Thứ năm, 28/03/2024 19:14 (GMT+7)

Tin môi trường ngày 9/5:Trang trại dê sữa lớn nhất VN gây ô nhiễm MT

MTĐT -  Thứ tư, 09/05/2018 17:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trang trại dê sữa lớn nhất Việt Nam xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, dự án quản lý rác thải ngừng hoạt động, lãng phí tiền tỉ... là một số tin môi trường trong ngày.

Sóc Trăng: Nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng trong công tác BVMT

Mặc dù người dân là đối tượng trực tiếp chịu sự tác động từ các nguồn chất thải của nhà máy sản xuất, nhưng họ lại không có được những thông tin về các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các khu vực môi trường bị ô nhiễm, bị suy thoái nghiêm trọng; khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường do cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường lập và công bố; thông tin về các nguồn thải, các loại chất thải có nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người và môi trường do cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường lập và công bố;…

Từ đó người dân luôn trong tư thế bị động, không thể giám sát được công tác bảo vệ môi trường của công ty, doanh nghiệp cũng như phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường. 

Xuất phát từ thực trạng này, trong thời gian qua Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng đã quan tâm hướng dẫn các địa phương tổ chức thành lập Tổ cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường tại các điểm nóng về môi trường, các khu vực có nguy cơ bị ô nhiễm môi trường nhằm kịp thời thông tin đến cơ quan chức năng để xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường nhanh chóng, chính xác; phát huy vai trò, trách nhiệm giám sát của cộng đồng dân cư đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Bà Nguyễn Thụy Kiều Diễm, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ Môi trường- Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng thông tin, từ năm 2015 đến nay, Sở đã thành lập được 05 Tổ cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường tại các điểm nóng về môi trường.

Sau khi thành lập, Tổ cộng đồng dân cư được cung cấp thông tin môi trường, tham gia đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của chủ dự án,... "Sau một thời gian được thành lập, các Tổ cộng đồng dân cư đã có sự đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền, giám sát các cơ sở sản xuất trên địa bàn,... góp phần giúp cho cơ quan quản lý thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ môi trường..."- Bà Nguyễn Thụy Kiều Diễm, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ Môi trường- Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng cho biết.

Kon Tum: Dự án quản lý rác thải ngừng hoạt động, lãng phí tiền tỉ

Năm 2011, dự án Quản lý rác thải bền vững và vì người nghèo được đầu tư xây dựng tại thôn Thanh Trung, phường Ngô Mây (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) với vốn đầu tư gần 3 tỉ đồng từ nguồn vốn không hoàn lại của Ủy ban Kinh tế - Xã hội Liên Hiệp quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UN-ESCAP), tổ chức hành động vì môi trường và phát triển Việt Nam (ENDA) và nguồn vốn đối ứng của thành phố Kon Tum.

Cuối năm 2012, dự án hoàn thành. Theo đó, một phân xưởng sản xuất phân hữu cơ được xây dựng với công suất ủ 5 tấn rác thải hữu cơ/ngày, cho ra sản phẩm là khoảng 300 – 500kg phân compost. Dự án này được đánh giá cao về tính hữu ích của nó trong việc bảo vệ môi trường địa phương và tạo kỳ vọng giúp một bộ phận người dân trên địa bàn có việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Phân xưởng chế biến phân hữu cơ dừng hoạt động nhiều năm nay. Ảnh: TN&MT.

Để vận hành hệ thống này, rác thải đầu vào của phân xưởng phải là rác thải hữu cơ, được phân loại trước khi đưa vào nhà máy. Đây cũng chính là khó khăn và là lý lo khiến phân xưởng ngừng hoạt động sau hơn 2 năm vận hành.

Ông Nguyễn Đình Chương – Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Kon Tum trao đổi với báo TN&MT cho biết, ban đầu khi phân xưởng đi vào hoạt động, đơn vị tài trợ có phân bổ kinh phí cho việc phân loại rác thải tại nguồn và để duy trì hoạt động của phân xưởng. Tuy nhiên, sau đó thì không còn viện trợ nữa, phân xưởng gặp khó khăn vì rác thải không được phân loại trước khi đưa vào nhà máy nên phải dừng hoạt động.

Ông Nguyễn Đình Chương cho biết: Phân xưởng dừng hoạt động là do rác thải không được phân loại tại nguồn, người dân không có thói quen phân loại rác trong khi hoạt động tuyên truyền không thường xuyên và không có chế tài nào để gắn trách nhiệm của người dân vào việc này.

Động đất mạnh 6,2 độ Richter ngoài khơi Papua New Guinea

Theo TTXVN đưa tin, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) ngày 9/5 thông báo một trận động đất mạnh 6,2 độ Richter đã xảy ra ở khu vực cách thị trấn Rabaul, trên đảo New Britain thuộc Papua New Guinea, khoảng 97km về phía Nam.

Tuy nhiên, hiện chưa có báo cáo về thương vong hoặc thiệt hại do trận động đất gây ra.

Kon Tum: Trang trại dê sữa lớn nhất Việt Nam xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Theo MT&CS, trang trại nuôi dê (thuộc Công ty cổ phần dược liệu và thực phẩm Măng Đen, nằm tại thôn Kon Tu Răng, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) nằm trên một quả đồi, cách trung tâm huyện Kon Plông khoảng 5km, xung quanh là nương rẫy của người dân.

Qua ghi nhận thực tế cho thấy, khu vực chuồng trại, nước thải từ trang trại thứ 2 (tính từ cổng vào) chảy qua một ống thông ngầm dưới đường bê tông và chảy thẳng xuống núi, tràn ra nương rẫy, tuyệt nhiên không qua một phương pháp xử lí nào.

Hồ chứa nước xả thải bốc mùi hôi thối nồng nặc. Ảnh: MT&CS.

Sang trang trại thứ 3, hoạt động xả thải cũng diễn ra tương tự. Tất cả phân dê, nước thải từ trang trại chảy vào hai ống ngầm, đường kính khoảng 20cm, xuyên vào bể chứa và thông ra một con mương lộ thiên rồi chảy xuống đồi. Từ đây, nước thải chảy trực tiếp, tràn lan ra nương rẫy kèm mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, tạo điều kiện cho ruồi nhặng sinh sôi.

Một người dân sinh sống gần đó cho biết: “Rẫy nhà tôi gần trang trại, mùi hôi thối và ruồi nhặng gây ảnh hưởng nhiều lắm. Mỗi lần lên làm rẫy chỉ được một lúc là chịu không nổi. Nhà tôi ở trung tâm huyện, dù xa nơi đây nhưng từ khi có trại dê này ruồi ở đâu bay đến rất nhiều, đến nỗi ngồi ăn cũng phải mắc mùng, sợ lắm các chú ạ”.

Còn nhân viên quản lý kỹ thuật của trang trại cho biết: “Trang trại dê này thuộc quản lý của Công ty cổ phần dược liệu và thực phẩm Măng Đen. Trang trại bắt đầu hoạt động từ năm 2016, hiện có hơn 8.000 con dê thịt và dê sữa. Trước đây, chúng tôi cũng cố gắng xử lý ruồi nhặng bằng cách phun thuốc diệt côn trùng, nhưng kết quả vừa tốn kém, vừa không hiệu quả nên đang tạm dừng”.

Liên quan đến vụ việc, lãnh đạo UBND xã Măng Cành, cho biết: “Trang trại dê đóng trên địa bàn của xã được xây dựng từ năm 2015 nhưng đến năm 2016 mới đi vào hoạt động. Năm 2016, chúng tôi có 3 lần kiểm tra về vấn đề môi trường. Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi nhận thấy trang trại này xả thải gây ô nhiễm trầm trọng nhưng chỉ nhắc nhở chứ không lập biên bản. Thời gian tới chúng tôi sẽ làm việc với ban Giám đốc về vấn đề này”.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin môi trường ngày 9/5:Trang trại dê sữa lớn nhất VN gây ô nhiễm MT. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.