Thứ sáu, 29/03/2024 19:20 (GMT+7)

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 18/10/2018

MTĐT -  Thứ năm, 18/10/2018 10:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 18/10/2018. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 18/10/2018.

Nhiều giải pháp để xử lý môi trường tại các làng nghề Hải Phòng

TP Hải Phòng hiện có 39 làng nghề với nhiều loại hình ngành nghề như: mây, tre, gỗ, cơ khí, tái chế phế liệu, chế biến các sản phẩm nông – lâm - thủy sản, dịch vụ vận tải, chế biến vật liệu xây dựng… Trong số đó, 18 làng nghề được công nhận và 21 làng nghề chưa được công nhận.

Các làng nghề nằm xen kẽ trong các khu dân cư, công nghệ sản xuất lạc hậu, thiết bị cũ kỹ, trình độ lao động thấp. Phần lớn các làng nghề chưa xây dựng, lắp đặt hệ thống công trình kỹ thuật, thiết bị xử lý chất thải, giảm thiểu sự phát thải môi trường. Tình trạng làng nghề ô nhiễm môi trường đã, đang ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân.

Trong đó, hai làng nghề gồm: đúc, cơ khí Mỹ Đồng (xã Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên) và tái chế phế liệu Tràng Minh (phường Tràng Minh, quận Kiến An) gây ô nhiễm môi trường cao, nằm trong danh sách những làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng phải thực hiện khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.

Để bảo vệ môi trường tại các khu dân cư, địa phương, UBND TP Hải Phòng không cho phép thành lập mới các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao tại các làng nghề. Đồng thời hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với cơ sở, hộ sản xuất tại các làng nghề.

Ô nhiễm rác chợ ven sông

Chợ Ba Thá thuộc xã Viên An, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội nằm giáp ranh với huyện Mỹ Đức và Chương Mỹ (Hà Nội) và là nơi giao thương của 3 huyện nêu trên. Chợ được xây dựng dọc theo triền sông Đáy, được ngăn cách với sông bằng một bức tường thấp, chạy dài.

Từ bao đời nay chợ Ba Thá chỉ họp 12 phiên/tháng và phiên chợ nào cũng tấp nập kẻ bán, người mua. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở chợ Ba Thá hiện nay là vệ sinh môi trường. Cứ sau mỗi phiên chợ, phía sau bức tường, rác thải lại dày thêm và bốc mùi xú uế. Mấy bụi tre trông cũng thật thảm thương vì bị mắc các túi nilon do một số người thiếu ý thức tiện tay quăng rác.

Một số hộ dân ở đây cho biết thêm, hồi tháng 8 vừa qua, lũ lớn đã cuốn trôi phần lớn rác thải, nếu không rác ở đây còn nhiều hơn nữa. Người dân địa phương đề nghị chính quyền, ban quản lý chợ có biện pháp yêu cầu các tiểu thương chấp hành nghiêm quy định về vệ sinh môi trường và triển khai lực lượng dọn dẹp bãi rác này.

Hà Nội: 50% chỉ số đo chất lượng không khí đạt mức tốt trong ngày

Chiều 17/10, Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) công bố chỉ số AQI trong ngày trên địa bàn Thủ đô. Đáng chú ý, 5/10 có chất lượng không khí tốt.

Chỉ số chất lượng không khí ngày (24 giờ gần nhất) tại 10 trạm quan trắc tại Hà Nội (số liệu được cập nhật vào lúc 14h00 ngày 17/10/2018): Trung Yên 3: 51 (Trung bình); Minh Khai - Bắc Từ Liêm: 57 (Trung bình); Hoàn Kiếm: 46 (Tốt); Hàng Đậu: 59 (Trung bình); Kim Liên: 46 (Tốt); Thành Công: 48 (Tốt); Tân Mai: 38 (Tốt); Mỹ Đình: 36 (Tốt); Phạm Văn Đồng: 61 (Trung bình); Tây Mỗ: 54 (Trung bình).

Nhìn chung, chất lượng không khí trong ngày tại các điểm quan trắc tại Hà Nội ở mức trung bình, một số điểm quan trắc khu vực dân cư ở mức tốt.

Mỹ: 27 người thiệt mạng, hàng chục người mất tích do bão Michael

Ngày 16/10, cảnh sát bang Florida, Mỹ, thông báo số người thiệt mạng do bão Michael đã tăng lên ít nhất 27 người, trong khi hàng chục người vẫn đang mất tích.

Cảnh sát địa phương đã tìm thấy thêm 12 thi thể nạn nhân sau khi hoàn thành 99% chiến dịch tìm kiếm khẩn cấp đầu tiên trên toàn địa phận hạt Bay.

Tuy nguyên nhân chính xác không được tiết lộ, nhưng các trường hợp thiệt mạng đều liên quan tới cơn bão cấp 4 Michael.

Hạt Bay là một trong những khu vực chịu tác động nghiêm trọng nhất khi bão Michael quét qua khu vực Panhandle, Tây Bắc Florida, hôm 10/10 vừa qua.

ĐBSCL đương đầu với kỳ triều cường lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây

Hiện các tỉnh ĐBSCL đang phải đương đầu với kỳ triều cường được cho là lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Tình trạng này sẽ tái diễn và người dân ĐBSCL còn phải sống chung với triều cường trong thời gian tới. Một trong những nguyên nhân hàng đầu được các nhà khoa học nhắc đến chính là ĐBSCL đang bị sụt lún. Quá trình sụt lún chủ yếu xuất phát từ hoạt động khai thác nước ngầm của người dân.

Từ vài trăm nghìn m3/ngày đêm vào năm 1991, đến nay việc khai thác nước ngầm ở ĐBSCL đã tăng đến gần 2,5 triệu m3, khiến quá trình sụt lún càng thêm nghiêm trọng. Nghiên cứu được công bố vào tháng 6/2017 của các nhà khoa học Hà Lan cho thấy, trong 25 năm từ năm 1991 - 2016, đồng bằng đã lún tích lũy 18cm, có những điểm nóng trên 30cm.

Ngoài nguyên nhân chính trên còn có những nguyên nhân khác như: độ lún tự nhiên của cả đồng bằng với mức 3 mm/năm, thiếu phù sa bồi đắp hay do sự phát triển của đô thị với nhiều công trình lớn khiến cả khu vực càng bị sụt lún.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 18/10/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới