Thứ bảy, 20/04/2024 14:41 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 28/3: Rà soát nguồn thải gây ô nhiễm sông Nhuệ-sông Đáy

MTĐT -  Thứ tư, 28/03/2018 17:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Báo động ô nhiễm do bão cát ở Bắc Kinh, rà soát nguồn thải gây ô nhiễm lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy là một số tin môi trường trong ngày.

Điện Biên: Sắp có nhà máy xử lý rác thải

Theo báo TN&MT, Đầu quý I/2018, UBND tỉnh Điện Biên đã ký Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhà máy xử lý rác thải Điện Biên. Hiện chủ đầu tư đang thực hiện giai đoạn 1 (2017 – 2018) hoàn thiện thủ tục đầu tư, đền bù, giải phóng mặt bằng, đầu tư kết nối hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các hạng mục công trình, lắp đặt các trang thiết bị, máy móc. Tổng mức đầu tư cả dự án gần 70 tỷ đồng, sử dụng 10,5 ha đất xây dựng tại địa phận xã Pom Lót, huyện Điện Biên.

Theo đó tỉnh chấp thuận nhà đầu tư là Công ty cổ phần Môi trường Đô thị và Xây dựng tỉnh Điện Biên thực hiện dự án đầu tư nhà máy xử lý rác thải Điện Biên. Với mục tiêu dự án: Xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp; tạo việc làm cho người lao động; phân loại rác, tái chế phân bón, cải thiện môi trường xung quanh; giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm mùi hôi, ruồi muỗi, môi trường sống của T.P Điện Biên Phủ và vùng lân cận được cải thiện tích cực, góp phần xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp.

Dự án có diện tích đất sử dụng 10,5 ha; Công suất thiết kế xây dựng khu xử lý và tiêu hủy rác thải sinh hoạt tối đa 120 tấn/ngày đêm, xây dựng khu xử lý rác thải công nghiệp công suất tối đa 20 tấn/ngày đêm; xây dựng khu xử lý và tái sử dụng, chế biến bùn bể phốt, bùn thải công suất tối đa 15m3/ngày đêm.

Rà soát nguồn thải gây ô nhiễm lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy

Theo MT&CS, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa ban hành Công văn đề nghị sở, ngành liên quan phối hợp rà soát các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường thuộc lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy trên địa bàn thành phố.

Theo đó, để có đầy đủ cơ sở báo cáo UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Sở NN&PTNT tăng cường công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực thủy lợi, tài nguyên nước nhằm nâng cao nhận thức của người dân và chính quyền cấp cơ sở trong việc bảo vệ hệ thống công trình thủy lợi, bảo vệ nguồn nước. Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc rà soát, thống kê các điểm xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố.

Lưu vực sông Đáy-sông Nhuệ đang ô nhiễm nghiêm trọng. 

Bên cạnh đó, phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã kiên quyết xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm công trình thủy lợi, xả thải chưa qua xử lý hoặc xử lý không đạt quy chuẩn cho phép vào hệ thống công trình thủy lợi; gắn trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở nếu để tình trạng vi phạm công trình thủy lợi, vi phạm về xả thải tái diễn trên địa bàn được giao quản lý.

Rà soát, cập nhật, tổng hợp các điểm xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi bao gồm cả hệ thống công trình thủy lợi mới được bàn giao từ các địa phương về các doanh nghiệp thủy lợi quản lý theo chỉ đạo của UBND thành phố. Thường xuyên kiểm tra, giám sát các nguồn xả thải trực tiếp vào hệ thống công trình thủy lợi.

Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường phải tiến hành xử lý ngay theo thẩm quyền, đồng thời, báo cáo với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời chỉ đạo, xử lý. Phối hợp với chính quyền địa phương trong việc nắm bắt thông tin, tuyên truyền, ngăn chặn và xử lý có hiệu quả trong các trường hợp vi phạm liên quan đến tỗ chức, cá nhân có hoạt động xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi.

Bình Thuận: Nhiều Resort ở Hàm Tiến bị thiệt hại nặng do biển xâm thực

Trung tuần tháng 3 năm nay, khu du lịch Hàm Tiến (Phan Thiết, Bình Thuận) bị sạt lở nặng do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc thổi mạnh, kết hợp triều cường, sóng lớn, gây thiệt hại nặng cho doanh nghiệp du lịch khu vực này.

Chiều dài bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng kéo dài khoảng 1 km từ nhà hàng Lâm Tòng đến khu du lịch Coco Beach. Nhiều đoạn kè biển do các khu du lịch làm, phần lớn bị đứt gãy. Biển xâm thực sâu vào đất liền kèm theo sóng lớn đánh sập và nguy cơ sập nhiều nhà hàng, nhiều công trình phục vụ du lịch khác cũng bị lún sụp, sóng lớn kéo trôi xuống biển tạo thành nhiều hàm ếch phía dưới, làm cho hàng chục cây dừa bật rễ, một số cây đổ xuống biển.

Biển xâm thực mạnh ở biển Hàm Tiến, Bình Thuận.

Du khách đi dạo trên bờ biển hết sức khó khăn, phải đi trên đống vật liệu đổ nát từ các công trình bị sóng lớn đánh sập, trên các kè mềm bị gãy trôi dạt trơn trợt. Ở những Resort bị biển xâm thực này du khách không có đường để đi xuống biển, không còn bãi biển an toàn để du khách tắm. Ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều du khách lo sợ đã trả phòng hoặc hủy phòng khi nhìn thấy cảnh tượng này.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Ủng hộ chủ trương thay đổi mô hình quản lý khu xử lý chất thải tập trung theo mô hình KCN

Theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT), chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh hàng ngày trên địa bàn tỉnh có khối lượng khoảng 1.285 tấn/ngày; chất thải rắn công nghiệp nguy hại phát sinh khoảng 42.394 tấn/ngày trong đó bụi lò thép khoảng 42.190 tấn/ngày.

Ngoài chất thải công nghiệp phát sinh trên địa bàn tỉnh, một số nhà máy trên địa bàn tỉnh cũng ký hợp đồng với các đơn vị ở địa phương khác đưa chất thải công nghiệp về BR-VT để xử lý, gây nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, hiện khối lượng chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh khá lớn khoảng 228 tấn/ngày. Tuy chất thải rắn y tế tại các cơ sở y tế công lập đã được xử lý bằng phương pháp thiêu hủy, nhưng một số lò đốt chất thải rắn y tế tại một số bệnh viện chưa đạt yêu cầu. Đối với chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh hiện nay được thu gom, chôn lấp tại khu xử lý của Công ty TNHH Kbec Vina (huyện Tân Thành), với khối lượng khoảng 700 tấn/ngày. Riêng huyện Côn Đảo khoảng 12 tấn/ngày, tại đây một phần rác thải sinh hoạt được đốt bằng lò đốt khoảng 6 tấn/ngày, phần còn lại chưa được xử lý, đến nay tồn đọng 60.000 tấn.

Theo Sở Xây dựng, việc xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh hiện nay gặp một số khó khăn như: việc chôn lấp rác thải sinh hoạt tại khu xử lý của Công ty TNHH Kbec Vina vẫn chưa bảo đảm an toàn về môi trường; một số dự án về xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh triển khai chậm dẫn đến tỉnh vẫn phải lệ thuộc vào Công ty TNHH KBEC Vina.

Thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) ô nhiễm nghiêm trọng do bão cát

Theo VOV, Cơ quan khí tượng Trung Quốc sáng 28/3 đã đưa ra cảnh báo "màu xanh" đối với tình trạng bão cát trên diện rộng tại Trung Quốc.

Theo thông báo, hầu khắp các tỉnh miền Bắc Trung Quốc như Hắc Long Giang, Cát Lâm, Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc cho tới khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương đều bị bão cát hoành hành.

Bắc Kinh bị ô nhiễm do bão cát.

Bầu trời tại các khu vực này đều bao phủ một màu vàng của cát bụi. Chỉ số PM10-chỉ số hạt bụi có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 10 µm (micromet)/m3 không khí đo được tại Bắc Kinh đã vượt ngưỡng 1.000 trong khi khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ số này ở mức 10 - 20 mới là mức an toàn.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 28/3: Rà soát nguồn thải gây ô nhiễm sông Nhuệ-sông Đáy. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ