Thứ sáu, 19/04/2024 13:05 (GMT+7)

Tin môi trường 12/6: Xử phạt nhiều công ty sai phạm về môi trường

MTĐT -  Thứ ba, 12/06/2018 16:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cẩm Giàng (Hải Dương), xử phạt nhiều công ty sai phạm về môi trường; Lợi ích to lớn từ nguồn rác thải sinh học… là một số tin môi trường trong ngày.

Các địa phương khẩn trương xuống giống vụ lúa Hè Thu

Chủ động ứng phó với thời tiết khắc nghiệt như mưa lớn, hạn hán, các địa phương trong cả nước đang khẩn trương xuống giống vụ Hè Thu.

* Tại Quảng Ngãi, theo TTXVN thông tin, theo lịch thời vụ, tỉnh Quảng Ngãi đã phải hoàn thành xuống giống vụ lúa Hè Thu năm 2018, nhưng do mưa lớn của đợt ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới vào đầu tháng 6/2018, đến nay chỉ mới có 80% diện tích ruộng được xuống giống.

Ngay sau khi nước bắt đầu rút, chính quyền huyện Mộ Đức đã vận động nông dân ra đồng làm đất, chuẩn bị xuống giống. Theo kế hoạch, vụ này huyện Mộ Đức sẽ xuống giống 5.100 ha lúa, thời gian qua huyện đã xuống giống được khoảng 4.200 ha. Đối với diện tích lúa đã sạ nhưng bị ngập úng, cơ quan chức năng đã chỉ đạo tiêu thoát nước dọc sông Thoa và mở đập thoát nước.

* Tại Ninh Thuận: Trước tình trạng khô hạn đang diễn ra gay gắt, có thể kéo dài đến tháng 9/2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận đã khuyến cáo các địa phương chủ động nước tưới hiện có ở các hồ chứa để thực hiện gieo cấy đồng loạt, không để trễ thời vụ gieo cấy Hè Thu, dẫn đến sản xuất không đạt hiệu quả.

Ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận) cho biết, từ đầu năm đến nay, tỉnh Ninh Thuận không có trận mưa nào nên không ít địa phương bị động trong sản xuất.

Vụ Hè Thu 2018, ngành nông nghiệp chỉ cho các địa phương chủ động nước tưới như huyện Ninh Phước, huyện Ninh Hải, huyện Ninh Sơn và một số khu vực ở thành phố Phan Rang-Tháp Chàm tiến hành gieo cấy với tổng diện tích 12.539 ha, giảm hơn 100 ha so với cùng kỳ năm 2017.

Lợi ích to lớn từ nguồn rác thải sinh học

Vừa qua, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng chuyên ngành khoa học - công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký bản ghi nhớ Chuyển giao công nghệ và đầu tư nhà máy xử lý rác thải nông nghiệp có giá trị tới 100 triệu USD cho một số đối tác.

Việc tiếp nhận và đưa công nghệ carbolosic của Dự án vào Việt Nam hứa hẹn đem lại những lợi ích to lớn từ chính nguồn rác thải sinh học vẫn bị bỏ phí từ trước tới nay.

Việc tận dụng các phụ phẩm, phế phẩm từ nông nghiệp luôn là mối quan tâm của các nhà sản xuất, nhà khoa học cũng như ngành Nông nghiệp nói chung. Đã có không ít công nghệ tham gia vào việc xử lý vấn đề trên. Tuy nhiên, những giải pháp, công nghệ này còn có nhiều nhược điểm.

Ở Việt Nam, sau mỗi mùa thu hoạch, phế phẩm nông nghiệp thường được đem chôn lấp theo kiểu xử lý vi sinh hoặc đem đốt… Các phương pháp này không mang lại hiệu quả cao mà còn gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất. Trong khi đó, công nghệ carbolosic, được phát triển bởi các nhà khoa học ở Đại học Central Florida (Mỹ), có thể giải quyết được một cách cơ bản những vấn đề trên. 

Nhà sáng chế Walsh Joseph John, đồng tác giả công nghệ cho biết, công nghệ carbolosic về bản chất là dùng phương pháp thủy phân cellulose các rác thải sinh học trong nông nghiệp như bã mía, rơm rạ, cỏ, lõi ngô… để sản xuất ra một số nhóm sản phẩm chủ lực như xăng, điện, đường, ethanol, phân vi sinh, hay than hoạt tính.

Tùy nhu cầu về sản phẩm đầu ra là gì, dây chuyền công nghệ có thể thay đổi các module để sản xuất ra hàng trăm loại sản phẩm khác nhau. Bên cạnh đó, với việc thiết kế tách rời từng module, hệ thống xử lý có thể được di chuyển tới các vùng nguyên liệu nông nghiệp đang thu hoạch để xử lý tại chỗ, giảm thiểu được nhiều chi phí.     

Cẩm Giàng (Hải Dương): Xử phạt nhiều công ty sai phạm về môi trường

Các cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương đã vào cuộc kiểm tra và ra hàng loạt Quyết định xử phạt các Công ty đang thuê nhà xưởng hoạt động, sản xuất… sai phạm về lĩnh vực bảo vệ môi trường.  

Trao đổi với báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Trọng Quyền, Phó Chi cục Trưởng, Chi cục Bảo vệ môi trường, cho biết: Ngày 24/5, Sở Tài nguyên & Môi trường Hải Dương đã thành lập đoàn kiểm tra đối với Công ty TNHH Dệt may Quang Lan. Thành phần của đoàn, bao gồm: Chi cục Bảo vệ môi trường, Thanh tra sở; Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Cẩm Giàng, UBND thị trấn Lai Cách.

Khi kiểm tra, chúng tôi hết sức “ngỡ ngàng” không ngờ trong Công ty TNHH Dệt may Quang Lan hiện đang cho đến 12 Công ty, đơn vị, cá nhân thuê đất, nhà xưởng hoạt động – ông Quyền, nói: “Công ty TNHH Dệt may Quang Lan hiện giờ chẳng khác gì Cụm công nghiệp “thu nhỏ”, với các tổ chức, cá nhân thuê nhà xưởng sản xuất đủ các loại ngành nghề, như: sản xuất thức ăn chăn nuôi, kho bãi chứa hàng, nấu suất ăn, cơ khí, hàng quán… Bao gồm: Công ty Cổ phần thức ăn chăn nuôi Đồng Tâm, thuê để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Công ty TNHH Chỉnh Thái thuê làm kho chứa và hoạt động gia công lò xo. Công ty TNHH Thiết bị hóa chất NAKAGAWA Việt Nam thuê để hoạt động, làm kho chứa hàng, hóa chất và gia công cơ khí. Công ty Cổ phần dinh dưỡng GOLD FARMS thuê để hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi. Công ty TNHH chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp Phúc Tâm, thuê hoạt động nấu ăn. Công ty TNHH Đức Anh PLastic thuê sản xuất đồ nhựa. Công ty TNHH Anh Em Chang Long Việt Nam, thuê sản xuất thiết bị tự động hóa máy móc phi tiêu chuẩn. Công ty TNHH Dinh dưỡng Việt Hưng thuê sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, Công ty TNHH Dệt may Quang Lan còn cho 3 cá nhân thuê để hoạt động kinh doanh: ăn uống, kho bãi… Các đơn vị này đều “đồng loạt” chưa có thủ tục môi trường, đoàn kiểm tra đã chuyển kết quả kiểm tra sang Thanh tra Sở Tài nguyên & Môi trường để ra Quyết định xử phạt theo quy định của Luật bảo vệ môi trường".

Ngày 31/5, Thanh tra Sở Tài nguyên & Môi trường Hải Dương, đã ra Quyết định xử phạt đối với 5 Công ty (Còn lại một số đơn vị khác tuy đã làm hợp đồng nhưng chưa tổ chức hoạt động và các cá nhân thuê đất bán quán, nhà hàng giao cho UBND huyện Cẩm Giàng xử lý). Các công ty bị xử phạt, gồm: Công ty TNHH Dệt may Quang Lan, vi phạm: Xả nước thải vào nguồn nước không có Giấy phép xả thải theo quy định (lưu lượng xả thải trung bình 13m3/ngày đêm); vi phạm Điều a, Khoản 2, Điều 19, Nghị định số 33/2016/NĐ – CP, ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt, vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước & khoáng sản. Số tiền xử phạt là 70 triệu đồng.

Còn lại, các Công ty thuê nhà xưởng của Công ty TNHH Dệt may Quang Lan, có 4 công ty bị xử phạt đều với số tiền 70 triệu đồng/Công ty, bao gồm: Công ty Cổ phần dinh dưỡng GOLD FARMS, hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi (địa chỉ trụ sở chính: Thôn Mỹ Trạch, xã Bình Minh, huyện Bình Giang).

Công ty Cổ phần thức ăn chăn nuôi Đồng Tâm, hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi (địa chỉ trụ sở chính: số 66, ngõ 3, phố Tống Duy Tân, phường Ngọc Châu, TP. Hải Dương). Công ty TNHH Dinh dưỡng Việt Hưng, hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi (địa chỉ trụ sở chính: số 4, ngõ 2, phố Lê Hồng Phong, phường Sao Đỏ, thị xã Chí Linh). Công ty TNHH Đức Anh PLastic hoạt động sản xuất các sản phẩm từ hạt nhựa (địa chỉ trụ sở chính: Thôn Thái Lai, xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng). Các Công ty này đều không có Bản kế hoạch bảo vệ môi trường được UBND huyện Cẩm Giàng xác nhận theo quy định, vi phạm Điểm d, Khoản 2, Điều 11, Nghị định số 155/2016/NĐ – CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, các Công ty này đều bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động sản xuất tại nhà xưởng thuê lại của Công ty TNHH Dệt may Quang Lan (thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng) trong thời hạn 6 tháng để khắc phục vi phạm kể từ ngày Công ty nhận được Quyết định này, theo quy định tại Điểm b, Khoản 6, Điều 11, Nghị định số 155/2016/NĐ – CP. Biện pháp khắc phục hậu quả, buộc các Công ty phải lập Bản kế hoạch bảo vệ môi trường trình UBND huyện Cẩm Giàng xác nhận theo quy định.

Kiên Giang tham khảo mô hình xử lý rác tiên tiến tại TP. HCM

Theo VTV đưa tin, hôm nay (12/6), đoàn lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cùng các sở ban ngành đã đến tìm hiểu mô hình xử lý rác tiên tiến tại TP. HCM.

Trước yêu cầu phát triển và tình hình thực tế, nhiều địa phương tại tỉnh Kiên Giang đang đứng trước thách thức môi trường khi khối lượng rác ngày càng tăng trong thời gian tới.
Đến thăm khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, đoàn lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cùng các sở ban ngành đã nghe báo cáo tình hình xử lý rác tại đây.

Hiện nay việc xử lý rác tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn, do thói quen của người dân, cũng như các điều kiện để xử lý rác tập trung với khối lượng lớn vẫn chưa thuận lợi. Vì vậy, giá thành xử lý vẫn chưa thể hạ thấp.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chỉ ra những vấn đề trong việc xử lý rác thải liên quan tới đặc trưng của tỉnh Kiên Giang. Đáng chú ý, Phú Quốc là đảo tách biệt. Khối lượng rác thải tại đây khoảng hơn 100 tấn/ngày. Vì vậy, việc xử lý rác tại chỗ hay vận chuyển đến nơi xử lý rác tập trung trên đất liền cũng là một vấn đề cần cân nhắc.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường 12/6: Xử phạt nhiều công ty sai phạm về môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?