Thứ sáu, 29/03/2024 19:54 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 4/5: Làm rõ cty môi trường xả thải ra sông Nhuệ

MTĐT -  Thứ sáu, 04/05/2018 17:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hà Nội yêu cầu làm rõ thông tin công ty môi trường đổ chất thải bẩn ra sông Nhuệ, Tiền Giang dân “kêu cứu” vì dòng kênh tắc nghẽn, ô nhiễm… là một số tin môi trường trong ngày.

Hậu Giang: Sạt lở bờ sông Cái Côn, nhiều hộ dân phải di dời

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành (Hậu Giang) cho biết,  vụ sạt lở xảy ra vào khoảng 2h45 rạng sáng 4/5 dọc theo bờ sông Cái Côn thuộc ấp Phú Thạnh.

Khu vực sạt lở có chiều dài 28m, ăn sâu vào đất liền 7m, đất bị nứt nẻ, sụt lún sạt ra sông, ảnh hưởng trực tiếp đến 5 hộ dân.

Trước đó, chính quyền địa phương và người dân đã phát hiện vết nứt dọc theo bờ sông trong khu vực dân cư nên đã có phương án phòng, chống, do đó, vụ sạt lở không có thiệt hại về người hay tài sản.

Hiện chính quyền địa phương huy động các lực lượng hỗ trợ người dân khẩn trương di dời tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm, đồng thời đốn hạ những cây cao có nguy cơ ảnh hưởng sạt lở.

Ảnh: VTCNews.

Được biết, khu vực từ vàm Cái Côn đến cầu Cái Côn có khoảng 200 hộ dân sinh sống. Nơi đây, thường xuyên xảy ra sạt lở ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Bạc Liêu: Hàng chục nhà dân bị sập, tốc mái vì lốc xoáy

Ngày 4/5, ông Phạm Thanh Hải - Chủ tịch UBND huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu cho biết, chỉ trong vòng một tuần trên địa bàn huyện đã liên tục xảy ra 2 trận lốc xoáy làm sập và tốc mái hàng chục căn nhà, ước tính thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Cụ thể, vào tối 1/5, cơn lốc xoáy đi qua địa bàn các ấp Phước Thuận A, Hòa A, Long Hải, Hành Chính, Long Hoà thuộc thị trấn Phước Long, huyện Phước Long làm sập và tốc mái 16 căn nhà dân, trong đó có 1 căn nhà bị sập hoàn toàn và 15 căn bị tốc mái.

Trước đó, vào chiều ngày 25/4, một cơn mưa lớn kèm theo lốc xoáy đã làm sập và tốc mái 55 căn nhà dân tại thị trấn Phước Long, trong đó có 7 căn sập hoàn toàn và 48 căn bị nghiêng, tốc mái, bay vách, nhiều diện tích hoa, màu bị hư hại và cây xanh bị đổ ngã gây ách tắc giao thông.

Theo ước tính ban đầu, sau 2 trận lốc xoáy thiệt hại về nhà và tài sản hơn 700 triệu đồng, rất may không có thiệt hại về người.

Chỉ trong vòng một tuần trên địa bàn huyện Phước Long đã liên tục xảy ra 2 trận lốc xoáy. Ảnh: VOV.

Xử lý ô nhiễm môi trường qua đường dây nóng

Kiến nghị, phản ánh về ô nhiễm môi trường qua đường dây nóng từ Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chuyển về được tỉnh Ninh Bình công khai tiếp nhận. Cách làm này đã và đang từng bước xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường.

Ngày 16/4/2018, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành văn bản tăng cường công tác quản lý về môi trường qua đường dây nóng. Đồng thời, giao Sở TN&MT chủ trì phối hợp cơ quan liên quan, tổ chức rà soát, xác minh, xử lý triệt để các vụ ô nhiễm trên địa bàn đã được phản ánh, kiến nghị qua đường dây nóng.

Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo và công khai kết quả tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh về Bộ TN&MT (qua đường dây nóng của Tổng cục Môi trường) trước ngày 30 hàng tháng.

Tiền Giang: Dân “kêu cứu” vì dòng kênh tắc nghẽn, ô nhiễm

Theo VOV đưa tin, nhiều hộ dân ở ấp Bình Tây, xã Thạnh Nhựt rất bức xúc vì dòng kênh thủy lợi đi qua khu dân cư từ lâu tắc nghẽn. Nguyên nhân do một số hộ dân tự ý san lấp mặt bằng, sử dụng vào mục đích riêng.

Hệ thống cống tiêu thoát nước nơi đây cũng bị lấp kín, nước ứ đọng, gây ô nhiễm nặng. Vào mùa mưa thì xảy ra ngập úng, mùa khô hạn thì đáy kênh cạn nước, gây ô nhiễm môi trường.

Con kênh ngập ngụa trong đống rác ở Tiền Giang. Ảnh: VOV.

“Con kênh không thông, nước ô nhiễm. Trước đây là con kênh mà sao giờ bị lấp xuống, trở thành đất làm ruộng. Mùa khô thì không có nước, mùa mưa thì ngập úng, vuông ruộng đều bị ngập hết. Tôi đề nghị móc con kênh lại, cho nước thông. Chính quyền địa phương đã hứa làm nhưng chưa thực hiện. Tôi đề nghị sớm móc lại con kênh đó”- ông Phạm Văn Sung, một người dân địa phương nói.

Con kênh thủy lợi ở ấp Bình Tây, xã Thạnh Nhựt được chính quyền địa phương đào từ năm 1981, dài hơn 1km, ngang trên 3 mét. Gần đây, do công tác quản lý của chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, nhiều hộ dân tự ý lấp kênh, lấn chiếm lòng kênh thậm chí đấp đất ngăn dòng kênh. Trong đó, có hộ ông Nguyễn Văn A, đã san lấp dòng kênh, chiếm gần 200m2 đất để mở rộng diện tích đất ruộng lúa của gia đình.

Ông Võ Hoàng Lâm, Chủ tịch UBND xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây cho biết, UBND xã đã nhận đơn phản ánh của dân; đồng thời cử đoàn đến kiểm tra.

Hướng giải quyết của UBND xã sẽ buộc các hộ chăn nuôi cam kết không được xả nước thải, chất thải xuống kênh; đồng thời đề nghị huyện hỗ trợ kinh phí để làm hệ thống cống thoát nước. Riêng đoạn kênh bị một số hộ dân san lấp trước đây, người dân ấp Bình Tây phải đóng góp ngày công, kinh phí để khai thông.

“Đối với các hộ dân gây ô nhiễm, chúng tôi đã họp lại để khắc phục.  Còn đặt cống thì chúng tôi ghi nhận và sẽ đề xuất huyện vì đặt cống kinh phí rất lớn, phải đào ngang lộ nhựa”- ông Võ Hoàng Lâm, Chủ tịch UBND xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây cho biết.

Hà Nội yêu cầu làm rõ công ty môi trường đổ chất thải bẩn ra sông Nhuệ

UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung về việc kiểm tra thông tin “công ty môi trường đổ chất thải bẩn ra sông Nhuệ”.

Văn bản của TP. Hà Nội nêu, theo phản ánh của báo chí, chất thải bẩn đổ ra sông Nhuệ từ đường ống nối với chi nhánh cầu Diễn (Urenco 7) thuộc công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco).

Chủ tịch UBND TP giao Giám đốc Sở Xây dựng kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) và báo cáo Thành ủy, UBND TP trước ngày 10/5.

Trao đổi với VietnamNet, PGĐ chi nhánh Cầu Diễn (công ty Môi trường đô thị Urenco 7) Nguyễn Hoàng Anh cho biết, đơn vị đã đề xuất với Tổng công ty Môi trường đô thị Hà Nội cải tạo, bổ sung nâng cấp thiết bị trạm xử lý phân bùn, bể phốt tại đơn vị này.

Do đặc thù việc xử lý chất thải, phân bùn bể phốt là thu gom, tiếp nhận xử lý từ nhiều nguồn khác nhau, thành phần chất thải đầu vào khác nhau (hàm lượng ô nhiễm trong phân tươi cao gấp nhiều lần so với phân lưu lâu năm); lưu lượng hàng ngày không giống nhau… nên ảnh hưởng lớn tới việc điều chỉnh các thông số vận hành.

Hà Nội yêu cầu làm rõ thông tin công ty môi trường xả nước thải bẩn ra sông Nhuệ. Ảnh: VNN.

Theo ông Hoàng Anh, trạm xử lý chi nhánh Cầu Diễn có giấy phép được xả nước thải sau khi xử lý ra sông Nhuệ. “Mỗi lần xả, sẽ có liên ngành đến kiểm tra, chứng kiến các thông số bên trong nước thải, đạt chuẩn chúng tôi mới được phép đổ ra sông Nhuệ”.

''Đường ống dẫn nước đổ ra sông Nhuệ như báo chí nêu nối với hệ thống bể chứa nước đạt chuẩn sau xử lý và nối với hệ thống ống cống thoát nước mưa, nước sinh hoạt nội bộ'' - ông Hoàng Anh khẳng định.

Mỹ Đức (Hà Nội): Sụt lún nghiêm trọng đê Mỹ Hà

Theo Hà Nội mới đưa tin, chiều tối 3/5, huyện Mỹ Đức cho biết vừa phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, khảo sát hiện trường, xác định nguyên nhân và báo cáo UBND thành phố để triển khai biện pháp khắc phục sự cố sạt lở đê sông Mỹ Hà.

Trước đó, trên tuyến đê sông Mỹ Hà, đoạn qua thôn Ải, xã Hợp Thanh xảy ra sự cố sạt lở khiến 3 ngôi nhà của nhân dân bị sập đổ hoàn toàn, 21m đê bị sụt lún.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, huyện Mỹ Đức đã huy động lực lượng sơ tán 9 hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chức năng phân luồng giao thông, duy trì lực lượng ứng trực, cảnh báo nguy hiểm…

Mặc dù không xảy ra thiệt hại về người nhưng sự cố này đã làm hư hỏng công trình nhà ở, đê sông và nhiều vật dụng của 3 hộ dân… Ước tính tổng thiệt hại tài sản khoảng 700-800 triệu đồng.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 4/5: Làm rõ cty môi trường xả thải ra sông Nhuệ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới