Thứ sáu, 29/03/2024 18:31 (GMT+7)

PGS Trần Đức Hạ nhìn lại trận ngập lụt lịch sử ở Đà Nẵng năm 2018

TRANG TRIỆU -  Thứ bảy, 29/12/2018 13:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

"Sự phát triển đô thị quá nhanh ở Đà Nẵng nhưng hạ tầng thì không theo kịp là một trong những nguyên nhân dẫn đến trận ngập lụt lịch sử", PGS Trần Đức Hạ cho biết.

"Mưa là ngập" không chỉ là tình trạng xảy ra tại Hà Nội, TP. HCM mà ngay cả những thành phố như Đà Nẵng, Nha Trang... rất hiếm khi bị ngập lụt nay cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Chỉ sau một đêm mưa, bắt đầu từ 2h sáng 9/12, khắp thành phố Đà Nẵng nơi nào cũng thấy cảnh nước dâng với hàng trăm nhà dân bị ngập úng. Nhiều tuyến phố ở trung tâm như Hàm Nghi, Phan Đăng Lưu, Núi Thành, Tống Phước Phổ…, nhiều xe hơi ngập gần tới trần trong nước lớn. Tại phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu) do tiếp nhận trữ lượng nước khổng lồ từ Sân bay Đà Nẵng chảy ra, nhiều tuyến đường bị ngập từ 30cm đến 1m, thậm chí có nhiều tuyến đường ngập sâu hơn 1m. Lượng mưa lớn kỷ lục, tới 635 mm trong 24 giờ. Đây là trận ngập lụt nặng nề nhất trong lịch sử hơn 100 năm qua của thành phố ven biển này.

Trận mưa lớn lịch sử ở Đà Nẵng vừa qua đã làm nhiều tuyến đường ngập sâu hơn 1m.

Nhiều người dân ở đây cho biết, mấy chục năm nay đây là lần đầu tiên chứng kiến cảnh ngập sâu khủng khiếp như thế này.

Qua thống kê thiệt hại sơ bộ, có hơn 50 khu vực dân cư bị ngập úng, 10 công trình thu gom, thoát nước trong đô thị và cửa xả ven biển bị hư hỏng nặng. Nhiều vị trí ở khu vực Sơn Trà, các bãi biển bị sạt lở.

Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, PGS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viện nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường phân tích có 3 nguyên nhân khiến Đà Nẵng “thất thủ” trước trận mưa lớn vừa qua.

PGS Trần Đức Hạ nhìn lại trận ngập lụt lịch sử ở Đà Nẵng năm 2018.

Nguyên nhân thứ nhất, PGS Trần Đức Hạ khẳng định: “Bàn về việc ngập lụt ở Đà Nẵng vừa qua, chúng ta phải nói đến trận mưa này. Đối với hệ thống công trình hạ tầng cũng phải tính đến tần suất bao nhiêu năm xảy ra một lần. Chúng ta không thể làm một công trình mà nước mưa xuống là sẽ thoát được hết như thế thì lại khó khăn về mặt kinh tế. Cho nên phải có sự tính toán về tần suất. Quay lại trận mưa vừa rồi ở Đà Nẵng, lượng nước là mưa rất lớn, có thể vượt quá tần suất thiết kế nên đã dẫn đến ngập sâu như vậy”.

Cũng không hẳn do biến đổi khí hậu, mà do sắc xuất rơi vào đúng năm nay. Không thể tránh khỏi được, và cũng không thể từ một trận lụt này mà nói hệ thống thoát nước không đảm bảo yêu cầu.

Nguyên nhân thứ hai: “Có thể do đơn vị chủ quản có chút hơi chủ quan. Vì Đà Nẵng có ngập sâu như vậy bao giờ đâu. Cứ nghĩ là hế thống thoát nước chung đổ ra biển thì không ngập được, nhưng hệ thống thoát nước của đô thị hiện hữu thường tính không phải đổ ra biển mà là đổ ra sông trải qua quá trình rồi mới ra biển. Cũng có thể do những song chắn rác không thường xuyên được dọn nên lúc mưa lớn không thoát được nước”, Viện trưởng Viện nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường cho biết.

Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng đã có những lý giải là “khi đi kiểm tra thực tế tại các cống nước khu vực bị ngập thì đều bị rác, thậm chí có cả mền, mùng bịt kín, khiến nước không thể tiêu thoát được”.

“Có thể do đơn vị chủ quản có chút hơi chủ quan, song chắn rác không thường xuyên được dọn", PGS Trần Đức Hạ cho biết.

Còn nguyên nhân thức ba, liên quan đến quản lý đô thị, PGS Trần Đức Hạ cho hay: “Phát triển đô thị quá nhanh nhưng hạ tầng thì không theo kịp. Trong những năm vừa qua, sự phát triển đô thị rầm rộ, đặc biệt là khu vực ven biển, các nhà nghỉ, resort mọc lên quá nhiều. Nhưng cơ sở hạ tầng, hệ thống thoát nước thì lại không được bổ sung phát triển thêm để kịp với tốc độ phát triển của đô thị”.

Theo báo cáo giám sát của Ban đô thị HĐND TP. Đà Nẵng mới đây, các hệ thống thoát nước được đầu tư xây dựng qua các thời kỳ khác nhau, không hoàn chỉnh đồng bộ, nhiều tuyến cống xuống cấp nên khả năng tiêu thoát nước thấp. Nhiều dự án khớp nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo cùng với việc san lấp ao hồ gây nên tình trạng ngập úng cục bộ.

Trước đó, cũng cho ý kiến về vấn đề này, kiến trúc sư Bùi Huy Trí – Trưởng Phòng quản lý quy hoạch và phát triển đô thị (Sở Xây dựng Đà Nẵng) cũng cho rằng xảy ra tình trạng ngập úng như hiện nay có nguyên nhân do không gian thoát nước ở các hồ điều tiết, vùng đệm thoát nước bị mất vì bị san lấp bởi quá trình phát triển đô thị.

Nhiều đồ án được điều chỉnh quy hoạch khiến hiện nay chỉ còn 30 hồ trong khi trước đây có 42 hồ nằm rải rác ở 7 quận, huyện với tổng diện tích nước mặt khoảng 1,8 triệu m2, dung tích chứa tối đa khoảng 3,3 triệu m3.

Bạn đang đọc bài viết PGS Trần Đức Hạ nhìn lại trận ngập lụt lịch sử ở Đà Nẵng năm 2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới