Thứ sáu, 29/03/2024 03:50 (GMT+7)

Sạt lở chủ yếu là do thủy điện

MTĐT -  Thứ tư, 22/08/2018 13:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo về chủ đề phòng chống thiên tai, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển ở ĐBSCL.

Thế nhưng, tình trạng này đã và đang diễn ra ngày một nghiêm trọng hơn. Mới đây, một hội nghị về “Giải pháp kỹ thuật phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL” tiếp tục được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đứng ra tổ chức tại thành phố Cần Thơ.

Tại hội nghị này, ông Tăng Quốc Chính, Vụ trưởng Vụ kiểm soát an toàn thiên tai, đánh giá sạt lở bờ sông, bờ biển từ năm 2010 đến nay diễn biến rất nhanh, ngày càng phức tạp và có tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội của vùng.

Cụ thể, toàn vùng ĐBSCL hiện có 562 điểm sạt lở với tổng chiều dài 786 ki lô mét. Trong đó, bờ sông có 513 điểm sạt lở với chiều dài 520 ki lô mét, bờ biển có 49 điểm sạt lở với chiều dài 266 ki lô mét. Nếu xét về quy mô, ĐBSCL có 53 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 173 ki lô mét, bao gồm 35 điểm sạt lở bờ sông với chiều dài 75 ki lô mét và 20 điểm sạt lở bờ biển với chiều dài 98 ki lô mét.

Điển hình một số vụ sạt lở nghiêm trọng thời gian qua là vụ sạt lở bờ sông Vàm Nao tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang hồi năm ngoái, làm hàng chục ngôi nhà của người dân sụp hoàn toàn xuống sông và hàng trăm hộ dân khác bị ảnh hưởng với tổng thiệt hại theo báo cáo của UBND huyện Chợ Mới lên đến 90 tỉ đồng. Gần đây nhất là vụ sạt lở bờ sông Ô Môn thuộc khu vực Thới Lai, phường Thới Thạnh, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, khiến năm ngôi nhà bị sụp xuống sông và hàng chục ngôi nhà khác bị đưa vào diện báo động.

Một điểm sạt lở ở quận Ô Môn, Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh.

“Trên địa bàn thành phố Cần Thơ hiện đã xuất hiện 16 điểm sạt lở, làm sạt lở hoàn toàn 10 căn nhà và sạt một phần 43 căn nhà”, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, cho biết thêm tại hội nghị.

Cũng tại hội nghị, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra ngày càng nghiêm trọng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc phát triển các thủy điện ở thượng nguồn sông Mêkông.

Cụ thể, dẫn số liệu báo cáo của Ủy ban sông Mêkông quốc tế, ông Thắng cho biết, khoảng 70% lượng bùn cát, phù sa bị giữ lại ở các đập thủy điện trên thượng nguồn. Thậm chí, trong kịch bản xấu nhất, sẽ có 97% lượng bùn cát bị giữ lại, tức chỉ có 3% về ĐBSCL.

Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như tác động cực đoan của biến đổi khí hậu; dân số gia tăng, lượng tàu bè gia tăng hay phát triển hạ tầng ngày càng nhiều ở ven các sông, kênh rạch, ven biển…

Trao đổi với TBKTSG, ông Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ, cũng cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở bờ sông, bờ biển hiện nay ở ĐBSCL là do việc xây dựng các đập thủy điện.

Phải chữa tận gốc

Để giải quyết vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển ở vùng ĐBSCL, các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng nên tập trung sử dụng các biện pháp công trình và phi công trình. Ông Chính dẫn chứng các giải pháp kỹ thuật đã ứng dụng trong xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển thời gian qua là xây dựng kè hộ bờ, kè giảm sóng...

Tại buổi khảo sát tình hình sạt lở bờ biển Cồn Bửng, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre hôm 10/8/2018, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng cho rằng để ứng phó với sạt lở, có thể áp dụng biện pháp công trình và phi công trình.

Ông Cường cho biết, Chính phủ đã quyết định gói đầu tư 1.500 tỉ đồng để ứng phó các điểm sạt lở nghiêm trọng ở ĐBSCL. Trong đó, tỉnh Bến Tre được ưu tiên hỗ trợ khắc phục ba điểm sạt lở lớn. “Nếu tổ chức làm tốt ba điểm này cùng với những điểm khác đang được địa phương khảo sát bằng các nhóm giải pháp công trình và phi công trình thì sẽ rất khả thi”, ông Cường nói.

Ông Tuấn (Đại học Cần Thơ) thì cho rằng, nguyên nhân chính gây sạt lở là việc xây dựng các đập thủy điện, nên cần sử dụng biện pháp ngoại giao nguồn nước để giải quyết, tức phải thuyết phục, chứng minh với các nước phía thượng nguồn rằng Mêkông là sông quốc tế, lợi ích là lợi ích chung của cả cộng đồng.

Kế đến, theo ông Tuấn, cần đàm phán theo hướng: nếu Lào không xây dựng đập thủy điện trên dòng chính thì Việt Nam sẽ hỗ trợ Lào trong phát triển kinh tế. “Mình có đường bờ biển dài có thể mở hành lang cho Lào tiếp cận biển tự do hơn hoặc gia tăng đầu tư vào Lào hay hợp tác đào tạo…, có rất nhiều cách”, ông dẫn chứng.

Cũng có thể chứng minh cho Lào thấy họ có thể phát triển năng lượng gió, mặt trời. “Việt Nam cam kết mua tất cả lượng điện đó, chẳng hạn, thì cũng khuyến khích Lào hơn”, ông Tuấn nói. Ông còn gợi ý có thể chứng minh cho Lào thấy đầu tư thủy điện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) thì phần lớn lợi nhuận sẽ rơi vào nhà đầu tư, phần Lào được hưởng rất ít.

Theo ông Tuấn, nếu giải pháp ngoại giao nguồn nước chưa đạt hiệu quả triệt để thì cần giải quyết câu chuyện khai thác cát triệt để. Bởi, khi lượng cát về ĐBSCL đã ít, mà còn bị khai thác quá mức, sẽ khiến tình trạng sạt lở nghiêm trọng hơn.

“Cách hạn chế khai thác là phải tính toán lại tài nguyên, chỗ nào còn thì có thể khai thác, chỗ nào có rủi ro rồi thì không nên làm nghiêm trọng hơn”, ông Tuấn nêu ý kiến và cho rằng song song với việc này, trong xây dựng cần tính đến chuyện làm nhà bằng khung thép, lắp kính để hạn chế sử dụng bê tông.

Một điểm lưu ý nữa, theo ông Tuấn, đó là không nên bố trí quy hoạch ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao. “Chỗ nào đã sạt lở, thì cứ thuận theo tự nhiên, đừng cố gắng đổ tiền của làm công trình rất lớn để chống lại”, ông Tuấn nói.

Ông Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh văn phòng biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ, cho rằng vấn đề là cần phải xác định đúng bệnh mới có thể bốc đúng thuốc để trị hết bệnh được. Nguyên nhân sạt lở có rất nhiều, như ở bờ biển có thể do gió, nước biển xâm thực, thì việc xử lý có thể dùng kè, trồng cây chắn sóng. Thế nhưng, nếu do sụt lún, thì không thể dùng kè được, mà phải tìm cách nâng cho đừng sụt lún đất nữa.

Thời báo Kinh tế SG

Bạn đang đọc bài viết Sạt lở chủ yếu là do thủy điện. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.