Thứ sáu, 26/04/2024 01:54 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 22/2: Cơ sở chế biến lâm sản “bức tử” sông Mã

MTĐT -  Thứ năm, 22/02/2018 17:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mặc dù dọc QL15A, đoạn qua huyện Quan Hóa hàng loạt tấm biển với những khẩu hiệu hưởng ứng môi trường nhưng các cơ sở chế biến lâm sản lại đang hàng ngày xả thải vô tội vạ ra dòng sông Mã.

New Zealand chìm trong tuyết giữa mùa hè

Mặc dù đang là mùa hè ở New Zealand nhưng khu trượt tuyết Coronet Peak bị phủ một lớp tuyết 10-15 cm, còn dãy núi Remarkable nằm dưới lớp tuyết dày 1 m.

Trả lời phỏng vấn truyền thông địa phương, quản lý khu trượt tuyết Ross Lawrence cho biết trung bình có 50 cm tuyết ở khu vực trên nhưng ông dự kiến điều này sẽ không kéo dài lâu.

Trong khi đó, ở khu vực phía Bắc, khoảng 6.000 người bị mắc kẹt và hàng ngàn người khác đối mặt với tình trạng mất điện sau khi bão Gita đổ bộ ngày 20/2. Trang tin Stuff cho biết cơn bão có sức gió lên tới 140 km/h trước khi rời khỏi New Zealand sáng 21/2 (giờ địa phương).

Chỉ trong một ngày, các thị trấn ở quận Tasman có lượng mưa cao hơn 200 mm trong khi tại Kaikoura là 202 mm trong 18 giờ, chiếm 28% lượng mưa trung bình cả năm của khu vực.

Vào tuần trước, cơn bão nhiệt đới đã tàn phá 2 đảo quốc Fiji và Tonga.

New Zealand xuất hiện tuyết giữa mùa hè. 

Bộ NN-PTNT đề nghị các tỉnh tổ chức Tết trồng cây

Theo báo SGGP đưa tin, nhằm tạo môi trường sinh thái trong lành, tăng cường cây xanh và cây bóng mát, phát triển trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc… mới đây, Bộ NN-PTNT đã phát động Tết trồng cây năm 2018.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), Tết trồng cây năm nay sẽ được tổ chức vào hai đợt. Tại miền Bắc, đề nghị các tỉnh tổ chức vào các ngày đầu xuân năm mới Mậu Tuất 2018 còn tại các tỉnh phía Nam sẽ tổ chức vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác 19/5.

Mục tiêu đặt ra cho cả dịp Tết trồng cây năm nay là sẽ trồng khoảng 195.000 rừng tập trung và 50 triệu cây phân tán.

Bộ NN-PTNT cũng cho biết, chính sách mới về trồng rừng năm nay là không chuyển đổi rừng tự nhiên sang rừng trồng, phát triển bền vững rừng ven biển và tập trung nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng.

Hơn 1.000 tấn rác thải được thu gom mỗi ngày trong dịp Tết

Ông Đặng Đức Vũ - Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng cho biết: Từ ngày 1/2 - 21/2/2018, Công ty đã huy động hơn 45 đầu xe chuyên dụng các loại phục vụ cho dịp Tết, cùng với 1.100 lao động hiện có và 200 lao động thuê ngoài.

Từ ngày 1- 9/2, tổng khối lượng rác thu gom đạt 8.709 tấn, bình quân 967 tấn mỗi ngày, gấp 1,16 ngày bình thường. Từ ngày 10 đến ngày 16-2, tổng khối lượng rác thu gom đạt 9.490 tấn, bình quân 1.581 tấn mỗi ngày, gấp 1,9 lần so với ngày thường...

Riêng trong ngày 30 Tết, tức ngày 17/2, Công ty đã thu gom hơn 2.548 tấn rác phát sinh trên toàn thành phố, hoàn thành vào lúc 5h sáng ngày mồng 1 Tết, gấp 3,1 lần so với ngày thường. Công tác quét dọn toàn thành phố hoàn thành trước 2h sáng ngày mồng 1 Tết, khu vực chợ hoa Tết Quảng trường 2/9, được thu dọn và rửa sạch vào lúc 2h sáng ngày mồng 1 Tết...

Tổng cộng khối lượng rác thải thu gom vận chuyển đến bãi xử lý trong đợt phục vụ Tết Mậu Tuất 2018, đạt gần 21.000 tấn, bình quân hơn 1.000 tấn mỗi ngày. Đây là sự nỗ lực rất lớn của cán bộ, công nhân, người lao động Công ty Môi trường Đô thị Đà Nẵng, nhằm đảm bảo cho thành phố “Xanh, sạch đẹp” trong những ngày xuân về...

Thanh Hóa: Báo động ô nhiễm sông Mã

Theo báo Thanh Hóa đưa tin, dọc Quốc lộ 15A, đoạn qua địa phận huyện Quan Hóa hàng loạt tấm biển với những khẩu hiệu hưởng ứng môi trường: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mỗi chúng ta”, “Bảo vệ môi trường là bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta”...

Tuy nhiên, phía dưới những tấm biển đó, các cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản lại không “chịu” hưởng ứng.

Qua tìm hiểu tại cơ sở chế biến lâm sản của ông D.N.T., bản Khằm, xã Hồi Xuân (Quan Hóa). Tại đây, cơ sở đang “lén lút” xả trực tiếp nước thải ra sông Mã. Nước đen ngòm xả thẳng vào lòng sông, bọt tung trắng xóa, bốc mùi... Cơ sở sản xuất này cũng đã dùng đất đá đổ xuống để lấn sông, thay đổi dòng chảy nhằm phục vụ cho việc xả thải.

Nước thải từ các bể ngâm tre, nứa thường bị các cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản thải trực tiếp ra môi trường - Ảnh: Báo Thanh Hóa.

Bà N. người dân địa phương cho hay: “Họ xả thải ra sông lúc công khai, lúc bí mật. Ngày trước chúng tôi vẫn còn hy vọng mưu sinh trên dòng sông Mã nhờ con cá, đám rêu...; giờ cá thì khan hiếm, rêu thì không dám ăn vì quá bẩn”.

Được biết trên địa bàn huyện Quan Hóa có 6 cơ sở chế biến lâm sản được cấp phép, ngoài 2 cơ sở đóng trên địa bàn xã Hồi Xuân, số còn lại đóng trên địa bàn xã Xuân Phú.

Trước đó, tháng 8/2016, hàng chục tấn cá lồng bè và cá tự nhiên chết trắng dọc sông Mã từ địa phận huyện Bá Thước trải dài xuống huyện Cẩm Thủy và Vĩnh Lộc. Huyện Cẩm Thủy bị thiệt hại nặng nề nhất với 41,5 tấn cá lồng chết trải khắp 8 xã, thị trấn.

Theo số liệu quan trắc trong các năm 2015, 2016 và 2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa thì chất lượng nước sông Mã có nhiều biến động. Nhất là các chỉ tiêu về chất rắn lơ lửng trong nước (TSS) và hữu cơ có xu hướng gia tăng về nồng độ và vị trí các điểm lấy mẫu.

Ông Nguyễn Quang Chiến, Trưởng Phòng kiểm soát ô nhiễm, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Thời gian tới, phòng sẽ tham mưu cho sở không chấp nhận chủ trương đầu tư mới các nhà máy sản xuất giấy, bột giấy và các nhà máy có nguồn nước thải gây ô nhiễm lớn ở khu vực đầu nguồn sông Mã. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Đồng thời, phối hợp với các địa phương trong việc kiểm soát các hoạt động xả nước thải ra sông Mã của các nhà máy giấy, bột giấy, nhà máy đường, tinh bột sắn, trang trại chăn nuôi...

Sớm triển khai dự án lắp đặt trạm quan trắc chất lượng nước mặt tự động cố định để kiểm soát chất lượng nước, kịp thời phát hiện sớm trong trường hợp nguồn nước bị ô nhiễm.

Địa phương đầu tiên ở Việt Nam cho thuê môi trường rừng

Theo báo VOV đưa tin, tỉnh Quảng Bình vừa đánh giá hiệu quả Dự án “Bảo tồn sinh cảnh trên núi đất thấp, rừng lá rộng thường xanh đa dạng sinh học cao” tại khu vực rừng phòng hộ Khe Nước Trong, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Dự án này do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Việt thực hiện đạt hiệu quả bước đầu. Với khoản tiền tài trợ 1,5 triệu đô la Mỹ, tổ chức này thuê 800 héc ta rừng để nghiên cứu sinh cảnh tái tạo thả về rừng. Sau khi thuê môi trường rừng, nghiên cứu môi trường sinh thái, xây dựng chuồng trại, tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Việt chuẩn bị thả gà lôi lam trắng, một loài đặc hữu gần như tuyệt chủng ngoài tự nhiên.

Hiện số gà lôi lam trắng này đang nuôi ở vườn thú Paris, Cộng hòa Pháp để dẫn gien về vườn thú Hà Nội. Từ đây, số động vật đặc hữu này sẽ được bảo tồn ngoại vi, tập tính mới chuyển vào rừng nuôi bán chăn thả.

Ninh Bình: Xử phạt Công ty Silrang Electronics 128 triệu đồng

Theo báo TN&MT đưa tin, mới đây, UBND tỉnh Ninh Bình đã có Quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Silrang Electronics tại KCN Gián Khẩu, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình với số tiền 128 triệu đồng về hành vi xả nước thải có chứa nhiều thông số vượt quy chuẩn ra môi trường.

Theo Quyết định số 134/QĐ – UBND của UBND tỉnh Ninh Bình thì công ty này đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Vi phạm các quy định về xả nước thải có chứa thông số môi trường thông thường vào môi trường.

Hình thức xử phạt: Phạt tiền 128 triệu đồng; Trong đó, phạt 80 triệu đồng về hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn về chất thải từ 10 lần trở lên, thải lượng nước thải nhỏ hơn 5 m3/ngày theo quy định tại Điểm a, Khoản 6, Điều 13, Nghị định số 155/2016/NĐ – CP; Phạt tăng thêm 48 triệu đồng tương đương 60% khung hình phạt, theo quy định tại Khoản 7, Điều 13, Nghị định số 155/2016/NĐ – CP.

Ảnh: Báo TN&MT.

Cụ thể: Phạt tăng thêm 20% đối với thông số môi trường BOD5 vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 1,5 đến dưới 2 lần. Phạt tăng thêm 40% đối với thông số môi trường Amoni (NH4+) vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 5 đến dưới 10 lần.

Đồng thời, yêu cầu Công ty TNHH Silrang Electronics trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt phải khắc phục, sửa chữa xong hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo toàn bộ lượng nước thải thoát ra ngoài môi trường phải được xử lý triệt để, đạt QCVN 14:2008/BTNMT, Cột B như nội dung cam kết tại Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt ngày 26/11/2014, theo quy định tại Điểm a, Khoản 9, Điều 13, Nghị định số 155/2016/NĐ – CP.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 22/2: Cơ sở chế biến lâm sản “bức tử” sông Mã. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.