Thứ sáu, 29/03/2024 02:11 (GMT+7)

Tin tức môi trường mới nhất hôm nay ngày 29/7

MTĐT -  Chủ nhật, 29/07/2018 09:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ấn Độ phát triển thiết bị cảnh báo lũ bất ngờ cho châu Á; Phù Cát (Bình Định): Chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường, dân bức xúc… là một số tin tức môi trường mới nhất hôm nay ngày 29/7.

Ấn Độ phát triển thiết bị cảnh báo lũ bất ngờ cho châu Á

Nhật báo The Hindu ngày 28/7 đưa tin, Bí thư Bộ Khoa học Trái Đất Ấn Độ Madhavan Rajeevan cho biết, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã giao cho Ấn Độ nhiệm vụ phát triển một thiết bị tùy biến, có khả năng phát cảnh báo sớm về lũ cho các quốc gia Châu Á, trong đó có Việt Nam, Sri Lanka, Myanmar và Thái Lan.

Ông Rajeevan cho hay, Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) sẽ tiến hành phát triển một thiết bị dự báo thời tiết, ban đầu được Mỹ phát triển và tặng cho Tổ chức Khí tượng Thế giới, để cảnh báo về những trận lũ bất ngờ trước ít nhất 6 giờ đồng hồ. Theo ông, bản thử nghiệm của thiết bị này hiện đang được Cục Khí tượng Ấn Độ tiến hành kiểm tra. Thiết bị này mang tên “Hệ thống cảnh báo lũ lụt bất ngờ”, là sự kết hợp của bản đồ vệ tinh và quan sát trên mặt đất.

Phù Cát (Bình Định): Chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường, dân bức xúc

Thời gian gần đây, hàng chục hộ dân ở xóm Đông, thôn Kiều Huyên, xã Cát Tân (huyện Phù Cát, Bình Định) phải sống chung với mùi hôi thối, nước thải bẩn thỉu phát sinh từ trang trại chăn nuôi heo của ông Đoàn Lương (ngụ cùng địa phương). Mặc dù người dân bức xúc, nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương can thiệp nhưng chưa được giải quyết.

Theo báo TN&MT, ông Đoàn Lương xây dựng trại chăn nuôi heo trong khu dân cư đã hơn 3 năm nay với số lượng mỗi đợt nuôi lên tới hàng chục con. Thế nhưng, chuồng trại phục vụ cho công việc chăn nuôi rất sơ sài; đặc biệt không hề có hệ thống xử lý nước thải. Do vậy, toàn bộ chất thải từ phân heo, thức ăn dư thừa… đều xả trực tiếp ra môi trường, phát sinh mùi hôi thối, gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân trong vùng.

Trao đổi với ông Trần Công Tòng, Chủ tịch UBND xã Cát Tân (Phù Cát hứa sẽ cho cán bộ phụ trách tổ chức kiểm tra để có hướng xử lý. “Trước mắt, tôi sẽ chỉ đạo bộ phận xuống hiện trường kiểm tra. Qua kiểm tra nếu có ô nhiễm, cán bộ phụ trách sẽ lập biên bản xử lý. Tùy vào tính chất, xã sẽ có hướng xử lý, hoặc kiến nghị phòng TN-MT về kiểm tra nếu vượt quá thẩm quyền của địa phương”, ông Tòng nói.

Indonesia vừa hứng chịu trận động đất mạnh 6,4 độ Richter

Theo Tân hoa xã, Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS) ngày 28/7 thông báo, một trận động đất mạnh 6,4 độ Richter đã xảy ra ở vị trí cách khu vực Lelongken, tỉnh Tây Nusa Tenggara của Indonesia khoảng 1km.

Trận động đất với chấn tiêu ở độ sâu 7,49km, ban đầu được xác định ở vị trí 8,332 độ vĩ Nam và 116,4886 độ kinh Đông.

Ba Vì: Chủ động ứng phó thiên tai

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Ba Vì, những năm gần đây, trên địa bàn huyện liên tục xuất hiện 7 loại hình thiên tai lớn: Bão, ngập úng, dông lốc, rét hại và băng tuyết, lũ trên các triền suối, hạn hán và cháy rừng. Trong đó, loại hình thiên tai ngập úng thường xuất hiện sau các trận mưa lớn dày hơn và gây thiệt hại ngày càng nặng nề cho nhân dân trên địa bàn huyện.

Những ngày vừa qua, trên địa bàn huyện Ba Vì đã xảy ra mưa lớn, tại trạm đo Suối Hai 189mm, Sơn Đà 178mm, Trung Hà 129mm, Thái Hòa 110mm... Mưa lớn gây úng ngập hơn 905ha lúa, 114ha rau màu, 51ha nuôi trồng thủy sản, thiệt hại 12 tấn cá của 31 lồng bè nuôi trồng thủy sản. Các xã bị thiệt hại nặng nhất: Minh Quang, Khánh Thượng, Phú Sơn, Tòng Bạt, Tây Đằng, Cổ Đô... Sau gần 10 ngày huy động toàn bộ trạm bơm tiêu úng, đến nay, một số diện tích sản xuất nông nghiệp vẫn bị ngập cục bộ...

Để giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, ông Nguyễn Đình Dần, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Ba Vì cho biết, đã yêu cầu các xã, thị trấn, trước mắt, tập trung công tác khắc phục hậu quả trận mưa vừa xảy ra trên địa bàn: Triển khai ngay phương án bơm tiêu cứu diện tích lúa, hoa màu bị úng ngập; đồng thời, cắm biển chỉ dẫn, cảnh báo nguy hiểm cho nhân dân tại những khu vực có nguy cơ ngập sâu, sạt lở đất tại các xã: Minh Châu, Phú Cường, Thuần Mỹ, Sơn Đà, Cổ Đô, Đông Quang...

Cà Mau: Không để ứ đọng rác thải khi Nhà máy xử lý rác tạm nghỉ để bảo trì

Chiều 28/7, đại diện Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh đã cho phép Công ty TNHH Xây dựng, Thương mại và Du lịch Công Lý (chủ đầu tư) tạm ngừng hoạt động Nhà máy xử lý rác TP Cà Mau trong 3 tháng, kể từ ngày 27/7 - 27/10 để bảo trì, sửa chữa thiết bị.

Tại Công văn số 5733/UBND-XD ngày 28/7/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Nhà máy xử lý rác TP Cà Mau đã được đầu tư và đưa vào hoạt động từ tháng 5/2012, với công suất thiết kế 200 tấn rác/ngày, sản phẩm chính của nhà máy là phân compost, tỷ lệ chôn lấp 8,24%. Trong quá trình vận hành, nhà máy đã có một lần tạm ngừng hoạt động để bảo trì, sửa chữa thiết bị vào thời điểm năm 2015.

Qua kiểm tra thực tế của cơ quan chức năng cho thấy, các thiết bị hư hỏng trong tình trạng không vận hành, lò đốt rác bị gãy ống khói và tại khu vực nhà máy phát tán mùi hôi nên đề nghị cho nhà máy tạm ngừng hoạt động trong 3 tháng để bảo trì, bảo dưỡng.

Đồng thời yêu cầu chủ đầu đầu tư phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, chính quyền địa phương có biện pháp đảm bảo vệ sinh, môi trường trong các khu vực tạm trữ rác; tích cực có giải pháp phù hợp, nhất là đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc bảo trì, sửa chữa thiết bị đảm bảo hoàn thành trước thời hạn 3 tháng.

Đặc biệt, trong thời gian Nhà máy xử lý rác TP Cà Mau tạm ngừng hoạt động, UBND tỉnh giao Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Cà Mau tập kết, xử lý tạm phần rác của TP Cà Mau trên phần đất đã giao cho UBND TP Cà Mau quản lý.

Tỉnh cũng đã có chủ trương thống nhất đầu tư diện tích sân khoảng 200m2 để làm địa điểm tập kết rác, đào 2 hố chôn lấp hợp vệ sinh, với diện tích 2.500m2/hố. Theo đó, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Cà Mau được giao tính toán các khoản kinh phí thực hiện và báo cáo UBND tỉnh chậm nhất ngày 1/8/2018.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường mới nhất hôm nay ngày 29/7. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.