức xúc cho người dân nhưng rất khó xử lý do các lò mổ này hoạt động về đêm, lại liên kết chặt chẽ với nhau từ rất lâu.

Mới đây, báo cáo với đoàn giám sát của HĐND TP HCM, lãnh đạo sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết ngoài 1 cơ sở giết mổ bị buộc phải đóng cửa, 23 cơ sở còn lại vẫn chưa di dời theo kế hoạch của TP vì 7 nhà máy giết mổ tập trung vẫn chưa xây dựng xong.

Nguyên nhân chậm tiến độ là do vướng mắc trong thủ tục thẩm định giá thuê đất, giấy phép xây dựng và đặc biệt là nguồn vốn. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư nhà máy giết mổ mới rất băn khoăn vì nhà máy nằm ở vị trí không thuận lợi.

Bởi lẽ, các cơ sở giết mổ thường nằm gần khu dân cư hay các chợ đầu mối để thuận lợi cho việc phân phối sản phẩm, nay đưa về ngoại thành và các tỉnh lân cận nên các chủ đầu tư lo lắng sẽ không thu hút được các cơ sở giết mổ. Dự kiến, đến cuối năm 2015, các nhà máy giết mổ tập trung mới đi vào hoạt động.

Chẳng biết dời đi đâu

Công ty TNHH Nước mắm Việt Hương Hải có khá nhiều cơ sở trên địa bàn quận 8, gây bức xúc cho người dân về nước thải và mùi hôi “đặc trưng”. Lãnh đạo công ty này trần tình do TP chưa có quy hoạch tập trung cho ngành nước chấm nên dù đã hết hạn di dời theo yêu cầu của quận 8, công ty vẫn chưa biết dời đi đâu.

Vừa qua, công ty đã chủ động liên hệ với các đối tác có xưởng nước mắm ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An để tìm vị trí. Trong khi chờ tìm được mặt bằng di dời, công ty cam kết thực hiện nhiều biện pháp xử lý ô nhiễm: lắp nắp đậy cho thùng chứa, che chắn khu vực nhà xưởng… để giảm mùi hôi, đầu tư hệ thống xử lý nước thải công suất 10 m3/ngày đêm.

Việc di dời 14 doanh nghiệp gây ô nhiễm hoạt động trong khu dân cư trên địa bàn quận Gò Vấp cũng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh vấn đề chi phí, bà Hoa cho biết phần lớn đó là các cơ sở sản xuất nhỏ, nhu cầu thuê mặt bằng sản xuất từ 200-1.000 m2, trong khi các khu công nghiệp chỉ cho thuê mặt bằng từ 5.000 m2 trở lên.

Do vậy, trong khi chờ TP đầu tư các cụm tiểu thủ công nghiệp, bắt buộc quận phải gia hạn thời gian hoạt động cho các cơ sở này. Đây cũng là khó khăn chung của các cơ sở dệt nhuộm tại “điểm đen” ô nhiễm khu phố 4 và 5, phường Đông Hưng Thuận, quận 12.

Điều đáng nói là tiến độ đầu tư các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn TP hiện nay cũng hết sức trầy trật. Chưa kể, theo ông Cao Tung Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, TP có chủ trương không tiếp nhận đầu tư các ngành nghề gây ô nhiễm nên dẫu các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có hình thành cũng không thể đưa các cơ sở này vào, trừ khi TP cho phép tiếp nhận.

Theo Minh Khanh
Người lao động
Bạn đang đọc bài viết Không biết di dời cơ sở ô nhiễm đi đâu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.