Thứ sáu, 19/04/2024 01:50 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 3/12/2018

MTĐT -  Thứ hai, 03/12/2018 11:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 3/12/2018. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 3/12/2018.

Cá chết trắng mặt nước tại hồ điều hòa ở thành phố Vinh

Những ngày qua, tại hồ điều hòa thuộc 2 phường Cửa Nam và Đội Cung, TP Vinh (Nghệ An) xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, gây ô nhiễm môi trường, khiến cuộc sống của người dân xung quanh bị đảo lộn.

Sau khi xuất hiện tình trạng cá chết, người dân đã báo cáo sự việc lên chính quyền địa phương, song mấy ngày qua các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vẫn chưa có hướng xử lý kịp thời, làm tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn.

88 nguồn thải được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, tổng lưu lượng nước thải công nghiệp và đô thị trên địa bàn tỉnh này là khoảng 470.000m3/ngày, trong đó nước thải công nghiệp khoảng 170.000m3/ngày, nước thải đô thị khoảng 300.000m3/ngày. Để đảm bảo vệ sinh môi trường, các nguồn nước thải trên đã được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động.

Với lưu lượng trên, việc quản lý chất lượng nước thải của các nguồn thải công nghiệp và đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương là một trong những nhiệm vụ khó khăn và phức tạp. Để xử lý nguồn nước thải trên địa bàn hiệu quả, các ngành chức năng của tỉnh Bình Dương đã đưa ra biện pháp cụ thể.

Theo đó, để kiểm soát các nguồn thải công nghiệp một cách có hệ thống, từ năm 2011, tỉnh Bình Dương đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động giai đoạn 1, đồng thời xây dựng Trạm điều hành trung tâm đặt tại Sở Tài nguyên và Môi trường với tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng. Việc đưa hệ thống quan trắc tự động giai đoạn 1 đi vào hoạt động đã giúp Bình Dương giám sát được tình hình vận hành hệ thống xử lý nước thải của 21 chủ nguồn thải, kiểm soát liên tục chất lượng nước thải của 6 khu công nghiệp với lưu lượng hơn 30.000m3/ngày, chiếm gần 25% tổng lượng nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2012 đến 2015, tỉnh Bình Dương đã tiếp tục đầu tư 38 tỷ đồng lắp đặt 3 trạm quan trắc nước mặt và 3 trạm quan trắc nước dưới đất tự động; lắp đặt hệ thống camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động cho 31 nguồn thải là các khu, cụm công nghiệp mới, các nguồn thải có lưu lượng 1.000m3/ngày trở lên, các nguồn thải đặc thù như thuộc ngành nghề ô nhiễm cao, thường xuyên bị khiếu nại về môi trường. Các nguồn thải này cũng đã tự đầu tư hệ thống quan trắc nước thải tự động theo quy định, hướng dẫn của tỉnh và kết nối về Sở Tài nguyên và Môi trường.

Đến nay, toàn tỉnh Bình Dương đã có 88 nguồn thải đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, hệ thống camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động; có 5 doanh nghiệp đã lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động. Hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động cùng hệ thống camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động đã hỗ trợ rất nhiều cho công tác kiểm soát ô nhiễm nói riêng và công tác quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh.

Hà Nội: Chất lượng không khí tiếp tục giảm

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), tuần qua (từ ngày 25/11 đến 1/12) có chất lượng không khí kém nhất trong các tuần gần đây khi chỉ số chất lượng không khí (AQI) dao động trong khoảng 59-178.

Từ bảng số liệu quan trắc do Chi Cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) công bố cho thấy chỉ số chất lượng không khí (AQI) trong tuần qua ở mức khá cao, biên độ dao động lớn trong khoảng 59 – 178. Trong đó, các trạm nền đô thị AQI dao động trong khoảng 59 – 97, các trạm quan trắc giao thông AQI dao động trong khoảng 62 – 178.

Cụ thể, tại các điểm quan trắc không khí nền đô thị như Trung Yên 3, Kim Liên, Mỹ Đình, Tân Mai và Tây Mỗ, trong tuần qua 100% số ngày AQI đạt mức trung bình. So với tuần trước đó, CLKK tại các trạm nền đô thị vẫn duy trì chủ yếu ở mức trung bình, tuy nhiên, AQI lại tăng khá cao.

Có diễn biến tương tự, tại 2 điểm quan trắc CLKK giao thông tại UBND phường Minh Khai và Phạm Văn Đồng, 2 khu vực chịu nhiều tác động từ các phương tiện giao thông, trong tuần này 100% số ngày AQI ở kém, AQI luôn duy trì ở mức khá cao, dao động trong khoảng từ 108 – 178. AQIcao nhất tại 2 trạm này lần lượt là 178 và 156.

Tương tự với diễn biến các trạm trên, tại các điểm quan trắc giao thông nội đô như Hoàn Kiếm, Hàng Đậu và Thành Công trong tuần qua CLKK cũng có sự biến động. Cụ thể, tại trạm Hàng Đậu 100% số ngày AQI chạm ngưỡng kém, trạm Thành Công 85.7% số ngày AQI chạm ngưỡng kém, chỉ có duy nhất 1 ngày (ngày 28/11) AQI tại trạm Thành Công ở mức trung bình chiếm 14.3%, và trạm Hoàn Kiếm trong tuần qua 100% số ngày AQI ở mức trung bình.

Có thể thấy, diễn biến thời tiết trong tuần qua tương tự với thời tiết cuối tuần trước đó, gió mùa ảnh hưởng trực tiếp, nhiệt độ thấp, thời tiết giá lạnh, hanh khô, không có mưa, độ ẩm thấp, đồng thời chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn đã làm cho các khí thải khói bụi có trong không khí không phát tán được lên cao để pha loãng và phát thải mà bị giữ lại tại bề mặt đô thị, khiến nồng độ các chất thải ở mức khá cao kéo theo chỉ số chất lượng không khí cũng tăng cao, CLKK giảm xuống. Mặc dù, sáng ngày 1/12 trời có mưa nhưng CLKK cũng chưa được cải thiện.

Theo bảng quy đổi giá trị chỉ số chất lượng không khí, nếu chất lượng không khí ở mức tốt sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe; mức trung bình khuyến cáo nhóm nhạy cảm (trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp) nên hạn chế thời gian ở ngoài; mức kém, nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian ở ngoài…

Gian nan khôi phục vùng nho Ninh Thuận sau lũ

Tại tỉnh Ninh Thuận, sau trận lũ vừa qua, nông dân bị mất trắng vụ nho Tết, thậm chí có hộ đứng trước nguy cơ phải phá bỏ vườn nho nếu ngập lâu ngày trong nước lũ.

Trong vụ nho này, ông Nguyễn Lạc (xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) đầu tư gần 50 triệu đồng vào vườn nho rộng hơn 2 sào. Sau 3 tháng chăm bẵm từng gốc nho, đến lúc này tưởng như tiền đến tay, ông lại bị mất trắng. Thông thường vào thời gian này, các nhà vườn dồn sức đầu tư cho vụ nho Tết, nhưng hiện bước đầu thiệt hại do mưa lũ đối với loại quả này ước tính có thể lên đến có số cả trăm tỉ đồng.

Vùng nho Ninh Thuận có 1.200 ha, theo thống kê chưa đầy đủ có hơn 600 ha nho bị thiệt hại nặng trong đợt lũ vừa qua. Đến lúc này, nhiều vườn nho vẫn còn bị ngập nước, có nơi bị mất trắng vụ nho, có hộ nông dân đứng trước nguy cơ phải phá bỏ vườn.

Nhiều biện pháp đã được những nhà vườn trồng nho ráo riết thực hiện, nhưng hy vọng cứu lấy vườn nho là rất mong manh. Tuy nhiên, nếu phá bỏ để trồng lại từ đầu, nông dân càng thêm tốn kém. Chưa bao giờ người trồng nho ở tỉnh Ninh Thuận lại rơi vào tình cảnh đầy khó khăn như lúc này.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 3/12/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.