Thứ sáu, 29/03/2024 11:50 (GMT+7)

Những con kênh kêu cứu (Bài 2)

Phan Hải - Nam Việt – Lê Bảo -  Thứ hai, 23/07/2018 14:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mơ ước về một con kênh giống như kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè là điều hãy còn quá xa vời đối với người dân sống dọc các tuyến kênh, rạch ô nhiễm như Bà Mẫn, Trung Ương, Cầu Sa...

Khi mà họ phải luôn chịu đựng mùi hôi thối nồng nặc diễn ra nhiều năm nay nhưng mọi việc “vẫn đâu vào đấy”. Người dân luôn phải cam tâm chịu đựng sống chung với hàng trăm loại mùi khó chịu này quanh năm suốt tháng. Có nơi trên mười mấy năm nhưng chính quyền vẫn chưa có động thái gì quyết liệt để làm cho những con kênh, rạch này hết ô nhiễm. Trong khi đó, mỗi năm TP chi hơn 3.000 tỉ đồng để thu gom, vận chuyển, xử lý  rác…

Người dân bức xúc với mùi hôi của nước kênh Cầu Sa.

Hàng chục năm cam chịu…sống với ô nhiễm!

Mang tiếng là sống ở một đô thị năng động và văn minh bậc nhất của cả nước, nhưng đã rất nhiều năm, người dân ven các kênh Bà Mẫn, Trung Ương, Cầu Sa của Tp.HCM đã và đang phải sống trong một môi trường ô nhiễm với đủ các loại rác thải, kênh rạch bốc mùi hôi thối nồng nặc… Ông Nguyễn Văn Đức (69 tuổi) sống ven kênh Cầu Sa nằm giũa Quận 12 và Bình Tân bức xúc cho biết: Nhiều năm nay con kênh này vẫn đen như vậy. Nước của các công ty, nhà máy trên KCN Vĩnh Lộc đổ xuống vậy lấy gì không đen. Mùi rất hôi  mỗi khi triều cường xuống, cá nào mà sống nổi. Từ ngày có Khu công nghiệp thì đã ô nhiễm như thế này, chắc cũng đã hai mươi mấy năm rồi. Đã sống trong môi trường ô nhiễm thì không thể nào tránh khỏi bệnh, người già thì ho hen, trẻ con thì viêm họng, nói thật là già này đang viêm họng đây. Mùi hôi này sao chịu nổi?

Trong khi đó, để phục vụ cho hoạt động xử lý, thu gom, vận chuyển rác thải và nạo vét các tuyến cống thoát nước, mỗi năm ngân sách thành phố đã phải bỏ ra hơn 3.000 tỉ đồng, bao gồm: chi 1.132 tỷ đồng cho duy tu hệ thống thoát nước, 2.848 tỷ đồng cho xử lý rác thải (quét rác là 700 tỷ đồng, vận chuyển 535 tỷ đồng,  phân loại rác 88 tỷ đồng, 1.507 tỷ đồng để xử lý rác). 

Nước kênh Bà Mẫn (Xuân Thới Thượng, Hóc Môn).

Chúng ta chỉ cần lên mạng, gõ cụm từ “ô nhiễm môi trường tại Tp. Hồ Chí Minh” thì trong khoảng 0,61 giây Google sẽ cho ra  5,9 triệu kết quả có liên quan.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM phát biểu tại kỳ họp thứ 9 của Hội đồng Nhân dân khóa IX cho biết: Mỗi ngày Thành phố phát sinh 8.900 tấn rác thải sinh hoạt, dự báo đến năm 2020 có khoảng 11.000 tấn/ngày, riêng khu vực công cộng chiếm đến 2.300 tấn rác. Còn theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT thì hệ thống cống thoát nước đô thị của thành phố có tổng chiều dài 4.176km với 68.000 cửa thu nước và hơn 1.000 cửa xả. Để đảm bảo cho hệ thống cống thoát nước hoạt động, Công ty thoát nước đô thị đang có gần 1.500 lao động, trong đó hơn 800 người trực tiếp làm công tác nạo vét và hơn 300 công nhân phải chui xuống cống hàng ngày.

Nước kênh Trung Ương (huyện Bình Chánh).

Nếu người dân thiếu ý thức vẫn cứ vứt rác bừa bãi, doanh nghiệp bất chấp những lời cảnh báo, chỉ lo cái lợi trước mắt mà xả thải bức tử môi trường, nếu các ngành chức năng quên hay lơ là bổn phận của mình, làm ngơ với hành vi gây ô nhiễm và không có biện pháp xử lý cứng rắn thì dù có 5000 hay 10.000 công nhân đi thu gom rác cũng không giải quyết được triệt để vấn đề.

Anh Dương Hữu Phước, ngụ tại ấp 2 xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn cho biết: Tình trạng ô nhiễm kênh Bà Mẫn này đã diễn ra gần 10 năm. Đường cống lúc thì màu xanh dương, lúc thì màu xanh đậm, lúc thì nâu nâu, đỏ xám, con kênh này nó nhiều màu lắm như là nhuộm… Nó thải màu gì thì chuột được nhuộm màu đó… Hóa chất ngấm vào lòng đất đi theo mạch nước ngầm, người dân khi khoan giếng sử dụng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe.

Không những vậy, anh Phước còn bức xúc nói thêm: Kênh Bà Mẫn nhiều đêm bốc mùi hôi ngủ không được luôn, một tuần nó (các doanh nghiệp - PV) xả 2-3 lần, bất thường lắm, chủ yếu là ban đêm. Có một số người phản ánh ý kiến lên chính quyền xã rồi mà sao chẳng thấy khắc phục được chút nào

Trước đây nước con kênh Bà Mẫn rất trong, sạch sẽ, có nhiều loại cá sinh sống, người dân hay tụ tập ra kênh để câu và lưới cá về ăn hoặc bán, cũng tạo ra nguồn thu nhập. Nhưng đến nay thì cái gì cũng không còn, không một con cá nào sống nổi vì tình trạng xả nước thải của các doanh nghiệp. Lúc mưa lớn đẩy hết lớp nước màu, hôi thối này đi thì thấy có cá xuất hiện nhưng vài ngày sau hết mưa thì không thấy con nào hết, khoảng thời gian sau thì nước kênh lại chuyển sang màu đen kịt, bốc lên mùi hôi thối - nhiều người dân sống ở đây cho biết thêm.

Vì sao cơ quan công quyền né tránh vấn đề các con kênh ô nhiễm?

Khi nhóm phóng viên liên hệ làm việc về vấn đề ô nhiễm trầm trọng của những con kênh được Môi trường & Đô thị điện tử phản ánh trong bài báo vừa qua, thì  nhiều cơ quan chính quyền sở tại né tránh, đưa ra lý do bận họp rồi hẹn, hẹn và hẹn. Nhiều đơn vị yêu cầu phải đặt lịch làm việc, đưa trước nội dung câu hỏi như Quận 12, Bình Chánh, Bình Tân, thậm chí vô lý và vô trách nhiệm như KCN Vĩnh Lộc yêu cầu cơ quan báo chí phải gởi trước công văn mới tiếp phóng viên.

Nổi bật nhất là phòng Tài nguyên Môi trường huyện Hóc Môn, khi đến làm việc thì phòng này cử một chuyên viên trả lời báo chí. Khi nhóm phóng viên đặt vấn đề ô nhiễm đến kênh Bà Mẫn thì người này né tránh, quanh co. Khi phóng viên cho rằng một chuyên viên thì làm gì có đủ trách nhiệm trả lời báo chí thì người này lên giọng và “mời” nhóm phóng viên ra ngoài không tiếp chuyện...  Qua đó cho thấy, phòng Tài nguyên Môi trường huyện Hóc Môn coi thường dư luận, coi thường quy định của pháp luật hay cung cách làm việc của cán bộ ở đây quan liêu chăng, thiếu chuyên nghiệp?

Ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP. HCM  từng khẳng định "Không được phép đẩy nữa. Đẩy từ sở này qua sở kia là sai rồi. Còn trong một sở mà đẩy từ phòng này qua  phòng khác, từ người này qua người khác là không được. Đẩy lòng vòng là thiếu trách nhiệm". 

Cống nước thải được ghi nhận tại KCN Vĩnh Lộc (Bình Tân).

Vậy thì hiện nay, trách nhiệm của người quản lý ở đâu, bao giờ thì chính quyền có hành động và quyết tâm với vấn đề này để trả lại môi trường sạch đẹp như mong muốn của nhiều người dân ?

Tất cả các con kênh, rạch mà chúng tôi phản ánh đều bị ô nhiễm tính từ vài năm trở lên, có chỗ lên tới cả trên 10 năm. Trong suốt thời gian dài như vậy, chính quyền có biết hay không, có lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân hay không, mà để tình trạng ô nhiễm diễn ra phức tạp đến như vậy ? Cơ quan chức năng sẽ giải quyết, xử lý ra sao hay chỉ nghe rồi xử lý qua loa cho có?

Vấn đề không phải ở chỗ nào có rác rồi tổ chức thu gom sẽ xong, mà phải có những biện pháp căn cơ, giải quyết dứt điểm việc xả thải, xả rác bừa bãi trực tiếp ra môi trường. Và những người có trách nhiệm phải có “tâm” khi được nhân dân giao phó trọng trách. Người quản lý cần xông xáo, nhiệt tình với công viêc, không né tránh, quanh co. Cán bộ cần hạn chế họp hành, nên đi thực tế để nắm tình hình, hạn chế ngồi phòng lạnh đọc báo cáo, mà phải luôn mẫn cán với công việc được giao.

Gần đây nhất, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân đã lên tiếng, “Hãy nói không với cống tắc, với kênh rạch bị tắc vì rác… Nếu mỗi người dân không ngừng xả rác xuống kênh rạch, nếu mỗi người dân không rả rác làm tắc cống thì chúng ta không giải quyết được vấn đề ngập của TP”.  Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhiều lần nhắc nhở các cấp chính quyền không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế. Nhưng thực trạng ra sao thì nhiều người đã biết !

Môi trường & Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết Những con kênh kêu cứu (Bài 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Khúc giao mùa tháng Ba
Mộc miên thắp lửa đỏ trời///Lúa chiêm trong nắng xanh ngời chân mây///Giấc mơ lả cánh cò bay///Cố hương ơi! Những mê say cuối chiều.