Thứ năm, 28/03/2024 16:51 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 10/9

MTĐT -  Thứ hai, 10/09/2018 10:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 10/9. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 10/9 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Vụ vỡ đập bãi thải ở Lào Cai: Dùng 500 tấn vôi để trung hòa axit

Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) vừa có báo cáo về vụ vỡ đập chứa bãi thải Gyps tại Công ty Cổ phần DAP số 2-Vinachem (Bảo Thắng, Lào Cai) hôm 7/9. Ước tính khoảng 40.000m3 nước róc từ bãi thải Gyps tràn ra ngoài (pH =2), chảy qua đường tỉnh lộ 151 về suối Mã Ngan. Dòng nước đã cuốn trôi một phần nhà và đồ dùng của hai hộ dân và ảnh hưởng đến khoảng 35 hộ dân nằm dọc hai bên đường tỉnh lộ 151.

Hiện trường hồ chứa chất thải phân bón độc hại của DAP số 2 - Vinachem bị vỡ ngày 7/9.

Theo đánh giá ban đầu, mức độ thiệt hại tài sản không lớn; Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã chủ trì cuộc họp và chỉ đạo công ty thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách, tối cùng ngày UBND tỉnh Lào Cai đã báo cáo Văn phòng Chính phủ và các cơ quan hữu quan.

Về công tác khắc phục, lực lượng ứng phó đã sử dụng khoảng 500 tấn vôi bột rắc tại nhiều điểm dọc các suối lân cận để trung hòa axit trong nước Gyps. Tại thời điểm 10h ngày 8/9, độ pH (do Sở TN&MT đo) đo được đã đảm bảo xấp xỉ bằng 7 (mức trung tính).

Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai với đại diện các Bộ Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và các đơn vị liên quan hôm 8/9, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Vinachem cho biết, Tập đoàn sẽ yêu cầu Công ty thực hiện đền bù cho 33 hộ dân bị ảnh hưởng bởi sự cố, đồng thời đưa ngay 10 hộ dân ở ven suối bị ảnh hưởng trực tiếp ra khỏi nơi nguy hiểm, những hộ còn lại sẽ giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.

Về lâu dài, Vinachem sẽ  làm việc với Bộ TN&MT và bộ, ngành liên quan về việc bổ sung Báo cáo Đánh giá tác động môi trường đối với khu vực bãi thải Gyps, trong đó có công trình hồ chứa nước róc với sức chứa khoảng 100.000m3.

Kinh hoàng kênh rác bủa vây cuộc sống người dân

Báo Thanh Niên đưa tin, sinh hoạt hằng ngày trên dòng kênh rác, mở cửa ra là thấy rác, mùi hôi thối bủa vây quanh năm... thật khó tin đây là cuộc sống thường nhật của nhiều người dân giữa lòng thành phố phát triển nhất nước.

Đủ mọi loại rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng, hộp xốp, xác động vật... nổi lềnh bềnh, bủa vây những ngôi nhà lụp xụp, tạm bợ hai bên bờ kênh

Rạch Bàu Trâu (đoạn từ kênh Tân Hóa đến kênh Tân Hiệp) là một chi lưu của kênh Tân Hóa - Lò Gốm, nằm giáp ranh giữa quận 6 và quận Tân Phú, đóng vai trò quan trọng cấp 1 trong hệ thống thoát nước chung, nhưng đã hơn 10 năm nằm trong danh sách những dòng kênh, rạch ô nhiễm nhất TP.HCM.

Dự án nạo vét cải tạo rạch Bàu Trâu được UBND thành phố giao cho Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố (Trung tâm chống ngập) làm chủ đầu tư từ năm 2008 nhưng vì nhiều lý do, sau 10 năm vẫn chỉ nằm trên giấy.
Nằm trong khu vực có nhiều xí nghiệp, cơ sở sản xuất, rạch Bàu Trâu nói riêng, kênh Tân Hóa - Lò Gốm nói chung còn hứng chịu một lượng lớn rác thải công nghiệp, nước thải sản xuất không được xử lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nước, môi trường, không khí cũng bị ô nhiễm nặng.

Xử lý nước thải đổ ra vịnh Hạ Long: Công nghệ Nhật vẫn chưa triệt để

VOV đưa tin, để giải quyết tình trạng ô nhiễm tại các hồ điều hòa, nơi nước thải chưa qua xử lý đổ thẳng ra vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã ứng dụng công nghệ của các chuyên gia Nhật Bản. Tuy nhiên, biện pháp này có thực sự giải quyết được tình trạng ô nhiễm nước hồ điều hòa?
Hơn nửa tháng qua, mỗi ngày, đội ngũ kỹ sư của Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt đều đặn vận hành máy móc, theo dõi quá trình làm sạch nước hồ Hùng Thắng - hồ điều hòa nằm trên địa phận các phường Bãi Cháy và phường Hùng Thắng, liền kề với vịnh Hạ Long.

Quảng Ninh thí điểm xử lý ô nhiễm môi trường nước hồ điều hòa tại hồ Hùng Thắng, TP Hạ Long.

Công nghệ được sử dụng là bột Bakture, một loại nguyên liệu tự nhiên có nguồn gốc từ đá núi lửa, có tác dụng thúc đẩy quá trình tự làm sạch trong môi trường nước bằng cách kích thích thủy sinh và các vi sinh vật có ích làm chất xúc tác, giúp tăng khả năng phân giải các chất bẩn, độc hại.
Công nghệ này đã được cấp bằng sáng chế tại Nhật Bản, được chứng nhận bởi các tổ chức quốc tế và đã được áp dụng tại 300 điểm ô nhiễm tại các nước Nhật Bản, Lào, Thái Lan. Tại Việt Nam, bột Bakture đã được thử nghiệm hiệu quả tại hồ Hạnh Phúc (thành phố Hải Phòng) từ năm 2017.
Trước đó, vào khoảng tháng 5/2018, hàng loạt hồ điều hòa ven vịnh Hạ Long xuất hiện tình trạng cá chết nổi trắng, gây ô nhiễm nặng nề. Theo kết quả khảo sát, nhiều thông số về nồng độ ôxy hòa tan, mật độ vi sinh vật, chất amoni chuyển hóa gây ô nhiễm môi trường đều cao hơn so với tiêu chuẩn. Đây là các chất có trong nước thải sinh hoạt không qua xử lý mà xả thẳng xuống hồ, sau đó liên thông chảy ra vịnh Hạ Long.

ĐBSCL lũ lên nhanh, Sài Gòn nguy cơ ngập

Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết: Hiện đang vào đợt triều cường đầu tháng 8 (âm lịch), mực nước ở vùng đầu nguồn sông Tiền, Hậu đang trên mức báo động BĐ 2. 

Do ảnh hưởng của triều cường và nước từ thượng nguồn đổ về nên mực nước vùng đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên nhanh trong những ngày tới.
Đến ngày 15.9, mực nước tại Tân Châu có thể lên mức 4,25 - 4,35 m (thấp hơn BĐ 3 15 - 25 cm), tại Châu Đốc lên mức 3,8 - 3,9 m (dưới BĐ 3 10 - 20 cm). Khu vực nội đồng vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên nước tiếp tục lên đến nửa cuối tháng 9, trong khoảng BĐ 2 - 3.
Tình hình thủy văn trên sông Mê Kông diễn biến phức tạp, mực nước trên thượng nguồn còn ở mức cao, đề phòng khả năng lũ ở ĐBSCL có khả năng lên cao khi xảy ra các hình thế thời tiết bất lợi trên khu vực.
Trong khi đó, tại TP.HCM mức độ rủi ro thiên tai do triều cường ở cấp độ 2. Mực nước tại các trạm đo vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai đang ở mức cao trên BĐ 1 và tiếp tục lên trong những ngày tới. Khả năng đạt mức cao nhất vượt BĐ 2 vào ngày 11 - 12.9. Khả năng gây ngập úng ở nhiều vùng trũng thấp.

Cảnh báo lũ quét, sạt lở từ Nghệ An tới Quảng Bình

Ngày 10/9, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình khả năng xuất hiện một đợt lũ nhỏ, có thể gây sạt lở...

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc nên ngày 9/9, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình tiếp tục có mưa vừa, có nơi mưa to và dông, lượng mưa phổ biến 30-50mm. Đến ngày 10/9, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình khả năng xuất hiện một đợt lũ nhỏ. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng vùng trũng thấp các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình.

Cảnh báo lũ quét, sạt lở từ Nghệ An tới Quảng Bình - Ảnh minh họa.

Trong khi đó, do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, mực nước sông Cửu Long tiếp tục lên sau đó biến đổi chậm. Đến ngày 15/9, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu lên mức 4,30m, dưới báo động 3 là 0,20m; tại Châu Đốc ở mức 3,80m, dưới báo động 3 là 0,20m; tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long xuống mức báo động 1. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp và mất an toàn đê bao tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là: Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An.

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 10/9. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

T.Anh (TH)

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới