Thứ tư, 17/04/2024 05:07 (GMT+7)

Thông tin tiếp vụ rừng phòng hộ hồ Đá Vàng, Cây Thích bị băm vằm

MTĐT -  Thứ năm, 25/05/2017 10:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tình trạng chặt phá rừng để đốt than, xâm canh trồng rừng kinh tế trái phép đang diễn ra ồ ạt tại nhiều nơi trong khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn hồ chứa nước Đá Vàng và hồ Cây Thích (Bình Định)

Sau khi báo đăng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức kiểm tra, xử lý tình trạng trên. Thế nhưng theo kết quả phúc đáp gửi báo chí tại văn bản số 1757/SNN-KL do ông Nguyễn Hiếu Hòa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh này phản hồi lại cho rằng: “Vết chặt các cây bụi để hầm than tại hiện trường quan sát bằng mắt thường cho thấy các đối tượng đã sử dụng các phương tiện như rựa, rìu để chặt. Hay, đầu năm 2017 đến nay, UBND xã Phước Thành đã tổ chức 4 đợt truy quét, kiểm tra nhằm kiểm tra diện tíc lấn chiếm đã bị phá bỏ, đồng thời, ngăn chặn các đối tượng tiếp tục lấn, chiếm đất lâm nghiệp và hầm than trái pháp luật. Trong các đợt truy quét, UBND xã tiếp tục chặt bỏ các mầm cây keo mọc lại trên diện tích đất lấn, chiếm đã phá bỏ năm 2016; qua các đợt kiểm tra không phát hiện thêm diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm mới để trồng rừng”.

Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế tại hiện trường khu vực giáp ranh giữa rừng phòng hộ hồ Đá Vàng và hồ Cây Thích, phóng viên đã nhận thấy hầu hết diện tích cây rừng bị chặt phá tại đây đối tượng chủ yếu dùng cưa máy để cưa hạ. Bằng chứng, dấu vết gốc cây rừng, số gỗ rừng nằm lăn lóc ở hiện trường đều cho thấy rất rõ vết cắt được thực hiện bằng cưa máy. Các đối tượng cưa cây rừng theo từng luống. Sau đó, cưa cây thành từng khúc, mỗi khúc dài khoảng 1m để hầm than. Hiện trường cho thấy, có lò than được xây đắp rất kiên cố, xung quanh miệng lò vương vãi rất nhiều than thành phẩm.

Các đối tượng rút ruột rừng phòng hộ theo kiểu “da beo”. Trong ảnh: Sau khi chặt hạ cây rừng ở một khoảnh nằm phía Tây rừng phòng hộ hồ Đá Vàng, các đối tượng này đưa cây keo lai đến trồng trái phép.

Thời điểm (ngày 13 và 14/5/2017), phóng viên thâm nhập sâu vào khu vực rừng này còn nghe rất rõ tiếng cưa máy phát ra. Mở rộng khu vực quan sát, chúng thấy nhiều diện tích đất có cây rừng đã bị chặt, phát và đã dọn thực bì trồng cây keo lai. Cây keo nhiều nơi cao hơn 1m, có nơi cây vừa được trồng mới vào đầu năm 2017. Vì vậy, việc văn bản phúc đáp cho rằng, vết chặt cây bụi để hầm than cho thấy đối tượng dùng rựa, rìu là không chính xác với tình hình thực tế đã diễn ra. Hơn nữa, chính quyền địa phương lẫn Hạt Kiểm lâm liên huyện Tuy Phước - Quy Nhơn nhận định dù đã kiểm tra nhưng không phát hiện thêm tình trạng phát, lấn chiếm để trồng mới là ngụy biện; bởi, khu vực này hiện có rất nhiều diện tích cây rừng bị chặt phá theo kiểu “da beo” để xâm canh cây keo lai.

Rừng phòng hộ hồ Đá Vàng và hồ Cây Thích rỗng ruột sau thời gian bị các đối tượng phá rừng cưa hạ.

Trong khi tình trạng chặt cây rừng đốt than, xâm canh cây keo lai trong rừng phòng hộ hồ Cây Thích và hồ Đá Vàng diễn ra dai dẳng nhiều năm, nhưng lực lượng kiểm lâm lẫn địa phương không ngăn chặn, xử lý đến nơi đến chốn khiến dư luận bất bình. Thế nhưng Hạt Kiểm lâm liên huyện Tuy Phước - Quy Nhơn cho rằng, mức độ xâm hại của người dân không đáng kể, chưa gây tác động lớn đến việc phòng hộ cho hồ chứa và ảnh hưởng đến khu vực phòng thủ của Sư 31 là không đúng với thực tế đang diễn ra.

Về vấn đề rừng phòng hộ này bị xâm hại, ông Nguyễn Thanh Hải, Hạt phó Hạt Kiểm lâm liên huyện Tuy Phước - Quy Nhơn cho rằng, hiện trường cho thấy có đối tượng lén lút vào khu vực ven suối để mót củi hầm than. Thậm chí vị này cho rằng qua các đợt truy quét, lực lượng chức năng đã nhổ bỏ hết cây trồng trái phép trên diện tích đất rừng bị lấn, chiếm trái phép. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cây keo xâm canh tại nhiều nơi trong rừng phòng hộ hồ Cây Thích và hồ Đá Vàng vẫn sinh trưởng, phát triển rất tốt. Nhiều nơi cây cao hơn 2m, có nơi đủ tuổi lấy gỗ. Như vậy, câu trả lời này liệu có thuyết phục?

Dư luận cho rằng: Rừng phòng hộ nơi đây đang bị các đối tượng dùng cưa máy đốn hạ công khai cây rừng để hầm than; đồng thời, xâm canh cây keo lai ở nhiều nơi là rất nghiêm trọng. Trong khi Kiểm lâm liên huyện Tuy Phước - Quy Nhơn lại nói việc người dân xâm hại không đáng kể(?!). Câu hỏi đặt ra: “Rừng bị phá kiểu nào mới được hiểu theo nghĩa “đáng kể”?. Không lẽ, đợi đến khi rừng bị chặt phát trắng mới thành vấn đề?”. Câu trả lời cho vấn đề này chúng tôi xin nhường lại cho các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Định.

Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.

Theo TN&MT

Bạn đang đọc bài viết Thông tin tiếp vụ rừng phòng hộ hồ Đá Vàng, Cây Thích bị băm vằm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.