Thứ bảy, 20/04/2024 03:37 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 4/11/2018

MTĐT -  Chủ nhật, 04/11/2018 08:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 4/11/2018. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 4/11/2018.

3 khu vực giao thông Minh Khai, Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu có AQI kém nhất ngày

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nhìn chung, chất lượng không khí trong ngày tại 10 trạm quan trắc trên địa bàn Thủ đô từ 15h ngày 2/11 đến 14h ngày 3/11 ở mức trung bình, một số điểm quan trắc giao thông có chất lượng không khí ở mức kém như Minh Khai, Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu.

Cụ thể, chỉ số chất lượng không khí ngày (24 giờ gần nhất) tại 10 trạm quan trắc: Trung Yên 3: 88 (Trung bình); Minh Khai – Bắc Từ Liêm: 159 (Kém); Hoàn Kiếm: 82 (Trung bình); Hàng Đậu: 124 (Kém); Kim Liên: 83 (Trung bình); Thành Công: 100 (Trung bình); Tân Mai: 73 (Trung bình); Mỹ Đình: 90 (Trung bình); Phạm Văn Đồng: 132 (Kém); Tây Mỗ: 78 (Trung bình).

AQI tại 10 trạm quan trắc trên địa bàn Thủ đô từ 15h ngày 2/11 đến 14h ngày 3/11 dao động từ 73 – 159. Trong đó, 3 trạm quan trắc giao thông là Minh Khai, Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu có chất lượng không khí kém nhất, AQI tại các trạm lần lượt là 159, 132, 124, AQI tại Thành Công cũng đã chạm ngưỡng kém. Tại các trạm quan trắc chất lượng không khí nền đô thị, AQI ở mức trung bình, dao động từ 73 – 90.

Chất lượng không khí tại các trạm quan trắc giao thông ngày càng xấu đi, nguyên nhân là do thời tiết tại Hà Nội 24h qua không có mưa, nhiều mây nên đã hạn chế việc khuếch tán các khí thải, khói, bụi lên tầng khí quyển cao hơn, đồng thời các luồng bụi bẩn trôi nổi trong không khí cũng gần như không được làm sạch. Ngoài ra, mật độ phương tiện lưu thông tại các trạm quan trắc giao thông không giảm nên khiến cho chất lượng không khí các khu vực này không được cải thiện.

Bảo đảm an toàn hồ, đập thủy điện mùa mưa bão

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có 55 dự án thủy điện trong quy hoạch, trong đó có 35 thủy điện đang vận hành với tổng công suất 286,95 MW và 20 thủy điện đang đầu tư xây dựng hoặc chờ chủ trương đầu tư. Tuy là những thủy điện có quy mô vừa và nhỏ, nhưng với tình hình thời tiết cực đoan, thất thường và lượng mưa kéo dài như thời gian qua, vấn đề bảo đảm an toàn cho các hồ, đập thủy điện cũng như ổn định đời sống người dân ở vùng hạ du luôn cần được quan tâm đúng mức.

Công ty Thủy điện Ia Ly được giao nhiệm vụ quản lý vận hành ba nhà máy thủy điện lớn nhất khu vực Tây Nguyên gồm: Thủy điện Ia Ly, công suất 720 MW (TP Plây Cu, Gia Lai), Thủy điện Sê San 3, công suất 260 MW (huyện Ia Grai, Gia Lai) và Thủy điện Pleikrông, công suất 100 MW (Kon Tum).

Xác định mùa mưa năm nay có sự biến đổi bất thường và liên tục, với lượng nước hiện tại về hồ chứa gần 700 m3/s, để chủ động ứng phó thiên tai, đơn vị đã triển khai đầy đủ, chặt chẽ các phương án phòng, chống và tìm kiếm cứu nạn với phương châm "bốn tại chỗ". Vào thời điểm mưa liên tục, Nhà máy Thủy điện Ia Ly bảo đảm giữ mức xả nước điều tiết hồ chứa với lưu lượng 320 m3/s không vượt quá cao trình 511,2 m so với mực nước biển.

Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Ia Ly Ðinh Viết Thiện cho biết: Công ty đã chuẩn bị tất cả các hạng mục phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn theo kế hoạch ngay từ đầu năm, đến ngày 30-6 đã hoàn tất. Hiện đơn vị bố trí lực lượng ứng trực tại các vị trí, nhất là hai hồ lớn công ty đang quản lý gồm hồ thủy điện Pleikrông và hồ thủy điện Ia Ly. Mùa mưa năm nay, lượng nước về hồ cao hơn khá nhiều so với trung bình các năm. Do đó, cách đây ba tuần, công ty đã triển khai việc điều tiết nước qua tràn. Hiện tổng lưu lượng nước chảy xuống hạ du vào khoảng hơn 500 m3/s, bảo đảm tình huống ổn định theo đúng quy trình.

Cơ sở giết mổ lợn lậu bị xử phạt 7 lần vẫn tái phạm

Đội kiểm tra liên ngành huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai vừa bắt quả tang một cơ sở giết mổ lợn tại xã Gia Kiệm hoạt động không phép với quy mô lớn.

Cơ sở này do ông Trần Thanh Hoàng làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở có 5 nhân công đang tiến hành giết mổ 11 con lợn thịt (trọng lượng gần 100 kg/con) trên nền nhà dơ bẩn, không đảm bảo vệ sinh. Làm việc với lực lượng chức năng, chủ cơ sở không cung cấp được giấy phép giết mổ do cơ quan chức năng cấp.

Theo một thành viên của Đoàn liên ngành, ông Hoàng đã bị cơ quan chức năng 7 lần xử phạt hành chính với số tiền hàng chục triệu đồng. Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, ông Hoàng đã nhiều lần thay đổi địa điểm giết mổ.

Thành phố Tuy Hòa: Triều cường, sóng lớn uy hiếp khu dân cư

Liên tiếp hai ngày đêm từ 1 đến 2/11, triều cường mạnh tiếp tục xuất hiện, uy hiếp nhà dân khu phố Bạch Đằng, phường 6, TP Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên. Đây là lần thứ 2 trong vòng 1 tháng triều cường xuất hiện uy hiếp khu vực này.

Theo đó, sóng biển đã khoét sâu vào bờ, phá huỷ một phần kè đá trước đó khiến hàng chục ngôi nhà nằm sát mép sóng bị uy hiếp, 1 nhà dân bị sóng đánh sập hoàn toàn. Nếu sóng biển cứ tiếp tục với cường độ sóng mạnh như hiện nay thì toàn bộ nhà dân dọc biển, miếu thờ của ngư dân phường 6 và cả trạm hải đăng cũng sẽ khó bảo đảm được an toàn trong mùa mưa bão năm nay.

Trước tình hình trên, hiện nay các hộ đang nằm trong khu vực triều cường của địa phương cần cảnh giác cao độ, tự bảo vệ bản thân mình trước tiên. Đồng thời chính quyền địa phương sẽ trực tiếp hỗ trợ cùng với bà con tổ chức di dời, tránh khỏi các đợt triều cường.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 4/11/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...