Thứ sáu, 29/03/2024 22:20 (GMT+7)

Rác thải đô thị - bài toán khó cho Việt Nam

MTĐT -  Thứ sáu, 09/11/2018 14:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo các chuyên gia môi trường, trong khi lượng chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, sinh hoạt của Việt Nam tăng nhanh chóng thì hạ tầng tiếp nhận và xử lý lại đang bị lạc hậu và thiếu hụt.

Thông tin trên được đưa ra tại Diễn đàn Công nghệ, thiết bị, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn phù hợp điều kiện Việt Nam (do Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam vừa tổ chức tại TP.HCM) hôm 7/11.

Cụ thể, theo báo SGGP, tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, hiện lượng chất thải trên cả nước phát sinh khoảng 12,8 triệu tấn/năm. Tốc độ gia tăng trung bình mỗi năm khoảng 12%. Tuy nhiên, lượng rác thải thu gom chỉ đạt khoảng 85,5% (khu vực đô thị) và 45,5% (khu vực nông thôn).

Chưa hết, hiện có một số lượng lớn doanh nghiệp sản xuất ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp không ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho lượng rác đang bị thải bỏ tràn lan ra môi trường.

Không dừng lại đó, hiện phần lớn chất thải được xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Cả nước đang tồn tại 660 bãi chôn lấp rác thải có diện tích trên 1ha, nhưng chỉ có 25% trong số này đạt tiêu chuẩn hợp vệ sinh. Hệ quả là tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng nghiêm trọng.

Lượng rác thải gia tăng nhanh chóng ở các đô thị Việt Nam. Ảnh: Internet. 

Cũng tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng, Chính phủ cần sớm ban hành quy hoạch, quản lý chất thải rắn theo vùng, địa phương. Song song đó, tạo cơ chế bình đẳng để các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường tự do cạnh tranh, chống độc quyền, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý và giảm chi tiêu ngân sách.

Hiện nay, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… vấn đề rác thải sinh hoạt đang là bài toán nan giải cần phải tìm ra phương pháp xử lý triệt để, nhằm giảm thiểu gánh nặng cho môi trường.

Theo nhận định của các chuyên gia, quá trình đô thị hóa của Việt Nam chủ yếu dựa là do mong muốn chủ quan của giới quản lý và bằng các quyết định hành chính, nhân khẩu thành thị phát triển nhanh hơn so với yêu cầu của sự phát triển kinh tế, rất nhiều diện tích đất nông nghiệp trở thành đất đô thị nhờ các quyết định.

Việc đô thị hóa gia tăng một cách cơ học dẫn đến nguy cơ chất lượng đô thị không cao, quản lý đô thị gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Điều này không chỉ thể hiện ở chất lượng sống mà còn gây ra nhiều khó khăn trong quản lý chất lượng môi trường đô thị, khi mà tỉ số người gia tăng tỉ lệ thuận với lượng rác thải sinh ra.

Không chỉ tại Việt Nam, rác thải đô thị đang là một bài toán đau đầu với nhiều quốc gia trên thế giới.

Sự bùng nổ dân số đô thị trong các thập kỷ qua diễn ra mạnh mẽ với trên 50% dân số thế giới hiện nay sinh sống ở các thành phố. Đến năm 2050, theo ước tính của WB, số người sống ở thành phố sẽ bằng dân số toàn thế giới năm 2000.

Theo VOV, một báo cáo của WB mới đây đã chỉ ra rằng chất thải rắn đang là “một vấn nạn đô thị”, trong khi nguồn rác thải sản sinh ở các vùng nông thôn có chiều hướng giảm đáng kể. Đặc biệt, người dân nông thôn do nghèo hơn nên có chiều hướng mua ít các mặt hàng đóng gói ở cửa hàng và có xu hướng đạt mức tái sử dụng và tái chế cao hơn.

Ở hầu hết các thành phố, cách nhanh nhất để giảm lượng rác thải là giảm hoạt động kinh tế song WB cũng thừa nhận rằng giải pháp này chưa chắc sẽ đem lại kết quả mong đợi.

Song tăng cường công tác tái chế và hạn chế sử dụng đồ nhựa cùng với đồ ăn thừa về lâu dài có thể sẽ góp phần giảm ảnh hưởng của tình trạng mức tăng phế thải.

WB cho biết, đồ nhựa, tác nhân có thể gây nhiễm nguồn nước và hệ sinh thái hàng ngàn năm, chiếm 12% tổng lượng rác thải toàn cầu hiện nay.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Rác thải đô thị - bài toán khó cho Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới