Thứ năm, 18/04/2024 22:57 (GMT+7)

Mở hướng xử lý rác thải nông thôn

MTĐT -  Thứ hai, 09/03/2015 15:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Để giải quyết thực trạng rác thải tràn lan ở khu vực nông thôn trong toàn tỉnh Bắc Giang hiện nay, các cấp chính quyền và ngành chức năng đang tập trung tìm giải pháp bảo đảm hiệu quả, bền vững.

Một nửa lượng rác thải chưa được xử lý

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay mỗi ngày toàn tỉnh có khoảng 425 tấn rác thải sinh hoạt và nông nghiệp. Một nửa trong số đó được thu gom, xử lý bằng phương pháp đốt hoặc chôn lấp, còn lại vẫn vứt bừa bãi. Rác thải nông nghiệp hầu như chưa được xử lý... Thực trạng này khiến môi trường đất, nước, không khí...bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và cảnh quan môi trường nông thôn.

Thực tế, hầu hết các hộ chưa tự phân loại và xử lý tại chỗ mà để rác lẫn lộn rồi đổ ra bãi. Nhiều thôn không thành lập được tổ thu gom vì thiếu kinh phí hoạt động. Ông Trần Phương Cương, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hà (Lạng Giang) phản ánh: “Toàn xã có gần 2 nghìn hộ dân, mỗi năm có 90% số hộ nộp phí vệ sinh môi trường, được gần 108 triệu đồng nên phải bù chi 32 triệu đồng”. Việc thu phí vệ sinh ở nông thôn đạt thấp nên ở rất nhiều thôn, xã không thành lập được tổ vệ sinh môi trường vì không có kinh phí hoạt động. 

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn tỉnh có khoảng 50 xã chưa có tổ vệ sinh môi trường. Ở những thôn, xã có người đi thu gom, vận chuyển rác thì thù lao cho họ cũng rất thấp, từ 300 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng/người/tháng.  

Bên cạnh đó, việc quy hoạch, đầu tư xây dựng bãi chứa rác tập trung ở nhiều huyện chưa đồng bộ, chôn lấp không bảo đảm vệ sinh môi trường, chủ yếu là bãi tạm thời; chưa có mô hình xử lý áp dụng công nghệ. Ví như huyện Sơn Động chỉ có 3/23 xã, thị trấn có bãi rác tạm thời; huyện Lục Ngạn có 5/30 xã, thị trấn có bãi rác tạm thời, còn lại chưa có bãi chôn lấp, xử lý rác.

Giải pháp lâu dài

Hiện nay, tỉnh tập trung cao cho công tác chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, trong đó tiêu chí môi trường bắt buộc phải hoàn thành nên việc xử lý rác thải là yêu cầu được các cấp quan tâm. Năm 2014, bằng nguồn vốn chương trình nông thôn mới, tỉnh hỗ trợ 6 huyện lắp đặt lò đốt rác thải theo công nghệ Nhật Bản và Thái Lan, nâng tổng số lò xử lý rác theo công nghệ nước ngoài trên địa bàn lên 9 lò. 

Hiện nay, diện tích xây dựng bãi rác hạn chế nên giải pháp ưu tiên để xử lý rác tồn đọng là sử dụng lò đốt. Sở phối hợp với các cơ quan chức năng quan trắc, đánh giá, hoàn thiện thủ tục xin cấp chứng nhận bảo đảm an toàn về môi trường trước khi nhân rộng các lò đốt”.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

Bên cạnh sử dụng lò đốt, một trong những giải pháp hữu hiệu đang được áp dụng là ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh. Điển hình như ở thị trấn Vôi (Lạng Giang), năm 2012, huyện đầu tư gần 2 tỷ đồng xây dựng hệ thống ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh với 20 bể. Thiết bị xử lý cũng như quy trình do Trung tâm tư vấn khoa học công nghệ tài nguyên môi trường (Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội) chuyển giao. Mô hình này đang được Sở Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo nhân rộng trên địa bàn tỉnh theo cụm xã. Tại một số huyện khác đang áp dụng lò đốt rác do Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu cải tiến, chi phí khoảng 300 triệu đồng/lò cũng góp phần xử lý, giảm lượng rác phải chôn lấp. 

Mới đây Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo “Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020”. Theo đó, giai đoạn 2015-2017, các ngành, các cấp ra quân tổng vệ sinh thu gom, xử lý rác thải tại các điểm tồn lưu. Các huyện, thành phố quy hoạch xong các điểm tập kết chất thải rắn; xây dựng các điểm tập kết, trung chuyển bảo đảm đến năm 2017 đạt 50% ở khu dân cư; chỉ đạo các xã, thị trấn thu phí vệ sinh môi trường đạt 70%; lựa chọn mô hình về thu gom, xử lý rác phù hợp... 

Giai đoạn 2018-2020, xây dựng các điểm tập kết rác, bảo đảm đến năm 2020 đạt 90% khu dân cư. Mỗi huyện hoàn thành ít nhất một khu xử lý rác tập trung... Để đạt mục tiêu đề ra, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra quá trình thực hiện ở các huyện. Sở Xây dựng hướng dẫn việc lựa chọn, bố trí hạ tầng kỹ thuật điểm tập kết. Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất mô hình, thu gom, xử lý rác hiệu quả để nhân rộng…

Về nguồn kinh phí, đề án nêu rõ các cấp, ngành tăng cường huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn xây dựng công trình hạ tầng, thu gom, xử lý rác; tranh thủ các nguồn viện trợ; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia. Các huyện, thành phố hằng năm bố trí ngân sách xử lý, xây dựng bãi rác. Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND Lại Thanh Sơn nêu rõ tỉnh sẽ có chính sách khuyến khích các lực lượng xã hội tham gia xử lý rác; ưu tiên phân bổ vốn, xem xét ban hành chỉ thị để nâng cao hiệu quả công tác thu phí vệ sinh môi trường,  thực hiện đề án hiệu quả.

Theo Hải Minh

Báo Bắc Giang

Bạn đang đọc bài viết Mở hướng xử lý rác thải nông thôn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.