Thứ ba, 23/04/2024 20:02 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 9/12: Làm rõ vấn đề xả thải vào kênh Thanh Niên

MTĐT -  Thứ bảy, 09/12/2017 16:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin môi trường ngày 9/12: Hất rác xuống cống thải, người phụ nữ bị phạt 1 triệu đồng; Điện Biên: Thiếu giải pháp xử lý vỏ bao thuốc BVTV qua sử dụng;....

Hất rác xuống cống thải, người phụ nữ bị phạt 1 triệu đồng

Môi trường và Cuộc sống đưa tin, Sáng 7/12, người dân sinh sống ở Chung cư Tân Phát, Phường Vinh Tân, TP Vinh, Nghệ An đã quay được cảnh một phụ nữ trung niên, đầu đội mũ bảo hiểm đứng quét rác trên đường đô thị ngay sát chung cư. Sau khi quét và gom rác vào một chỗ, thay vì cho vào túi nilon hay thùng rác, người phụ nữ này lại đưa tất cả số rác kia xuống cống thoát nước ngay gần đó.

Hình ảnh người phụ nữ hất rác xuống cống cắt từ clip

Ngay sau khi clip “quét cả đống rác xuống cống thoát nước” dài 36 giây được đăng trên mạng xã hội, Đội Quy tắc đô thị và Công an phường Vinh Tân đã vào cuộc xác minh. Ngày 8/12, đại diện phường Vinh Tân, TP Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết đơn vị này vừa ra quyết định xử phạt hành chính 1 triệu đồng đối với bà Bùi Thị H. vì có hành vi quét rác rồi nhét rác xuống cống thoát nước.

Tại quận Hà Đông: Cần làm rõ vấn đề xả thải vào kênh Thanh Niên

Theo tin tức trên tờ Kinh tế và Đô thị, Ông Lê Đình Năng, Tổ trưởng tổ dân phố 13 phường Đồng Mai, Hà Đông cho biết, “Hàng đêm, cứ bắt đầu từ 21-22 giờ trở đi những chiếc cống ở cụm công nghiệp này lại xả ầm ầm nước ra kênh Thanh Niên. Chúng tôi nhiều lần ra đây đều bắt gặp tình trạng xả thải này”.  Cá ở dưới kênh thường xuyên chết nổi. 2 tổ dân phố 12 và 13 Đồng Mai đã nhường đất cho khu đô thị Đồng Mai, nhưng vẫn còn khoảng 16-17 mẫu đất canh tác. Kể từ khi các doanh nghiệp (DN) đi vào hoạt động tại cụm công nghiệp Thanh Oai thì hầu hết bà con không được thu hoạch lúa, rau.

Không chỉ có người dân Đồng Mai mà nhiều người dân xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai cũng chia sẻ, hàng ngày các nhà máy công nghiệp ở đây xả thải ra mương, tràn vào đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường nặng nề, gây độc hại cho người và làm hại cho lúa màu. 

15 tấn phế phẩm hôi thối tập kết trong ngôi nhà vắng

VnExpress đưa tin trưa 8/12, Cảnh sát kinh tế - môi trường (Công an quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) bất ngờ kiểm tra ngôi nhà vắng ở phường Hòa Phát, sau khi nhiều người dân phản ánh có dấu hiệu tập kết nội tạng động vật không phép, bốc mùi hôi thối. Cảnh sát phát hiện bên trong căn phòng lớn của ngôi nhà đang chất đầy nội tạng, xương, chân, đuôi, móng... của lợn, bò và đang trong thời kỳ phân hủy, bốc mùi hôi thối, rỉ nước ra xung quanh. Tổng khối lượng khoảng 15 tấn.

Chủ kho thịt bẩn là ông Đăng Thanh Phương (45 tuổi). Ông Phương nói mua số tạp phẩm từ một công ty ở quận Thanh Khê để bán cho trang trai nuôi cá trê lai, tuy nhiên không xuất trình được giấy phép kinh doanh. "Do chúng tôi bất cẩn làm thủng cái nền nên rỉ nước ra môi trường", ông Phương nói và cho biết môtơ máy lạnh bị cháy, chưa kịp bảo hành nên nội tạng bốc mùi. Lực lượng chức năng sẽ tiêu hủy số phế phẩm này và điều tra nguồn gốc nhập cũng như nguồn bán ra thị trường.

Bà Rịa – Vũng Tàu: "Nóng" vấn đề ô nhiễm do hoạt động chăn nuôi

Báo Tài nguyên và Môi trường đưa tin, Tại phiên chất vấn và trả lời  tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh BR – VT (diễn ra từ 7 -9/12), vấn đề ô nhiễm môi trường của các cơ sở chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh  lại được các đại biểu đặt ra đối với lãnh đạo Sở TN&MT.

Tháng 8/2017, UBND tỉnh đã ban hành 31quyết định kết luận kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật  về tài  nguyên nước và bảo vệ môi trường đối với các trặn chăn nuôi heo thuộc thẩm quyền  quản lý cấp tỉnh . Kết quả, có 4 trại không nằm trong quy hoạch, 20 trại đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chỉ có 2 trại đăng ký đề nghị cấp giấy phép xả thải nhưng chỉ có 1 trại đủ điều kiện được cấp phép; 50% chưa có giấy phép khai thác sử dụng nước ngầm.

Các cơ sở chăn nuôi  chưa thực hiện các thủ tục pháp lý đa số thuộc hộ kinh doanh cá thể, từ quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình tự phát triển dần lên trang trại và đưa vào hoạt động khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép đầu tư nên chưa  có cơ sở  để thẩm định, phê duyệt thủ tục môi trường và tài nguyên nước theo quy định.

Điện Biên: Thiếu giải pháp xử lý vỏ bao thuốc BVTV qua sử dụng

Qua rà soát thông kê của đơn vị chuyên môn Sở TN&MT, hết năm 2017, tổng khối lượng hóa chất thuốc BVTV đã hết hạn sử dụng còn tồn lưu là 11,2 lít và 722 kg bao gói hóa chất BVTV đã qua sử dụng trên địa bàn T.P Điện Biên Phủ và các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Chà, Mường Nhé và Điện Biên Đông. Khối lượng vỏ bao thuốc BVTV này hiện được thu gon, quản lý trong các bể xây bằng bê tông đặt tại các địa phương.

Tuy nhiên, do số lượng các bể chứa còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Hiện cả tỉnh mới xây được 52 bể và hầu hết đã đầy, không còn khả năng chứa thêm. Trong khi việc sử dụng thuốc cho sản xuất nông nghiệp và thải vỏ bao thuốc BVTV ra môi vẫn tiếp diễn, nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cộng đồng. Vì vỏ bao thuốc BVTV được coi là loại rác thải nguy hại, cần được thu gom, xử lý đúng quy trình kỹ thuật.

Mường Nhé - Điện Biên: Sớm đưa Dự án xử lý rác thải đi vào hoạt động

Theo Báo Tài nguyên và Môi trường, Dự án Bãi xử lý rác thải trung tâm huyện lỵ và các xã lân cận huyện Mường Nhé được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt theo Quyết định 456/QĐ-UBND ngày 19/6/2014. Dự án với tổng mức đầu tư 14.534 triệu đồng, bao gồm các hạng mục chính: Đập chắn, hệ thống ao lắng, bể lọc, công trình thoát nước... Chủ đầu tư xây dựng công trình là UBND huyện Mường Nhé.

Tuy nhiên, do tác động cực đoan của thời tiết, mưa lớn kéo dài nên một số hạng mục của dự án không hoàn thành theo đúng kế hoạch. Sau khi được nhà thầu đẩy mạnh thi công, đến thời điểm hiện tại, Dự án cơ bản hoàn thành 100% khối lượng công việc.

 Ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo toàn bộ các hạng mục chính của Dự án được hoàn thiện để tới ngày 14/12 sẽ nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Từ đó, huyện sẽ xử lý lượng rác thải tồn đọng ở đường đi vào bãi và khu vực phía trên để tránh gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường như hiện nay. 

Nhiệt độ Trái Đất có thể tăng cao hơn 0,5 độ C so với mức dự báo

Nhiệt độ Trái Đất vào cuối thế kỷ 21 có thể tăng cao hơn 0,5 độ C so với mức dự báo hiện nay của Liên hợp quốc, buộc chính phủ các nước phải cắt giảm khí thải mạnh mẽ hơn để hạn chế hiện tượng ấm lên toàn cầu. Đây là kết luận của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên hợp quốc đưa ra trong báo cáo công bố ngày 6/12. Theo IPCC, nhiệt độ bề mặt Trái Đất tăng cao hơn sẽ cản trở nỗ lực kiềm chế mức tăng nhiệt dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, theo cam kết đưa ra trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu mà lãnh đạo của gần 200 quốc gia trên thế giới đã ký cách đây 2 năm – theo VietnamPlus.

Theo các chuyên gia, mức tăng nhiệt độ 0,5 độ C có thể kéo theo nhiều hệ quả mang tính hủy diệt, bởi chỉ với 1 độ C gia tăng tính đến nay, thế giới đã phải chứng kiến các đợt hạn hán, nắng nóng nghiêm trọng, cũng như các trận bão lớn do tác động của hiện tượng nước biển dâng. IPCC cảnh báo tới năm 2100, nếu lượng phát thải khí carbon tiếp tục gia tăng, nhiệt độ trên bề mặt Trái Đất có thể sẽ tăng 4,8 độ C so với mức dự báo 4,3 độ C của các chuyên gia Liên hợp quốc đưa ra hồi năm 2014.

TRANG TRIỆU (TH)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 9/12: Làm rõ vấn đề xả thải vào kênh Thanh Niên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo tồn chim hoang dã: Cần một giải pháp hiệu quả và bền vững
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt tài liệu “Các loài chim hoang dã nghiêm cấm hoặc hạn chế quảng cáo và mua bán” nhằm hỗ trợ các nỗ lực thực thi Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách bảo tồn chim hoang dã

Tin mới