Thứ bảy, 20/04/2024 03:13 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 23/2: Kiên Giang người dân mỏi mòn chờ nước sạch

MTĐT -  Thứ sáu, 23/02/2018 16:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Người dân Cồn Ngoài (Bến Tre) “thấp thỏm” vì bờ biển sạt lở hay hiệu quả từ lò đốt rác hộ gia đình tại Hà Tĩnh… là một số tin môi trường trong ngày.

Bến Tre: Người dân Cồn Ngoài “thấp thỏm” vì bờ biển sạt lở

Vào khoảng giữa tháng 2/2017, Cồn Ngoài (thuộc xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) thủy triều dâng cao, kèm theo sóng to gió lớn, gây sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp đời sống của cư dân.

Kể từ đó, người dân nơi đây “mòn mỏi” chờ đợi cấp trên đầu tư xây dựng tuyến đê kè an toàn, giúp bà con ổn định cuộc sống. Nhưng đến nay, họ luôn sống trong cảnh “thấp thỏm” lo sợ sạt lở mỗi khi triều dâng.

Theo báo TN&MT, một trong những hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong vụ sạt lờ năm qua là gia đình ông Trần Văn Ngoạt, sóng biển đã làm cho ngôi nhà tường kiên cố 60 m2 của ông đổ sập, nhiều vật vụn và hàng hóa bị nước cuốn trôi, khu vực đất lở sạt lở ăn sâu vào trong bờ, ông không còn đất ở nên gia đình đành phải rời đi nơi khác để chăm lo cuộc sống.

Người dân thấp thỏm vì bờ biển sạt lờ - Ảnh: Báo TN&MT.

Bà Nguyễn Thị Lé cho biết:  Mỗi khi nhớ lại đợt triều cường gây sạt lở nghiêm trọng năm qua, bà vẫn còn lo sợ. Theo bà Lé, đây là điều bất thường nhất từ trước đến nay, lần đầu tiên người dân thấy sóng biển tàn phá khủng khiếp như vậy.

Thời gian qua, sóng biển đã “cướp” mất đi biết bao là đất, nhà cửa, hoa màu, tài sản của họ. Các công trình phúc lợi xã hội tại địa phương cũng hư hao, thiệt hại nặng nề. Rồi có nhiều hộ gia đình phải rời khỏi xứ sở này để “tha phương cầu thực” vì không còn nhà cửa, đất đai sản xuất. Lo ngại nhất của người dân là bờ biển bị bào mòn, xâm thực dần vào bên trong đất liền.

Hiện nay là mùa gió chướng (gió đông) đã thổi mạnh, biết bao sóng biển đánh ập vào bờ, làm người dân nơm nớp lo sợ vì dọc theo tuyến ven biển này hiện tại chưa có tuyến đê kè vững chắc. Người dân nơi đây tha thiết đề nghị các cấp, các ngành nên sớm có kế hoạch làm đê kè vững chắc, nhằm bảo vệ an toàn tính mạng con người, tài sản và đời sống dân sinh.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lâm Văn Ô – Phó chủ tịch UBND xã Bảo Thuận cho biết, xã Bảo Thuận có chiều dài bờ biển 4km, trong đó có 2km bị sạt lở nặng nề. Cồn Ngoài nằm trọn trên khu vực bờ biển, có gần 120 hộ dân sinh sống, diện tích hiện nay còn lại khoảng 70ha.

Người dân nơi đây chủ yếu mưu sinh bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và trồng các loại hoa màu trên đất giồng cát ven biển. Thời gian gần đây thời tiết diễn biến khá phức tạp, nước biển dâng cao bất thường nên tình trạng sạt lở bờ biển khu vực Cồn Ngoài hàng năm bị ăn sâu vào đất liền lên đến hàng chục mét.

Theo ông Lâm Văn Ô, trước tình hình trên, bằng nguồn vốn của dự án di dân đã đầu tư kinh phí 5,9 tỷ đồng để xây dựng chiều dài 200m đê kè bảo vệ chân cầu dẫn vào đất liền. Còn lại gần 2km bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng, lãnh đạo UBND Xã Bảo Thuận đã nhiều lần đề nghị cấp trên sớm đầu tư làm hàng rào chắn sóng bằng bê tông kiên cố nhằm giảm bớt cường độ sóng đánh vào bờ, hạn chế tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở khu vực bờ biển như hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân an tâm lao động, sản xuất. Tuy nhiên, do điều kiện huyện, tỉnh còn khó khăn về ngân sách nên phải chờ đợi nguồn vốn từ Trung ương hỗ trợ để đầu tư xây dựng.  

Hàng ngàn hộ dân mòn mỏi chờ nước sạch

Theo báo Thanh niên đưa tin, mấy chục năm qua, hàng ngàn hộ dân ở xã Hòa Điền (H. Kiên Lương, Kiên Giang) phải sống trong cảnh khổ sở vì thiếu nước sạch sử dụng.

Anh Nguyễn Hoàng Đông (38 tuổi, ngụ ấp Thạnh Lợi, xã Hòa Điền) cho biết, gia đình anh sống 3 đời ở đây đều không có nước sạch. Mới đây, xã kêu người dân làm đơn đăng ký kéo nước sạch, tuy nhiên không biết đến bao giờ mới có nước.

Theo anh Đông, đến thời điểm này, cống ngăn mặn vẫn mở nên nước sông bị mặn xâm nhập, bà con quanh vùng không thể lấy nước về dùng. Nhà anh có 5 người, mỗi tháng xài tiết kiệm lắm cũng phải tốn gần 500.000 đồng. Mỗi khi hết nước, từ lúc trời chưa sáng tỏ, anh phải đứng canh ghe nước, dùng đèn pin chiếu nhấp nháy để ra hiệu mua.

Hàng chục năm qua người dân xã Hòa Điền (H. Kiên Lương, Kiên Giang) không có nước sạch để dùng - Ảnh: Báo Thanh Niên.

“Mua được nước rồi gia đình tôi cũng không dám uống vì nước có mùi thuốc xử lý nồng nặc. Tôi đã đặt đúc 5 bồn xi măng, chờ mưa xuống tích trữ nước uống dần”, anh Đông nói.

Bí thư Đảng ủy xã Hòa Điền cho biết, hiện toàn xã có hơn 2.500 hộ dân nhưng từ trước đến nay không có hệ thống cấp nước sạch. Người dân chủ yếu sử dụng nước sông, dự trữ nước mưa hoặc mua nước từ ghe. Do khu vực này nước bị nhiễm phèn, mặn, tập trung nhiều núi đá vôi nên không khoan cây nước được. Để phục vụ nhu cầu của người dân cũng như được công nhận xã nông thôn mới, địa phương đang lập dự án đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch.       

Sơn Động (Bắc Giang): Đảm bảo vệ sinh môi trường sau Tết

Theo MT&CS đưa tin, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua là thời điểm lượng rác thải sinh hoạt tăng đột biến nhưng sự tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường vì vậy, môi trường trên địa bàn huyện Sơn Động (Bắc Giang), trong và sau dịp Tết được đảm bảo Xanh – Sạch – Đẹp.

Trước Tết Nguyên đán huyện đã tăng cường công tác vận động và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, trường học, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện tham gia vệ sinh môi trường trước trong và sau Tết.

Cụ thể, chỉ đạo các địa phương, các cơ quan đơn vị huy động toàn bộ lực lượng và phương tiện hiện có để thu gom xử lý chất thải trong khu dân cư, đường phố, các chợ và các địa điểm diễn ra các sự kiện quan trọng của huyện…

Tại thị trấn An Châu, các công nhân của Hợp tác xã vệ sinh môi trường thị trấn An Châu được phân công lịch trực luân phiên thực hiện thu gom rác thải tại các tuyến đường, khu phố cho đến sau Giao thừa.

Tại các khu phố chính và các địa điểm vui chơi, thể thao, trụ sở cơ quan của huyện như: Sân vận động; nhà văn hóa; trụ sở UBND huyện… Hợp tác xã vệ sinh môi trường thị trấn An Châu bố trí công nhân trực và tăng ca trực, đảm bảo lực lượng sẵn sàng xử lý ngay lượng rác thải phát sinh. Hợp tác xã cũng thông báo thời gian thu gom rác thải đến các khu phố để mọi người cùng thực hiện.

Chính vì vậy, ngày mùng 5 và mùng 6 Tết trên địa bàn thị trấn An Châu và các xã trong huyện không bị tồn đọng rác thải.

Đắk Nông chủ động phòng chống cháy rừng mùa khô

Theo SGGP, hiện nay, Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng đang bước vào những tháng cao điểm mùa khô, nhiều diện tích rừng có nguy cơ cháy cao. Các ngành chức năng, chủ rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống cháy rừng trong mùa khô 2017-2018, bảo đảm an toàn cho hơn 250.000ha rừng trên địa bàn tỉnh.

Theo Chi cục Kiểm lâm (Sở NN-PTNT Đắk Nông), mùa khô 2017-2018 trên địa bàn tỉnh có gần 120.000ha rừng; trong đó có hơn 88.000ha rừng tự nhiên và gần 30.000ha rừng trồng) có nguy cơ cháy cao…

Để chủ động phòng chống cháy rừng trong mùa khô, tỉnh Đắk Nông tập trung kiện toàn Ban Chỉ đạo về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng ở cả 3 cấp; thực hiện diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng quy mô cấp huyện, tỉnh với phương châm “4 tại chỗ” nhằm xử lý kịp thời khi có cháy rừng xảy ra.

Đồng thời tỉnh cũng phê duyệt phương án phòng cháy chữa cháy rừng, quyết liệt chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương, chủ rừng thực hiện…

Chi cục Kiểm lâm Đắk Nông cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thực hiện dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng và thông tin cấp cháy rừng kịp thời để các cấp, ngành, đơn vị, chủ rừng chủ động.

Cùng với việc chuẩn bị về nhân lực, phương tiện, chi cục kiểm lâm cũng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng…        

Hiệu quả từ lò đốt rác hộ gia đình tại Hà Tĩnh   

Hiện nhiều vùng nông thôn ở Hà Tĩnh đang gặp khó trong việc thực hiện tiêu chí môi trường, đặc biệt là xử lý rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, người dân xã Thạch Điền, huyện Thạch Hà đã khắc phục triệt để trình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt bằng cách xây dựng lò đốt rác mi ni ngay trong vườn của gia đình.

Theo ông Lê Xuân Ngọc - Chủ tịch UBND xã Thạch Điền, trước đây xã từng là địa phương bị liệt vào “danh sách đen” về tiêu chí môi trường do rác thải sinh hoạt. Mặc dù bãi rác tập trung của xã đã được xây dựng nhưng rác thải chuyển đến không được xử lý, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Lò đốt rác mini tiện dụng tại Hà Tĩnh - Ảnh: Internet.

Trước tình thế đó, qua nghiên cứu các mô hình xử lý rác nông thôn hiệu quả trên cả nước cùng với sáng tạo của của người dân địa phương đã áp dụng mô hình xử lý rác tận hộ gia đình bằng lò đốt mini.

Trước khi nhân rộng mô hình này, đầu năm 2017, xã đã giao cho Hội phụ nữ triển khai thí điểm xây dựng 27 lò đốt rác. Qua 6 tháng thực hiện cho thấy hiệu quả rõ rệt và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân.

Mỗi lò đốt đốt rác mi ni được thiết kế với diện tích 1 m2, cao 2 m, vật liệu gồm khoảng 100 viên gạch, 1 bao xi măng, 1 tấm lợp pro-xi-măng, ngoài ra còn có sắt, cát để làm dầm thông hơi. Tổng cộng chi phí để xây 1 lò đốt từ 500 - 600 nghìn đồng, trong đó xã hỗ trợ toàn bộ gạch với số tiền 150 nghìn đồng, các vật liệu khác và ngày công thì do người dân. Tùy vào lượng rác, không nhất thiết mỗi hộ gia đình xây 1 lò mà có thể 2 - 3 hộ gia đình ở gần nhau xây, sử dụng chung 1 lò.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã đã có hơn 400 lò được xây dựng trên địa bàn 9 thôn. Để việc triển khai hiệu quả, xã đã giao trách nhiệm vận động, giám sát cho từng đoàn thể. Trong đó, Hội Phụ nữ vận động được 135 hộ dân xây dựng 135 lò; Hội Nông dân xây dựng được 135 lò; Hội Cựu chiến binh 100 lò; Hội người cao tuổi hơn 30 lò.

Thiết bị biến không khí ô nhiễm thành năng lượng

Nhờ sự hỗ trợ của Đại học Antwerp, các nhà nghiên cứu đã thành công trong việc tìm ra cách biến đổi không khí ô nhiễm thành năng lượng để sử dụng - theo thông tin từ website của trường Đại học Leuven, Bỉ.

Nhóm nghiên cứu đã tạo ra thiết bị nhỏ với hai ngăn tách biệt, được làm từ vật liệu nano chuyên dụng. Khi không khí bị ô nhiễm đi qua màng lọc, chất xúc tác có thể tạo thành khí hydro. Đáng chú ý, thiết bị này thời cũng lọc được bụi bẩn và các chất ô nhiễm, làm sạch không khí và sản xuất ra năng lượng.

Về nguyên lý hoạt động của thiết bị, nó tương tự như công nghệ sử dụng trên các tấm pin mặt trời, tự động kích hoạt khi gặp ánh sáng.

Điểm khác biệt là năng lượng mà thiết bị này tạo ra không thể sử dụng trực tiếp. Khí hidro sau quá trình lọc sẽ được giữ lại và được sử dụng như một loại nhiên liệu. Hiện nay, tại nhiều nước, đã vẫn hành nhiều xe buýt chạy bằng khí hidro.

Công nghệ này chỉ mới phát triển giai đoạn ban đầu nhưng Giáo sư Sammy Verbruggen, một trong những người đứng đầu nhóm nghiên cứu, tỏ ra rất lạc quan về sự thành công trong tương lai.

P.V (Tổng hợp)

  

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 23/2: Kiên Giang người dân mỏi mòn chờ nước sạch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...