Thứ sáu, 26/04/2024 05:45 (GMT+7)

Một nhà máy dự tính xả ra sông 14.400 mét khối nước thải mỗi ngày

MTĐT -  Thứ tư, 13/03/2019 15:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) vừa thông tin chính thức về việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) Dự án “Nhà máy sản xuất vải áo sơmi cao cấp Việt Nam.

Tổng cục Môi trường khẳng định Dự án “Nhà máy sản xuất vải áo sơmi cao cấp Việt Nam” tại khu công nghiệp (KCN) Sông Công II, tỉnh Thái Nguyên dự tính xả thải ra sông Công - nguồn cung cấp nước cho sản xuất và nhiều nhà máy nước tại các tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Kạn với khối lượng 14.400 mét khối/ngày đêm, sẽ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Nhà máy dự kiến xả tới 14.400m3 nước thải/ngày đêm ra sông Công

Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa thông tin chính thức về việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) Dự án “Nhà máy sản xuất vải áo sơmi cao cấp Việt Nam” tại khu công nghiệp (KCN) Sông Công II, tỉnh Thái Nguyên.

Tổng cục Môi trường cho hay, đơn vị này đã nhận được Hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo ĐTM của Dự án “Nhà máy sản xuất vải áo sơmi cao cấp Việt Nam, công suất 100 triệu m2 vải/ năm” tại Khu công nghiệp (KCN) Sông Công II, tỉnh Thái Nguyên (dự án) ngày 15.10.2018, ngay sau đó đã rà soát, đánh giá hồ sơ và thành lập Hội đồng thẩm định theo quy định.

Hội đồng thẩm định đã tiến hành khảo sát thực địa khu vực dự án và làm việc, trao đổi, thảo luận với Chủ dự án - Công ty TNHH Interweave Holding, đại diện Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên.

Trên cơ sở kết quả khảo sát và ý kiến của Hội đồng thẩm định, Tổng cục Môi trường có Công văn số 4651/TCMT-TĐ ngày 28.11.2018 đề nghị Chủ đầu tư dự án bổ sung làm rõ căn cứ pháp lý, nội dung ĐTM của Dự án.

Tổng cục Môi trường khẳng định: “Đây là hoạt động cần thiết và theo quy định để có đủ thông tin, đánh giá sự phù hợp của Dự án với các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường”.

Sau khi nhận được và xem xét, đánh giá các thông tin, hồ sơ cung cấp bổ sung của Ban Quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên và của Chủ dự án, ngày 3.1.2019 Tổng cục Môi trường đã có Công văn số 17/TCMT-TĐ về việc trả Hồ sơ để hoàn thiện lại báo cáo ĐTM của Dự án. Tại văn bản này, Tổng cục Môi trường đã nêu rõ các nội dung chính cần phải được Chủ dự án bổ sung, làm rõ. Quá trình thẩm định hồ sơ đã đảm bảo đúng yêu cầu về thời gian theo quy định.

Tổng cục Môi trường cho biết: dự án có quy mô về công suất, diện tích rất lớn (công suất 100 triệu m2 vải/năm, diện tích thuê đất 53,4ha tại KCN Sông Công II).

“Theo quy trình công nghệ sản xuất vải của dự án, dự án có công đoạn nhuộm, khối lượng nước thải phát sinh lớn (khoảng 14.500m3/ngày đêm), là một trong những ngành, lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Vị trí đề nghị xả nước thải ra sông Công là nguồn chính cấp nước cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và Trạm xử lý nước cấp sinh hoạt cho toàn thành phố Sông Công và các Nhà máy cấp nước sử dụng nước mặt trên địa bàn các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Dương”, Tổng cục Môi trường nêu rõ.

Dự án không phù hợp quy hoạch

Nói về sự phù hợp của dự án với KCN Sông Công II, Tổng cục Môi trường khẳng định: Thứ nhất, dự án Xây dựng hạ tầng KCN Sông Công II, diện tích 250ha tại thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên do Ban quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên làm chủ đầu tư đã được Bộ TN&MT phê duyệt Báo cáo ĐTM ngày 16.8.2018. Tuy nhiên, đến nay, Dự án Xây dựng hạ tầng KCN Sông Công II vẫn chưa được triển khai xây dựng bất cứ hạng mục hạ tầng kỹ thuật nào.

Thứ hai, ngành nghề được phép đầu tư vào KCN sông Công II và sự phù hợp với Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030: Theo Quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM của Dự án KCN Sông Công II đã quy định rõ yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với Khu công nghiệp này là “chỉ tiếp nhận vào khu công nghiệp các dự án đầu tư thuộc những ngành công nghiệp có định mức sử dụng nước thấp đã nêu trong báo cáo ĐTM”; đồng thời, báo cáo ĐTM của KCN Sông Công II, tỉnh Thái Nguyên nêu rõ các ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào KCN, trong đó không có công đoạn nhuộm.

Trong khi đó, Dự án Nhà máy sản xuất vải sơmi cao cấp Việt Nam có công đoạn nhuộm, có định mức sử dụng nước lớn (khối lượng nước thải phát sinh lên đến 14.500m3/ngày đêm). Mặt khác, theo Quyết định số 3218/QĐ-BCT ngày 11.4.2014 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thì chỉ: “tiếp tục phát triển các nhà máy sợi, dệt, nhuộm tại các KCN Thụy Vân, Trung Hà, Tam Nông - tỉnh Phú Thọ, KCN Phổ Yên - tỉnh Thái Nguyên; đồng thời phát triển các nhà máy may tại các tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Kạn”.

Tổng cục Môi trưởng khẳng định: “Như vậy, Dự án không phù hợp với Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Thứ ba, về cam kết tổng lượng nước thải phát sinh và yêu cầu đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN Sông Công II: Theo báo cáo ĐTM dự án Xây dựng hạ tầng KCN Sông Công II, diện tích 250ha tại thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, Chủ đầu tư dự án KCN Sông Công II cam kết tất cả các nhà máy thành viên có nước thải phải được đấu nối vào Trạm xử lý nước thải tập trung của KCN Sông Công II, công suất thiết kế tối đa 5.000m3/ngày đêm (bao gồm 02 module) để xử lý đạt QCVN 40:2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp, cột A với các hệ số kq=0,9 và kf=1,0 trước khi thải ra ngòi Thác Lâm dẫn ra sông Công (trang 249, báo cáo ĐTM của Dự án KCN Sông Công II).

Tuy nhiên, theo nội dung báo cáo ĐTM của Dự án “Nhà máy sản xuất vải áo sơmi cao cấp Việt Nam, công suất 100 triệu m2 vải/ năm”, Dự án thuộc ngành nghề dệt có công đoạn nhuộm, tổng lượng nước thải phát sinh ước tính trung bình 12.000m3/ngày đêm và lớn nhất lên tới 14.400m3/ngày đêm. Nước thải sau khi được xử lý tại trạm xử lý nước thải của Nhà máy sẽ được xả thải trực tiếp ra sông Công.

Tổng cục Môi trường cũng khẳng định quan điểm Tổng cục luôn đảm bảo sự hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp phát triển trên cả nước, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường dựa trên tiêu chí không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế mục tiêu chung của Đảng, Nhà nước trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế hiện nay.

Tổng cục Môi trường kết luận: Với các thông tin trên, việc phê duyệt báo cáo ĐTM của Dự án tại KCN Sông Công II, tỉnh Thái Nguyên là chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý. Do đó, Tổng cục Môi trường đã có văn bản đề nghị Chủ Dự án làm rõ căn cứ, nội dung báo cáo ĐTM của dự án với yêu cầu rõ ràng, có tính chất hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức thực hiện đảm bảo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Theo Một thế giới

Bạn đang đọc bài viết Một nhà máy dự tính xả ra sông 14.400 mét khối nước thải mỗi ngày. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.