Thứ bảy, 20/04/2024 02:15 (GMT+7)

Tin môi trường 26/6: Núi đổ sập chôn vùi trại cá hàng chục tỷ đồng

MTĐT -  Thứ ba, 26/06/2018 17:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Núi đổ sập chôn vùi trại cá tầm hàng chục tỷ đồng; Tổng kiểm tra bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu… là một số tin môi trường trong ngày.

Núi đổ sập chôn vùi trại cá tầm hàng chục tỷ đồng

Bốn trại cá tầm bị xóa sạch trong phút chốc khi nhiều quả núi đổ ập xuống bản Chu Va, Tam Đường, Lai Châu.

Theo Vnexpress đưa tin, 3 gia đình nuôi cá ven suối cạnh quốc lộ 4D (Tam Đường, Lai Châu) bị thiệt hại nặng sau trận lũ quét rạng sáng 24/6.

Bà Vũ Thị Mai Phương (55 tuổi, ở bản Chu Va 12, Tam Đường) kể lại, 8h sáng 24/6, vợ chồng bà giật mình bởi tiếng nước chảy xiết. Sau nhiều ngày mưa lớn, đoán sẽ có lũ nên vợ chồng bà vội lấy lưới đi quây bảo vệ bể cá tầm. Nhưng chỉ ít phút sau đó, nửa quả núi đối diện nhà đổ ập xuống “như sóng thần trên tivi”. Chồng bà không kịp chạy đã bị lũ cuốn cùng toàn bộ gia sản.

Gia đình bà Phương có hơn 30 bể bê tông nuôi cá tầm trên diện tích hơn 12.000 m2, ước tính trị giá hơn 15 tỷ đồng. “Khoảng 30 tấn cá thịt, hơn 7 vạn cá giống, gần một tỷ đồng tiền thức ăn chăn nuôi. Tổng lượng cá khoảng hơn 70 tấn”, bà nhẩm đếm số tài sản thiệt hại.

Núi đổ sập chôn vùi trại cá tầm hàng chục tỷ đồng tại Lai Châu. Ảnh: Vnexpress. 

Ngôi nhà của bà Phương nằm ven quốc lộ bị đá và nước xô thủng tường, trơ lại cột trụ và những đường nứt kèo dài. Vài món đồ lẫn trong bùn đất, còn lại phần lớn đã bị cuốn trôi.

Cơ quan chức năng đang dọn dẹp hiện trường lũ quét để tìm kiếm nạn nhân mất tích. Lãnh đạo huyện Tam Đường cho biết, huyện có 4 trang trại nuôi cá nước lạnh bị vùi lấp. Thiệt hại ban đầu khoảng 130 tấn cá thịt và gần 400.000 cá giống trị giá hàng chục tỷ đồng.

Tổng kiểm tra bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu

Tổng cục Môi trường đang tiến hành tổng kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu, đồng thời, tiến hành rà soát lại các văn bản pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Từ đó, đưa ra những giải pháp nhằm ngăn chặn dòng rác, phế liệu đang tràn vào Việt Nam.

Trao đổi với báo TN&MT, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, tại Việt Nam, những năm gần đây, nhu cầu nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu có xu hướng gia tăng mạnh. Tổng số các doanh nghiệp nhập khẩu và sử dụng phế liệu trên cả nước là 256 doanh nghiệp. Trong đó, lượng doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu để trực tiếp phục vụ sản xuất là 153 doanh nghiệp (chiếm 59,76% tổng số doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu), số lượng doanh nghiệp nhập khẩu ủy thác là 103 doanh nghiệp (chiếm khoảng 40,24%).

Thông qua việc nhập khẩu phế liệu này, nhiều mặt hàng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như: Máy móc, thiết bị lạc hậu cũ, hỏng, linh kiện điện tử có chứa chất thải nguy hại… đã bị nhập khẩu trái phép vào Việt Nam. Do việc nhập khẩu các loại phế liệu này thường đem lại lợi nhuận cao, nên các doanh nghiệp tìm mọi cách để lách luật, dùng những thủ đoạn tinh vi nhằm qua mặt các lực lượng chức năng, thậm chí, cố tình vi phạm luật.

Bà Rịa-Vũng Tàu: Quy định về tiêu chí xác định các cơ sở gây ô nhiễm môi trường phải di dời

UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa ban hành Quyết định số 1611/QĐ-UBND quy định về tiêu chí xác định các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường thuộc đối tượng di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vùng tập trung trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Theo đó, các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường thuộc đối tượng di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vùng tập trung trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được xác định theo 3 tiêu chí: cơ sở có vị trí không còn phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch ngành và các quy hoạch khác đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt; thuộc danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng không hoàn thành việc khắc phục ô nhiễm do cơ quan có thẩm quyền quy định; thuộc danh mục các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường theo quy định.

Các cơ sở được xác định thuộc các tiêu chí nêu trên nhưng hoạt động trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện hữu trên địa bàn tỉnh không thuộc diện di dời theo tiêu chí nêu trên.

Quy định cũng đưa ra 02 tiêu chí đánh giá, phân loại để di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường đối tượng di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vùng tập trung trên địa bàn tỉnh là tiêu chí về quy hoạch và tiêu chí về môi trường.

Kon Tum: Nhiều khó khăn trong quản lý chất thải sinh hoạt

Việc thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt chưa triệt để như hiện nay ở Kon Tum đã gây ra nhiều tác động như: mất mỹ quan đô thị; gây ô nhiễm đất, nước mặt, nước ngầm và không khí, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người…

Thống kê cho thấy, lượng rác sinh hoạt phát sinh hiện nay trên địa bàn tỉnh Kon Tum vào khoảng gần 200 tấn/ngày. Trong đó, chất thải ni lông chiếm từ 3-5%, tương đương với khoảng 5-10 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom rác thải trên địa bàn tỉnh khoảng 70-90% và chủ yếu thu gom tại đô thị.

Một số khu vực chưa có đội thu gom hoặc thu gom chưa thường xuyên dẫn đến rác thải gây ô nhiễm môi trường cục bộ và làm ảnh hưởng đến mỹ quan khu vực. Tại khu vực nông thôn chưa có đơn vị thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Hầu hết chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh đều chưa được phân loại tại nguồn, các loại chất thải thu gom được chuyển đến bãi chôn lấp để xử lý. Trong khi, hầu hết các bãi chôn lấp tại các huyện (trừ thành phố Kon Tum, huyện Đăk Tô và Tu Mơ Rông) đều chỉ là bãi chứa rác thải tập trung, tự phân hủy, có quy mô nhỏ và đang trong tình trạng quá tải, ô nhiễm môi trường. Các công trình xử lý nước thải từ một số bãi rác đã bị hư hỏng, quá tải, xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

Thực tế, công tác quản lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn nhiều khó khăn, bất cập. Kinh phí đầu tư cho việc xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt, khu công nghiệp. Đa số cơ sở hạ tầng về xử lý rác thải chưa đảm bảo theo quy định. Sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương thiếu chặt chẽ.

TP HCM: Kênh thoát nước ở Bình Thạnh bị bức tử

Nằm trong con hẻm 117 đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh, TP. HCM, kênh Hai Heo hằng ngày đang phải gánh chịu đủ thứ rác do người dân vô tư ném xuống con kênh.

Theo ghi nhận của chúng tôi vào sáng 17/6, con kênh dài khoảng 500 m này đang bị ô nhiễm nặng. Cụ thể, nước có màu đen ngòm, đầy chuột, ruồi muỗi nhiều và bốc mùi hôi thối khiến nhiều hộ gia đình sống gần đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các rác thải sinh hoạt được người dân xả thẳng xuống kênh.

Chị Nguyễn Thị Quyên, nhà kế con kênh, bức xúc: “Nhiều người thiếu ý thức, rác không để đúng nơi mà cứ ném thẳng ra kênh. Mưa xuống thì nước không biết thoát đi lối nào nên sẽ gây ngập chính nhà dân. Cuối cùng mình phải chịu chứ chẳng phải ai hết”.

Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND phường 22, quận Bình Thạnh, cho biết trước thông tin mà người dân phản ánh về việc kênh Hai Heo đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, UBND phường đã làm báo cáo và đề xuất nạo vét kênh trong thời gian tới. Sắp tới, kênh Hai Heo sẽ được nạo vét xong. Tuy nhiên, con kênh này thường xuyên bị ô nhiễm do ý thức của người dân. Trước thực trạng trên, UBND phường đang tuyên truyền vận động người dân không xả rác xuống kênh gây ô nhiễm môi trường.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường 26/6: Núi đổ sập chôn vùi trại cá hàng chục tỷ đồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...