Thứ năm, 18/04/2024 08:07 (GMT+7)

Tin môi trường 31/5: Xử lý hơn 120 nghìn vụ vi phạm về môi trường

MTĐT -  Thứ năm, 31/05/2018 17:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Xử lý hơn 120 nghìn vụ vi phạm pháp luật về môi trường; Cần Thơ, nhà máy xử lý nước thải sẽ hoạt động chính thức vào cuối năm 2018… là một số tin môi trường trong ngày.

Hà Nội: Phạt nặng hành vi xâm hại đến công trình khí tượng thủy văn

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 13/2018/QĐ-UBND nhằm hướng dẫn công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khí tượng thủy văn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Cụ thể, theo Quyết định số 13/2018/QĐ-UBND Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì, phối hợp cùng với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã giúp ƯBND Thành phố quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu trên địa bàn Thành phố theo quy định của pháp luật.

Trình UBND Thành phố ban hành các Quyết định, Chỉ thị về quản lý hoạt động khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu trên địa bàn; các chương trình, biện pháp để đảm bảo thực hiện các hoạt động khí tượng thủy văn phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai của Thành phố; Tổ chức thẩm định hồ sơ cấp, gia hạn, đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trình UBND Thành phố phê duyệt đối với tổ chức, cá nhân theo quy định; Quản lý các hoạt động quan trắc, dự báo, cảnh báo, thông tin, dữ liệu, cung cấp dịch vụ khí tượng thủy văn trên địa bàn Thành phố; Theo dõi, đánh giá việc khai thác, sử dụng tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế xã hội, phòng chống thiên tai trên địa bàn Thành phố.

Đồng thời, Sở Tài nguyên & Môi trường chủ trì, phối họp với các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã thực hiện hoạt động thẩm định, thẩm tra, đánh giá việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn và việc lồng ghép kết quả giám sát biến đổi khí hậu trong các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã trong việc đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, xây dựng các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện các biện pháp phát triển hoạt động phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn trên địa bàn Thành phố; Chủ trì xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng của Thành phố, trình UBND Thành phố phê duyệt.

Bên cạnh đó, Sở sẽ hướng dẫn các thủ tục liên quan đến đất đai của các vị trí công trình và hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn; Phổ biến, tuyên truyền pháp luật về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu; tham gia họp tác quốc tế; xây dựng hệ thống thông tin, lưu trữ tư liệu vê khí tượng thủy văn theo quy định của pháp luật; Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm pháp luật về khí tưọng thủy văn, hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn theo thẩm quyền.

Xử lý hơn 120 nghìn vụ vi phạm pháp luật về môi trường

Ngày 30/5, Hội thảo tuyên truyền pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm đã được tổ chức tại Bình Dương.

Hội thảo do Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đã phối hợp cùng UBND tỉnh Bình Dương tổ chức, với sự tham dự của Thiếu tướng Lê Tấn Tảo, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an; Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng phụ trách cục Cảnh sát, Bộ Công an; ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh cùng đại diện lãnh đạo công an 63 tỉnh thành trong cả nước.

Tại hội thảo, Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Cảnh sát môi trường, cho biết: Những năm qua, với chức năng nhiệm vụ được giao, lực lượng Cảnh sát môi trường đã tham mưu cho lãnh đạo các các cấp đã tham mưu ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về thực hiện công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên, vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức hàng nghìn lượt thanh tra, kiểm tra liên ngành.

Sau hơn 10 năm triển khai hoạt động, lực lượng Cảnh sát môi trường đã phát hiện, điều tra và xử lý 120.100 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp khởi tố 3.015 vụ, 4050 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 1.510 tỷ đồng…

Mường La – Sơn La: Bốn tại chỗ và Ba sẵn sàng trong phòng chống thiên tai

Là địa phương chịu thiệt hại nặng nề trong trận lũ quét lịch sử tháng 8/2017, năm 2018, huyện Mường La đã chủ động rà soát, phân vùng các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập lụt; có phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn phù hợp, nhằm giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất.

Địa hình của huyện Mường La bị chia cắt mạnh, phức tạp, chủ yếu là núi cao và trung bình thấp dần từ Tây sang Đông và Bắc xuống Nam. Địa hình núi trung bình có độ cao từ 500-700m, lại bị chia cắt bởi nhiều sông, suối độ dốc lớn, như: sông Đà, suối Nặm Păm, suối Mu, suối Mường Trai... Do đó, huyện Mường La chịu ảnh hưởng của một số loại hình thiên tai, như: Mưa lớn, lũ, lũ quét, lũ ống, ngập lụt, sạt lở đất hoặc nắng nóng, hạn hán, rét đậm, rét hại, mưa đá…

Theo báo TN&MT đưa tin, qua rà soát, các cơ quan chức năng đã phân vùng các điểm có nguy cơ lũ quét như khu vực bản Ten, bản Nà Lo, bản Co Lìu thị trấn Ít Ong, bản Huổi Lẹ, Pá Hợp xã Nậm Giôn. Sạt lở các điểm tái định cư thủy điện Sơn La tại các xã Ngọc Chiến, Mường Trai, Chiềng Lao, Mường Bú, Mường Chùm…

Do đó, để chủ động công tác phòng, chống bão lũ năm nay, huyện Mường La đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm trước, trong và sau mùa mưa lũ. Từ tháng 1-5/2018, tập trung kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và TKCN, xác định công trình, những tuyến sung yếu trong mùa mưa lũ để chủ động phòng chống, ứng phó. Thực hiện nghiêm việc rà sát, di chuyển dân ra khỏi các điểm có nguy cơ sạt lở cao, nơi ven sông suối có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở, ngập lụt. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, các dự án di chuyển dân vùng thiên tai kịp thời và đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ, đặc biệt những điểm, các công trình đang thi công trên địa bàn có nguy cơ sạt lở cao.

Từ tháng 6-10/2018, tổ chức trực ban phòng, chống lũ bão 24/24 giờ. Trong thời kỳ cao điểm mùa mưa từ 20/6-5/9, bố trí cán bộ kiểm tra, tuần tra, dự báo, cảnh báo các hồ, đập, công trình thủy lợi, những tuyến đường giao thông xung yếu, hoạt động dân sinh kinh tế ở các khu dân cư trong vùng nguy hiểm và nguy cơ thiệt hại… Sau mùa mưa lũ, có biện pháp khắc phục, sửa chữa các công trình cơ sở hạ tầng bị hư hại, giúp người dân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.

Công tác phòng chống lũ bão được thực hiện theo phương châm “Bốn tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và Ba sẵn sàng (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương có hiệu quả). Mỗi người dân phải tự ý thức, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, tự giác tham gia cùng chính quyền, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương trong phòng, tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Sóc Trăng: Nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song trong thời gian qua tỉnh Sóc Trăng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, với quyết tâm "Cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở khu vực thành thị cũng như nông thôn..."- đây là lời khẳng định của ông Trần Văn Chuyện, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhân sự kiện đưa Nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN An Nghiệp đi vào hoạt động.

Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ môi trường cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, từ năm 2011 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Sóc Trăng đã duy trì thực hiện ký kết liên tịch phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, hội, đoàn thể trong việc triển khai các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng mô hình bảo vệ môi trường;...

Theo đánh giá của Sở TN&MT Sóc Trăng, việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, nhân rộng các mô hình... bảo vệ môi trường do cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, hội, đoàn thể triển khai thực hiện đã và đang góp phần quan trọng trong việc giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và ý thức bảo vệ môi trường của người dân, cộng đồng, doanh nghiệp..; đồng thời, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ tài nguyên môi trường trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, hàng năm ngoài thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch liên tịch đã đề ra, thì các tổ chức, hội đoàn thể cũng rất quan tâm lồng ghép nhiều mô hình bảo vệ tài nguyên và môi trường vào các hoạt động của ngành...

Trưởng Phòng TN&MT TX. Ngã Năm Nguyễn Minh Huệ cho rằng, từ năm 2015 đến nay, nếu không có lò đốt rác thải sinh hoạt này thì thị xã sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn. Theo ông Nguyễn Minh Huệ, mỗi ngày trên địa bàn Thị xã phát sinh trên 10 tấn rác thải sinh hoạt, khi có lò đốt rác, tất cả được thu gom về đây đốt, nên tình trạng ùn ứ, ô nhiễm môi trường từ bãi lưu chứa rác của thị xã không còn xảy ra nữa.

Đối với nguồn nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất của các KCN cũng được tỉnh Sóc Trăng quan tâm đầu tư hoàn thiện. Ví dụ như tại KCN An Nghiệp, vừa qua tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức khánh thành và đưa vào vận hành giai đoạn 2 hệ thống xử lý nước thải tập trung với công xuất 10.000m3/ngày đêm, đảm bảo xử lý toàn bộ nguồn nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất của các công ty, doanh nghiệp hoạt động tại KCN này.

Cần Thơ: Nhà máy xử lý nước thải sẽ hoạt động chính thức vào cuối năm 2018

Theo báo TN&MT, dự án thoát nước và xử lý nước thải Cần Thơ tọa lạc tại quận Cái Răng do Công ty CP Cấp thoát nước TP.Cần Thơ làm chủ đầu tư, gồm các hạng mục chính lắp đặt 23.000m cống thu gom nước thải tại khu vực Bắc và Nam sông Cần Thơ gồm địa bàn quận Ninh Kiều và quận Cái Răng cùng các trạm bơm tăng áp và nhà máy xử lý nước thải có công xuất xử lý 30.000m3/ngày đêm. Tổng nguồn vốn đầu trên 494 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn ODA hơn 281 tỉ đồng, vốn đối ứng gần 213 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2003 đến năm 2018.

Bà Phan Thị Thiên, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước TP.Cần Thơ cho biết: "Sau một thời gian thi công, từ tháng 7/2017 đến nay Công ty đã vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải của nhà máy, đồng thời hoàn thiện việc lắp đặt trạm quan trắc tự động theo quy định để đến cuối năm 2018 sẽ chính thức đưa nhà máy xử lý nước thải này vào hoạt động".

Cũng theo bà Phan Thị Thiên, việc xây dựng được hệ thống thu gom, xử lý và thoát nước thải này sẽ góp phần cải thiện môi trường đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường tự nhiên Thành phố, đặc biệt là hệ thống kênh, rạch và các hồ cảnh quan kết hợp thoát nước của khu đô thị Nam Cần Thơ...

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường 31/5: Xử lý hơn 120 nghìn vụ vi phạm về môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới